Họa sĩ Phạm Văn Tư: Ẩn mình trong sáng tạo

Thứ Tư, 17/10/2012, 13:15
Tôi có chút ngạc nhiên khi biết anh làm việc tại Phòng Tuyên huấn của Trường Đại học Y Hà Nội. Tôi tự hỏi, liệu một họa sĩ, anh sẽ làm gì tại một môi trường giáo dục chuyên sâu về tìm bệnh, trị bệnh? Và sinh viên của anh, những vị bác sĩ tương lai, chỉ được học những nguyên tắc bất di bất dịch trong chữa bệnh cứu người, chứ không được phép mộng mơ theo gió theo mây hay lãng đãng ru hồn theo những đường nét, màu sắc của hội họa.

Vậy mà trong hơn 30 năm ấy, người nghệ sĩ với những đam mê thực sự đã ẩn giấu tâm hồn đa cảm trong dáng hình một công chức mẫn cán sớm tối đi về, nhưng chỉ ở đó, anh mới được thỏa sức sáng tạo và anh đã gặt hái được những thành công trên con đường mỹ thuật mà anh đã nguyện một đời chuyên tâm theo đuổi.

Họa sĩ Phạm Văn Tư ngồi lặng lẽ một góc căn phòng trên tầng 4 của tòa nhà rộng lớn của Trường Đại học Y Hà Nội, lẫn vào những đồng nghiệp đang bận rộn với nhiều công việc khác nhau. Nghiêm ngắn, chỉnh tề trong trang phục của một nhà sư phạm, không tóc dài, râu dài, không bề bộn màu vẽ bút lông với cái tôi đầy khoa trương như cách mà một số họa sĩ đương đại vẫn tự khoác lên mình, họa sĩ Phạm Văn Tư có vẻ ngần ngại khi nói về những thành quả lao động nghệ thuật trong hơn ba mươi năm qua với những thăng trầm biến cố của đời sống nghệ sĩ. Anh kể lại câu chuyện đời mình bằng cách lặng lẽ cho tôi xem hàng trăm bức vẽ nhiều loại hình mỹ thuật, đã được anh mã hóa trong mấy cái foder trên máy tính, như một cuốn phim quay chậm về chặng đường anh đã đam mê.

Thuở còn trẻ thơ cắp sách đến trường, cậu bé Phạm Văn Tư ở làng quê Kim Bảng, Hà Nam là người thích xem các bộ phim đen trắng nổi tiếng của Nga thời ấy như Trẻ mãi không già, Rustxlan và Lútmila có con quỷ Chéclơmo… Không chỉ xem cậu bắt đầu tập vẽ lại phim theo trí nhớ bằng bút chì, bằng than, bằng phấn và được nhiều bạn bè cổ vũ. Có lúc hứng chí, Tư vẽ phỏng theo nguyên cả cuốn truyện tranh về Tam Quốc diễn nghĩaTây Du ký. Như một mối duyên kỳ lạ, năm Phạm Văn Tư học cấp III thì có đợt thi tuyển  sinh vào Trường Mỹ thuật công nghiệp. Anh đã mạnh dạn làm đơn xin thi vào trường mặc dù anh cũng có chút mặc cảm, tự ti vì không được ôn luyện như các bạn ở thành phố.

Năm 1976, anh nhận được giấy báo đỗ vào trường hệ 4 năm Trung cấp khóa 16 (Lớp Điêu khắc - Khoa Nội ngoại thất) của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội).

Thời gian học tại trường đã mở ra cho cậu sinh viên Phạm Văn Tư một chân trời mới về mỹ thuật. Tuy học về Điêu khắc, làm quen chính với bố cục, hình khối trên đất sét thạch cao, đá… nhưng anh lại say mê môn đồ họa và cùng các bạn trong trường hưởng ứng tham gia vẽ các đợt sáng tác tranh với chủ đề bảo vệ tổ quốc hay tham gia các đợt triển lãm tranh cổ động toàn quốc. Ngành đồ họa, một ngành còn khá xa lạ với nhiều công chúng đương thời đã bén duyên với anh từ đó.

