Hà Nội, phải yêu mới hiểu

Thứ Hai, 11/10/2010, 14:00
Giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính chia sẻ: "Tôi muốn nói rằng, Hà Nội là thành phố mà phải yêu thì ta mới hiểu được nó. Không yêu thì dễ nhìn thấy những sự làm ta bực mình, nhưng yêu rồi thì sẽ hiểu, đây cũng là một thành phố tuyệt vời."

Ông là một trong những đại diện tiêu biểu của đội ngũ trí thức sinh ra và lớn lên trong vòng tay êm ấm nhất của cách mạng. Thời nhỏ, sau hơn một năm học tiểu học ở Trung Quốc, ông đã được lựa chọn vào nhóm "hạt giống đỏ" (gồm 100 người là con các nhà lãnh đạo, trí thức, các gia đình có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ) đi đào tạo ở Liên Xô. Vốn học vấn phong phú và vững chãi được tiếp nhận trên quê hương cách mạng Tháng Mười đã giúp kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính làm được nhiều việc hữu ích cho đất nước. Cho tới hôm nay, đã sát gần thất thập, ông vẫn luôn luôn bận rộn với công việc chuyên môn và cả việc đời. Phong thái nồng nhiệt, cởi mở đã giúp ông toát ra sức hấp dẫn trẻ trung hơn nhiều so với tuổi "cổ lai hy".

Cuộc trò chuyện với ông đã diễn ra vào sáng thứ sáu ngày 8/10/2010, trong không khí đang rất nóng của những ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nể tôi lắm, ông mới dành cho tôi được hơn 1 giờ từ khoảng thời gian mà lẽ ra ông phải tiếp tục ngồi ở Hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình".

Hồng Thanh Quang: Trong những ngày này, những công việc gì của GS-TS, KTS Hoàng Đạo Kính mới là chính? Tham dự các hội thảo?

KTS Hoàng Đạo Kính: Đúng thế, tham dự nhiều hội thảo, nhiều sinh hoạt, nhiều hoạt động. Nhưng việc nhiều nhất chính là việc nghĩ về Hà Nội hôm nay.

Hồng Thanh Quang: Ông cảm nhận thế nào về không khí của Đại lễ?

KTS Hoàng Đạo Kính: Trước tiên phải nói là thành phố sạch, đẹp lên nhiều… Nhưng cái hay nhất là được thấy sự quan tâm của cộng đồng, niềm hưng phấn, niềm tự hào về Hà Nội. Lâu nay, nói về Hà Nội, đôi khi ta vẫn cảm thấy cần phải có hệ số thông cảm, hệ số thanh minh, nhưng bây giờ thấy niềm tự hào...

Hồng Thanh Quang: Thực sự xứng đáng?

KTS Hoàng Đạo Kính: Thật sự tự hào. Tự hào cả về quá khứ, cả về hôm nay. Tự hào riêng cả về sức hút của Hà Nội. Tôi muốn nói rằng, Hà Nội là thành phố mà phải yêu thì ta mới hiểu được nó. Không yêu thì dễ nhìn thấy những sự làm ta bực mình, nhưng yêu rồi thì sẽ hiểu, đây cũng là một thành phố tuyệt vời. Và người Hà Nội đã làm được rất nhiều việc tốt trong dịp Đại lễ này…

Còn những việc khác như là mình còn phải tiếp tục xây dựng, mở mang thành phố thì đấy là việc đương nhiên. Kể ra thì, trong quá trình hiện đại hóa cấp tập của Hà Nội, có một số những hạng mục mà người ta vừa qua phải dồn sức vào để có thể kết thúc đúng vào dịp kỷ niệm này. Tôi thấy đó cũng là hơi khiên cưỡng một tí, nhưng có thể hiểu được.  

Hồng Thanh Quang: Nên nghĩ như thế này, có một số công trình được kết thúc đúng dịp kỷ niệm thì đấy vẫn chỉ là khúc tạm dừng thôi, tạm lắng để  vào ngày quốc lễ. Còn sau đây chúng ta lại sẽ tiếp tục làm để phát triển, mở mang Thủ đô… Ông có thấy thế không?

