Hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ vĩ đại

Hồ Chí Minh - Hiền nhân cách mạng (kỳ3)

Thứ Năm, 07/01/2010, 08:23
Những tư tưởng quí báu "vị nhân dân" của Bác Hồ đã luôn soi rọi con đường lắm gian khó, chông gai và thử thách nhưng cũng nhiều thắng lợi và vinh quang hơn nửa thế kỷ qua của cách mạng Việt Nam.

>>Hồ Chí Minh - Hiền nhân cách mạng (Kỳ 2)
>>Hồ Chí Minh - Hiền nhân cách mạng

Chúng ta đã giành được những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước cũng chính là nhờ biết dựa vào dân. Chúng ta đã bảo vệ được chế độ XHCN trong phong ba bão táp của những  đổ vỡ tư tưởng trên trường quốc tế cũng là do có một Nhân Dân từ ngày có Đảng, nói như lời trong Di chúc của Bác Hồ, "luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng".

Vì dân, dân mới tin

Sinh thời, Bác Hồ luôn nhấn mạnh tới khối thống nhất giữa nhân dân và chính quyền cách mạng, giữa nhân dân với Đảng Cộng sản. Ngày 17/10/1945, trong thư gửi UBND các cấp, Bác viết: "Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không có lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì"... Để chế độ mới thực sự là của nhân dân, các cán bộ cách mạng cần:

"Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.
 
Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh".

Và để thực sự xứng đáng là "người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành với nhân dân", Đảng ta cần "thật trong sạch" và mỗi đảng viên phải "thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư" (trích Di chúc). Những lời này cho tới hôm nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự và vĩnh cửu của nó. "Tu thân" theo những tiêu chuẩn của người cán bộ cách mạng cần phải  là một việc làm thường xuyên, hàng ngày và lâu dài của tất cả chúng ta!

Trong bản Di chúc viết 30 năm trước, Bác Hồ cũng đã không quên căn dặn rằng, Đảng ta "cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân". Một nỗi niềm đau đáu vì dân của nhà lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, vị Cha già của dân tộc!

 Trong tác phẩm "Phép dùng binh của ông Tôn Tử", viết năm 1943 nhưng xuất bản tháng 2/1945 tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã nhấn mạnh khi diễn giải những ý tưởng quân sự của danh tướng Trung Hoa cổ đại rằng, được lòng dân là yếu tố cần thiết đầu tiên để giành chiến thắng: "Tất cả dân đồng tình với ta, có thể cùng sống chết mà không sợ nguy hiểm". Bác cũng dẫn lại lời của Khổng Minh: "Trước hết, cốt lấy lòng dân, thứ hai mới cốt lấy thành trì của địch".

Thế nhưng, khác với các thủ lĩnh chính trị của những thời đại khác, trong ý niệm thường trực của Bác, người dân không chỉ là những ngọn gió để đẩy thuyền lên hay lật thuyền xuống mà là đối tượng cần được hướng tới, yêu thương, chăm lo; những người có quyền được tự do, bình đẳng và sống trong những điều kiện xứng đáng với kiếp nhân sinh.

Chính vì thế nên lo cho dân, cho nước luôn là nỗi niềm canh cánh năm canh của Bác Hồ. Theo hồi ức của đồng chí Lê Giản, nguyên Tổng giám đốc Nha Công an, ngay từ lúc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công, chuẩn bị rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội để xây dựng chính quyền mới, Bác đã dặn dò: "Nhân dân bao năm nhường cơm sẻ áo cho mình thì mình phải có trách nhiệm chăm lo đời sống cho nhân dân. Các chú thấy đồng bào ở đây còn lạc hậu lắm, người ở trên sàn, dưới nuôi súc vật mất vệ sinh, vì vậy các chú phải ở lại chăm lo cải thiện đời sống cho nhân dân, để đồng bào ở đây cũng được hưởng thành quả của cách mạng".

Cũng chính vì tình yêu thương thực sự bao la với nhân dân nên trong mọi chuyện liên quan tới đời sống nhân dân và đất nước, Bác đều muốn tìm hiểu thấu đáo sự thật. Trong mọi trường hợp, Bác đều muốn trực tiếp tiếp xúc với nhân dân, với cán bộ, chiến sĩ để biết rõ tâm trạng, suy tư thực của họ. Tai nghe, mắt thấy mới tư duy được chuẩn xác. Đó là phương thức làm việc gần dân, vì dân, cho dân của Bác.

Đồng chí Nguyễn Tài, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Anh hùng LLVTND, lần đầu tiên được gặp Bác ở chiến khu từ đầu năm 1945. Lên tới Tân Trào, đồng chí Nguyễn Tài gặp ngay một cụ già, áo chàm vắt vai, quần chàm xắn tới đầu gối, ngay lập tức đã đặt ra nhiều câu hỏi và lắng nghe những câu trả lời rất chăm chú. Cụ hỏi tôi: Các cháu lên đây làm gì? Tôi đáp là học quân sự để đánh đuổi giặc Nhật, giành độc lập cho dân ta...".

