Hoạ sĩ Chu - Một thân phận như tôi biết

Thứ Bảy, 27/10/2007, 11:30
Đã chớm thu rồi, tôi đến thăm Chu Hoạch, trong lòng có hơi băn khoăn, lo lắng bởi tôi gọi điện thoại thấy đầu dây bên kia réo chuông liên hồi nhưng không thấy ai nhấc máy. Tôi gọi lại đến ba lần, vẫn vậy. Không khéo tay họa sỹ này làm sao rồi cũng nên. Dễ lắm. Lần lên chơi cách nay chừng nửa tháng đã thấy chân tay "gã độc thân" run lẩy bẩy khi ra vòi nước lấy nước vào cái ấm điện để đun nước pha trà.

Pha trà để cho tôi, Hoạch không dùng trà mà dùng rượu suốt cả ngày. Cũng lạ, xách ấm nước thì run tay, nhưng túm cổ chai rượu rót vào cái ly nhỏ thì chẳng hề run rẩy tí nào. Không rớt một giọt nào ra ngoài. Nhấp từng ngụm nhỏ. Đó là kiểu uống của Chu. Nhưng cứ nhấp suốt cả ngày cho đến tận lúc đi ngủ thì tạm dừng, nửa đêm thức giấc, lại nhấp.

- Không khéo tôi sắp "đi" ông ạ!

- Bố láo, trông thần sắc vượng thế kia!

- Tôi sắp "đi" vì bỗng nhiên có cái lộc to quá. Đang chết dở vì chủ nhà đòi tiền nhà: "Bác xem thế nào, cháu nhà em sắp sửa đến khai trường, nào học phí, nào sách vở, lắm thứ quá… Hôm nay đã là quá 3 tuần rồi…". Thật, điên hết cả người ông ạ.

Tôi cũng ngạc nhiên. Họa sỹ Chu Hoạch có cái lộc to quá. Một đời của ông bạn tôi lên bờ xuống ruộng đủ kiểu, quen biết giao du đủ mọi loại người, chơi thân với những con người danh tiếng, với cả những con người mà một thời muốn yên ổn khỏi liên lụy thì tốt nhất là tránh xa, ông xe ôm, cô chủ quán cơm bình dân, gái nhà lành, gái cave, và đã có lần một "người bạn" vừa ở tù ra, ngựa quen đường cũ đã đến hỏi ông bạn tôi rằng: "Đêm nay, em tính "đột vòm" nhà ấy có nên không, em rất quý bác nên em mới dám hỏi. Bác yên tâm đi"…

Lần ấy, cách đây chừng ba năm, một trận mưa cực kỳ lớn và mưa rất lâu. Buồng trọ của Chu Hoạch, nước mưa tràn vào ướt hết rất nhiều tranh, và nhất là những phác thảo, ký họa chì than. Giấy thì nhũn ra, chỉ mạnh tay một chút là rách.

May thay, cũng còn cứu được một số, kể cả vài bức sơn dầu. Vài bức sơn dầu này là chân dung những người đàn bà, những cô gái xa lạ và quá gần gũi với họa sỹ trong những năm tháng lênh đênh mà bây giờ ở góc biển chân trời nào không biết nữa. Chu tiên sinh quyết giữ lại tranh, không bán cho ai cũng như chúng ta hằng cố giữ lại ký ức của một thời hoa mộng.

Vậy mà bây giờ, "không hiểu đứa nào, thằng nào" (lời Chu) mách mối, mà nó mò đến tận cái ngõ cụt ngoắt ngoéo này, nằng nặc đòi mua bằng được, kể cả "mấy cái phác thảo chì than nát nhũn vì ngâm nước mưa hồi thuê nhà ở ngõ Thái Hà.

Nhưng, vẫn lời Chu - tôi cũng đành vĩnh biệt những bức chân dung sơn dầu này (ba bức chân dung của ba người thiếu nữ đã từng có những ngày thu tình ái và những đêm đông se sắt, điên rồ…).

Tất cả đội nón ra đi, vì cơm gạo và vì cảnh không có chỗ chui ra chui vào, đi ở thuê. "Một tháng, nó đi nhanh lắm ông ạ, tiền nó thúc đít mình cay đắng lắm".

Tôi công nhận, em hoàn toàn có lý

Thơ chửa bao giờ có thể nuôi ai

Xưa đã thế và nay vẫn thế

Cơm mới cần cho hai bữa mỗi ngày

(Thơ Chu Hoạch, NXB Văn học 2003)

Hoạch giao du rộng. Chân dung sơn dầu của những bè bạn nổi tiếng trong làng âm nhạc, làng văn chương, nghệ thuật, thơ phú… đều đã được Hoạch vẽ tặng với những nhát bay "sù sì", gân guốc, rất bụi, nhưng hồn vía của nhân vật thì khó có chỗ chê. Một lần đến chơi nhà Hà Ân - nhà văn, Hoạch bỗng nổi hứng vẽ.