KTS Hoàng Đạo Kính: Đúng rồi. Thí dụ như Bảo tàng Hà Nội, chúng ta ấp ủ mấy chục năm nay rồi, bây giờ đã hoàn thành xong cái "thân thể" của  nó. Thế là mừng. Nhưng vẫn còn cần phải làm sao để nội dung của nó cũng "y phục xứng kỳ đức". Rồi những con đường vành đai này, cái trục kia, được hoàn thành đúng dịp kỷ niệm thì cũng là mừng, chứ không nó có thể còn lâu nữa mới kết thúc.

Hồng Thanh Quang: Đôi khi thời hạn đặt ra để chào mừng kỷ niệm cũng có tác dụng thúc đẩy con người làm việc có hiệu quả hơn để khỏi kéo dài thời gian quá mức cần thiết… Mong sao sự thật là như thế chứ không phải là viện cớ cần hoàn thành đúng thời hạn thi đua mà lơ là với chất lượng thực của công trình.

KTS Hoàng Đạo Kính: Cái mà tôi muốn nói với Hồng Thanh Quang là, xã hội phải luôn được thôi thúc, thôi thúc không phải chỉ bằng các sự kiện chính trị, các hoạt động chính trị của Chính phủ, của Nhà nước hay là những phong trào như uống nước nhớ nguồn... mà còn cần phải được thôi thúc bởi bản thân cái nhu cầu…

Hồng Thanh Quang: Bằng những nhu cầu tự thân của chính xã hội?

KTS Hoàng Đạo Kính: Tự thân của xã hội.

Hồng Thanh Quang: Chứ không phải nhu cầu cần tuyên truyền, cần phải tỏ ra, cần phải thế này thế nọ…

KTS Hoàng Đạo Kính: Xã hội cũng phải tự thúc đẩy, từng con người cũng phải được thúc đẩy, cả thế hệ  cần phải được thúc đẩy, cả xã hội cũng cần phải được thúc đẩy thì mọi việc tất sẽ mang lại hiệu quả thực chất và thường xuyên của nó… Nói tóm lại, những ngày vừa rồi tôi thấy rất xúc động, rất hưng phấn. Phải nói những sự kiện vừa qua là nghìn năm mới có được. Vì thế, nếu có người kêu rằng là có cái này chưa được, cái kia chưa được, thì tôi nghĩ, đấy cũng là cái chuyện đương nhiên. Người Việt Nam chúng ta sau sự hiếu, sự hỷ  thì bao giờ cũng có lời xin lỗi.

Hồng Thanh Quang: Vâng, "nếu có gì sơ suất, xin được lượng thứ" (cười)…

KTS Hoàng Đạo Kính: Đấy, chuyện hiếu hỉ riêng của từng gia đình mà còn như thế, nữa là đây, một cuộc vận động hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu người cùng tham gia vào Đại lễ, thì tất yếu sẽ nảy sinh những cái này, cái nọ…--PageBreak--

Hồng Thanh Quang: Tôi mặc dù không phải thích hết những hoạt động đã và đang diễn ra, nhưng cũng nghĩ rằng, chúng ta đã rất cố gắng để tạo nên được một sự hưng phấn như thế nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Muốn nói gì thì nói, sau sự kiện này, người Hà Nội và người trong cả nước cũng sẽ cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn đối với Thủ đô.

KTS Hoàng Đạo Kính: Đúng thế.

Hồng Thanh Quang: Nhưng ông nghĩ thế nào về một số ý kiến cho rằng, sự chi phí của chúng ta do Đại lễ liệu có phải quá nhiều đối với một đất nước với trình độ phát triển như Việt Nam hay không?

KTS Hoàng Đạo Kính: Thứ nhất là, mình phải tách bạch ra, những chi phí gì dành cho việc hiện đại hóa Hà Nội, mở mang Hà Nội, không có Đại lễ kỷ niệm 1000 năm cũng vẫn cứ phải có. Bởi vì lúc này, trong 20-30 năm, mà mình không hiện đại hóa Hà Nội thì Hà Nội còn thụt lùi hơn nữa. Nên nếu nói về việc chi phí rất lớn thì tôi không được biết cụ thể chi phí gì, nhưng tôi cảm giác rằng những chi phí rất lớn là dành cho việc phát triển Hà Nội. Còn những chi phí dành cho...

