Hai cha con, hai vị tướng

Thứ Hai, 10/09/2007, 10:21
Có một gia đình cán bộ Công an ở Hà Nội rất tự hào và cũng rất hạnh phúc: Hai bố con - hai vị Tướng. Vị Tướng bố - Trung tướng Trần Quyết - ông vừa mới được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nước ta và con trai -Thiếu tướng Phạm Ngọc Quảng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V.

Trung tướng Trần Quyết là một cán bộ cấp cao của Đảng được cử giữ nhiều chức vụ nên khi về hưu có nhiều từ "nguyên": nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), nguyên Thứ trưởng kiêm Tư lệnh, kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (BTL CANDVT), nguyên Bí thư TW Đảng, nguyên Viện trưởng VKSND Tối cao.

Xin được nhìn ngược lại một chặng đường… Từ tháng 3/1959 đến một vài năm đầu thập niên 1980, CANDVT là một lực lượng vũ trang thuộc Bộ Công an. Để việc lãnh đạo, chỉ huy lực lượng này được thống nhất và kịp thời, khoảng cuối năm 1977, Đảng đoàn Bộ và lãnh đạo Bộ cử ông sang kiêm hai chức: Tư lệnh kiêm Chính ủy BTL CANDVT. Ngay sau đó, ông được Chính phủ phong hàm Trung tướng...

Vào thời gian này, lực lượng CANDVT đang tiến hành tổng kết "Hai mươi năm công tác, chiến đấu, trưởng thành và những bài học kinh nghiệm" (1959-1979). Tôi được chỉ định là một thành viên chấp bút phần tổng kết công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng.

Và để có tài liệu thực tế sống động, trước đó tôi đã cùng một tổ thâm nhập vào các đơn vị an ninh vũ trang giải phóng hoạt động bí mật ở phía Nam giới tuyến (Trung Giang, Trường Giang, Khe Ve).

Trong lúc công việc đang còn ngổn ngang, bất ngờ tôi nhận được quyết định của BTL, do Thiếu tướng Đinh Văn Tuy, Phó Chính ủy ký, giao nhiệm vụ làm thư ký riêng cho Trung tướng Tư lệnh. Thực tình công việc này đối với tôi cũng nửa quen, nửa lạ. Nhưng cái khó nhất là lạ Thủ trưởng. Vậy nên phải vừa làm vừa tìm hiểu Tư lệnh.

…Được biết, ông là một thanh niên sớm giác ngộ cách mạng hoạt động bí mật từ tiền khởi nghĩa. Đã mấy lần bị địch bắt cầm tù, hết nhà tù Nam Định đến Căng Bá Vân, và lần tù cuối cùng ở Nghĩa Lộ, tù nhân đồng lòng dùng bạo lực phá ngục, giết bọn cầm đầu để trở về với cách mạng. Việc lớn không thành. Địch đàn áp đẫm máu. Ông may mắn được đồng bào địa phương giúp đỡ nên thoát khỏi vòng vây của địch.

Gần 40 năm sau, trong dịp trở lại thăm Bảo tàng huyện Văn Chấn, ông thành kính thắp hương trước Đài Tổ quốc ghi công, có ghi tên 7 liệt sỹ. Họ là tù nhân nhà tù Nghĩa Lộ đã hy sinh ngày phá ngục, rồi ông trầm ngâm đứng suy tư trên nền cũ rêu phong của chốn ngục tù đày đọa ngày xưa.

Ông nói với anh Võ Khắc Cương, Bí thư Huyện ủy Văn Chấn, nhờ tìm giúp nhà mẹ Thanh, người dân tộc thiểu số vùng này. Nhà mẹ nghèo lắm. Chỉ có túp lều nhỏ, nhưng mẹ có tấm lòng quý hơn vàng, dám chấp nhận tội chém đầu để che giấu trong nhà một tù Cộng sản vượt ngục, và nhường cho tù nhân bát cơm nguội ít ỏi của mình.

Đồng chí Bí thư đã cử người đi hỏi thăm, xác minh mãi mới biết chính xác ông bà cụ Thanh, người dân tộc Tày đều còn khỏe, còn nhớ việc giấu tù Cộng sản vượt ngục chạy trốn vào nhà mình đã lâu lâu. Ông đã đến thăm gia đình cụ Thanh và có lời tạ ơn đúng vào dịp sắp đón mừng năm mới.

Người tù Cộng sản năm xưa không phải chạy cắt rừng như năm trước mà đi trên con đường mới lạ, lòng bồi hồi xúc động. Bà mẹ dân tộc Tày đón nhận gói quà Tết từ tay ông Ủy viên TW Đảng, vì quá vui mừng không cầm được nước mắt chỉ ngập ngừng: "Trời còn có mắt…".

Lòng nhân ái, lòng tin là thế đấy, đã chắp cánh cho mọi ước mơ bay qua biết bao nỗi gian truân, thay đổi về lẽ sống làm người. Bát cơm nguội mẹ cho người tù Cộng sản lúc cơ hàn - mẹ là ân nhân của cách mạng. Bữa cơm thịnh soạn gia đình mẹ đãi khách hôm nay, trong ngôi nhà sàn rộng rãi, gỗ bóng loáng, cửa kính sáng trưng - cách mạng là ân nhân của mẹ!

