Herbert Lawrence Block: Cây biếm họa gạo cội của Washington Post

Thứ Hai, 24/08/2015, 23:09
Herbert Lawrence Block là họa sĩ biếm chính trị được vinh danh nhiều nhất trong thời đại của ông. Ông cũng là họa sĩ biếm họa duy nhất có tác phẩm trưng bày trong Nhà triển lãm nghệ thuật quốc gia khi còn sống, đồng thời cũng là người duy nhất nhận Huân chương Tự do của tổng thống khi còn sống. 

Ông đã vẽ biếm họa mười ba đời Tổng thống Mỹ, từ Herbert Hoover tới George W. Bush, vẽ minh họa biên niên sử nước Mỹ từ giai đoạn sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1929 đến mùa hè năm 2001. Ông là người đã đặt ra cụm từ “chủ nghĩa McCarthy”, thúc đẩy cải cách và trở thành người vẽ tranh biếm họa chính trị có ảnh hưởng lớn và lâu dài trong lịch sử xứ cờ hoa.

Cả đời cho biếm họa báo chí

Herbert Lawrence Block, thường được biết đến với bút danh Herblock (13/10/1909 - 07/10/2001), là một họa sĩ chuyên vẽ tranh biếm họa chính trị nổi tiếng với những bình luận ngắn gọn, sắc sảo về các chính sách đối nội và đối ngoại của nhiều đời tổng thống Mỹ. Các tác phẩm của ông phản ánh một nỗ lực mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi cá nhân và tự do nhân quyền của công dân Mỹ. Ngoài lĩnh vực báo chí, rất nhiều hình ảnh biếm họa do chính ông sáng tác còn được trưng bày và sử dụng trong các lớp học, bảo tàng, thư viện và các tổ chức cá nhân.

Xuyên suốt sự nghiệp làm báo hơn 70 năm qua 13 đời tổng thống, Herblock đã cho ra đời một khối lượng lớn các tác phẩm biếm họa có nét vẽ đơn giản cùng lời chú thích dễ hiểu khiến cho những vấn đề chính trị xã hội vốn phức tạp bởi ngôn từ báo chí trở nên bình dân và gần gũi hơn với độc giả. Các bức biếm họa của ông cung cấp thông tin toàn quốc, tập trung vào các vấn đề nổi cộm đương thời, thu hút sự chú ý của người đọc vào guồng xoáy chóng mặt của các sự kiện chính trị ở đất nước cờ hoa.

Trong toàn bộ sự nghiệp làm báo của mình, ông đã nhận được 3 giải Pulitzer cho thể loại biếm họa chính trị với các tranh minh họa báo chứa nội dung bình luận liên quan đến những dòng sự kiện nổi bật. Ngoài ra ông còn đồng sở hữu một giải Pulitzer với bài báo nổi tiếng của Washington Post về vụ bê bối chính trị ở Watergate, Huân chương Tự do của Tổng thống (1994), giải thưởng của Hiệp hội Biếm họa quốc gia cho thể loại biếm họa chính trị (1957, 1960), giải Reuben (1956), giải Chìa khóa vàng của Hiệp hội Biếm họa quốc gia (1979) và một loạt các danh hiệu khác.

Năm 1966, ông được chọn để thiết kế tem bưu chính Mỹ kỷ niệm 175 năm ngày ra đời Bản tuyên ngôn nhân quyền. Trong cùng năm 1986, ông đồng thời nhận giải Elijah Parish Lovejoy và bằng Tiến sĩ Luật danh dự của Đại học Colby. Kế đến, ông vinh dự nhận bằng Tiến sĩ Nghệ thuật danh dự của Đại học Harvard vào năm 1999.

Bút danh “Herblock” dù đã xuất hiện từ thời còn học trung học nhưng chỉ được ông chính thức sử dụng từ khi bắt đầu theo học tại Học viện Nghệ thuật Chicago. Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục theo học cao đẳng trong 2 năm. Tuy nhiên việc học bị gián đoạn vào năm thứ hai khi ông được nhận vào thế chân cho một họa sĩ biếm họa của tờ Chicago Daily News. Công việc sau đó tại tờ Hiệp hội Doanh nghiệp đã giúp cho các bức biếm họa của ông được biết đến rộng rãi hơn trên toàn nước Mỹ. 

Khi giành giải Pulizer đầu tiên vào năm 1942, ông tham gia quân đội trong 2 năm. Trong thời gian này, Herblock vẫn tiếp tục hoạt động vẽ biếm họa và phát hành báo. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông nhận chức chủ biên mảng tranh biếm họa cho tờ Washington Post và làm việc tại đây cho đến cuối đời.

Ngòi bút linh hoạt

Herblock không chỉ là một họa sĩ tài năng và chuyên nghiệp trong mảng biếm họa, ông còn là một nhà báo có chính kiến với nhiều bài xã luận sắc bén và lập trường kiên định. Một đồng nghiệp của ông nhận định: “Herblock là một trong những nhà bình luận chính trị có tầm ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX, nhân vật hàng đầu trong lịch sử biếm họa chính trị và có thể là một bậc thầy tiên đoán trong lĩnh vực báo chí”.

