Hồ Phi Thủy: Chuyện chưa kể của ông “vua ngọc”

Thứ Bảy, 19/09/2015, 11:00
Sáng giữa Thu ở Phú Quốc. Những đợt gió biển thổi miên man trên đảo, tạo không khí thật dễ chịu. Trong căn phòng khách với nội thất rất giản dị của Công ty ngọc trai Ngọc Hiền, “vua ngọc” Hồ Phi Thủy đã dành cho tôi cuộc trò chuyện thật thú vị. Với giọng nằng nặng của người xứ Nghệ, câu chuyện anh kể như những thước phim quay chậm về cuộc đời, nghề nghiệp với đủ những vui buồn, cay đắng và cả sự may mắn để có những thành đạt như hôm nay của anh.

Từ người làm thuê thành ông chủ

Sinh ra trong gia đình quá nghèo, lại rơi vào huyện nghèo Thạch Hà của tỉnh nghèo Hà Tĩnh, cái phận nghèo cứ bám chặt lấy chàng trai Hồ Phi Thủy và những con người ở mảnh đất này. Học xong cấp 3, nhà đông anh em, Thủy thấy cứ ở nhà mãi là không thoát khỏi cái nghèo, và chỉ có con đường là rời quê đi thật xa kiếm sống. Lứa tuổi Thủy vậy cả, không tha phương cầu thực thì chỉ còn cách chờ các đợt nhập ngũ, mới mong có hai bữa cơm no, để cha mẹ không phải lo lắng cưu mang. Run rủi thế nào, Thủy theo bè bạn đi một mạch ra tới tận đảo Phú Quốc. 

Vốn dân ven biển, đất Thạch Hà nên Thủy nhanh chóng làm quen với sóng gió, với biển cả. Thấy người trên đảo lặn mò tìm trai ốc có tiền, Thủy thích lắm, nhưng mới chỉ dò xét, quan sát... Rồi tranh thủ cơ hội là anh tiếp xúc hỏi han, rồi bắt chước theo. Và không bao lâu Thủy cũng lặn mò giỏi như những thợ lặn chuyên nghiệp trên đảo.

Tuổi trẻ, lại có sức lực, Thủy làm việc gần như “quên chết”. Suốt thời gian từ 1989 đến 1994, hầu như suốt ngày Thủy dầm mình dưới đại dương. Tối về, mắt nhức, đầu óc cứ ong ong, tai thì ù đặc… thế mà thu nhập vẫn bấp bênh. Hôm nào may mắn thì kiếm được ngọc, được điệp, được cá và có tiền, có chỉ vàng. Nhưng nhiều hôm lên bờ tay trắng… Song dường như ông trời biết thương người chịu thương, chịu khó. Chính vào lúc đó anh đã gặp một cơ duyên để có cơ hội chuyển đổi được công việc, một bước ngoặt về nghề nghiệp sau này.

Hồ Phi Thủy bắt đầu được nhận vào làm công ăn lương cho một doanh nghiệp Nhật Bản mới đến Phú Quốc đầu tư chuyên về nuôi cấy ngọc trai. Công việc nhiều lúc vẫn phải lặn biển. Nhưng do lặn giỏi, có năng suất rất cao, nên Thủy được ông chủ Nhật Bản để ý và giao nhiều việc hơn những công nhân khác. Nhờ đó mà Hồ Phi Thủy bước đầu có điều kiện học hỏi, đúng hơn là “học mót, học lỏm” được khá nhiều kỹ năng nuôi cấy và xử lý ngọc trai của công ty có chủ nước ngoài này.

Ba năm sau đó, năm 1997, do khủng hoảng kinh tế, khiến doanh nghiệp Nhật kia phải tuyên bố phá sản, giải thể công ty. Hồ Phi Thủy dồn đồng vốn tích cóp ít ỏi cộng với một số tiền của người thân, người quen mà anh vay mượn, “đánh quả liều” để mua lại những gì công ty người Nhật rao bán. Số tiền 400 triệu đồng cho cái “cơ nghiệp” bước đầu ấy là quá lớn đối với chàng thanh niên quê nghèo Hà Tĩnh lúc đó…

“Nhiều đêm tôi không ngủ được khi ôm lấy đống đồ nghề và cơ ngơi mới được sang nhượng này. Liệu mình có đủ khả năng quản lý công ty? Và nếu như không quản lý được, không kinh doanh nổi thì tất sẽ “phá sản” như ông chủ người Nhật? Lúc đó ai sẽ giải quyết hậu quả, ai trả nợ cho mình đây? Biết bao những lo lắng rối bời trong tôi…”- Hồ Phi Thủy tâm sự.

Nhưng rồi, đúng vào thời điểm lên chức “ông chủ”, Hồ Phi Thủy đã nhận được sự trợ giúp qúy báu của 6 công nhân cũ tình nguyện ở lại với anh. Cả một núi công việc với họ, song bằng sự kiên tâm chịu khó, được sự chung sức của người thân trong gia đình và những người cộng tác tốt bụng, thạo việc, Công ty ngọc trai Ngọc Hiền đã ra đời, dần dần phát triển và trụ vững. Có lẽ hiếm có cảnh huống đặc biệt như doanh nhân Hồ Phi Thủy. 

Chỉ mấy năm trước ông chủ Nhật Bản là người cân nhắc nhận Hồ Phi Thủy vào làm công, coi anh như học trò thì nay, Hồ Phi Thủy thành ông chủ lại mời ông người Nhật đó… phụ giúp kỹ thuật cho công ty Việt Nam của mình.

Anh Hồ Phi Thủy giới thiệu ngọc trai với khách tham quan.

