Lavrenti Pavlovich Beria, lãnh đạo ngành An ninh Xô Viết dưới thời lãnh tụ Stalin:

Giơ đầu chịu báng

Thứ Sáu, 28/09/2012, 11:10
Trong bất cứ chế độ nào thì người nắm giữ lĩnh vực an ninh cũng là nhân vật quan trọng bậc nhất và gần gụi bậc nhất đối với lãnh đạo tối cao.  Lavrenti Pavlovich Beria (sinh ngày 29/3/1899 ở Gruzia), từng tham gia hoạt động trong phong trào Bolshevik từ năm 1917 và về sau, được giao vị trí trùm an ninh và cảnh sát ở Liên Xô trong những năm lãnh tụ Joseph Stalin làm chủ Điện Kremli, đã là một nhân vật như vậy.

Tuy nhiên, sau khi Stalin qua đời ngày 2/3/1953 và bị những người nối nghiệp mình phủ nhận rồi hạ bệ, Beria đã bị “họa vô đơn chí” đến mức phải chết một cách bí ẩn và tức tưởi trong hoàn cảnh mà tới nay vẫn còn có những chi tiết chưa rõ ràng.

Khởi đầu hoàn hảo

Không thể phủ nhận được rằng, Beria đã có những năm tháng rất huy hoàng sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. Những kỹ năng không tầm thường đã giúp người đàn ông xuất thân trong một gia đình nông dân Gruzia (có nguồn tư liệu cho rằng, thực ra, ông là con ngoài giá thú của một nhà quý tộc) trưởng thành nhanh chóng trong bộ máy Cheka (cơ quan có nhiệm vụ thanh trừng các thế lực chống đối lại chính quyền Xô viết)  do thủ lĩnh Feliks Dzerzhinsky dẫn dắt. Tới giữa những năm 20 của thế kỷ trước, Beria đã là lãnh đạo Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD) ở Gruzia.

Năm 1931, Beria được cử làm Bí thư Thứ nhất Đảng Bolshevik ở Gruzia, rồi năm 1938, lên Moskva làm cấp phó cho Chủ tịch NKVD Nikolai Yezhov. Khi Yezhov bị bắt thì Beria lên thay ông này lãnh đạo Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô. Trong thời gian đó, mặc nhiên Beria phải chịu trách nhiệm hàng đầu về những vụ việc liên quan tới các sự cố nội bộ trong xã hội Xô viết. Có những tư liệu cho rằng, ông ta đã rất tích cực tiến hành các hoạt động thanh trừng nội bộ dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ tối cao.  Và có lẽ cũng vì thế nên Beria đã được thăng tiến rất nhanh. Tới năm 1946 đã là Ủy viên BCT. Tới đầu những năm 50, ông ta được đưa vào Đoàn Chủ tịch BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô (cơ quan thay thế BCT).

Mọi chuyện dường như vẫn yên ổn cho tới khi lãnh tụ Stalin qua đời ngày 2/3/1953. Ngày 5/3/1953 đã diễn ra hội nghị liên tịch giữa BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô với Hội đồng Bộ trưởng và Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô. Tại hội nghị này, Beria đã thay mặt Đoàn Chủ tịch BCH TW đề nghị bầu ông Grigory Maximilianovich Malenkov làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và được hội nghị nhất trí hoàn toàn. Cũng trong ngày hôm đó, Beria được cử làm Phó Chủ tịch  Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ mới này thay thế cho Bộ Nội vụ cũ và Bộ An ninh Quốc gia trước kia… Ngày 9/3/1953, Beria đã tham gia lễ tang Stalin và đọc điếu văn trên khán đài Lăng Lênin.

Từ thời điểm đó, trong nội bộ lãnh đạo cao cấp nhất trong Điện Kremli đã nảy sinh một cuộc cạnh tranh kế vị với những ứng cử viên chính là Nikita Sergeyevich Khrushchev,  Malenkov và Beria. Những rối lẫn chính trường đã khiến Beria trở thành thiểu số trong khi những người bạn chiến đấu cũ của ông đứng về phía bên kia và lập ra kế hoạch loại bỏ ông với những lý do không phải là không xác thực.

Và thế là một kế hoạch nhằm loại bỏ Beria đã được lập ra.

