Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú: Cha đẻ của “thiên tài”

Chủ Nhật, 06/02/2011, 16:10
Nguyễn Đăng Phú lừng lững mét bảy nhăm, bảy mươi nhăm ký, như lực sĩ thể hình.Nhác trông cứ ngỡ khủng long/ Lại gần té ngửa là ông vẽ vời/ Triển lãm giải thưởng khắp nơi/ Vẽ được như thế cũng ngời ngời khủng long.

Anh em tếu táo trêu ông bằng vè như thế, nhưng thực ra gọi là khủng long cũng không ngoa. Khủng long vẽ, hay còn gọi là vua áp phích. Ấy là cái danh do anh em trong giới phong cho ông khi thấy ông nhận không biết bao nhiêu giải thưởng áp phích trong nước và quốc tế.

Ước mơ đến từ biển

Sinh năm 1947 ở Hà Nam, nhưng lớn lên và trưởng thành ở Hải Phòng nên gọi ông là người Hải Phòng còn chính xác hơn. Thuở nhỏ, cậu bé Nguyễn Đăng Phú đã có tiếng ở tài vẽ khéo. Học phổ thông lại phát về thơ phú, trúng vào đại học (khoa Ngữ văn), nhưng không theo. Vì vẽ mới khoái.

Suốt tuổi thơ gắn với đất cảng và vùng duyên hải, cảm quan nghệ thuật của Nguyễn Đăng Phú được bồi đắp cùng khát vọng như biển, phóng khoáng và mạnh mẽ.

Chiến tranh phá hoại, Phú từ Trường Ngô Quyền sơ tán về Vĩnh Bảo. Cứ sáng học, chiều đi ký họa chân dung. Mà kiếm được tiền bằng món này. Thời đó học sinh phổ thông kiếm được tiền chia sẻ với lũ nhất quỷ nhì ma cũng được gọi là hoàng đế rồi.

Rồi Phú quyết thi vào học Mỹ Thuật Hà Nội, tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật, lại về làm báo Hải Phòng. Công việc là đi nhà in và vẽ áp phích, ký họa, vẽ tranh tường thuật không khí chống Mỹ của nhân dân đất cảng.

Nghĩ lại bây giờ mới kinh chứ hồi ấy trẻ, xông pha ngán gì. Hồi ấy, có trận bom ở đâu là anh em phải đưa tin ngay, phóng viên lễ mễ máy ảnh, Phú thì cắp nách bảng vẽ đạp xe tới hiện trường.

Những bức ký họa nhanh nóng hổi vì khi vẽ khói bom vẫn còn ngùn ngụt. Tất cả những sự thật của chiến tranh cần cho nhân dân biết không chỉ là hình ảnh mà còn là cảm xúc, sự căm thù nữa. Cô bạn gái hồi đó sơ tán tận Đoan Hùng thỉnh thoảng về thăm Phú muốn được ở bên nhau lâu, nhưng Phú nói phải đi vẽ, không thể đổi kế hoạch được, làm cô ấy giận hàng năm trời.

Áp phích được giải 3, Triển lãm toàn quốc do Bộ Y tế - Cục VHTT cơ sở tổ chức năm 2004.

Trong cái thời bom đạn mà người ta không dám chắc độ dài của cuộc sống của mình đảm bảo trong bao lâu thì họa sĩ Phú vẫn tin vào một điều mong manh về một thế giới nghệ thuật sẽ biết đến tên mình. Thế giới đó có thể gần và có thể rất xa.

Những lần đi vẽ đến Đồ Sơn hay những cửa biển, nhìn tận mắt thủy lôi nổi lập lờ của Mỹ, bên cạnh cảm giác rùng mình với cái chết đâu đó thì trước mắt Phú, ngoài khơi xa, không chỉ có lũ giặc trời F105, F4 lao vào oanh tạc mà còn có những bờ bến của những xứ sở tươi đẹp với nền nghệ thuật rực rỡ. Phú cặm cụi học tiếng Nga và học giỏi môn này, anh thường đặt sách ngoại văn để mở mang tầm nhìn.

