Danh hoạ Nguyễn Phan Chánh:

Hạnh phúc cuối đời với "hoa khoai lang thân yêu"

Chủ Nhật, 17/05/2009, 15:59
Đây là một trong những bài thơ tình hay mà ông tổ tranh lụa Việt Nam - danh họa, thi sĩ Nguyễn Phan Chánh viết tặng cho người tình, người bạn đời tri âm tri kỷ, người vợ thứ hai danh chính ngôn thuận có cưới hỏi chính thức của ông trong phần sau cuộc đời. Bà chính là bà Nguyễn Thị Khôn, người ở vùng Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Yêu vợ và ân nghĩa với vợ, danh họa Nguyễn Phan Chánh đã lấy một kỷ niệm yêu của hai người để đặt cho bà một cái tên rất giản dị: "Hoa khoai lang".

Sau khi người vợ đầu bị bạo bệnh rồi mất khi các con còn bé dại, danh họa Nguyễn Phan Chánh rất buồn đau và hẫng hụt. Ông thường đi xuống các làng xóm để vẽ truyền thần, vừa là để tìm mẫu vẽ, tìm cảnh đẹp để quên đi mối sầu đau. Trong một lần đến Cẩm Xuyên, ông đã gặp một thiếu phụ chừng 30 tuổi.

Thiếu phụ có vẻ đẹp khoẻ mạnh của một cô thôn nữ, da trắng hồng hào, gương mặt tròn trịa, cặp mắt to đen thăm thẳm lúc nào cũng như cười nhưng vẫn nhuốm trong đó một ánh buồn mênh mang. Dáng người thiếu phụ cao, thắt đáy lưng ong với vòm ngực căng tròn làm nao lòng bao chàng trai trẻ. Người thiếu phụ có một hoàn cảnh riêng éo le. Lấy chồng từ năm 16 tuổi, nhà chồng giàu, lấy vợ cho con để có thêm người làm. Về làm dâu, mẹ chồng thường ngủ ở chiếc giường trước cửa buồng ngăn không cho con trai đến với con dâu. Nàng dâu phải ngủ ở ổ rơm cạnh chuồng trâu. Không chịu nổi cảnh làm dâu cực khổ, bà bỏ về nhà mẹ đẻ.

Người thiếu phụ trẻ đẹp nhất nhì làng, bao đám thanh niên dạm hỏi, thế nhưng duyên phận lại buộc bà vào người đàn ông tài hoa nhưng hơn bà tới gần gấp đôi số tuổi và lại bíu rìu thêm đàn con thơ. Danh họa Nguyễn Phan Chánh gọi người vợ thứ hai của mình bằng cái tên âu yếm "Hoa khoai lang" để kỷ niệm ngày ông gặp bà ở miền quê có nhiều cánh đồng khoai lang ấy. Thêm một ẩn ý sâu xa nữa, danh họa Nguyễn Phan Chánh yêu những nét đẹp nơi thôn quê dân dã. Thiếu nữ trong tranh ông chủ yếu là những cô gái nông thôn hiền dịu chất phác với một vẻ đẹp trắng trong. Vì thế, không ngạc nhiên gì khi giữa những đoá lan, cúc rực rỡ, ông lại chọn đóa hoa đẹp nhất là đóa hoa khoai, như những người thiếu nữ hồn hậu nơi quê nhà.

Nhà văn Nguyệt Tú kể rằng: Về làm vợ họa sĩ, dì đã âm thầm thay mẹ tôi lo lắng đảm đang việc nội trợ trong nhà. Gánh nặng gia đình thời chiến chuyển sang vai người thiếu phụ chỉ hơn tôi mấy tuổi, thế nhưng không bao giờ thấy dì phàn nàn. Hoà bình lập lại, cả gia đình chuyển ra Hà Nội. Lúc này dì vẫn ở quê Hà Tĩnh vì lương của thầy tôi ít, chỉ nuôi được Nguyệt Lệ. Nguyệt Anh phải bỏ học đi làm và ở tập thể công nhân Nhà máy Dệt Kim mồng 8 tháng 3.