Hồng Thanh Quang: Nghi thức, tân trang…

KTS Hoàng Đạo Kính: Dành cho việc dọn dẹp thành phố, trang điểm thành phố hoặc là làm lễ hội thì tôi chắc là cũng không lớn lắm.

Hồng Thanh Quang: Tôi đọc trên báo chí thấy bảo, riêng quận Hoàn Kiếm hình như đã dành tới hơn 1.000 tỷ chỉ để chỉnh trang bộ mặt đường phố…

KTS Hoàng Đạo Kính: Không có, không có đâu…

Hồng Thanh Quang: Ông nghĩ là không có?

KTS Hoàng Đạo Kính: Chắc đó là kinh phí cả để làm vỉa hè nọ kia, làm nhiều thứ khác. Vỉa hè Hà Nội thì việc sửa chữa là đương nhiên phải làm.

Hồng Thanh Quang: Ông hoàn toàn tán đồng tất cả những việc như thế?

KTS Hoàng Đạo Kính: Mình làm, nhưng làm thế nào là chuyện khác. Thí dụ như Hà Nội hiện nay có hàng ngàn, hàng vạn cái nhà mà không phải của ai cả, tức là của Nhà nước. Rồi một cái nhà ở phố cổ Hà Nội chẳng hạn, có tới hai chục người chủ, thì chả bao giờ người ta sơn mặt nhà cả.

Thành ra, nếu thành phố không sơn thì ai sơn? Nhưng nếu sơn tất cả đồng loạt một màu thì không nên, đã sơn thì phải sơn một cách có ý tứ… Và việc lát vỉa hè thì phải tính đến loại gạch cần lát… Những việc đó là những việc thông thường, phải làm, nhưng phải làm sao cho chuẩn…

Hồng Thanh Quang: Còn những sơ sảy nếu xảy ra  thì mình có thể hiểu được. Không nên sợ sơ sảy mà không làm những việc cần làm. Cần thì cứ làm đi, còn nếu mà ai có lỗi đều có thể xử lý được sau này.

KTS Hoàng Đạo Kính: Đôi khi có những người cứ co dúm lại, cứ sợ rằng là trước nhiệm kỳ này hay nhiệm kỳ khác, làm nếu có sai thì sẽ mất ghế, làm nếu nhiệt tình quá thì sợ sẽ bị thanh tra này nọ… Nhưng nếu ai cũng thế thì lấy ai để làm? Phải làm, việc thanh tra thì cứ thanh tra, còn việc cần làm cứ phải làm.

Hồng Thanh Quang: Theo tôi biết thì hình như ông cũng có kinh nghiệm tương tự trong quá khứ, khi góp tay vào trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội. Bài học của ông sau công việc đó?

KTS Hoàng Đạo Kính: 40 năm trời làm trong lĩnh vực di sản, bảo tồn di tích, tôi lúc nào tôi cũng nghĩ, không riêng gì với Nhà hát Lớn: nền tảng, xuất phát điểm, khởi đầu của tất cả mọi thứ là văn hóa, nhận thức văn hóa, thái độ văn hóa và ứng xử văn hóa. Cái đó quan trọng lắm. Ví dụ như đối với khu phố cổ cũng thế, mình phải nhìn ra cho rõ thực sự bản chất phố cổ nó là cái gì, nó có giá trị ở chỗ nào, nó là di tích hay nó là di sản?

Chẳng hạn, Nhà hát Lớn là công trình do người Pháp làm, khánh thành vào năm 1911, thế kỷ XX, thì mình nhìn ở đấy giá trị gì, cái gì cần phải giữ cho được, cái gì cần phải nâng cấp, cải tạo… Kiến trúc đó là kiến trúc rất đẹp nhưng sự xuống cấp của nó là trông thấy, cực kỳ tồi tệ, sau nữa là sự không phù hợp về trình độ, về công nghệ kỹ thuật…

Thế thì khi trùng tu, mình phải giữ cho được những đặc điểm, những giá trị kiến trúc nghệ thuật, mỹ thuật và cái tính lưu niệm của nó, đồng thời phải nâng cấp bên trong, đặc biệt nâng cấp về thiết bị để cho thành một nhà hát vừa cổ điển, vừa cổ kính, vừa mang tính lưu niệm, đồng thời nó phải vừa hiện đại.