Anh kể lại: “Nhà tôi có 5 anh em, tôi là con út. Mẹ mất từ năm 1974, đến khi vào học tập tại trường được 2 năm thì bố tôi cũng qua đời. Hai người anh trai của tôi là liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thống nhất đất nước. Thời đó là còn bao cấp nên chúng tôi đi học không phải đóng học phí, hàng tháng còn được chu cấp gạo, tem phiếu thực phẩm theo chế độ mà Đảng, Nhà nước dành cho học sinh, sinh viên. Bản thân tôi, vào trường đã phải tự lập cuộc sống dù mọi thứ đều xa lạ đối với một cậu bé mới từ quê ra.

Để có tiền trang trải cuộc sống, mua dụng cụ học tập, tôi phải tự vẽ lấy tiền nhuận bút. Vất vả nhưng rất vui, làm việc với một niềm đam mê rất lớn. Đó cũng chính là tiền đề để sau này, khi tốt nghiệp ra trường, năm 1980, tôi có một tấm bằng tốt để được nhận về Trường Đại học Y Hà Nội làm công việc liên quan đến chuyên ngành của mình. Hồi đó, cũng có người hỏi, tại sao tôi không xin về ở một môi trường chuyên sâu về mỹ thuật để được thỏa sức tung hoành, nhưng tôi có quan niệm khác, muốn vẽ thì ở đâu cũng có thể vẽ được, cái quan trọng nhất là ở quyết tâm của chính mình”.

Nhưng, đó cũng chính là may mắn của họa sĩ Phạm Văn Tư. Ở trường, anh có nhiều thời gian, lại tiếp xúc hàng ngày với những trò “quỷ ma” mà đám học trò thông minh bày ra, anh bắt đầu vẽ tranh biếm họa phục vụ các đối tượng sinh viên. Mỗi ngày, anh có một bức tranh biếm họa mới dán ở bảng tin của nhà trường.

Bằng chiếc bút lông cũ đã mòn cùng thời gian và mực tàu đen nhánh, những bức tranh phê bình nhẹ nhàng những thói hư tật xấu còn tồn tại trong sinh hoạt cũng như học tập, đạo đức, lối sống, tác phong của sinh viên đã ra đời gây tiếng vang trong giáo dục sinh viên toàn trường thời bấy giờ. Nhiều lúc, anh đứng ở cửa sổ phòng làm việc nhìn ra, thấy từng tốp học sinh chen chân xem tranh, bình luận, rồi hả hê cười sảng khoái, Phạm Văn Tư chợt nghĩ, khán giả của anh là đây chứ đâu. Họ thích thú, có nghĩa là tác phẩm của anh đã thành công. Và không có lý do gì anh không vẽ rộng ra những đề tài biếm họa xã hội. Ở nước ngoài, các họa sĩ biếm họa hoàn toàn sống được bằng nghề, thậm chí, một tác phẩm tốt, mang tính xã hội cao còn có tác dụng cải biến đời sống. Anh có một tư duy tốt, một sự liên tưởng thông minh, có nghĩa là anh sẽ có được những ý tưởng cho các đề tài tranh biếm họa mà ở thời điểm ấy, không nhiều họa sĩ chuyên tâm nghĩ tới.

Cùng với suy nghĩ này, là cơ duyên gặp lại người bạn họa sĩ Trọng Thanh đang công tác tại Báo Nhân Dân, vậy là bức tranh biếm họa Quẻ Bói đầu năm của anh ra đời đã in ngay trên số báo đặc biệt đầu xuân của báo. Trong tranh là hình ảnh một ông thầy bói đang gieo quẻ bói đầu năm thì có cán bộ văn hoá đang chỉ ra dòng chữ bài trừ mê tín dị đoan. Bức tranh đầu tay còn đơn giản, song nó đã mở ra họa sĩ Phạm Văn Tư một hướng đi mới cho những tác phẩm biếm họa hài hước không lời của anh sau này.

Những năm 80, nhiều người bạn cùng thời của họa sĩ Phạm Văn Tư theo đuổi dòng tranh nghệ thuật vất vả với mưu sinh vì trong sự nghèo khó chung của xã hội, người ta chỉ nghĩ đến miếng cơm manh áo, thưởng thức tranh nghệ thuật là một điều xa xỉ, thì Phạm Văn Tư thời ấy, sống đàng hoàng được bằng nghề vẽ tranh cổ động. Anh tham gia nhiều cuộc thi lớn nhỏ trong nước và quốc tế và đã đoạt nhiều giải thưởng cao như: Giải Nhì cuộc thi tranh cổ động chính trị quốc tế vì hòa bình (hơn 5.000 tác phẩm của 54 nước dự thi), giải Nhất tranh toàn quốc bảo vệ môi trường trong nhiều năm, giải nhất những cuộc sáng tạo Logo của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Hội nghị thượng đỉnh khối Pháp ngữ…

Cũng trong thời điểm ấy, một loạt các tranh biếm họa của anh đã in với số lượng dày đặc trên các ấn phẩm báo chí thời bấy giờ như Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới, Thể thao văn hóa, Văn nghệ, Tiền phong… gây được sự chú ý của nhiều độc giả. Với những đóng góp của mình, họa sĩ Phạm Văn Tư đã được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam và nhận huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.