Tình huống bất ngờ

Vụ bắt giữ bất ngờ đối với Phó Chủ tịch HĐBT Liên Xô kiêm Bộ trưởng Nội vụ Beria đã được triển khai ngày 26/6/1953 trong Điện Kremli. Đứng về phía Khrushchev và Malenkov là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nikolai Aleksandrovich Bulganin (từng được phong Nguyên soái năm 1946 nhưng tới năm 1958 thì lại bị tước bỏ) và Thứ trưởng Georgi Konstantinovich Zhukov…

Nguyên soái Zhukov, một trong những người được giao nhiệm vụ chủ trì vụ việc này, đã lựa chọn nhân sự rất kỹ càng. Và không phải ai trong số những người được chọn cũng có đủ bản lĩnh để tham gia. Theo chính lời Zhukov kể với người đồng hương của mình là tướng V.V. Mikhailin, khi đó đang chỉ huy tuần dương hạm Quybyshev, ông thoạt tiên định đưa vào nhóm tham gia vụ việc này một trung tướng  mà ông không chỉ biết rõ như một đồng đội lâu năm mà cả như một người cùng quê (ở ngay làng bên cạnh). Thế nhưng, cho tới phút chót thì vụ trung tướng này không chịu nổi sức ép nên đã bị tăng huyết áp và bắt buộc phải rời khỏi vị trí.

Sau rất nhiều suy nghĩ, nhóm tướng lĩnh và sĩ quan chủ chốt của Bộ Tư lệnh Quân khu Phòng không Moskva đã được lựa chọn vào đội hành động để thực hiện nhiệm vụ bắt giữ Beria (lúc đó địa bàn Moskva là nơi đặt các đơn vị quân đội thuộc hai Quân khu: Quân khu Moskva và Quân khu Phòng không Moskva).

Theo hồi ức của Thiếu tướng Ivan Zub, một trong những người tham gia vụ việc này,  sau khi về hưu đã nhớ lại (tư liệu được công bố năm 1988  trên báo Kiev buổi tối), khi tham gia vụ việc này, ông đang là Đại tá, Chủ nhiệm chính trị của Quân khu Phòng không Moskva. Ngày 26/6/1953, Đại tá Ivan Zub đang ở nhà nghỉ công vụ của mình tại khu vực Fili thì nhận được lệnh lên gặp Bộ trưởng Quốc phòng từ viên sĩ quan liên lạc. Và phải mang theo vũ khí cá nhân,  không để trong bao mà để trong túi quần.

- Cậu không nhầm đấy chứ? – ông hỏi lại viên sĩ quan liên lạc. – Lên gặp Bộ trưởng Quốc phòng mà lại mang súng ngắn ư?

- Thư ký của Bộ trưởng Bulganin nói đúng như thế ạ. Thủ trưởng nên đi nhanh lên ạ. Các sếp đang chờ…

Quả đúng là Bộ trưởng Bulganin đang ngồi chờ Đại tá Zub. Ít ra là khi thấy ông đến thì người ta đưa ông vào phòng Bộ trưởng Quốc phòng ngay. Bulganin đang ở một mình trong phòng. Bình thản, chậm rãi, niềm nở chào hỏi Đại tá Zub và hỏi mấy câu rất tự nhiên nhưng trong đó, như sau này ông Zub hiểu ra, có những thông tin rất quan trọng đối với Bộ trưởng.

- Tình hình anh thế nào? - Đó là câu đầu tiên mà Bulganin hỏi.

- Dạ, cảm ơn Bộ trưởng, tôi vẫn bình thường ạ, - Đại tá Zub thận trọng đáp.

- Anh nói chung là một người bạo dạn, dũng cảm hay không phải như thế? – Bộ trưởng hơi mỉm cười hỏi tiếp.

- Dạ, báo cáo, tôi chưa từng bị trách là nhát gan bao giờ ạ.

- Anh có mang vũ khí theo chứ?

- Đúng thế ạ.

- Giơ cho tôi xem nào!

Đại tá Zub giơ súng ra và cố gắng  thầm đoán xem đằng sau chuyện này là gì.

- Anh bắn thế nào?

- Chỉ từ xuất sắc trở lên.

- Đồng chí sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chính phủ giao cho chứ?

- Tôi sẵn sàng thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào của Đảng và chính phủ giao cho.

