Họa sĩ Phạm Luận: Bừng bừng... nắng

Thứ Tư, 19/02/2014, 16:04
Cao lớn, vạm vỡ, tóc đuôi ngựa túm buộc sau đầu, thoạt trông Phạm Luận trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi mà đồng nghiệp ông, họa sỹ Lương Xuân Đoàn tiết lộ, đã vừa tròn một vòng “lục thập hoa giáp”. Bản thân cũng chẳng thèm ngụy trang giấu giếm, luôn miệng nhấn mạnh rằng mình đang bước vào cột mốc 60, Phạm Luận có thừa thãi sự tự tin viên mãn của người đàn ông kịp thực hiện đủ đầy trọn vẹn bộ sưu tập những cái gạch đầu dòng đáng giá: Một gia đình hạnh phúc, một sự nghiệp hanh thông và danh tiếng đã bước ra ngoài biên giới quốc gia của một họa sỹ có phép màu “phù thủy” ánh sáng…

1. Không gian tĩnh lặng ở studio tọa lạc trong khu chung cư cao cấp bừng sáng bởi những sắc màu rực nắng hắt ra từ các bức tranh khổ lớn giăng hàng, bất chấp hồ Tây đang hiu hắt buồn bên ngoài khung cửa một ngày đông xanh xám, khi hương vị Tết đã ngấp nghé cận kề. Sức cám dỗ thị giác dễ làm mềm lòng những người hay tưởng tượng, để trải ra một khoảng bao la chẳng còn bị giới hạn bởi những đường viền vật chất thuần địa lý, nối dài từ Venice tới Roma, từ London tới New York và điểm dừng là Hà Nội.

Dẫu chút đỉnh phân tâm vì chuẩn bị chia tay cô con gái út lên đường sang nước Anh tiếp tục học hành, Phạm Luận vẫn xoắn xuýt bên tác phẩm của mình, y hệt người cha mãi không cạn niềm hãnh diện về đứa con đáng yêu, rạng ngời phẩm cách: “Đây là phố Hàng Mã, đây là Nhà hát Lớn Tràng Tiền, khách sạn Metropol, đây chính là con đường Hoàng Hoa Thám ken đặc người xe chiều mưa tan tầm loang loáng ướt”, cả một Hà Nội phố kỳ ảo và ngập tràn thanh âm, e ấp mặn mòi hiện hình trong mỗi centinmet vuông toan vải. Vốn được định danh như họa sỹ của phố Hà Nội lẫn cảnh sắc thiên nhiên, tuy nhiên Phạm Luận hoàn toàn không bị lệ thuộc ám ảnh bởi những bậc thầy đi trước, mà tự do tạo ra một dáng phố của riêng mình.

Ông thích nắng, có khả năng thâu tóm cái khoảnh khắc duy nhất của thiên nhiên luôn biến chuyển vào trí nhớ mình, rồi gấp gáp hối hả thể hiện nó ra bằng đường nét, hình khối, tạc nó vào sự vĩnh cửu của ánh sáng chưa bao giờ lặp lại: “Nhiều lần đi xe trên phố cổ, thấy vệt nắng chiếu trên mặt tiền một ngôi nhà đẹp quá, tôi nhủ thầm phải quay lại ngay để ngắm, để chụp. Có điều lúc trở lại, vạt nắng ấy đã khác đi, không còn như cũ”, Phạm Luận tiếc rẻ. Sự vật luôn vận động, cái bảng lảng của hoa lá cây cỏ, cái hanh hao của đất trời đã có thể cầm nắm được bằng xúc giác, nêm nếm được bằng vị giác chính nhờ nét cọ khoáng đạt và tinh tế của một họa sỹ mà từng chi tiết nhỏ cũng buộc mình phải cầu toàn chăm chút. Tranh ông ít thấy người, dẫu luôn tồn tại sự sống. Bên trong quầng ánh sáng điện tỏa ra từ các ngôi nhà lúp xúp mép đường tàu, bên trong ô cửa tím xanh bí ẩn trên mặt nước Venice hay đơn giản hơn, những vết chân bỏ lại giữa trảng cát dài sát viền biển chính là bóng hình cuộc sống, ấm áp và rất nặng ân tình. Cũng nhờ thế, phố Hà Nội của Phạm Luận luôn chảy, luôn tươi mới rực rỡ ngay cả trong giây lát ông bối rối thả hồn về một khoảng nâu trầm hoài niệm.