Sau hiệp định Paris, chấm dứt ném bom miền Bắc, một mẩu tin về cuộc thi áp phích trên tờ Lapolone của Ba Lan đã làm Phú mừng như vớ được vàng. Phú quyết ứng thí. Nhưng theo một con đường rất trực tiếp là gửi qua một người quen làm nấu bếp cho đại sứ quán Ba Lan.

Bắt đầu từ đó là căng mắt dõi theo tạp chí có in tên mình không. May quá, nghệ thuật áp phích đã không bỏ rơi Phú. Một thông báo trân trọng về giải thưởng đã được đăng tải trên tờ Lapolone. Không chỉ Phú mà cả gia đình và cô bạn gái hồi hộp.

Ngày nhận giải còn hồi hộp hơn nữa. Không có điều kiện trao trực tiếp nên giải thưởng quốc tế này đã tự về Hải Phòng qua bưu điện. Chầu trực ở bưu điện từ lúc chưa có ma nào xuất hiện cho đến khi cô bưu điện mở khóa, Phú căng thẳng khi bưu điện tìm mãi hàng giờ không thấy, rồi nó được tìm thấy trên đỉnh kệ do người phân loại đã đặt riêng rồi quên luôn.

Tiếng reo vui bất tận. Đó là một kiện hàng dài cỡ 1m, không nặng lắm nhưng đương nhiên là quý hơn bạc vàng. Cả gia đình, nội tộc khoảng 2 chục người mặc tươm tất chờ sẵn chật sân, ngõ để chờ Phú phóng xe đèo giải về "vinh quy bái tổ". Tất cả đề nghị ông bác cao tuổi nhất là người nhận trọng trách khai kiện.

Khi mở ra, tất cả lặng đi một lúc rồi ồ lên ngán ngẩm. Giải thưởng là một chiếc rìu kiểu hoàng tộc Ba Lan. Thời ấy đói vàng mắt nên cũng có ý kiến là: Giá được cái xe đạp có phải hơn không; giá chục mét vải thì hay...

Áp phích được huy chương đồng Triển lãm Đồ họa quốc tế (Bruno, Tiệp Khắc 1986).

Tất nhiên vì chiếc rìu này mà gia đình đã chi kha khá cho bữa cơm "dưa muối" khao họ hàng. Nhưng không sao. Cái rìu này là một cú huých quan trọng với một họa sĩ mới 26 tuổi. Nó nói rằng: Vinh quang này đã gọi tên họa sĩ Nguyễn Đăng Phú. Từ đó, với năng lượng từ cây rìu trung cổ, tiều phu Nguyễn Đăng Phú đã liên tục bội thu giải thưởng trong nước và quốc tế. Đó là tấm huân chương cao quý nhất trong đời.

Sau này, Nguyễn Đăng Phú tiếp tục được xướng tên trong các kỳ triển lãm quốc tế khác như giải thưởng của Hội Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Liên Xô 1981 và Huy chương Đồng tạo Triển lãm đồ họa quốc tế Bruno, Tiệp Khắc 1986, trong giải đề là được 60 ngàn cuaron nhưng bị thất lạc. Tiếc thế, nếu không thì đã có cả một chiếc xe máy Java con thỏ.

Bây giờ chẳng ai coi xe máy vào đâu, nhưng những năm 80, có xe máy là vua. Giải Liên Xô 1981 thì thênh thang: Một bộ bút lông, một hộp sơn dầu, một tập giấy vẽ, một bộ quần áo nỉ. Đặc biệt, một hộp màu nước Leningrad êm ái lịm tim mới là đỉnh cao mơ ước. Ở ta bói không có mà mua, hoặc phải chịu giá cắt cổ. Hồi ấy, anh em đi xuất ngoại mới có thể mua được món này.