- Thôi, được rồi, đồng chí hãy ra đợi ở phòng chờ. Tôi sẽ còn mời đồng chí vào nữa, nhưng không được nói với bất kỳ ai về chuyện này. Nếu ai hỏi thì bảo là lên đây họp.

Trong phòng chờ lần lượt xuất hiện những người mà Đại tá Zub đã quen mặt: Tư lệnh Quân khu Phòng không Moskva, Thượng tướng Kirill  Semenovich Moskalenko (sau này được phong Nguyên soái); Phó Tư lệnh Thứ nhất Quân khu Moskva, Trung tướng P. Batitsky; Tham mưu trưởng Quân khu Phòng không Moskva, Trung tướng A. Baksov; Trung tá V. Yuferev, sĩ quan tùy tùng của Thượng tướng Moskalenko. Tất cả họ đều lần lượt vào phòng làm việc của Bộ trưởng rồi ra ngoài phòng đợi trò chuyện với nhau bình thường như không hề có gì xảy ra, thậm chí còn nói đùa với nhau.

Trong khoảng thời gian đó Nguyên soái Zhukov, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã ra ra vào vào phòng Bộ trưởng không chỉ một lần. Trong số những người có mặt chỉ mình ông là trông có vẻ hơi căng thẳng. Nhưng lý do của việc này hóa ra là rất bình thường. Sáng hôm đó, cấp dưới báo cáo với Nguyên soái là xe của ông cần phải mang vào xưởng sửa chữa đột xuất. Và mãi mà bọn họ vẫn không sửa xong xe. Zhukov đã phải cầm máy ở phòng đợi gọi đi mấy lần, có lẽ là xuống xưởng…

Trong thời điểm đó, tại căn phòng làm việc cũ của Stalin trong Điện Kremli đang diễn ra cuộc họp Đoàn Chủ tịch BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô. Lần đầu tiên trong nhiều năm gần đấy những thành viên Đoàn Chủ tịch, từng không chỉ chứng kiến mà còn phải chịu đựng sự chuyên quyền toàn diện của Beria đã liên kết lại với nhau chặt chẽ đến mức có thể công khai phát biểu phản bác lại ông ta để kết thúc sự biểu hiện biến thái quá đà tệ nạn sùng bái cá nhân. Tuy nhiên, ba tháng rưỡi sau khi Stalin mất vẫn chưa có ai nói ra một câu nào về tệ nạn sùng bái cá nhân này.  Đối với tất cả mọi người trong nước, Stalin vẫn nguyên vẹn là Stalin – vĩ nhân, tinh khôi, uy tín tuyệt đối. Nỗi đau đớn vì mất ông vẫn còn chưa lắng dịu trong lòng mọi người.

Vì sao Bulganin và Zhukov lại lựa chọn Bộ chỉ huy Quân khu Phòng không Moskva, để tập hợp đội hình thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng, phức tạp và nguy hiểm này? Ở thời điểm ấy, tại địa bàn Moskva họ chỉ có thể trông cậy vào hai lực lượng thực tế: các quân nhân của Quân khu Moskva và Quân khu Phòng không Moskva. Một số đơn vị của hai lực lượng này do điều kiện mùa hè đang đồn trú ở các doanh trại nằm ngoài nội đô. Tư lệnh của Quân khu Moskva, Thượng tướng P.A. Artemiev trước kia từng có thời gian giữ một trọng trách trong Dân ủy Nội vụ (NKVD). Có lẽ điều này đã tác động đến những đánh giá tình hình. Và sau này, khi Beria đã bị bắt giam, Thượng tướng Artemiev đã được chuyển sang đảm nhận một cương vị khác và do tình hình bất thường, quyền chỉ huy Quân khu Moskva đã được bàn giao cho Thượng tướng Moskalenko. Và như vậy cùng một lúc, ông này phải chỉ huy cả hai Quân khu trong một giai đoạn.

Cũng ở thời điểm đó tại Moskva đang đồn trú hai sư đoàn của Bộ Nội vụ. Công tác bảo vệ Điện Kremli nằm trong tay những người thuộc quyền của Beria, rất chú ý theo dõi hoạt động của các quân nhân… Tất cả những điều này đều được tính đến khi chuẩn bị cho vụ bắt giữ Beria. Vì thế nên nhóm hành động được chở tới Điện Kremli bằng xe  công vụ của Bulganin (Moskalenkio, Batitsky, Zub, Yuferev) và của Zhukov (Baksov). Kính xe được dán giấy đen để người ngồi bên trong xe có thể quan sát phía ngoài nhưng người ở bên ngoài không thể nhìn thấy những gì ở trong xe.