Đầu thập niên 1950, thượng nghị sĩ Joseph McCarthy là đối tượng chính trong các tranh biếm của Herblock. Chính Herblock là người đã nghĩ ra cụm từ Chủ nghĩa McCarthy đề cập đến chủ trương chống lại những người cộng sản của chính trị gia người Mỹ này. 

Năm 1952, tờ Washington Post công khai ủng hộ Eisenhower trong cuộc bầu cử tổng thống nên một số tranh biếm họa của Herblock bị gác hoặc đăng trễ khoảng 1 tuần. Trong khoảng thời gian này, Herblock chỉ trích Eisenhower chủ yếu là vì ông này không có hành động thích đáng về các quyền dân sự và không kiềm chế việc Thượng nghị sĩ McCarthy lạm dụng quyền lực.

Theo ông, quyền tự quyết của người biên tập phải được tòa soạn tôn trọng bất kể các bức tranh biếm họa có đi đúng theo lập trường chính trị của tòa soạn hay không. Ông chỉ chú trọng vào việc công kích các nhân vật quyền lực của công chúng để giành được lợi ích cho cộng đồng, chứ không vì tư thù hay ngưỡng vọng cá nhân.

Họa sĩ Herblock cùng một số tranh biếm họa yêu thích của ông trong văn phòng của tờ Washington Post đầu thập niên 60.

Điển hình là vào năm 1937, mặc dù hâm mộ cuồng nhiệt Franklin Roosevelt, Herblock nhận thấy ông cần tấn công đề án Thủ tục cải cách tư pháp của tổng thống. Hay trong các thập kỷ sau, ông đã nỗ lực công kích cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, khiến cho Tổng thống Johnson gạt bỏ kế hoạch trao giải thưởng tranh biếm họa và Huân chương Tự do cho ông. Dù vậy, danh dự này cuối cùng cũng đến được với Herblock khi Tổng thống Bill Clinton trao tặng ông vào năm 1994.

Trong những năm 1980 và 1990, Herblock châm biếm và chỉ trích Tổng thống Reagan, George H.W. Bush và Clinton về các vấn đề kiểm soát quyền sử dụng súng, phá thai, ảnh hưởng của nhóm Thiên chúa giáo chính thống lên chính sách công và bong bóng Dot-Com.

Một trong những tác phẩm biếm họa nổi tiếng nhất của Herblock vẽ Nixon đang bò ra khỏi một hệ thống cống mở, minh họa cho bài viết tấn công chính quyền Nixon trong lúc đang xảy ra vụ bê bối ở Watergate. Chính sự đả kích mạnh mẽ này đã khiến tên tuổi của cây bút biếm họa này bị đưa vào danh sách thù địch của phe Nixon. Vụ Watergate là một vụ việc gây nhiều tranh cãi trên chính trường Mỹ từ năm 1972 đến 1974 khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.

Tại thời điểm xảy ra cuộc chiến tranh Việt Nam, chính quyền Nixon đã lạm dụng quyền lực để ngăn cản phong trào phản chiến và đảng đối lập là Đảng Dân chủ. Khi Quốc hội Mỹ phát hiện và điều tra âm mưu này, sự phản kháng của chính quyền Nixon dẫn đến một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Cụm từ  Watergate bao quát một loạt các hoạt động bất hợp pháp tiến hành bí mật và thường được thực hiện bởi các thành viên của chính quyền Nixon.

Những hoạt động ngầm này gồm cả những “thủ đoạn bẩn thỉu” như nghe lén tại văn phòng của các đối thủ chính trị và cả nhà riêng của người dân. Nixon và các phụ tá thân cận của ông đã ra lệnh phá rối các nhóm hoạt động và các nhân vật chính trị bằng cách sử dụng Cục Điều tra liên bang (FBI), Cơ quan Tình báo trung ương (CIA), và Sở Thuế vụ (IRS). Các vụ bê bối dẫn đến việc phát hiện ra nhiều trường hợp lạm dụng quyền lực trong chính quyền Nixon, cáo buộc 69 người có liên quan và có đến 48 người trong số đó bị kết tội và bỏ tù sau nhiều phiên tòa xét xử. Nhiều người trong số đó là các quan chức chính quyền hàng đầu của Nixon. Tác phẩm biếm họa về vụ việc này đã mang lại cho Herblock và các đồng nghiệp một giải Pulitzer vào năm 1979.

Herblock qua đời vào ngày 07/10/2001, khoảng một tuần sau sinh nhật lần thứ 92 của ông sau một thời gian chống chọi với cơn bệnh viêm phổi kéo dài. Bức tranh biếm họa cuối cùng của ông đăng trên tờ Washington Post vào ngày 26/8/200. 

Khi qua đời, Herblock đã để lại 50 triệu đô USD để thành lập quỹ mang tên ông nhằm hỗ trợ các chương trình từ thiện và giáo dục. Quỹ Herblock cam kết bảo vệ các quyền tự do cơ bản cho tất cả công dân Mỹ, chống mọi hình thức kỳ thị, thành kiến và cải thiện điều kiện sống của người nghèo. Quỹ cũng cam kết hỗ trợ giáo dục cho các học sinh xuất sắc thông qua những học bổng giáo dục sau trung học và thúc đẩy phát triển nghiên cứu biếm họa chính trị.

Hiếu Thảo
.
.