Hillary Clinton: Kể cả thua vẫn "thắng"

Thứ Hai, 29/09/2014, 10:00
Hillary Clinton đã là một cái tên không quá xa lạ với chúng ta. Bà được biết đến nhiều nhất với tư cách là đệ nhất phu nhân của Tổng thống Bill Clinton. Không chỉ vậy, bản thân Hillary Clinton còn là một nữ chính khách có tài và có chỗ đứng nhất định, khi bà đã giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama và cũng là ứng cử viên của đảng Dân chủ với số phiếu ủng hộ áp đảo trong cuộc tranh cử tổng thống sắp diễn ra vào năm 2016.

Những ứng viên tiềm năng đã tạo ra khá nhiều thử thách trong các cuộc vận động tranh cử tổng thống, nhưng Hillary Clinton, cùng với tiếng tăm là một con người sẵn sàng trả đũa lại sự phản bội, đã và đang khiến các ứng cử viên khác dè dặt thật sự trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống sẽ diễn ra vào năm 2016.

Dọn đường vào Nhà Trắng?

Hillary Clinton gần đây gây xôn xao chính trường Mỹ khi công khai phàn nàn về chính sách đối ngoại của “sếp” cũ. Nhận xét về việc ông Obama không muốn để đất nước dính dáng đến những cuộc xung đột rối ren ở nước ngoài, cựu ngoại trưởng cho rằng đây không phải là điều mà một nước lớn như Hoa Kỳ nên làm. Theo bà, chính những thất bại trong chính sách dưới thời ông Obama đã tạo đất sống cho các tay súng Hồi giáo cực đoan ở Iraq và Syria trỗi dậy.

Ý kiến cho rằng bà Clinton “diều hâu” hơn ông Obama không phải quá mới mẻ. Khi còn đứng đầu Bộ Ngoại giao, bà được cho là đã ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy ôn hòa ở Syria hoặc để lại lực lượng quân sự lớn hơn tại Iraq. Tuy nhiên đáng nói ở đây là bà công khai suy nghĩ nói trên giữa lúc cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 đang đến gần, khiến không ít người thắc mắc liệu có động cơ chính trị đằng sau hay không. Đã có phỏng đoán bà muốn giữ khoảng cách với ông Obama để mở đường ra tranh cử.  Dù bà Clinton vẫn chưa hề để lộ ý định của mình nhưng những lần diễn thuyết, xuất hiện trước giới truyền thông và chuyến đi quảng bá quyển hồi ký mới nhất thời gian qua đã phác họa diện mạo của một chiến dịch vận động tranh cử. Đài CNN  còn bình luận phát biểu của bà Clinton về chính sách của ông Obama, được đưa ra trong cuộc phỏng vấn với tạp chí The Atlantic hôm 10/8, là một “thông điệp rất rõ ràng” mà ứng viên tổng thống tiềm năng này muốn gửi đến cử tri Mỹ.

Có lẽ còn quá sớm để biết ý định “giữ khoảng cách” với ông Obama có giúp ích cho bà Clinton về lâu dài hay không nhưng trước mắt, đây là nguy cơ ảnh hưởng mối quan hệ giữa 2 nhân vật từng “chung chiến hào”. Cựu ngoại trưởng Mỹ đã gọi điện thoại cho ông Obama ngay sau khi cuộc phỏng vấn được đăng tải để giải thích rằng dù 2 người có những bất đồng, nhưng những điều bà nói “không nhằm chỉ trích ông, các chính sách hoặc khả năng lãnh đạo của ông”. Động thái này cũng bộc lộ thách thức mà bà Clinton phải đương đầu nếu quyết định ra tranh cử, đó là làm sao giữ khoảng cách với ông Obama mà không bị xem là người cơ hội chính trị.

Không có đối thủ

Sự bí ẩn trong quá trình nội bộ đảng Dân chủ tìm ra ứng cử viên sáng giá để ra tranh cử chức tổng thống năm 2016 không nằm ở việc tại sao Hillary Clinton có khả năng sẽ tham gia vận động tranh cử. Bà là một người hiếu thắng, có đủ các tố chất và trí tuệ, có một vị thế vững vàng và cũng đã quá tuổi để có thể chờ thêm 4 năm nữa, tranh cử vào năm 2020. Không có lý gì Hillary không chạy đua. Điều bí ẩn nằm ở chỗ Hillary Clinton không có bất kỳ một đối thủ thực sự nào.