Vớ được chiếc túi rách vốn là túi vải bạt đựng thư của ngành Bưu điện, Hoạch liền đóng mảnh bạt đó lên tường bằng bốn chiếc đinh. Ngẫu nhiên có tuýp màu của Thẩm Đức Tụ, thế là Hoạch bóp màu ra đầu ngón tay và vẽ. Bức chân dung hồn vía Hà Ân ra đời trong khoảnh khắc ấy.

Chị em một thời vang bóng, nay cái già nó sồng sộc tới, hoảng hốt đến "hợp đồng" với Chu một cái chân dung khổ rộng về trưng ở phòng khách. Họ chỉ có một yêu cầu là tranh phải thật đẹp, "em phải xinh như hồi hai mươi tuổi". Đẹp và đèm đẹp. Dễ ợt. Chu múa bút.

"Tao theo học thầy Phái từ hồi đang là cậu học trò Trường Chu Văn An - lời Chu. Ai ngờ bây giờ kiệt sức vẽ tranh cũng không sao đủ trả tiền thuê nhà hằng tháng". Tôi bảo sao ông không chép tranh bán, bây giờ chúng nó kiếm ối tiền, hay là ông chịu khó làm minh họa cho báo, tôi sẽ giới thiệu. Hoạch đều lắc.--PageBreak--

...

Gần hai chục năm không cửa không nhà, phiêu bạt Hà Nội, rồi Sài Gòn. Lần ấy ở Sài Gòn, Chu đã có 25 tranh sơn dầu khổ rộng trong một triển lãm từ thiện do bè bạn đầu tư, giúp đỡ. Có những bức sơn dầu khổ lớn 1,2mx1,4m. Ngay ngày đầu đã bán được 5 bức. Tất cả tiền thu được đều làm từ thiện.

Vẫn cảnh ở thuê trong những căn nhà ngõ hẻm. Lúc nào cũng săn tìm người mẫu. Những người mẫu giá rẻ lúc nào cũng sẵn trong giới bụi, trong cảnh các em dạt vòm. Chu cho họ ở tạm và cùng chia nhau những gói mì tôm. Họ có chỗ trú thân vài đêm và câu chuyện giữa chàng họa sỹ nghèo và những tấm thân chìm nổi ấy cứ thì thầm suốt đêm.

"Cùng một kiếp bên trời lận đận..." (Tỳ bà hành - Bạch Cư Dị). Họ sưởi ấm nhau. Buồn thay, khi họ ra đi thế nào cũng "vô tư" xách trộm theo cái radio, cái đầu đĩa, thậm chí cả cái điện thoại bàn cũ. Thật cám cảnh. Chu thở dài nhưng không bao giờ chửi bới. Chu không hề chửi, không biết nói tục, và cũng chẳng bao giờ Chu văng bậy vào cuộc đời.

Kẻ không nhà này cũng đã từng yêu dữ dội. Thuở mới bước vào yêu đã từng âm thầm cắt tĩnh mạch cổ tay tìm cái chết vì chứng kiến tận mắt sự phản bội của người tình. Người cứu Chu thoát chết và cô gái kia còn sống cả, ở quanh đây thôi.

Trời cũng có mắt, một cô gái tốt nghiệp bác sỹ ở Cuba về, trẻ đẹp ngời ngời, lăn lóc yêu và lăn lóc sống với Chu như vợ chồng suốt hơn mười năm trời mặc dù khi ấy Chu đã có vợ, có con và nhất là điều đó diễn ra trong những năm sau 1975 và kế tiếp những năm sau đó của thập kỷ 80, thập kỷ đáng sợ nhất đối với những ai đã từng trải qua.

Bức chân dung sơn dầu về người tình lãng mạn ấy, cũng đã phải bán rồi.

Tôi bảo Chu: Ông là kẻ yếm thế. Nhưng sau thấy mình vô duyên. Đi làm báo từ năm 20 tuổi, phụ trách minh họa và đi nhà in đọc morát suốt mấy năm liền cho tờ Thiếu niên Tiền phong, rồi đến thời chống Mỹ cứu nước, viết đơn tình nguyện xin vào bộ đội nhưng không được chấp nhận vì là con liệt sỹ chống Pháp.

Bản tính vốn không chịu được cảnh gò bó và lắm bon chen của cơ quan, Chu rời biên chế Nhà nước, sống và lần hồi kiếm ăn tự do. Để có tiền và có gạo đem về nuôi cái gia đình con con, Chu đã từng nhập vào nhóm thợ móc cống.