Tóm lại, đồng chí Nguyễn Tài đã "tuyên truyền cách mạng" cho ông cụ mà đồng chí ngỡ là người dân thường trên miền sơn cước. Ông cụ cứ nghe anh thanh niên miền xuôi lên nói mà không hề bộc lộ gì khác ngoài những lời như "Ngày trước, khi giặc Pháp đến cướp nước ta thì đồng bào dưới xuôi bị nô lệ trước, trên này bị nô lệ sau; bây giờ trên này độc lập trước, thế nào đồng bào dưới xuôi cũng sẽ được độc lập...".

Về sau, đồng chí Nguyễn Tài đã vừa kinh ngạc vừa sung sướng khi biết cụ già mặc đồ chàm hôm ấy chính là Ông Ké, là lãnh tụ Nguyễn Ái  Quốc! Không chỉ vì yêu cầu giữ bí mật mà Bác đã hành xử một cách dân dã như vậy. Đơn giản là Bác muốn biết tận tường và đích xác tâm trạng thực của lớp thanh niên đang hăm hở đi theo Cách mạng khi đó…

Làm lợi cho dân

Gần dân, sâu sát nhân dân nên Bác Hồ luôn biết cách tìm ra những vấn đề có lợi nhất cho dân, cho nước, ngay cả trong những tình huống tưởng chừng như quá nan giải. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trong bài viết "Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", Bác đã đề cập tới vấn đề cải thiện dân trí cho thích hợp với chế độ mới: "Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động; một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập... Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: Cần, Kiệm, Liêm, Chính...".

Thực sự thương dân nên Bác luôn đặt ra cho chính quyền Cách mạng nhiệm vụ chính yếu và trên hết là hành động vì quyền lợi chân chính của dân. Theo quan niệm của Bác, Chính phủ không thể có mục đích phấn đấu gì hơn ngoài mục đích phục vụ nhân dân tận tụy, công tâm.

Trong bài viết "Chính phủ là công bộc của dân", viết ngày 19/9/1954 với bút danh Chiến Thắng, Bác đã xác định ngay nhiệm vụ và đặc tính căn bản của chính quyền cách mạng: "Non hai tháng trước đây, trước cuộc khởi nghĩa 19/8/1945, nói tới hai chữ Chính phủ người ta nghĩ ngay tới một bọn đầu đảng cướp nguy hiểm, xảo quyệt. Trái lại, ai ai đối với chính phủ nhân dân hiện nay cũng đều có một cảm tình thân mật xen lẫn tôn kính sâu xa: Chính phủ đối với ta là "người anh cả" trong gia đình, một đồng chí phụ trách trong một địa phương, một người đứng mũi chịu sào, ta có thể vững lòng trông cậy và gửi số mệnh vào. Người xưa nói: quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc Chính phủ phải nhằm mục đích duy nhất là mưu cầu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh". Rất giản dị nhưng rất chính yếu và luôn luôn đúng đắn!

Cũng như các đơn vị QĐND, lực lượng CAND ngay từ ngày đầu thành lập đã biết dựa vào dân để làm việc và chiến đấu. Bác Hồ cũng đã hơn một lần chỉ bảo: "Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ, dựa vào dân mà làm việc". "Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép" - lời dạy này của Bác Hồ không chỉ tạo nên một tác phong làm việc của người chiến sĩ Công an trong giao tiếp với nhân dân mà là cả một chiều sâu tư duy cần được thể hiện liên tục, hàng ngày, hàng giờ, thực tâm và chu đáo.

Theo hồi ức của đồng chí Lê Giản, ngay từ những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám 1945, khi ATK Nha Công an thành lập đội quân đặc biệt nơi có Bác ở và Trung ương làm việc, công tác "dân vận" ở đây đã được chú trọng đặc biệt. Cán bộ Công an ngay từ lúc đó đã biết "ba cùng" với nhân dân nên đã được quần chúng giúp đỡ rất tích cực. Những người dân thường ở đó đã biết xác định cho mình nhiệm vụ cùng Công an bảo vệ chính quyền cách mạng...

Quả thực, đúng như Bác dạy: "Nhân dân có hàng triệu tai mắt. Nếu Công an biết dựa vào nhân dân, thì nhân dân sẽ là người giúp việc rất đắc lực của Công an"... Được sự đùm bọc, che chở, giúp đỡ của nhân dân thì quả thực các chiến sĩ Công an cũng như quân đội ta có thể tin chắc rằng "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng chiến thắng"

Chính Nhân
.
.