Hồng Thanh Quang: Giá trị sử dụng phải phù hợp với các yêu cầu hiện đại

KTS Hoàng Đạo Kính: Giá trị hiện đại!

Hồng Thanh Quang: Nghe ông nói  thì mọi chuyện đều rất đúng.

KTS Hoàng Đạo Kính: Khi khánh thành Nhà hát Lớn sau trùng tu, đêm đầu tiên có NSND Lê Dung. Tôi mới hỏi, ấn tượng thế nào? Và Lê Dung trả lời: Lần đầu tiên em được biểu diễn trong một ngôi đền nghệ thuật ở Việt Nam. Lần đầu tiên! Tôi cho rằng đánh giá rất đúng. Tôi luôn tâm niệm Nhà hát Lớn phải là ngôi đền nghệ thuật.--PageBreak--

Hồng Thanh Quang: Đó là năm nào?

KTS Hoàng Đạo Kính: Đó là năm 1997. Khi đó diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp.

Hồng Thanh Quang: Ông nói về mặt nguyên lý thì tôi rất đồng ý rồi. Nhưng thực sự ở Việt Nam thì theo ông, thái độ văn hóa, cách ứng xử mang tính văn hóa đối với các di sản nói chung và đối với các di sản kiến trúc nói riêng đang ở mức độ như thế nào? Và chúng ta cần phải làm gì để nâng cao chất lượng tất cả những thứ như vậy?

KTS Hoàng Đạo Kính: Tôi sẽ nói ngắn gọn thế này. Trước đây độ khoảng hơn nửa thế kỷ, thì hầu như không người Việt Nam nào nói đến chữ di tích cả, cũng như di sản văn hóa cả. Cái việc đó chúng ta mới nói sau năm 1954, còn trước đó thì chỉ người Pháp làm trong phạm vi những nhà bác học ở Trường Viễn Đông bác cổ thôi.

Sau năm 1954, đặc biệt là năm 1957-1958 đến nay, thì ở trong xã hội chúng ta dần dà nói đến vấn đề đó. Nhà nước thì nói đến việc cần phải có cơ quan bảo tồn di tích, nhân dân thì bắt đầu tôn trọng di tích dần dần… Khái niệm về bảo tồn, khái niệm về trùng tu dần dần hình thành trong thực tế và những cơ chế làm công việc đó, con người làm công việc đó thực ra cũng chỉ mới hình thành độ 20-30 năm gần đây thôi.

Hồng Thanh Quang: Nhưng ngày xưa dù không có những khái niệm khoa học ấy nhưng người ta vẫn làm công tác bảo tồn tất cả những gì cha ông để lại đấy chứ, vẫn trùng tu, xây dựng di tích lại...

KTS Hoàng Đạo Kính: Không có đâu.

Hồng Thanh Quang: Các triều đại vẫn trùng tu lại các di tích cũ…

KTS Hoàng Đạo Kính: Khái niệm đó không phải khái niệm trùng tu của châu Âu. Các cụ ngày xưa chưa có khái niệm đó; người Việt Nam mình, người Trung Quốc chưa có khái niệm về di tích, không có khái niệm về trùng tu...

Hồng Thanh Quang: Ông có thể giải thích rõ hơn?

KTS Hoàng Đạo Kính: Một số người có sự nhầm lẫn, họ nói rằng đình Việt Nam được sắc phong thờ ai, thì tức là được công nhận là di tích. Nhưng không phải thế, phong sắc cho thờ ai không có nghĩa là công nhận đấy là di tích.

Hồng Thanh Quang: Việc phong sắc ấy là không kèm theo một đặc quyền vật chất nào?

KTS Hoàng Đạo Kính: Không, đấy là chỉ phong sắc để thờ thôi chứ không phải phong sắc là quy định bảo tồn cái đó, vì khi cái đình được xây ra, nó chưa là di tích và cũng chưa bao giờ người Việt Nam mình nghĩ đấy là di tích theo khái niệm của châu Âu, tức là như một di sản cần được bảo tồn, bất di bất dịch, nguyên si.

Hồng Thanh Quang: Trong thực tế người ta vẫn giữ lại cơ mà.