Khi tôi kính biếu ông tấm ảnh "Trên đỉnh Lũng Cú - Hà Giang", chụp tháng 1/1979, ông rất xúc động và thương tiếc khi nhắcđến tên 6 cán bộ trong Đoàn kiểm tra năm ấy nay đã về với tổ tiên.

Sau lần thoát hiểm ngày ấy, ông lại tiếp tục vượt thác leo đèo trên dặm dài Tây tiến. Mười mấy năm gắn bó với chiến trường miền Tây, làm Phó Bí thư Khu ủy Tây Bắc kiêm Giám đốc Công an khu, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi về Bộ Công an 33 năm liên tục làm công tác lãnh đạo, góp phần chỉ đạo phá các vụ án lớn: Tiễu phỉ ở Tây Bắc, truy quét FULRO, hạ màn trò hề của tàu Thương Tín.

Khi về Bộ Tư lệnh, lần xuất Tướng đầu tiên, ông làm Trưởng đoàn gồm một số cán bộ Vụ, Cục của Bộ và tướng, tá của BTL CANDVT, đi kiểm tra một chặng đường biên cương phía Bắc của Tổ quốc - từ Quảng Ninh đến tận điểm mút tỉnh Lai Châu.

Khỏi phải nói đường biên giới dã chiến lúc bấy giờ cực kỳ gian khổ, vất vả! Thác ghềnh. Đèo dốc. Và đá, đủ các cỡ: đá ông voi, đá cối xay, đá tai mèo…

Những chiếc xe Uoát nhồi vo chúng tôi hết cỡ. Khớp xương. Chân cẳng… tự xếp vào loại yếu kém toàn thân. Ấy vậy mà ông, dù ở ngưỡng tuổi sáu mươi, nhưng phong thái vẫn ung dung, nhẹ tênh, khi cần đi bộ, đi rất nhanh, leo dốc rất dẻo, phăm phăm trên đồn biên phòng hay lên điểm chót cao ngân ngất.

Đến nơi, ông quan sát địa thế, xem bản đồ và bắt đầu làm việc ngay. Ông nghe tình hình chung, hỏi kỹ những vấn đề cần xử lý linh hoạt trong phương án chiến đấu và có ý kiến chỉ đạo những việc phải bổ sung ngay trong tình hình diễn biến rất phức tạp.

Và trong một thời gian ngắn sau đó, cũng chính ông - giữ vai trò rất quan trọng trong việc chỉ huy giải quyết mọi vấn đề rất gay cấn, rất phức tạp và cũng rất tế nhị tại Cây số không…

Ông bắt chuyện rất giỏi: Chiến sỹ trinh sát. Sỹ quan công tác dân vận. Xạ thủ súng máy. Anh nuôi, tiếp phẩm, chợ búa… Với đối tượng nào ông cũng có chuyện vui để nói, công việc cần để hỏi, và ở đâu ông cũng được chiến sỹ quý mến, thích nói chuyện với ông Tướng "bình dân".

Không cố ý tự tô vẽ cho mình, nhưng ở mọi nơi, mọi lúc, ông đều thể hiện rõ bản lĩnh của người chiến sỹ Cộng sản, sống trong sáng, thẳng tính, có gì cứ nói minh bạch, nói ngắn thôi, không vòng vo dây cà, dây muống.

Tôi cảm nghĩ hình như trong ông có những trạng thái tư duy đối lập nhưng rất nhuần nhuyễn khi thể hiện. Bình tĩnh nhưng khẩn trương. Kiên quyết nhưng "lạt mềm buộc chặt". Kỷ luật nghiêm minh nhưng lại bao dung, thương yêu cán bộ, chiến sĩ...--PageBreak--

Hiện nay, giữa những ngày tháng 6 này, Trung tâm Băng nhạc Lạc Hồng đang phát hành bộ phim tài liệu "Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga" dưới dạng DVD.

Xem phim, có tình tiết vụ ám sát vợ chồng nữ nghệ sĩ Thanh Nga, nhưng ít người biết ai là người chỉ huy trực tiếp cao nhất điều tra khám phá vụ án này.

Bây giờ thì có kết luận rõ ràng rồi, Tòa án xử rồi, nhưng lúc bấy giờ thì đây là một trong những vụ án quan trọng nhất, phức tạp nhất, làm náo động đô thành và xôn xao dư luận trong cả nước. Trung ương quan tâm.

Giới văn học, nghệ thuật, trí thức quan tâm. Anh đạp xích lô, chị công nhân quét rác đường phố quan tâm.

Công an lúc nào cũng như ngồi trên nước sôi, lửa bỏng. Thời gian này, ông được lãnh đạo Bộ phân công trực ở miền Nam, vì vậy nghiễm nhiên về phía Công an, ông trở thành vị chỉ huy cao nhất của vụ án.