Lý do chính thức để biện minh cho việc một nhóm quân nhân vào Điện Kremli là lệnh gọi tới họp.  Cả sáu người đều đi vào phòng giải lao nằm gần văn phòng, nơi đang diễn ra hội nghị của Đoàn Chủ tịch. Ngoài Zhukov, lúc đó  không một ai khác trong nhóm quân nhân này biết về nhiệm vụ mà họ sắp sửa phải thực hiện. Họ lại nói chuyện vui vô thưởng vô phạt với nhau, - đó là cách đúng nhất để làm giảm bớt sự căng thẳng thần kinh đang ám ảnh.

Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành

Là những quân nhân chuyên nghiệp, toàn bộ nhóm hành động đều xác định được rằng, dù cấp trên giao cho họ nhiệm vụ gì thì họ cũng phải hoàn thành thật tốt. Và họ chờ đợi một cách kiên nhẫn. Cuối cùng, Bulganin và Khrushchev cũng bước ra từ phòng họp.

- Các anh có biết được mời tới đây để làm gì không? – Khrushchev lên tiếng. – Các anh được giao nhiệm vụ bắt giữ Beria!

- Các anh sẵn sàng rồi chứ? – giờ thì là câu hỏi của Bulganin.

- Báo cáo, rõ! – cả sáu quân nhân đáp bằng giọng đầy kiềm chế.

Bulganin và Khrushchev giải thích cho họ nghe về  cách thức, việc cần làm và theo tín hiệu gì thì cần bắt đầu làm. Cuối cùng, Khrushchev kết luận bằng một giọng rất cứng rắn:

- Các anh hãy nhớ rằng, nếu việc thất bại thì các anh sẽ bị coi là kẻ thù của nhân dân.

Điều này thì có lẽ cũng chẳng cần  phải nói ra. Ai cũng rõ Beria là ai!

Có ba lối dẫn vào văn phòng cũ của Stalin. Theo hồi chuông của Malenkov, người đang là chủ tọa cuộc họp, họ phải cùng một lúc vào theo cả ba lối đó để tránh việc có thể có sự chạy trốn. Họ rút súng ra. Thượng tướng  Moskalenko có khẩu Brawning mạ nikel. Khi ông lên cò súng thì viên đạn bị lệch. Việc này làm mọi người cẩn thận hơn với súng của mình vì sợ lỡ có sự cố thì đạn có thể cướp cò…

Vang lên hồi chuông. Batitsky và Zub bước nhanh từ phòng đợi vào văn phòng, Baksov và Yuferev từ hành lang, còn từ phòng giải lao là Zhukov và Moskalenko….

Ở đầu bàn họp là Malenkov ngồi. Cạnh ông về một phía là Khrushchev, Bulganin cùng một số thành viên khác của Đoàn Chủ tịch. Phía bên kia là Beria và những người khác nữa. Sau lưng Beria là một cánh cửa ra ngoài.

Các nhà lãnh đạo Xô viết trên lễ đài lăng Lênin (Beria và Malenkov).

Ivan Zub sau này kể lại:

“Khi chúng tôi bước vào, một số thành viên Đoàn Chủ tịch đã đứng bật dậy khỏi chỗ, có lẽ họ không biết gì về kế hoạch bắt giữ. Zhukov ngay lập tức đã trấn an mọi người:

- Bình tĩnh nào, các đồng chí! Mời mọi người ngồi xuống đi!

Và chúng tôi rảo bước tới sát cạnh Beria. Khi mọi người đã yên vị lại, Malenkov nói:

- Các đồng chí, tôi đề nghị xem xét lại vấn đề về Beria.

Vậy nghĩa là trước đó họ đã thảo luận về Beria. Mọi người đồng ý. Và Malenkov lại đề nghị:

- Beria là một kẻ chuyên làm việc ám muội, nguy hiểm tới mức chuyện gì cũng có thể gây ra. Vì thế nên tôi đề nghị bắt anh ta ngay lập tức.

Tất cả đều biểu quyết đồng ý.