Chia sẻ quan niệm về nghề vẽ tranh biếm họa, cổ động… họa sĩ Phạm Văn Tư tâm sự: “Nhiều người nghĩ rằng, vẽ các thể loại này, không cần có cảm xúc, thực tình không phải vậy. Đã là một người sáng tác thì phải có cảm hứng mới tạo ra được một tác phẩm hay. Mỗi một tác phẩm nghệ thuật có hiệu ứng xã hội đều mang trong mình đầy đủ khía cạnh nội dung, tư duy sáng tạo và cảm hứng sáng tác. Tôi còn nhớ thời điểm sáng tác bức tranh cổ động chính trị Vì hòa bình và tiến bộ xã hội vượt qua trên 5.000 bức tranh của 54 nước, tôi đã phải nghĩ cả tháng trời để có thể có một bức tranh hoàn chỉnh. Toàn bộ bản đồ thế giới được khái quát hóa như 1 tán lá cây xanh trên một thân cây với chuồng chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình và chiếc rìu (thể hiện cho chiến tranh) đã bị bẻ gãy. Hay như ý tưởng bức tranh cổ động đoạt giải Nhất toàn quốc mang tên Tồn tại được thể hiện với 2 thế hệ cha và con cùng hình ảnh thân cây gắn liền với nguồn nước. Thông điệp tác phẩm này kêu gọi mọi người hãy có ý thức bảo vệ sự cân bằng sinh thái. Nếu môi trường bị hủy hoại thì cuộc sống không thể tồn tại được. Những bức tranh này khi đã hình thành, người xem có thể chép miệng: “Ôi vẽ thế này, ai chả vẽ được!”, nhưng hoàn toàn không dễ dàng đến thế. Đó là cả một sự lao tâm khổ tứ của người nghệ sĩ”.

Hiện nay, họa sĩ Phạm Văn Tư đang sử dụng phương pháp đồ họa, ký họa kỹ thuật số và đang có dự định sẽ cho ra mắt một sưu tập ký họa kỹ thuật số những nhân vật nổi tiếng. Anh cũng đã liên kết cùng những người bạn là các nhà văn, nhà thơ tạo nên những cuốn sách máy tính để đưa lên mạng internet giúp độc giả không chỉ đọc mà còn được thưởng thức cả hình thái, khuôn mẫu của một tác phẩm hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn hình thức.

Tôi hỏi họa sĩ Phạm Văn Tư, trong khi nhiều họa sĩ đương đại đi tìm cho mình một phương thức đi dễ hơn, để có thể kiếm tiền dư dả thì tại sao anh vẫn đam mê một công việc từ cách đây hơn 30 năm?

Họa sĩ Phạm Văn Tư cười hiền: “Tôi dù tham gia các diễn đàn xã hội, các trang báo mạng, tác phẩm gửi in cả nhiều trang báo hài hước nước ngoài, nhưng thực sự lại là người không thích xê dịch. Tôi quan niệm rằng, mỹ thuật, ở một khía cạnh nào đó là một nghề cần sự tĩnh, tĩnh trong tâm hồn, trong cảm giác để nhường chỗ cho tư duy sáng tạo được trỗi dậy. Ai cũng có một niềm đam mê, một mục đích riêng của mình để thỏa mãn với cái tôi nghệ sĩ và tôi không phải là một ngoại lệ. Sự nổi tiếng mang lại cho họa sĩ nhiều cơ may, nhưng với tôi, được vẽ những thứ mình tâm đắc, chẳng phải để bán hay kiếm lời nhưng đơn giản, chỉ để dành tặng một người bạn mình yêu quý, đã là một niềm vui lớn giúp mình lưu giữ những khoảnh khắc đẹp trong cuộc đời”

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.