Ca sĩ Thanh Bùi:

Giữa hai miền lạ - quen

Thứ Tư, 14/08/2013, 10:01
Một sáng phố đầy nắng, tôi gặp Thanh ở Soul Academy – ngôi trường Thanh đã dồn biết bao tâm huyết. Lúc tôi bước vào, Thanh đang lúi húi làm nhạc trên máy tính. Trên bàn, hai cốc café uống dở. Thanh có vẻ mệt và ốm hơn nhiều so với hôm đầu lên sóng The Voice Kids, lại húng hắng ho.

Thấy tôi, Thanh đưa tay tém lại mái tóc không vuốt gel có vài sợi bạc, cười xòa “Sáng giờ mình chưa có chải đầu!” Vẫn là Thanh, với nụ cười híp mí, giọng cười sảng khoái. Vẫn là Thanh, cởi mở, sôi nổi, luôn muốn bung phá thứ năng lượng ẩn sâu bên trong, cho thật nhiều và làm thật nhiều. Vẫn là Thanh, chân thật, phóng khoáng và thực tế – dù có nổi tiếng hay không, như bản chất Thanh vốn vậy.

1.  Phố, là nơi đầu tiên đón bước chân Thanh trở về. Thế nhưng ngày ấy Thanh về, không phải để ươm mầm mơ ước mà để đi tìm một câu trả lời, một cái mở đầu cho câu chuyện của một đứa con “lang thang”. Đi, như thể là phải đi vậy thôi, chứ chẳng nghĩ sẽ ở lại, gắn bó hay sẽ làm gì ở Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung. Về, như thể một cuộc hành hương để kiếm tìm chính mình.

“Mình có quốc tịch Úc, nhưng chẳng bao giờ họ coi mình là người Úc đâu! Người ta luôn nghĩ mình là người Á châu. Nhiều khi thấy mình giống như trái chuối vậy á, bên ngoài vỏ vàng, bên trong ruột trắng. Ở nhà thì nước mắm, sầu riêng, ra đường lại khác. Cái cảm giác không biết mình thuộc về nơi nào sao sao á, khó chịu lắm, bứt rứt lắm! Trái tim mình lúc đó cũng chưa rõ mình là người Việt Nam hay người Úc nữa, mình cần một câu chuyện rõ ràng hơn.

Khi về đây, mình nhận ra, “Wow, mình là người Việt Nam!” Bước chân ra khỏi nhà, mình là nước mắm, sầu riêng! Ai cũng nói ngôn ngữ giống nhau, mình hiểu được cái này, mình thấy được cái kia, mình như thấy được ba mẹ vậy đó, mình hiểu được cái cách ba mẹ từng nói với mình mà lúc trước mình từng giãy nảy “Trời ơi, tại sao ba mẹ lại có thể nghĩ như vậy được chứ?”. Mình thấy thông cảm và thương ba mẹ nhiều hơn”, Thanh đã nghĩ vậy.

“Cảm xúc của anh như thế nào khi đặt chân đến Sài Gòn?”, tôi hỏi. “Rất ư là lộn xộn! Lần đầu tiên bước qua đường, mình nghĩ mình chết tới 3 lần! Nhưng mà… phụ nữ thì vô cùng dễ thương, đồ ăn thì ngon kinh khủng! Đồ ăn nước mình hay lắm. Nói thiệt, mình từng được đi nhiều nước, chưa có đồ ăn ở đâu ngon như ở nước mình. Mình không thích vô mấy nhà hàng sang trọng đâu, đồ ăn ở đó “lạt” lắm! Mình khoái ngồi ăn lề đường, vỉa hè, đồ ăn rất ngon, ngon vì nó thật. Lúc đầu mới ăn, mình đau bụng hoài, giờ ở đây 14 tháng rồi, cái bụng mình nó mạnh lắm! Ở dơ từ từ nó cũng quen thôi”. Thanh trả lời giọng lơ lớ.