Beria ngồi ngây như tượng dưới những nòng súng ngắn. Tôi lúc đó đang cầm khẩu Walter chiến lợi phẩm. Tôi thực sự là người bắn rất giỏi và trong khoảnh khắc đó tôi hẳn là sẽ không run tay.

Sau câu nói của Malenkov, Zhukov ra lệnh:

- Đứng dậy! Theo chúng tôi! 

Có lẽ những gì diễn ra lúc đó thoạt tiên không thể nào tới được nhận thức của một nhân vật vốn vô biên quyền lực như Beria. Nhưng ông ta đã hồi tỉnh khá nhanh và hiểu rằng chỉ có ông ta mới có thể làm thay đổi được sự vô vọng của tình huống. Ông ta đã bị loại ra khỏi quyền hành thực tế, quyền lực  thực tế - chỉ cách có vài ba mét. Từ chỗ ông ta ngồi tới máy điện thoại bàn gần nhất, tới viên lính canh gần nhất…”.

Chức lớn gan to

Beria đã bị 6 quân nhân áp giải đi ra ngoài theo lối sau lưng Malenkov, qua phòng bản đồ, sơ đồ sang phòng giải lao. Tại đó, các quân nhân đã phải canh giữ Beria suốt nhiều giờ liền, trong một tâm trạng căng thẳng và lo ngại rằng tình hình có thể thay đổi bất cứ lúc nào vì họ đều biết rõ quyền lực mà Beria nắm trong tay. Thực tế cũng cho thấy, Beria không phải là người nhát gan và đã bình tĩnh lại rất nhanh. Khi bước vào phòng giải lao, ông ta đã nói ngay với giọng chủ nhân ông như không hề có chuyện gì xảy ra hòng đảo ngược lại tình thế:

- Các đồng chí nào, mời ngồi!

- Im ngay! – Zhukov cắt ngang lời ngay. - Ở đây không phải anh là chỉ huy đâu nhé.

Sau một lúc, Beria xin được đi vệ sinh. Hiển nhiên là ông ta biết rất rõ địa bàn và đang tìm kiếm cơ hội hành động thoát hiểm, kể cả bằng cách gọi bắn tới ngay chỗ mình khi trong Điện Kremli vẫn là đội bảo vệ cũ.

Ivan Zub lúc đó nhớ lại câu chuyện ông từng nói với một người bạn là công an. Để tội phạm trong tình huống bất trắc không thể tháo chạy, công an đã cắt hết cúc quần của y. Và ông đã làm như thế với Beria.  Từ đó, Beria chỉ có thể vừa đi vừa giữ quần bằng cả hai tay nên ông ta không thể bất ngờ hành động gì khác.

Zub với tư cách là chủ nhiệm chính trị biết rõ đội ngũ cán bộ trong quân khu nên được yêu cầu lập ra một danh sách 50 vị tướng và sĩ quan đáng tin cậy của lực lượng phòng không. Những người này được đưa vào Điện Kremli dưới danh nghĩa đi họp. Rồi sau đó đã thay đổi đội hình bảo vệ và canh gác. Mọi chuyện diễn ra ổn thỏa. Khi Beria bị đưa ra khỏi Điện Kremli (một lần và mãi mãi), ở các lối ra vào đã là các sĩ quan phòng không.

Chuyến áp giải được định vào khoảng thời gian tối nhất trong đêm tháng 6, vốn rất sáng và rất ngắn. Trong suốt thời gian chờ khởi hành, tất cả họ được cho ăn hai lần, ngay trong phòng họp. Những người phục vụ bày đồ ăn ra bàn rồi đi ra ngoài. Những nhân chứng việc Beria ngồi giữa nhóm quân nhân 6 người chỉ là các thành viên Đoàn Chủ tịch BCH TW.

Bề ngoài, Beria cư xử rất bình thản.  Đêm tới, khi  đưa ông ta đi, các quân nhân đều giấu vũ khí vào túi quần. Chiếc xe chính phủ cỡ lớn đủ để tất cả ngồi vào. Zhukov không đi cùng. Chỉ thị cuối cùng của ông – nếu đối tượng định bỏ chạy thì bắn thẳng tay. Từ đó về sau, Nguyên soái không xuất hiện trong nhóm quân nhân áp giải nữa.