KTS Hoàng Đạo Kính: Người ta giữ lại chẳng qua đấy là nhu cầu sử dụng, chứ không phải giữ lại vì nó cổ, hay vì nó là tư liệu lịch sử.

Hồng Thanh Quang: Và khi cần người ta sẵn sàng đập đi để xây cái khác.

KTS Hoàng Đạo Kính: Đập đi xây lại và người ta nghĩ người ta làm còn đẹp hơn. Thực tế là xấu hơn (cười).

Hồng Thanh Quang: Nhưng họ vẫn coi như là đẹp hơn.

KTS Hoàng Đạo Kính: Ngày xưa các cụ thấy hỏng đến đâu sửa đến đấy, khi các cụ ít tiền. Khi các cụ có nhiều tiền thì các cụ phá đi làm lại theo ý của các cụ. Chẳng hạn như thời Nguyễn thì chê thời Lê. Như mình vừa rồi, có người chê cả thời Nguyễn cũng thế, chê thì đập đi làm lại nếu có tiền, còn nếu ngôi đình ngôi chùa đó đã bị phá đi thì xây mới hoàn toàn. Và trên bia đặt ở đó thì cũng ghi trùng tu vào năm bao nhiêu, hết bao nhiêu và nói rằng đã làm đẹp hơn, to hơn, đàng hoàng hơn, nhưng thực ra có khi lại là bé hơn, xấu hơn… Thế đấy!

Hồng Thanh Quang: Tức là qua chuyện này theo ông, liệu có thể thấy ra một đặc tính của người Việt Nam là, hình như thế hệ nào cũng muốn khẳng định mình là Number One? Điều đó có khi cũng tốt nhưng nó cũng làm cho khó xử hơn trong quan hệ với các di sản quá khứ, đúng không ạ?

KTS Hoàng Đạo Kính: Trong lịch sử nước ta đã xảy ra chuyện, triều đại đi sau thì thù hằn triều đại đi trước, nên cũng xóa đi dấu vết của tiền nhân. Đấy là chưa kể chiến tranh này nọ cũng sẽ phá đi di sản của những người đi trước… Thành ra chúng ta trước đây không có ý thức về bảo tồn…

Hồng Thanh Quang: Bảo tồn và kế thừa…

KTS Hoàng Đạo Kính: Ngay ở châu Âu văn minh như thế nhưng họ cũng chỉ có vào từ cuối thế kỷ XVIII sang thế kỷ XIX mới hình thành những khái niệm về bảo tồn. Đến tận đầu thế kỷ XIX, đấu trường Colisei ở Italia vẫn còn bị coi như một  mỏ khai thác đá cơ mà, họ vẫn cho xe ngựa đến lấy đá chở đi chỗ khác. Nước Italia là nước "tổ sư" về di tích và nước Italia là một trong 2-3 nước lập ra khoa học bảo tồn di tích, bảo tồn di sản thì ngay đầu thế kỷ XIX vẫn còn như thế.

Hồng Thanh Quang: Bảo tồn vẫn là môn khoa học mới...

KTS Hoàng Đạo Kính: Mới có và thực sự hình thành vào cuối thế kỷ XIX.

Hồng Thanh Quang: Theo ông, một trong những "trưởng lão" của môn khoa học mới mẻ này, ông thấy chúng ta cần phải làm gì để nâng cao chất lượng của công tác bảo tồn di sản?

KTS Hoàng Đạo Kính: Như tôi đã nói, đầu tiên vẫn là phải nâng cao văn hóa nhận thức. 30-40 năm trước mình nghèo thì di tích bị đổ nát, bây giờ mình giàu lên một chút rồi thì di tích lại có nguy cơ bị thô bạo hóa, phú nông hóa, bị trọc phú hóa, mà cái này cũng rất nguy hiểm. Nghèo cũng nguy hiểm, biết có thể đổ nhưng không có tiền làm.

Ví dụ như những năm 1978-1980, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám chủ trì việc trùng tu đình Tây Đằng, tháp Báo Nghiêm - chùa Bút Tháp. Tôi cũng tham gia từ đợt đấy. Lúc đó không có tiền, cực kỳ khó khăn, người thợ một ngày có 3 hào mà Bộ trưởng phải xin chính phủ thêm được 2 hào cho người ta ăn thêm cơm.