Cho tới hiện tại, không có ứng viên đảng Dân chủ nào, những người có thể thực sự tạo được chướng ngại vật cho bà như Elizabeth Warren, Andrew Cuomo, Deval Patrick, tỏ ý muốn tranh đấu với Hillary Clinton. Những ứng viên muốn thử sức thách thức Hillary Clinton như Brian Schweitzer, Martin O’Malley, Bernie Sanders lại quá yếu thế so với bà về cả sự chú ý của giới truyền thông cho tới sự hỗ trợ của những người quyên tặng. Một vài lý do về việc tại sao những ứng viên tiềm năng từ chối việc thách thức Hillary Clinton đã được tìm ra: Elizabeth Warren đã từng khen ngợi Clinton quá đà, tỉ lệ ủng hộ cho Joe Biden quá thấp, hay O’ Malley gặp vấn đề khi xin nguồn tài trợ. Nhưng thực tế, những lý do cá nhân này chưa đủ để giải thích tại sao không một ai tham gia tranh đấu với Hillary Clinton.

Từ trước tới nay, các ứng viên cuối cùng của các đảng trong các cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ đều là các ứng cử viên sáng giá, ví dụ như Walter Mondale năm 1984, George H.W. Bush năm 1992, hay Al Gore năm 2000, nhưng tất cả họ đều phải đối mặt với những đối thủ thực sự nặng ký. Tuy nhiên, một cuộc chạy đua khốc liệt tạo ra từ một ứng cử viên không đương nhiệm là rất khó để có thể tìm thấy trong những năm gần đây của lịch sử chính trị Mỹ.

Kể cả thua - vẫn “thắng”

Một lý do mà kể cả những ứng viên vô cùng sáng giá cũng vấp phải những khó khăn, thách thức là vì những người dám thách thức nghĩ rằng kể cả khi họ thua cuộc, họ vẫn “thắng”. Trong vài thập kỷ, những ứng viên bị thua thiệt hơn vẫn tham gia đua tranh kể cả khi họ biết họ khó lòng thắng nổi bởi vì làm như vậy, họ có thể được dân chúng biết đến và công nhận hơn, cũng như tìm thêm được các tổ chức, nguồn hỗ trợ cho các dự án và công việc sau này của họ. Thử nhìn lại lịch sử Hoa Kỳ, sự thách thức của Bob Dole với George H. W. Bush đã tạo tiền đề vững chắc cho cuộc vận động tranh cử thành công của ông vào năm 1996. Hay việc John Edward tranh cử vào năm 2004 đã giúp ông trở thành ứng cử viên mạnh mẽ, tiềm năng hơn vào năm 2008.

Bà Hillary Clinton (trái) có đang làm rạn nứt mối quan hệ với “sếp cũ” - Tổng thống Mỹ Barack Obama? (ảnh chụp trong cuộc trò chuyện  của 2 người tại một buổi tiệc hôm 13/8/2014).

“Sự trung thành, theo chiều hướng xấu hơn hay đẹp hơn, đều được công nhận là đặc trưng trong tính cách của Hillary và cách bà làm việc tuần hoàn trong suốt những ngày bà là đệ nhất phu nhân cho tới khi bà làm việc trong thượng viện Mỹ và cả khi bà là bộ trưởng bộ ngoại giao”. Có rất nhiều ứng viên trẻ có tham vọng trong nội bộ đảng Dân chủ, cũng như có khá nhiều thượng nghị sĩ kém bà Clinton một hoặc hai chục tuổi. Vậy tại sao không có ai trong số họ xem xét việc tham gia vào cuộc chạy đua vào chức tổng thống năm 2016 lần này có thể xây dựng tiền đề cho tương lai của họ về sau? Câu trả lời nằm ở một trong những biệt tài ít được biết đến của Hillary Clinton, khả năng nhóm lên nỗi sợ cho người khác của bà.