Ngoài thành tựu quốc tế thì Nguyễn Đăng Phú đã được Mỹ thuật Việt Nam tôn vinh như: 4 áp phích được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập lưu giữ. Các giải thưởng tranh cổ động toàn quốc, 5 lần được Xưởng Tranh cổ động trung ương và Cục Mỹ thuật in ấn phát hành rộng rãi. Nhiều lần nhận giải thưởng cho minh họa. Anh minh họa cho đến 27 đầu báo. Vẽ khỏe như lực sĩ.

Sau này, ông có dịp làm việc ngót chục năm tại Ba Lan thì điều kiện hành nghề đã hết khó khăn và quan trọng là học và làm việc tại châu lục có nền đồ họa phát triển. Không chỉ sáng tác, về nước, ông còn dành nhiều tâm huyết để chỉ dạy cho các học trò tại Việt Nam.

Áp phích của Nguyễn Đăng Phú được người xem đánh giá cao vì ông có tư duy cởi mở. Cũng nhờ ngoại ngữ tốt, tiếp xúc với nhiều cửa sổ quốc tế nên không bị sáo mòn theo mẫu thức: "Trời xanh mây trắng lúa vàng/ Công nông binh đứng thẳng hàng tiến lên". Tranh của ông thường dùng những biểu tượng cụ thể cô đọng chạm vào trái tim người xem gây cảm xúc. Bức tham gia tại Tiệp Khắc 1986 là một thí dụ.

Dòng chữ "Hòa bình là lẽ sống" có sức mạnh cắt đôi quả bom, nửa đuôi của quả bom điểm thêm mỏ và mắt thành chim bồ câu trắng bay lên được đánh giá rất cao. Hay bức "Hút thuốc là tự sát", năm 2004, ông vẽ một khẩu súng colt mà mỗi viên đạn là một điếu thuốc cháy dở, rất rùng rợn. Có người hỏi ông có hút thuốc không? Ông cười lớn: Không hút thuốc làm sao hiểu được nó nguy hiểm đến thế nào. Ông có tin người nói về chiến tranh mà không qua bom đạn không? Bây giờ thì chừa rồi, ha ha!

Cha đẻ của "thiên tài"

Cả hai vợ chồng đều làm nghề mỹ thuật, từ Hải Phòng về được Trường Mỹ thuật cấp cho cái trái nhà 6 thước vuông. Mừng húm. Còn mơ gì hơn nữa. Đó là một vương quốc rồi.

Xin mượn câu thơ của Lưu Quang Vũ để ký họa "lâu đài" vĩ đại của Phú: "… Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi/ Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo/ Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo/ Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình…/ … Khoảng không gian của anh và em/ Khi buồn bã em không thể quay mặt đi nơi khác/ Anh không giấu em một nghĩ lo nào được/ Ta chỉ có mấy thước vuông để cùng khổ cùng vui…"

Từ mấy thước vuông ấy, những cậu con trai đã lần lượt chào đời. Bố Phú đã đặt tên con theo mơ ước của mình. Đó là Nguyễn Đăng Gô Ganh (theo tên danh họa P. Gauguin), Nguyễn Đăng Sô Panh (theo tên thiên tài âm nhạc F. Chopin) và sau là Nguyễn Đăng Anh Xtanh (Nhà bác học A. Einstein).

Nhà chật, tranh vẽ xong không có chỗ treo, nhiều khi phải đút gầm gường, thế là nó không tránh khỏi bị những “vĩ nhân” Gô Ganh, Sô Panh tè vào. Nhưng không sao. Thế cũng là nghệ thuật nhập thế vào đời sống. Phải cái, khi nhập hộ khẩu, những cái tên của “vĩ nhân” bị cơ quan quản lý phàn nàn đến khổ.

Các "thiên tài" Gô Ganh và Sô Panh đã trưởng thành, nghề nghiệp phát triển, chỉ có Anh Xtanh vẫn tuổi đi học. Đôi khi các con cũng bị các bạn đồng môn trêu chọc vì cái tên độc đó. Nhưng khi bố hỏi có cảm thấy không hài lòng với cái tên đó không thì các con trai đều nói: Chúng con tự hào vì được bố đặt tên, bây giờ đã là thương hiệu không lẫn vào đâu được, muốn quên cũng không được.