Và bản thân Giám đốc Hoàng Đạo Kính hồi đó toàn ăn ngô… Bây giờ thì có thể cùng lúc tu sửa hàng trăm cái đình, hàng trăm di tích nhưng mà cái sự giàu có, nhiều tiền mà làm không chuẩn thì lại nguy hiểm hơn cho di sản, di tích. Nguy hiểm bởi sự ít học, ít hiểu biết.

Hồng Thanh Quang: Việc này có một phần lỗi bởi các giáo sư đầu ngành như ông. Tại sao ông cùng các đồng nghiệp không đào tạo đủ số lượng cán bộ tham gia vào công việc ấy?

KTS Hoàng Đạo Kính: Làm sao đào tạo được vì chúng ta có quan tâm thực sự tới việc này đâu. Suốt mấy chục năm trời, ngoài tôi ra hình như không có ai thêm được học ở nước ngoài về bảo tồn. Cũng có vài người đi học làm kiến trúc sư ở nước ngoài nhưng kiến trúc sư học nghề trùng tu di tích là không có hoàn toàn.

Hồng Thanh Quang: Ngoài ông ra không có ai thêm nữa?

KTS Hoàng Đạo Kính: Ngoài tôi hàng chục năm trời không có ai cả, tôi là người đầu tiên học cái đó. Mình ở Nga, nước Nga là nước yêu di sản mình mới học cái đó được, mình bị "lây".

Hồng Thanh Quang: Chế độ Xôviết rất yêu di sản, chứ bây giờ thì bạn cũng mắc bệnh như chúng ta rồi.

KTS Hoàng Đạo Kính: Hàng chục năm trời tôi nói cần phải đào tạo, nhưng đào tạo được cái gì đâu khi các trường kiến trúc họ chỉ đào tạo kiến trúc sư làm cái mới thôi, mà làm cái mới cũng đào tạo chưa xong, chưa ra hồn, thì cái nghề làm trùng tu di tích, bảo tồn di tích là cái nghề công việc thì xa hoa, nhưng lợi lộc thì nghèo rớt mùng tơi nên mấy ai nghĩ tới nó. --PageBreak--

Hồng Thanh Quang: Theo ông, nguyên nhân sâu xa dẫn đến một loạt những vụ vi phạm trùng tu mà lại là phá di tích là ở đâu?

KTS Hoàng Đạo Kính: Thứ nhất, những người không biết làm di tích sờ vào di tích. Thứ hai, cái quan niệm là trùng tu di tích là phải cho nó thực sự khang trang, thật là khỏe, nó tồn tại 50 năm nữa không hỏng, là một quan niệm hoàn toàn sai. Rồi vấn đề tăng vốn đầu tư dữ dội, di tích gỗ thay 70-80 phần trăm bằng vật liệu khác. Bởi vì sao? Vì cần có khối lượng theo giấy xây dựng! Trong lúc đó, bản chất của việc trùng tu di tích là, chữa bệnh cho một ông già bà cả, mà ông già bà cả sau khi chữa bệnh là dẹp đi hết những nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, khỏi bệnh tật và có khả năng tồn tại lâu dài...

Hồng Thanh Quang: Nhưng mà vẫn giữ nguyên tuổi già của mình chứ không phải cải lão hoàn đồng, năm trăm năm thành một năm tuổi…

KTS Hoàng Đạo Kính: Hồng Thanh Quang nói đúng, không phải cải lão hoàn đồng mà tóc vẫn phải bạc, da vẫn phải mồi…

Hồng Thanh Quang: Chân tay vẫn hơi run (cười)…

KTS Hoàng Đạo Kính: Đúng thế. Di tích phải giữ được độ tuổi bởi vì di tích là chứng nhân lịch sử, duy nhất, không bao giờ lặp lại cả mà còn sót lại do sự tình cờ của số phận. Mình cho rằng, hiện nay chúng ta lại muốn tương đồng việc chữa bệnh cho di tích như là cải lão hoàn đồng cho ông già bà cả. Điều đó hoàn toàn sai.

Hồng Thanh Quang: Trong đợt chuẩn bị Đại lễ này, ở Hà Nội cũng có một số di tích trùng tu và cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau đánh giá về chất lượng của di tích ấy. Ông có nhận thấy điều đó không?