2. Ba mẹ của Thanh đến với nhau, rổ rá cạp lại, bằng sự cảm thông và yêu thương, dìu dắt nhau đi qua đoạn đường đứt gánh, lận đận trước đó như cái duyên, cái số nó phải thế. Năm 1982, ông bà di cư sang Úc – một chuyến đi nhiều bất trắc, mù mịt như con thuyền mò mẫm trong đêm cuồng phong bão tố. Để tồn tại nơi xứ người, trong khi không có một chữ tiếng Anh nào lận lưng, họ lao vào lao động chân tay kiếm sống.

Tuổi thơ của Thanh lăn trườn bên chiếc máy khâu của ba mẹ, giấc ngủ gắn liền với tiếng máy may tành tạch, rỉ rả. 7 tuổi, Thanh đã lăn giữa đống quần jean ba mẹ may để cắt chỉ thừa. 11 tuổi, Thanh đã biết lặt rau, nấu cơm và chăm sóc em đỡ đần ba mẹ. Thành tích học tập của Thanh cũng rất đáng nể khi từ lớp 7 đến đại học, Thanh đều được học bổng chi trả. Nghe Thanh kể, lần duy nhất Thanh được ba mẹ tổ chức sinh nhật là năm Thanh lên 6, còn thì mỗi lần thêm tuổi mới hay lễ Giáng sinh cứ lặng lẽ trôi.

Tự dưng, trong đầu tôi hiện lên hình ảnh một cậu bé bên cửa sổ, ánh mắt khao khát hướng về những cây thông, những gói quà lấp lánh trước các cửa hiệu; đứng bên chiếc bánh sinh nhật của một cô bạn, cậu bạn nào đó và ao ước… được thổi nến, được tự tay mình cắt chiếc bánh kem xanh đỏ, dù chỉ là xíu xiu. Bởi, đó cũng từng là giấc mơ của tôi, giấc mơ con trẻ mà chỉ trẻ con mới có thể hiểu được! Có nỗi buồn nào như nỗi buồn của trẻ con không được lì xì Tết?! Hẳn đó là lý do mà đến giờ Thanh vẫn còn mê đồ chơi chăng?

“Có bao giờ vì thế mà anh thấy buồn hay thiệt thòi không?”, lại thêm câu hỏi của tôi. “Để mình kể bạn nghe chuyện này. Ba mình tắt cái máy vắt sổ lúc 2 giờ sáng. 6 giờ rưỡi ông dậy chở con đi học tennis, ngủ trong xe đến 7 giờ 45 chở con về ăn sáng. 8 giờ 15 chở con đi học, 8 giờ 45 về cày tới 2 giờ sáng. Cuộc sống của ba mẹ mình suốt 20 năm như vậy đó.

Dù cực khổ nhưng ba mẹ luôn cho mình theo học những trường tốt nhất! Mình xin học gì, ba mẹ cũng chiều hết trơn. Từ quần vợt, taekwondo cho đến học nhảy, học giao tiếp, diễn kịch, nhạc lý, guitar,… rồi cả tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Nhật, tiếng Ý nữa. Mình học piano từ năm 10 tuổi, lúc đó, một giờ học tới 70 đô. Mình thấy mình quá trời sung sướng và hạnh phúc luôn!”, Thanh cười rất hiền.

3. 13 tuổi, Thanh muốn trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương vàng tại giải Wimbledon, như Michael Chang (ngôi sao quần vợt Mỹ gốc Hoa nổi tiếng thế giới). Vì gia đình không có điều kiện Thanh chuyển sang học taekwondo, được blackbell, đi đánh trong tiểu bang, nhưng thua, và dẹp hẳn giấc mơ thể thao.

17 tuổi, trong một lần đi hát, được bạn bè tán thưởng, Thanh hiểu rằng nên quay lại với niềm đam mê vốn có. “Lúc mình theo ngành âm nhạc, ba mẹ không ủng hộ đâu. Ba mẹ muốn mình phải làm bác sĩ, kỹ sư,… hay một ngành gì đó mà phải biết rõ mỗi ngày sẽ như thế nào. Ba mẹ không muốn mình phải cày một ngày 20 tiếng như ba mẹ, như là nô lệ với thời gian, nô lệ với tất cả mọi thứ để có được một cuộc sống đủ đầy. Nhưng đó không phải là con người của mình”, Thanh nhớ.