Khỏi phải nói cũng có thể hình dung được tầm quan trọng của việc giữ bí mật về vụ bắt giữ này cho tới một thời điểm nhất định. Vì thế ngay cả những người trong nhóm áp giải ngồi trên xe cũng chỉ làm tới đâu biết tới đó. Ô tô ra khỏi Điện Kremli theo lối cổng Spaskie và hướng về phía doanh trại Lefortovo.  Bản thân Beria cũng không thể ngờ được rằng, điểm đầu tiên cách ly ông ta lại chỉ là phòng giam kỷ luật của một đơn vị quân đội, vốn chỉ dùng để giữ các quân nhân vi phạm kỷ luật. Những người trung thành với Beria cũng không thể ngờ được điều này. Beria đã phải ở cả một tuần trong một phòng giam như thế. Rồi ông ta bị bí mật đưa tới khu vực công trình ngầm dưới đất của  Quân khu Moskva. Nó là một công trình hai tầng, nằm dưới  nền khu vườn táo, có cả phòng họp với các phòng làm việc. Sau này, tại tòa, Beria đã buột miệng nói rằng, khi đương chức, ông ta không ngờ là quân đội lại có những công trình như thế ở ngay nội đô Moskva…

Sau chiến tranh, công trình này có lẽ đã không được dùng tới. Khi người ta bắc hệ thống sưởi và nước tới đó, ở tầng dưới công trình đã bị bục đường ống. Tuy nhiên, sau đó mọi sự đã được nhanh chóng sửa chữa ổn thỏa. Nhóm hành động (sau có thêm Trung tướng A. Getman) được xếp vào một văn phòng rộng. Beria bi giam trong một phòng riêng. Nhiệm vụ chính đối với nhóm quân nhân dưới quyền chỉ huy của Thượng tướng Moskalenko vẫn như trước, tức là làm sao để Beria không thể thoát thân và cũng không thể tự sát.

Phiên tòa ẩn ức

Tới ngày 10/7/1953 trên báo Pravda đã công bố thông báo:

“Vừa qua đã diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Hội nghị sau khi nghe và thảo luận báo cáo của Chủ tịch Đoàn Chủ tịch BCH TW, đồng chí R.M. Malenkov, về những hành vị tội phạm phản đảng và phản quốc của L.P. Beria nhằm phá hoại Nhà nước Xô viết vì quyền lợi của tư bản nước ngoài và thể hiện trong những mưu toan phản trắc nâng Bộ Nội vụ lên trên chính phủ và Đảng Cộng sản Liên Xô, đã quyết định khai trừ L.P. Beria ra khỏi thành phần BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô và khai trừ ra khỏi hàng ngũ của Đảng Cộng sản Liên Xô, như một kẻ thù của Đảng Cộng sản và nhân dân Xô viết”.

Trong bài xã luận in ngay dưới bản tin này Khối đoàn kết không gì phá vỡ nổi giữa đảng, chính phủ và nhân dân Xô viết, nhìn bên ngoài vẫn được viết theo không khí như lúc Stalin còn sống,  đã hiện rõ ý tưởng về tác hại của tệ nạn sùng bái cá nhân, có thể làm nảy sinh những hiện tượng biến thái trong đảng và nhà nước: “Đồng thời, từ vụ việc Beria cần phải rút ra những bài học chính trị và đưa ra những kết luận cần thiết. Sức mạnh của sự lãnh đạo của chúng ta là ở trong tính tập thể của nó, được hội tụ và tập trung. Tính tập thể trong lãnh đạo – đó là nguyên tắc cao nhất của lãnh đạo trong đảng chúng ta.  Nguyên tắc này hoàn toàn đáp ứng được những tiêu chí của Marx về tác hại và nhu cầu phải loại trừ tệ nạn sùng bái cá nhân”.

Ý tưởng này còn phải chín muồi dần để trở thành chương trình tại Đại hội làn thứ XX của đảng để từ sau đó, đánh giá về Beria mới được hoàn chỉnh.

Còn thoạt tiên, các lời buộc tội đối với Beria chỉ nhằm vào chủ nghĩa phiêu lưu chính trị của ông ta,  sự thoái hóa tư bản và các hành vi phản đảng, phản quốc…

10 ngày sau khi bắt giữ Beria mới bắt đầu quá trình thẩm cứu chính thức về vụ án Beria, được giao cho R.A. Rudenko, lúc đó còn là Công tố trưởng nước cộng hòa Ucraina. Zub đã có mặt trong tất cả các buổi thẩm vấn Beria, kéo dài cho tới tháng 12-1953 và được tập hợp thành bộ hồ sơ có tới hơn 50 tập.