KTS Hoàng Đạo Kính: Tôi nói thẳng là vì sao. Tại vì người làm công tác thiết kế trùng tu cũng như những người thực hiện trùng tu đều bị ràng buộc bởi những tiêu chuẩn của ngành xây dựng hết.

Ví dụ ở nước người ta, khi người ta trùng tu một di tích thì 2/5, thậm chí một nửa kinh phí trùng tu dành cho việc nghiên cứu, tức là khảo cổ học, nghiên cứu di tích, nghiên cứu lịch sử của nó, tư liệu liên quan, rồi làm hồ sơ, làm thiết kế, cái đó chiếm một phần nửa non tiền. Nhưng ở Việt Nam hiện nay tiền ấy đánh ngang với tiền thiết kế phí, mà thiết kế phí của chúng ta là 2,5%, Thử tưởng tượng xem, một trăm bạc mà chỉ dùng 2 đồng rưỡi bạc cho hồ sơ khoa học…

Hồng Thanh Quang: Thì làm sao mà có chất lượng được.

KTS Hoàng Đạo Kính: Cho nên cái anh kiến trúc sư dại gì mà phải nghiên cứu cái cầu, cái tam quan, phục hồi cái tam quan đã bị mất, hoặc tu sửa cái tam quan bị mất, hoặc phải thiết kế một cái tam quan duy nhất phù hợp cho cái chùa như ở đền Voi Phục chẳng hạn, hay như ở đình Kim Liên chẳng hạn.

Việc đó là việc phải làm nhưng sức đâu họ làm việc đó khi mà tất cả thiết kế phí của họ chỉ bằng kinh phí của một anh xây dựng cơ bản? Chính vì thế cho nên không ai thích làm thiết kế đâu, chỉ thích làm xây dựng, làm dự án thôi.

Hồng Thanh Quang: Ông cũng là một trí thức vào hàng cỡ lớn và cũng ở những vị trí rất quan trọng, chẳng lẽ những người như ông không thuyết phục được để thay đổi cơ chế trong mấy chục năm qua hay sao?

KTS Hoàng Đạo Kính: Không tài nào, không tài nào!

Hồng Thanh Quang: Lý do là sao?

KTS Hoàng Đạo Kính: Trong khoa học, nhất là trong lĩnh vực khoa học ứng dụng như bảo tồn trùng tu di tích thì vai trò của cơ chế cực kỳ ghê gớm.

Hồng Thanh Quang: Nhưng cơ chế là do con người tạo ra.

KTS Hoàng Đạo Kính: Cả một hệ thống cơ chế, thay đổi khó lắm.

Hồng Thanh Quang: Có không ít nhà khoa học về cuối trở nên duy tâm hơn, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đến tuổi này có vẻ hơi chút bi quan về công việc mình làm chăng?

KTS Hoàng Đạo Kính: Cái gì cũng phải đặt đúng chỗ của nó. Mình đã phát triển ở mức trình độ cao rồi và đồng thời có khả năng về tài chính, về kỹ thuật và có khả năng cả về con người nữa thì đã đến lúc phải tỉnh ngộ, dừng lại, ngoái lại nhìn về đằng sau để rút kinh nghiệm. Mình làm đuợc nhiều việc lắm nhưng mình tàn phá cũng nhiều, tàn phá bởi vì đồng tiền mình có, tàn phá bởi vì sự học thức chưa đủ, sự thận trọng không đủ…

Hồng Thanh Quang: Tôi nghĩ, số phận cũng không ngẫu nhiên chọn ông làm nghề bảo tồn di sản đâu. Ông thực sự xuất thân trong một gia đình mang tính cổ kính văn hóa. Ông nội của ông cũng là nhà sử học đúng không?

KTS Hoàng Đạo Kính: Nhà văn hóa, nhà nho…

Hồng Thanh Quang: Vâng, đó là nhà văn hóa, nhà sử học, nhà nho Hoàng Đạo Thành. Và cha của ông là người mà tất cả chúng ta đều ngưỡng mộ, bác Hoàng Đạo Thuý, một người rất khả kính. Tôi biết, bác Hoàng Đạo Thuý sinh ra ở nhà số 7 Hàng Đào, vì tôi cũng sinh ra ở 21 Hàng Đào (cười). Thế ông đã sinh ra ở đâu, chắc trên chiến khu nhỉ?