Chiến lược “thua để thắng” được sử dụng tốt nhất khi nó giúp cho người sử dụng có thêm tầm ảnh hưởng tốt thông qua đối thủ, người đã chiến thắng họ trong cuộc tranh cử. Mục đích có thể là trở thành người đồng hành cùng chính đối thủ của mình trong cuộc tranh cử tổng thống, đấu tranh với ứng viên đảng khác; hoặc đôi khi chỉ để thuyết phục những người ủng hộ họ rằng họ có một tương lai sáng lạn phía trước, và ủng hộ họ là một quyết định đúng đắn và có giá trị. Ngược lại, chiến lược “thua để thắng” sẽ không còn giá trị cao nếu như đối thủ sẽ trở thành kẻ thù muôn đời, nếu như đối thủ đó chắc chắn sẽ gây những tổn hại về chính trị cho mình. Và đó chính xác là lý do vì sao không ai dám nhảy vào tranh đấu với Hillary Clinton, bởi vì bà ấy sẽ làm điều y như vậy với ai đối đầu bà.

Báo ơn và trừng phạt

Trong suốt sự nghiệp của mình, Bill và Hillary Clinton đã cho thấy sự sẵn sàng ghi nhớ, và sẵn sàng trừng phạt những sự phản bội mang tính chính trị. Vào năm 1980, tổng thống Jimmy Carter gửi một vài người tị nạn từ Cuba, những người đã tới nước Mỹ theo đường biển, tới Arkansas. Phải sống trong một môi trường như tù đầy, những người bị tạm giam nổi loạn và một vài người bỏ trốn. Việc này như càng đảm bảo sự thất bại trong việc tái đắc cử làm Tổng thống của Bill Clinton với tư cách là thống đốc bang Arkansas. Nhà Clinton đã trả đũa vụ việc đó trong suốt một thập kỷ sau đó bằng việc từ chối nhận bất kỳ ai đã từng làm việc và hoạt động cho Carter và Nhà Trắng dưới thời của Tổng thống Clinton. Vào năm 2012, Bill Clinton nhiều lần can thiệp vào nội bộ đảng Dân chủ để giúp cho những ứng viên đã ủng hộ Hillary Clinton trước những đối thủ đã từng ủng hộ Barack Obama. Hành động này như một lời nhắc nhở tới những người trong nội bộ đảng Dân chủ rằng chống lại Hillary sẽ phải trả giá.

Theo lời của Bob Boorstin, người đã làm công tác truyền thông cho bảo hiểm y tế của Hillary Clinton, khi Hillary bị xem thường, “bà ấy sẽ trở nên tức giận, và sẽ nhớ nó mãi mãi”. Ngược lại, khi người khác chứng tỏ sự trung thành với bà, bà sẽ báo ơn hoặc có phần thưởng xứng đáng. Một lần nữa, sự trung thành, dù theo nghĩa tốt hay xấu, chính là đặc điểm đặc trưng của Hillary Clinton và cung cách làm việc của bà ấy từ trước tới giờ”.

Không phải chính khách nào cũng dám trừng phạt những kẻ chống đối mình và giúp đỡ hay thưởng cho những người ủng hộ - những người bạn như Hillary Clinton. Bà ấy luôn luôn và dám làm như vậy. Ví dụ điển hình cho chính khách không làm được như bà, đó là tổng thống đương thời Obama. Ông đã loại bỏ các cố vấn chính sách đối ngoại, những người đã ký vào chiến dịch tranh cử của ông khi ông bổ nhiệm Hillary Clinton làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ. Và Obama đã miễn cưỡng trừng phạt các thành viên thuộc đảng của ông trong Quốc hội khi họ phản đối chương trình nghị sự của ông. Mặc dù nét hành xử này đã mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cho Hillary Clinton, nhưng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới diễn ra vào năm 2016, danh tiếng này có thể giúp cho bà bớt đi được một vài, hay nhiều đối thủ. Để giải thích cho việc vì sao O’ Malley, một ứng viên tiềm năng, không chạy đua cùng với Hillary Clinton, tờ Điện báo Washington đã viết rằng: “Ông ta có rất nhiều thời gian để xây dựng nên một sự nghiệp mà không có bất kỳ kẻ địch nào trong nội bộ đảng Dân Chủ - ngôi nhà đầu tiên cho sự nghiệp chính trị”. Và thật may mắn cho Hillary, không chỉ O’Malley mà rất nhiều ứng cử viên tiềm năng khác cũng có xu hướng nghĩ và hành động giống như O’Malley: “Chẳng dại gì để đua tranh với Hillary Clinton”

Phương Linh
.
.