Ông vua Phú trị vì vương quốc sáu mét vuông theo một chế độ hà khắc, thường dùng gậy hơn là củ cà rốt. Vì thế các "thần dân" nghịch dại thế nào cũng bị ăn đòn quắn đít. Có lần cả 3 đều phải nằm úp nhận roi. Hàng xóm cứ nghe thấy tiếng trẻ con khóc rồi đét một cái kèm theo tiếng quát: Này thì Gô Ganh này… Này thì Sô Panh này… Này thì Anh Xtanh này. Các “thiên tài” đều bị "xé vé đồng hạng cả" khóc ré cả lên. Nhưng những trận đòn ấy cũng làm cho con ông nên người. Với ông, không nghiêm thì hỏng.

Khi có tuổi, bố Phú gọi các con lại bảo. Bố bây giờ thì "vượt kế hoạch" rồi nhé, nhưng các con còn sinh nhiều cháu. Bố đã theo được ba chữ "anh" rồi, nhưng còn hai chữ nữa bố rất muốn đặt cho các cháu là Rô Đanh (điêu khắc gia thiên tài Rodin) và Y Éc Xanh (nhà khoa học A. Yersin) thì các con nhất trí không? Anh cả Gô Ganh bảo: Thưa bố, cứ để chúng con tính. Hôm sau, Gô Ganh gặp bố nói: Chúng con rất muốn theo ý bố, nhưng sau khi họp "Hội đồng liên hợp quốc" quyết liệt thì chúng con xin bố cho chúng con được đặt theo cách của chúng con. Thế là bố Phú bó tay. Bắt đầu thời kỳ phản phong rồi đây.

Để nuôi nấng các con thời những năm 80, đừng mơ bán tranh nhé. Các danh họa bấc mét của ta cũng bán được rất nhỏ giọt, còn lại các họa sĩ phải trông vào các hợp đồng làm "thợ bôi" ở các triển lãm, vẽ bìa sách, minh họa lặt vặt. Việc ngon, năm thì mười họa mới đến tay. Ai có thể thông cảm với các nghệ sĩ được chứ các con đói thì không.

Bí quá, Nguyễn Đăng Phú mua trứng và chanh Vinh, loại chanh rất ngon đem ra bày mẹt ở vỉa hè Cửa Nam bán ngoài giờ, kiếm đồng ra đồng vào. Dân mình nghèo nhưng sĩ lắm. Vợ chồng Nguyễn Đăng Phú thì coi là chuyện nhỏ. Ai bán tranh thì bán, còn tớ là tớ bán chanh.

Chó cắn áo rách, có cái xe đạp thì nó lấy mất. Bực quá, Phú dành dụm mua cái xe khác rồi vẽ sơn từ vành lốp khung đến ghi đông. Nhìn cái xe vẽ thanh long bạch hổ, trộm nó cũng ngán vì khó bán nhanh được. Xe của lão cùn đến thế thì có cho không, kẻ trộm nó cũng tự ái.

Về sau Nguyễn Đăng Phú bán tranh đều đều, giải thưởng liên tục, đời sống tươm tất hơn, hai vợ chồng cứ nghĩ đến cái cảnh bày mẹt bán chanh mà cười ra nước mắt.

Một kết thúc có hậu cho những năm tháng gian nan đã lùi xa. Giấc mơ sáng tạo của Nguyễn Đăng Phú vẫn tiếp tục vì sức khỏe của ông vẫn tráng kiện. Nhưng bây giờ cũng là lúc đón những quả ngọt do những đứa con Gô Ganh, Sô Panh và Anh xtanh gặt hái. Làm cha đẻ của "thiên tài" vẫn là cái thú nhất

Lê Tâm
.
.