Thoạt tiên Beria đã tuyên bố rằng ông ta không hề phạm tội gì cả và sẽ không khai gì. Ông ta yêu cầu phải trả lại tự do cho ông ta. Và luôn luôn khiến đội canh gác phải căng thẳng. Một lần, khi một đại tá mang đồ ăn cho ông ta thì bị Beria ném cả cái ghế đẩu vào người. Viên đại tá này vội tới phòng của Thượng tướng Moskalenko báo cáo; khi ấy trong phòng còn có cả Batitsky và Zub. Thượng tướng ra lệnh với vẻ hài hước vốn có:

- Hai anh tới ngay khôi phục lại trật tự. Nếu không làm được thì gọi tôi tới trợ giúp…

Beria yêu cầu được cấp giấy bút. Ông ta quyết định viết thư cho Malenkov, người mà trước đó đã có những quan hệ bằng hữu với ông ta. Ông ta viết thư ngay trước mặt Zub, yêu cầu trả lại tự do và tìm cách để biện minh cho mình.

Beria còn tuyệt thực 11 ngày để không trả lời thẩm vấn. Đối  xử lâu như thế nhưng tình hình sức khỏe của ông ta vẫn không bị ảnh hưởng mấy.

Cho tới một buổi thẩm vấn, khi Rudenko đưa cho Beria xem một tài liệu và hỏi:

- Đó có phải chữ ký của anh không?

Beria nhìn một lúc rồi đáp:

- Đúng.

Sau hôm đó, ông ta bắt đầu trả lời thẩm vấn.

Khi quá trình thẩm vấn kết thúc, Beria cuối cùng phải đọc và ký toàn bộ hồ sơ ở từng trang. Nhưng ông ta  vừa đọc được mấy trang đã từ chối:

- Tôi không thể ký!

Mãi về sau, Beria mới chịu ký...

Ngày 18/12/1953 bắt đầu phiên tòa xét xử Beria. Ngoài ông ta, trên ghế bị cáo còn có những cộng sự gần gụi nhất L. Vlodzimirsky, S, Golidze, V. Dekanozov, B. Kobulov, V, Merkulov, P. Meshik.  Chủ tịch Hội đồng xét xử đặc biệt của phiên tòa là Nguyên soái I.S. Konev. Đây là một vụ xét xử kín. Rudenko (được cất nhắc làm Viện trưởng Viện Công tố Liên Xô ngày 8/8/1953 ngồi ở dưới phòng xử án, vốn là một phòng làm việc của thành viên Hội đồng Quân khu Moskva. Cũng trong thành 8/1953, tất cả các thành viên nhóm bắt giữ đều được thăng quân hàm). Trong quá trình xét xử, tên họ Stalin không được nhắc đến nên mỗi khi nói chuyện gì liên quan tới ông thì Beria gọi đó là cấp trên...

Beria đã rất bình tĩnh khi nghe tuyên án. Ông ta đã có nửa năm để hiểu rõ mọi sự. Và ông ta đã bị kết án tử hình rồi bị hành quyết ngày 23/12/1953 (?) trong những tình huống rất không rõ ràng. Cho tới hôm nay, dường như không còn ai biết rõ mộ ông ra nằm ở đâu…

Cuối tháng 12/1953, Bộ trưởng Quốc phòng Bulganin đã nói với những người từng tham gia vụ việc này:

- Hãy quên đi tất cả những gì mà các đồng chí đã biết. Và không bao giờ, không ở đâu được nói chuyện gì với ai…

Bản thân ông Bulganin rồi cũng không được yên thân. Khi đã ngồi ấm chỗ, Khrushchev cũng đã “dọn” cho Bulganin một kết cục buồn. Cả Nguyên soái Zhukov rồi cũng phải về hưu với những điều tiếng… Những nhà lãnh đạo cao cấp đã đứng về phía Khrushchev lật đổ Beria như Malenkov rồi cũng bị rơi vào những án kỷ luật nặng nề mà cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, họ vẫn còn tức tưởi… Chính Khrushchev khi phải về vườn năm 1964 cũng không được êm đẹp và cho tới cuối đời, đã phải chịu sự giám sát chặt chẽ của KGB…

Long Thành - Phú Quý
.
.