Vợ chồng cách trở, thương nhớ người vợ nơi quê nhà, thầy tôi đã viết bài thơ "Hoa khoai lang" gửi tặng dì: "Cảnh cũ đi về thôn Bến Giá/ Tình duyên nhắc nhỏm đoá hoa khoai/ Ai đưa non nước xây vần lại/ Nỡ để trăng hoa nhắc nhở hoài/ Xa tít Hồng Lam ai có biết/ Tương tư có kẻ bạc râu mày". Thương thầy, các con lại lo xin cho dì về gần Hà Nội đi làm ở một nông trường, ngày nghỉ dì mới về thăm thầy.

Có một kỷ niệm khiến cho nhà văn Nguyệt Tú nhớ mãi. Một lần, nhà văn Nguyệt Tú đi làm về, thấy dì đang ngồi chơi trong phòng khách, dưới chân có chiếc làn đựng mấy bìa đậu phụ và mớ rau muống. Nguyệt Tú rất lo lắng, sợ ở nhà thầy có chuyện gì bèn hỏi dì ngay. Dì “Hoa khoai lang” cười: "Dì đi chợ về, thấy cửa buồng treo bảng: "Họa sỹ đang bận vẽ tranh, miễn tiếp khách", thầy chị vẽ tranh, dì không vào nhà được". Nguyệt Tú ngạc nhiên: "Sao dì không gõ cửa?". Dì "Hoa khoai lang" cười hiền hậu: "Thôi để thầy chị vẽ cho tự nhiên. Dì ngồi đây chơi với các cháu một lúc vậy. Dì đã quen với tính thầy chị".

Nhớ lại ngày trước, thời dì đang làm ở nông trường, xa nhà hai ba tháng, khi về thăm nhà, dì mang theo nào nếp, sắn, gà… Vừa hăm hở bước tới nhà, thấy ngoài cửa treo bảng: "Bận vẽ mẫu nữ. Miễn tiếp khách". Dì tức quá, đứng ngoài một lúc, tủi thân, dì xách nếp, gà quay về lại nông trường..

Nhưng đó chỉ là một vài khoảnh khắc ghen tuông thời trẻ, còn lại, theo nhà văn Nguyệt Tú, bà phải thừa nhận rằng, cũng như mẹ ruột của bà ngày xưa, dì là một trong hiếm hoi những người phụ nữ yêu chồng, tôn thờ và hy sinh vì chồng đến mức người thường khó có thể làm được. Sau này, khi kinh tế khá hơn, được các con góp lại giúp đỡ, dì về Hà Nội sống cùng danh họa Nguyễn Phan Chánh để cơm nước chăm sóc cho chồng khi tuổi của ông cũng đã cao.

Những năm tháng chiến tranh, Hà Nội hầu như phải đi sơ tán hết, riêng danh họa Nguyễn Phan Chánh không chịu đi. Ông ham vẽ, ham làm việc, suốt mấy chục năm trời, ông gắn bó với khu lao động thôn An Dương sát chân cầu Long Biên. Bao nhiêu bức tranh đẹp của ông: "Sau giờ trực chiến" "Sáng cho con bú", "Chiều về cho con bú", "Trăng tỏ trăng lu" đều được vẽ ở đây, nơi cái túi đựng bom Mỹ trút xuống trong chiến tranh.

Nhà văn Nguyệt Tú nhớ lại, cứ sáng sáng, Nguyễn Phan Chánh lại khoác cái túi vẽ lên vai rồi đi tàu điện ra bờ hồ mặc cho vợ âu lo can ngăn. Có những hôm, dì xót chồng, giấu biệt cái túi vẽ đi, ông chỉ vờ ở nhà một lúc, lại tìm cách trốn vợ nói là ra phố có tí việc rồi ông cứ thế ra tàu điện Bờ Hồ và đi sang An Dương. Ông nói: Ở cái túi bom ấy, người dân sống được, ở lại chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, sao mình lại phải đi.