'Ngày mưa đông" - tranh Phạm Luận.

Thuộc lứa các họa sỹ trưởng thành trước thời đổi mới, nhưng Phạm Luận lại tách mình ra khỏi đám đông, ít bị vây bủa bởi các kiểu a dua thời thượng. Ít bị phân tâm nên ông chắt bóp được thời gian, bảo toàn được năng lượng chỉ để riêng dành cho công việc duy nhất: Vẽ. Hình dung bên ngoài không đồng nghĩa với những ẩn dụ mà người đời thường gán cho nghệ sỹ, về một sự xộc xệch buông thả, khó nắm bắt, dễ thay đổi, Phạm Luận ngược lại thường tự hào bởi cuộc sống của mình luôn yên ả thanh bình và ông cũng chẳng mấy đày đọa bản thân vì những dằn vặt giằng xé ngược xuôi. Sự đớn đau nội tâm với ông nếu có, sự hành hạ đến mất ăn mất ngủ đơn thuần là, bố cục này chưa ổn, ánh sáng này chưa hoàn hảo, sắc màu này còn cần phải đẹp hơn. Ông có thể sau nhiều ngày dài, buộc mình vẽ lại hoàn toàn một bức tranh đã được khen quá đẹp.

Coi vẽ cũng là một lao động nặng nhọc, một công việc cần sự tận tâm tuyệt đối chứ không nhàn tản chơi, hay tài tử bông phèng ỷ vào những hoa tay trời cho, Phạm Luận đã xác định nên vị thế, chỗ đứng của mình ngay cả khi hội họa Việt Nam không còn là nhân tố mới mẻ, làm choáng ngợp các nhà sưu tầm phương Tây. Trau chuốt và đỏm dáng, ông có vẻ của người được thụ hưởng các tiện nghi thị thành, được sống một đời sống thị dân tránh xa khỏi những ì xèo cơm áo gạo tiền cau mày đong đếm nhờ quá trình lao động cật lực, nhờ chính những bứt phá qua hàng thập kỷ đối diện cùng giá vẽ.   

2. Tìm thông tin về Phạm Luận theo cách thường tình dễ dãi, gõ tên ông trên Google, e rằng khó. Hội họa của ông ngập tràn… nắng, nhưng Phạm Luận không thuộc típ người thích trình diễn mình với giới truyền thông, hay chí ít là truyền thông trong nước. Vốn kín tiếng kiệm lời, hay thói quen mô phạm tích tụ từ một thời làm thầy giáo khiến ông dường như luôn bao bọc mình trước những xô bồ giao đãi hàng ngày. Là họa sỹ tự học, cái trích ngang lý lịch không có dòng nào cho việc đào tạo hội họa chính quy tưởng điểm yếu lại thành thế mạnh để Phạm Luận được toàn quyền học cái mình muốn, tích lũy cái mình cần và thỏa thuê trải nghiệm những điều giúp mình trở nên khác biệt.