Thế giới cống ngầm của thủ đô Paris "hoành tráng" và ghê rợn như thế nào, đã được ngòi bút vĩ đại Victo Hugo miêu tả. Cống ngầm của Hà Nội, tuy chẳng bao giờ được bằng như vậy, nhưng mức độ hôi thối và kinh tởm của nó thì chẳng thua, mà còn cao hơn một bậc.

Chỉ riêng điều này, người thợ móc cống từng phải chịu đựng cảnh lội dưới cống ngầm, bình thường thì cái chất sền sệt nát như bùn và dính như sáp luôn phì hơi thối khẳn và tanh lộn mửa chỉ ngập đến bụng chân, nhưng có những đoạn cống, mà cái thứ nước đó sâu ngập đến tận cổ. Người móc cống dò dẫm từng bước trong cái khối đen đặc ấy.

Con người lúc ấy chỉ còn là cái đầu lâu lướt từ từ trong bóng tối đem ngòm. Độc hại, tất nhiên, nên trong chế độ bảo hộ lao động hồi ấy có một loại "phiếu ăn phở" cấp cho những ai đi làm có một bát phở miễn phí do các cửa hàng ăn uống mậu dịch hợp đồng với Công ty Thoát nước thành phố phối hợp thực hiện.

Sau ngày làm việc, tắm - có nghĩa là lấy một cái que cạo mạnh vào khắp cả thân thể, tay chân, từng tý một, cho từng mảng bùn thối rơi ra, sau đó mới dùng đến xà phòng loại 68% mỡ bò do Liên Xô viện trợ.

Với một chiếc xô tay, anh tụt xuống cống ngầm

Thành phố đi trên đầu anh không tiếng vọng

Trừ tiếng thở của mình trầm, chậm, có hồi âm

Và trong cõi âm u nửa bùn, nửa nước

Mỗi tiếng thì thầm cũng trở nên to

 (Thơ Chu Hoạch, NXB Văn học -1996)

Họa sỹ Chu đã sống ở "dưới đáy" cuộc đời.

Luôn sống trong sự thiếu thốn, ăn đã không đủ chất, vả lại ăn chẳng là bao, mà uống, thôi thì chai lớn chai bé, rượu xịn, rượu đểu không lúc nào ngừng. Chu già đi rất nhanh, và sức lực lại còn xuống nhanh hơn nữa. Cái tay để vẽ bây giờ hay sưng tấy các đốt xương, đau và nhức. Chỉ có thuốc anazin là mới làm dịu đi. Nhưng anazin đã bị cấm dùng từ lâu rồi.

"Không khéo tôi sắp “đi” ông ạ, vì bỗng tôi có cái lộc to quá". Cái lộc to quá của Chu, vào đúng lúc ngặt nghèo này, dăm triệu chứ có là bao. Thế mà Chu quá bất ngờ, nó như cái phao cứu sinh. Chu bảo: "Hôm nay cho tôi được mời ông, chúng ta đi chén phở xào và uống bia".

Định ngả lưng buổi trưa một lúc, nhưng cả hai đứa chẳng ai ngủ được. Đến lúc này, Chu mới bảo tôi: "Tao có cái này, cái chuyện này chẳng phải gì ghê gớm nhưng rất khó chịu. Báo An ninh thế giới Cuối tháng số 73 (tháng 8/007) có bài "Mỏng manh, nắng tắt, đời người" của Dương Đức Quảng. Tác giả đã làm cho người đọc cứ tưởng, những câu thơ dưới đây - những câu thơ mà Trịnh Thanh Sơn khi nghe Trần Vũ Mai đọc "nghe xong là nhớ, nhớ đến bây giờ", là của tác giả Trần Vũ Mai.

Thu có vẻ như cời than đốt lửa

Ta lại buồn như sắp sửa vào yêu

Đích thực, hai câu thơ trên là của Chu Hoạch trong bài: "Gió đầu ô". Bản thảo bài thơ này, với nét chữ rất mảnh và nhiều dập xóa đã được Chu lấy in vào trang bìa 1 của tập "Thơ Chu Hoạch" NXB Văn học 1996.

Bạn bè thân thiết của Trần Vũ Mai, sau khi Mai mất, biên tập di cảo của Mai để xuất bản đã thiếu một sự cẩn trọng cần thiết. Điều đó đã làm tổn thương đến tác giả, đến bạn bè trong giới cầm bút thân quen.

...

Những gì không nói được trong hội họa, Chu tìm đến thi ca. Trong cuộc kiếm tìm mải miết một đời ấy, Chu Hoạch thực sự - một tài năng.

Nhưng thân, phận Chu? Ai xui nên thế? Có trời biết..!

(Một ngày lập thu)

Nguyễn Viết Bình
.
.