Đưa ngọc trai Phú Quốc có giá trị và ngôi vị cao

Nếu chỉ lo kinh doanh kiếm tiền bằng việc đầu tư mạnh để sản xuất ra thật nhiều ngọc đẹp rồi bán cho khách Nhật Bản là việc không nhiều khó khăn với Hồ Phi Thủy. Đấy cũng là cách kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế nhất. Song Hồ Phi Thủy luôn trăn trở rằng, hiện tại thị trường Nhật đang chạy hàng thì việc xuất ngọc trai sang đó là thuận lợi. Nhưng nếu một mai thị trường này “bão hòa” thì ngọc trai  của công ty Ngọc Hiền sẽ phải tìm kiếm các thị trường khác ra sao? 

Anh cho rằng,  những đồ trang sức, những bộ quần áo dạ hội, những khuôn mặt phụ nữ xinh đẹp, quý phái… tất cả ánh ngời lên với những chuỗi ngọc trai phô ra nơi cổ áo, hoặc lấp ló bên cổ tay nuột nà của thiếu nữ… cũng chỉ là là phô bày sự lịch lãm, sự sang giàu mà thôi. Nhưng nếu theo hướng này, biết “nâng cấp” nó lên, để cho người dùng biết được cái chuỗi vòng ngọc trai đẹp đẽ tinh xảo kia “đi từ đâu tới”, “làm sao mà có”…, thì sẽ thú vị thêm biết bao? 

Anh tin rằng không những chủ nhân đang đeo chuỗi ngọc mà cả những người  khác, chưa sắm vòng ngọc đều sẽ rất thích thú được phát hiện và trải nghiệm. Từ ý tưởng đó, Công ty Ngọc Hiền đã xây dựng trung tâm trưng bày và trình diễn cho khách tham quan biết quá trình nuôi cấy trai lấy ngọc tại Phú Quốc.

Từ lâu đảo Phú Quốc được coi là điểm đến lý tưởng của khách du lịch. Không những khách trong nước mà khách nước ngoài cũng tìm đến với đảo ngày một đông. Và mỗi năm số khách ra đảo lại có xu hướng lưu trú lâu hơn. 

Mức sống người đi thăm chơi, nghỉ dưỡng nâng lên đã đành, còn có một thực tế là các cơ sở lưu trú, khách sạn đã mọc lên khá nhanh. Thế mà những điểm để khách tham quan mua sắm, lấp cho đầy quãng thời gian cho một chuyến đi thì một mình ngành du lịch xem ra đã oải vì hơi quá tải. Nên công ty Ngọc Hiền đã bắt tay vào công việc này.

Và may mắn lại lần nữa đã đến với Hồ Phi Thủy. Sau thời gian xây dựng, giờ đây dự án trưng bày và trình diễn nuôi cấy trai lấy ngọc vận hành khá trơn tru.

Trơn tru nhưng không phải không có khó khăn. Nhiều khi Ngọc Hiền phải chấp nhận đầu tư lớn để nâng cấp và giữ thương hiệu cho ngọc trai Phú Quốc. Và ông chủ công ty Ngọc Hiền luôn mong một ngày không xa, những dự án và đề nghị của công ty về mặt bằng, về đất đai, mặt biển sẽ được đáp ứng để mở rộng thêm sản xuất và kinh doanh, cũng là để góp phần để ngọc trai Phú Quốc có giá trị ngôi vị cao không chỉ trong khu vực mà cả trên thế giới.

Khi hỏi về những đóng góp của công ty Ngọc Hiền với công tác xã hội của địa phương, Hồ Phi Thủy tâm sự: anh sinh ra từ một miền quê nghèo, anh luôn nhớ đến điểm xuất phát của mình. Dường như rất tự nhiên, từ tình cảm thật, anh luôn muốn chia sẻ với những người nghèo, những con người kém may mắn. Hằng năm công ty của anh thường xây dựng và tặng những căn nhà tình nghĩa cho những cư dân trên đảo, trước hết trong khu vực công ty có các cơ sở sản xuất và kinh doanh. Sau đó là mở mang ra những khu vực cư dân khác trên đảo.

Có một câu chuyện mà Hồ Phi Thủy kể với tôi là mỗi khi anh đi bằng xe ô tô từ Bắc vào Nam và ngược lại, cứ gặp người nghèo, người không kế sinh nhai thì anh, hoặc là đưa chút tiền mọn giúp ngay cho họ, hoặc thân tình mời họ ra Phú Quốc, đến với Ngọc Hiền anh sẽ giúp đỡ.

Có thể nói có thời điểm Ngọc Hiền có hơn 300 công nhân làm việc thì phần lớn đều được anh “nhặt” về từ nhiều vùng miền của đất nước. Về việc này có người nói ông Thủy liều lĩnh, vì nhiều người trong số họ trước kia đi bụi, lang thang phức tạp mà lấy về công ty làm việc sao quản lý được?

Nghe vậy, Thủy thường yên lặng. Với anh thời gian sẽ có câu trả lời cho mọi người. Bởi trong anh bao giờ cũng có một niềm tin vào tính chân thiện của con người, ngay cả với những con người có khiếm khuyết, sai sót.

Nhân vô thập toàn, anh cho rằng nếu mình trao cho người ta công ăn việc làm, tức là đã đưa lại cái ăn cái mặc cho người ta, tạo một cơ hội cho người ta kiếm ra đồng tiền lương thiện, chắc rồi sẽ dần dần cảm hóa được những con người mà mình nghi ngờ, thắc mắc… Đó là niềm tin và cái tâm của người chủ công ty ngọc trai Ngọc Hiền, “ông vua ngọc” Hồ Phi Thủy.

Hồ Phi Thủy
.
.