Đi cũng là một cách học, Phạm Luận luôn xê dịch, đi và đến, nhìn và ngắm, chứng kiến và thu nhận. Khác biệt ông nhắm tới không phải sự lập dị, bất thường, mà định hình một phong cách, rồi cả cuộc đời theo cùng phong cách ấy, chỉ ngày một hoàn hảo hơn và cũng tinh tế, đắm đuối hơn nhiều. Nhìn vào tranh Phạm Luận là thấy sự lạc quan, thấy cuộc đời này ừ hóa ra là rất đáng sống. Chính nhờ mỹ cảm tràn đầy sinh lực ấy, nên tranh ông đã là sự lựa chọn của nhiều nhà sưu tầm danh giá trên thế giới khi tới Việt Nam. Đi nhiều, tiếp xúc nhiều, toàn cầu đã vui chung trong một sân chơi, chẳng có gì khó hiểu nếu các nhà phê bình mỹ thuật và giới chơi tranh nước ngoài biết đến Phạm Luận nhiều hơn người trong nước. Vài năm một lần, ông được mời triển lãm ở Hongkong, London hay New York, được xướng tên tại các phiên đấu giá quy mô quốc tế.

"Phố Hàng Mã" - tranh Phạm Luận.

17 năm sau triển lãm cá nhân năm 1997, Phạm Luận mới quyết lòng mình, làm một cuộc chơi cốt vui cùng bằng hữu bạn bè. Triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Mỹ thuật vào tháng 2/2014 được Phạm Luận đặt lịch, lên kế hoạch trước vài năm trời. Kỹ càng và phải đợi lâu đến thế, vì ông chưa thấy đã, chưa có cảm giác thực sự phê mình. Hoặc những đơn đặt hàng đến từ các gallery ở nước ngoài đã hút hết mối bận tâm của Phạm Luận, và việc định vị mình trong top những họa sỹ bán tranh đắt giá nhất Việt Nam khiến ông càng thêm bận rộn. Công việc trôi chảy đến độ cô con gái lớn du học nước ngoài trở về, tình nguyện bỏ lương bổng công ty ở nhà làm quản lí cho bố, quán xuyến tất tật tần tân mọi công việc ngoài vẽ. Tương tự nhiều tên tuổi thuộc hàng “khủng” trong giới mỹ thuật đương đại, Phạm Luận vẫn duy trì được cho mình và người thân một cuộc sống đời thường vương giả, không phải vướng bận bon chen đong đếm trước sau. Qua quá lâu rồi cái thời trưng bày tranh để chào hàng, để tiếp thị, Phạm Luận tổ chức triển lãm thuần túy để chơi, để khoe thành quả, để trải nghiệm cảm giác có hay không níu được chân người xem nán lại thật lâu trước các bức vẽ của mình.

Năm Giáp Ngọ 2014 với Phạm Luận sẽ là một cột mốc để đời. Ông không để dấu ấn hiếm hoi ấy lặng lờ qua đi, mà tự mình biến nó thành điểm nhấn, thành một cái gạch đầu dòng tiếp nối những mỹ mãn đã diễn ra trong đời. Ngay sau triển lãm ở Hà Nội, Phạm Luận lại hành trang đóng gói tác phẩm sang New York. Mỗi chuyến đi với ông không phải là khởi đầu, mà luôn như một sự trở về gặp lại, một điểm dừng để rồi tiếp tục.

60 tuổi tròn, Phạm Luận vẫn cực trẻ trung và phong độ, vẫn vẹn nguyên nhiệt tình và cảm hứng, những cảm hứng được tạo dựng trước hết từ chính cuộc sống gia đình êm đềm hạnh phúc, từ những chuyến du lịch luôn có đủ mặt các thành viên trong nhà. Sự bình thản yên ổn nội tâm chính là chất xúc tác, là điểm tựa giúp Phạm Luận mặc sức sáng tạo, bay bổng và luôn giữ được con mắt nhìn đời lạc quan ấm áp. Chính bởi vậy, ông đã có được ngày càng nhiều hơn những “fan” hâm mộ tranh mình, những tri âm tri kỷ không nệ vào các rào cản ngôn ngữ hay ý thức hệ ngay giữa một thế giới luôn âm thầm ẩn chứa nguy cơ, tiềm tàng các rủi ro không báo trước

Ngô Hương Sen
.
.