Để ba mẹ yên tâm, Thanh đăng ký theo học cử nhân công nghệ thông tin. Chương trình có 4 năm, Thanh học cả mùa hè, rút xuống còn 3 năm. Song song đó, Thanh theo học hệ cao đẳng piano và tham gia chơi nhạc trong band North. Thanh cười, nói “Năm 20 tuổi, mình ký được hợp đồng với Universal Music and EMI Music. Lúc đó, mình nghĩ chắc mình là người Việt Nam đầu tiên, mình là giỏi nhất! Nhưng rồi mình nhanh chóng về lại mặt đất” .

North tan rã, Thanh chuyển sang viết nhạc và thu âm cho một số nghệ sĩ tên tuổi. Australian Idol đến, với suy nghĩ, mỗi người chỉ sống một lần, Thanh để mặc con tim đưa đường dẫn lối. “Vị trí top 8 cho mình biết mình có thể tiến xa hơn cả giấc mơ xưa kia, mình có thể trở thành một nghệ sĩ quốc tế. Sau Idol, mình đã có dịp đi diễn cho kiều bào Việt Nam ở Los Angeles, rồi làm việc với một số nhạc sĩ đã từng đoạt giải Grammy như Charlie Midnight (viết ca khúc cho James Brown, Britney Spears) hay Michael Jay (viết cho Celine Deon, Eminem)…

Mình vẫn nghĩ, áp lực lớn nhất của một nghệ sĩ là khi không biết mình là ai, muốn làm gì và không có định hướng nào về con đường mình sẽ đi”, tự nhiên Thanh tự sự như vậy.

“Biết ước mơ lớn nhất của mình là gì không? Ước mơ lớn nhất của mình là, bên cạnh Grammy thì khoảng 20, 25 năm sau, tất cả trẻ em Việt Nam đều có điều kiện học nhạc. Mình cũng biết điều đó không dễ đâu. Nhưng mình nghĩ sẽ được! Từ từ xây dựng thôi. Khi Soul làm được một cái gì đó có tiếng vang ở Sài Gòn rồi, mình muốn lập Soul Music Foundation để gây quỹ. Lang Lang làm được, mình cũng sẽ làm được. Chính tuổi thơ đã cho mình một sự đằm thắm, biết trân trọng những gì mình đang có. Nhiều khi, thấy mình mới 30 mà như ông già 60 vậy. Không rượu chè, không thuốc lá, không chơi bời, chỉ có công việc thôi. Mình nói thiệt! Mình còn biết nấu ăn nữa đấy nhé! Phở, bún bò, bún mắm,… mình đều nấu được hết”, lời của Thanh.

4. Tôi đọc khá nhiều bài phỏng vấn Thanh Bùi, rất nhiều trong số đó, khi nói đến những dự định, Thanh đều diễn đạt bằng cụm từ “Tôi muốn…”, “Tôi sẽ…”. Trong câu chuyện với tôi, Thanh cũng không ít lần dùng cách diễn đạt ấy. Sự khát khao, tuôn chảy từ trong con người Thanh, rất thật. Giấc mơ của Thanh – nếu có ai đó cho là tham vọng, thì đó cũng là một tham vọng đáng trân trọng, xuất phát từ một trái tim nhiệt huyết, luôn biết mình là ai và ở đâu, rất phóng khoáng mà cũng rất thực tế, rất bay bổng mà cũng rất chừng mực, chứ không hề ảo vọng. Cá nhân tôi nghĩ, bất kỳ ai cũng có quyền đặt tham vọng với bản thân, với khả năng của mình, buộc bản thân không ngừng cố gắng, vươn lên, nỗ lực và hoàn thiện chính mình. Vậy thì, “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ” - như Steve Jobs đã từng nói, Thanh nhé!

Thanh đúng nghĩa, là một người hồn nhiên với đầy ăm ắp những ước mơ, kiểu hồn nhiên và ước mơ cực kỳ nghệ sĩ.

Hoàng Dung
.
.