Vấn đề đặt ra trước hết, bản chất của vụ án là gì? Án chính trị hay án hình sự? Nói án chính trị cũng rất có lý và khả năng này là nhiều nhất. Bởi rằng, thành phố mới giải phóng được vài ba năm, tình hình chính trị còn rất phức tạp.

Chồng của nữ nghệ sĩ, nguyên là Chánh văn phòng Bộ Thông tin - Chiêu hồi của chính quyền Sài Gòn, có thể biết nhiều bí mật nên vì một lý do nào đó, phe phái nào đó, phải thủ tiêu để bịt đầu mối.

Nói án hình sự, bắt cóc tống tiền, cũng không loại trừ. Đã có tiền lệ xảy ra vụ bắt cóc tống tiền con trai của nghệ sĩ Kim Cương. Phải mất 20 lạng vàng để chuộc nhưng cảnh sát hình sự đã "vồ" hụt!

Sự chỉ đạo của ông trong vụ án này rất tập trung, linh hoạt và rất kiên quyết. Điều động một số cán bộ trinh sát hình sự có kinh nghiệm đánh án sắc sảo từ Bộ vào để bổ sung cho Ban chuyên án. Điều chó nghiệp vụ giỏi nhất đi máy bay vào để hỗ trợ giám định nguồn hơi truy tìm thủ phạm.

Tại Ban chuyên án, chấm dứt tranh luận án chính trị hay án hình sự. Cứ tiến hành điều tra theo hai hướng khác nhau. Chân lý thuộc về bên nào phản ánh đúng khách quan, và có đầy đủ chứng cứ xác thực.

Một vấn đề có tính nguyên tắc cần nắm vững là, trong vụ án này, ta đã tung đội hình mạnh nhất, phương tiện chiến đấu hiện đại nhất của Bộ, của Công an thành phố vào trận cho nên phải đoàn kết hỗ trợ nhau, cung cấp tin tức liên quan cho nhau với mục tiêu cao nhất là tìm cho ra, cho đúng thủ phạm để báo cáo với Trung ương, với lãnh đạo thành phố và với nhân dân.

Trải qua một chặng đường biết mấy gian truân thử thách. Phải đổ máu - hai chiến sĩ cảnh sát đã hy sinh. Phải đổ nhiều mồ hôi và công sức. Phải qua những cuộc đấu trí, đấu lý, nghệ thuật hình sự, nghiệp vụ Công an...

Sau 6 tháng, vụ án đã có đầy đủ chứng cứ khoa học để kết luận: Đây là vụ án hình sự bắt cóc tống tiền, nhưng trong tình huống quẫn bách, chúng bắn chết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga nên mục đích của chúng không thành.

Bọn tội phạm đã "tâm phục, khẩu phục", nhận tội trước Tòa. TAND TP Hồ Chí Minh tuyên án tử hình 2 tên: Nguyễn Thanh Tân, đầu sỏ và Nguyễn Văn Đức, trợ thủ đắc lực...

Trong lễ trao tặng Huân chương Sao Vàng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trịnh trọng tuyên dương: "... Dù ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí Trần Quyết cũng phấn đấu hết sức mình vì mục tiêu lý tưởng cao cả của Đảng... là tấm gương sáng về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, tận tụy trong công việc...".

Trong công lao to lớn ấy, có sự góp phần quan trọng của người đồng chí, người bạn đời của ông suốt cả chặng đường hơn nửa thế kỷ - Trung tướng phu nhân, bà Điều Thị Hảo.

Thời thanh niên, Điều Thị Hảo là một cô gái Thái hoa khôi vùng sơn cước đẹp người, đẹp nết. Bà là chỗ dựa vững chắc của ông, là "trung tâm vũ trụ" của 4 người con đã trưởng thành, học hành đến nơi đến chốn và đều là cán bộ của Nhà nước. Khi về hưu, bà là Vụ trưởng Ủy ban Dân tộc Trung ương.

Phạm Ngọc Quảng, con trai Trung tướng Trần Quyết còn rất trẻ. Anh trưởng thành từ người lính trong lực lượng Công an và hiện nay là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V. Chúng tôi ai cũng quý mến anh, vì trong các mối quan hệ, anh rất khiêm tốn, chân thành, đi bằng chân của mình, nghĩ bằng đầu của mình, không nấp bóng cây cổ thụ, không giương ô thời tiết.

Từ lần gặp anh, tháng 5/1986 ở Trường Djerjinski - Moskva, vời vợi 20 năm xa cách vì điều kiện công tác, chúng tôi vừa gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng: "Chào Thiếu tướng". Anh vội thanh minh: "Chú ơi, trong quan hệ gia đình, chú cháu ta trước sao sau vậy. Chú cứ gọi cháu như trước đây thôi".

Chuyện giữa chúng tôi còn dài, nhưng không hỏi gì nhau về công tác, bởi tôi hiểu công việc của anh là khó nói.

Vả lại, trên đất nước ta nhiều lắm những gia đình có truyền thống cách mạng quý báu như gia đình của anh: Lớp cha trước, lớp con sau... Tre già măng mọc. Đó cũng là một quy luật tất yếu Việt Nam!

.
.