KTS Hoàng Đạo Kính: Không, tôi sinh ra ở Hà Nội, gần Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Hồng Thanh Quang: Bây giờ, ông nhớ gì về cha mình, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thuý?

KTS Hoàng Đạo Kính: Điều đó nói một câu hơi khó. Cha tôi là một người về mặt tri thức là có sự tích tụ, sự kế nối, kế tiếp kế thừa Nho học ở thời muộn. Và cha tôi cũng là người hấp thụ rất nhuần nhị văn hóa phương Tây, văn hóa Pháp. Hai cái đó cộng làm một, hòa quyện ở trong ông.

Ông từng than vãn với tôi rằng, đến 90 tuổi trí nhớ ông vẫn tốt. Khổ vì trí nhớ. Người ta sướng vì trước khi chết người ta lẫn. Còn mình tỉnh quá, tỉnh đến mức độ năm 1920, ông từng dạy ở Cao Bằng mà sau 60 năm ông không những nhớ tên học trò, mà còn nhớ tên cả họ hàng học trò. Trí nhớ tốt đến thế, ông khổ vì trí nhớ.

Khi ông viết quyển đi thăm đất nước dày 800 trang, ông hoàn toàn không tra cứu gì hết mà chỉ dựa vào trí nhớ. Ông viết 5 quyển sách về Hà Nội, ông moi tư liệu từ đâu ra? Từ đầu mình. Cái đức của ông là đức nhà nho, ông đề cao sự trung hiếu, đức độ đối với mọi người, với đời. Ông nói là vì yêu nước ông làm hướng đạo; vì yêu nước, ông đi dạy học; vì yêu nước, ông đi bộ đội…

Hồng Thanh Quang: Tôi cũng thấy bác Hoàng Đạo Thuý làm công việc gì cũng vui vẻ. Vào quân đội, làm đến Đại tá rồi đi làm giám đốc một trường văn hóa dân tộc mà vẫn vui vẻ đến cuối đời…

KTS Hoàng Đạo Kính: Bố tôi là Đại tá phong lần đầu tiên, từ năm 1948 đấy.

Hồng Thanh Quang: Đối với bác, danh vị không quan trọng nếu mà việc đấy giúp thể hiện lòng yêu nước của mình.

KTS Hoàng Đạo Kính: Ông luôn hết lòng hết sức với công việc… Không bao giờ lạm dụng cái gì, lúc chết vẫn không có tài sản gì trừ tivi 14inch… Khi về hưu, bố tôi đã trả biệt thự cho Nhà nước.

Hồng Thanh Quang: Hồi ấy biệt thự ở đâu?

KTS Hoàng Đạo Kính: Ở 58 đường Điện Biên Phủ.

Hồng Thanh Quang: Không để lại cho các con?

KTS Hoàng Đạo Kính: Không. Những năm cuối đời, ông ở cái nhà lá làng Đại Yên do cha ông để lại. Suốt những năm cuối đời, 16 năm trời, mẹ Hoàng Đạo Kính ngủ trong nhà lá bao giờ cũng dột và 16 năm trời ông bố lúc nào cũng treo tấm nilon trên cái màn.

Hồng Thanh Quang: Không có một lời kêu ca?

KTS Hoàng Đạo Kính: Không bao giờ kêu ca, không nói xấu nhà nước bao giờ, không bất mãn bao giờ. Cụ không muốn phiền con cái, tự trồng rau để ăn… Mà cụ có tới 10 người con! 

Hồng Thanh Quang: Con người hiếm có!

KTS Hoàng Đạo Kính: Trước khi mất một ngày, mùng 4 Tết, cha tôi còn tiếp hơn 50 hướng đạo sinh cũ. Hôm sau, đang ngồi uống cốc sữa do cháu nội pha cho thì cụ từ từ đi. Trên bàn đã có một tờ giấy cụ viết sẵn, nói cảm ơn bà con đã tới viếng, mong mọi người không ai mang phúng viếng cái gì, không cần hoa, không cần phong bì…

Hồng Thanh Quang: Thực sự là một con người hiếm có… Xin cảm ơn ông!

H.T.Q.
.
.