Ông mang cặp vẽ xuống khu lao động An Dương, ở đấy cả ngày, ăn cơm trưa ở nhà người mẫu là công nhân ông quen từ chục năm nay. Cô con gái con nhà chủ năm xưa trong bức tranh của ông còn bé tẹo, nay đã trở thành thiếu nữ rực rỡ. Cô gái có người yêu ngoài mặt trận. Một lần Nguyễn Phan Chánh nhìn thấy một khoảnh khắc tuyệt đẹp. Cô gái vừa đi trực chiến về, đang cúi xuống rửa mặt, cổ áo trễ xuống, để lộ một khoảng ngực trần con gái tròn căng. Đang lúi húi, bỗng nghe tiếng cậu em gọi: "Chị ơi, có thư của anh ấy đấy", cô gái vụt ngẩng mặt lên, cả gương mặt long lanh nước bỗng sáng bừng lên trong một niềm hạnh phúc bừng tỏa. Ông đã khắc ghi khoảnh khắc tuyệt đẹp ấy trong bức vẽ "Nhận thư từ tiền tuyến".

Nhưng bức họa ấy mãi mãi không thể hoàn thành được, vì thôn An Dương sau đó bị Mỹ ném bom tan tành, cả bức họa ông vẽ dở gửi trong nhà người công nhân kia cũng đã bị bom phá huỷ. Nghe tin An Dương bị ném bom, ông đã đi tàu điện về chứng kiến nỗi xót đau khi thôn làng chỉ còn là đống đổ nát. Ông đinh ninh gia đình công nhân đã bị chết trong trận bom khủng khiếp ấy nên ông sầu buồn mà sinh ốm. Sau này, cả gia đình công nhân kia lên thăm ông, ông chưa kịp mừng vì hay tin cả gia đình may mắn đi sang chỗ khác có việc nên thoát chết, nhưng người thiếu nữ xinh đẹp con gái của họ thì đã hy sinh ngày 26/12/1972 khi đang làm nhiệm vụ tự vệ ở khu phố Khâm Thiên. Nỗi buồn đau sâu sắc đã khiến cho danh họa Nguyễn Phan Chánh ốm nặng hơn. Gần nửa năm sau, ông mới cầm lại được chiếc bút vẽ. Nhưng lần này, ông không còn đủ sức để đi xuống thôn An Dương nữa, nơi có bức họa dang dở và nỗi mất mát lớn trong gia đình người mẫu của ông. --PageBreak--

Chính vợ ông, dì "Hoa khoai lang" đã lặng lẽ đi tìm kiếm và thuyết phục các mẫu nữ xinh đẹp, đưa họ về nhà động viên chồng mình vẽ. Bà đi lên nông trường nơi bà từng làm việc, đến chỗ bạn bè quen thân, hay gặp bất kỳ cô gái trẻ xinh đẹp nào, bà đều tìm cách làm quen, tha thiết mời họ về nhà đồng ý làm mẫu cho chồng.

Nhà văn Nguyệt Tú nói rằng, riêng việc đi tìm mẫu nữ về cho chồng vẽ, thì dì "Hoa khoai lang" đã khiến cho tất cả các con cháu nể phục, kính trọng và ngưỡng mộ tình yêu độ lượng, bao dung không chút ích kỷ tị hiềm của bà đối với danh họa Nguyễn Phan Chánh. Những bức họa nổi tiếng như: "Tiên Dung ngồi", "Tiên Dung tắm", Kiều tắm", "Lội suối", được ông vẽ ở tuổi 80, sau một trận ốm dài. Các mẫu nữ cho những bức họa nổi tiếng này là nhờ dì "Hoa khoai lang" tìm hộ. Bà đã có công rất lớn để giúp chồng thể hiện thành công trong những tác phẩm lớn này. Bà biết chồng thích vẽ "nuy" trên lụa vì theo ông nói, chỉ có lụa mới thể hiện được màu da của người phụ nữ.

Nhà chỉ có một căn buồng, mỗi khi tìm được các mẫu nữ đẹp về để chồng vẽ "nuy", bà lại tìm cách tránh đi, nhường lại phòng cho ông vẽ tự nhiên và thoải mái. Một buổi sáng, danh họa Nguyễn Phan Chánh thức giấc và nói với vợ đêm qua ông nhìn thấy một đàn vịt bay rất đẹp. Nghe chồng kể vậy, bà vội vã đi chợ mua vịt về cho ông vẽ. Về cuối đời, ông đọc sách và tin rằng ăn nhiều thịt vịt thì sẽ rất khỏe. Thời kỳ đó tem phiếu khó khăn, chính bà đã lặn lội ngược xuôi hết chợ trên chợ dưới, vất vả lắm mới mua được vịt về nấu măng cho chồng ăn bồi bổ sức khoẻ.

Sinh nhật lần thứ 90 của danh họa Nguyễn Phan Chánh, Hội Mỹ thuật và Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam đến nhà riêng chụp ảnh cho ông. Khi mọi người đã ngồi đông đủ để chụp ảnh, ông nhìn chưa thấy bà đâu, vội vàng nói: ""Vàng của tôi đâu, đợi chút để vàng của tôi lên chụp cùng đã". Câu nói của ông khiến cho ai có mặt lúc ấy đều xúc động và hiểu hơn về nghĩa vợ chồng của hai người. Dì "Hoa khoai lang" thực sự là người bạn tri âm tri kỷ của danh họa Nguyễn Phan Chánh trong những năm tháng cuối. Càng về già, hai ông bà càng khuya sớm chuyện trò thủ thỉ bên nhau.

Nhà văn Nguyệt Tú được nhà văn Thanh Hương là hàng xóm cận kề của ông bà Chánh kể lại, đêm nào hai ông bà cũng ngâm thơ, đọc thơ cho nhau nghe có khi đến 2-3h sáng. Những bài thơ mà dì "Hoa khoai lang" hay ngâm cho ông nghe nhất chính là những bài thơ ông viết tặng bà khi mới quen nhau. Ban ngày, lúc nào ngơi tay, bà lại rủ rỉ đọc nhật ký đi vẽ của ông cho ông nghe, lặn lội lên hàng sách tìm mua sách màu, về cho ông xem.

Sáu, bảy năm trời kể từ khi danh họa Nguyễn Phan Chánh ốm liệt, mọi sinh hoạt đều tại chỗ, bà rất vất vả. Các con cháu có thể góp tiền của nuôi cha nhưng tất tật mọi việc như cơm nước, giặt giũ, vệ sinh cho ông, một tay bà làm hết. Vậy mà bà không một chút kêu ca.

Trong cuốn hồi ký "Đường sáng trăng sao" của nhà văn Nguyệt Tú, có đoạn: "Nếu không có dì, chắc chắn cha tôi không sống được đến 92 tuổi. Gần 10 năm, dì chăm sóc ông. Đúng là "con chăm cha không bằng bà chăm ông". Khi viết những dòng này, tôi muốn cảm ơn dì, dì Nguyễn Thị Khôn. Sau khi cha tôi mất, cứ ngỡ dì đỡ vất vả. Không ngờ, ngày nào dì cũng thẫn thờ, ngẩn ngơ, quanh quẩn bên chiếc giường trống.

Tôi đến thăm dì, dì ngước đôi mắt đen đẫm nước nhìn tôi, thầm thì: "Giá mà thầy chị cứ nằm mãi cho dì chăm sóc như ngày nào". Tôi nghẹn ngào không biết nói gì. Mọi lời an ủi lúc này đều vô ích. Sau khi cha tôi mất, mấy chậu lan của ông, dì chăm sóc rất cẩn thận, để cây lan cha tôi trồng, cứ đúng dịp tháng 7, sinh nhật ông lại trổ hoa. Cha tôi thật hạnh phúc khi cuối đời được hưởng một tình yêu trong sáng, đẹp như hoa khoai lang. Khi còn sống cha tôi vẫn gọi dì là: "Hoa khoai lang thân yêu".

Bà Nguyễn Thị Khôn, tức dì "Hoa khoai lang" hiện nay đã thượng thọ gần 90 tuổi. Bà vẫn sống ở Hà Nội, trong vòng tay quan tâm, chăm sóc và yêu thương của gia đình các con các cháu, đặc biệt là các con cháu của danh họa Nguyễn Phan Chánh

.
.