Giáo sư Nguyễn Đổng Chi trong hồi ức người bạn đời

Thứ Hai, 21/02/2005, 11:29

Nhân dịp 90 năm ngày sinh GS. Nguyễn Đổng Chi, xin được trích đăng một phần hồi ký của bà quả phụ Đoàn Thị Tịnh (1917-1996), người bạn đời chung thủy và là cộng tác viên đắc lực của ông, để bạn đọc hiểu thêm về ông và qua đó cũng phần nào hiểu thêm về cách ứng xử của một thế hệ trí thức tiêu biểu, sống trong một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước. Tài liệu do GS. Nguyễn Huệ Chi, con trai của GS. Nguyễn Đổng Chi, cung cấp.

Cha tôi là ông Đoàn Danh Trì, người làng Quang Chiêm, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Mẹ tôi là bà Trần Thị Truy, người làng Thổ Phượng, huyện Can Lộc cùng tỉnh. Thời trẻ cha mẹ tôi cùng học một trường, hồi ấy chỉ có chữ Nho. Thế rồi cha mẹ chúng tôi lập gia đình và sinh được hai chị em chúng tôi. Chị tôi là Đoàn Thị Thanh hơn tôi 7 tuổi, tôi là Đoàn Thị Tịnh sinh năm 1917. Mẹ tôi đẻ tôi được 8 tháng thì bị bệnh rồi mất. Tôi được ông bà nội nuôi dưỡng, các cô, chú chăm sóc cho khôn lớn, còn cha tôi lại phải tục huyền.

Cha tôi đậu tú tài Nho học, được Nhà nước phong hàn lâm và bổ đi dạy học ở Trường Cao Xuân Dục tại Vinh, ít khi về nhà. Còn tôi cũng võ vẽ theo học ông nội tôi, bấy giờ cũng dạy chữ Nho cho con em trong làng.

Bà Đoàn Thị Tịnh (năm 1938).

Hai chị em chúng tôi vì mồ côi mẹ nên được các bác, chú và cô rất thương. Riêng cha tôi vốn mang cốt cách nhà Nho, lại là giáo học nên tuy rất thương con nhưng vẫn chú trọng nhiều đến danh giáo. Năm tôi 12 tuổi, cha tôi đã hứa hôn cho gia đình cụ Phạm Khắc Khoan, có con là Phạm Khắc Hòe, Phạm Khắc Quảng, Phạm Khắc Quán. Tôi được hứa hôn với anh Quán. Với tuổi còn quá nhỏ, nghe nói cha đã hứa hôn thì cũng biết vậy chứ chưa có ý niệm gì.

Năm tôi 13 tuổi là năm 1930-1931, Cộng sản nổi dậy khắp vùng Nghệ - Tĩnh. Anh em trong vùng vận động tôi đi theo Cộng sản, tôi cũng hồn nhiên nhận lời, được đặt bí danh là Huệ. Vì tôi có biết chữ quốc ngữ, đoàn thể bèn giao báo chí của Đảng để tôi đi vận động nhân dân, nhất là giới nữ, đọc cho họ nghe. Về sau tôi được bầu làm Tổ trưởng một Tổ Nông hội Đỏ ở trong làng.

Được một thời gian ngắn thì quân Pháp về đóng đồn ngay giữa xã (ở làng Thái Yên). Các anh chủ chốt chạy trốn hết. Pháp nó lục soát mãi, cuối cùng bắt được bố người chỉ huy Cộng sản ở xã đem ra tra tấn. Đau quá, thế là ông cụ đành khai tôi và một người chị con bác của tôi ra. Ông bảo: “Có hai đứa con gái, đứa nhỏ 14 - 15, đứa lớn 16 -17 chuyên đi đưa truyền đơn và báo, nhất là đứa nhỏ biết chữ, nên sổ sách nằm trong tay nó”. Thế là Pháp cho lính về càn làng tôi. Cũng may lúc ấy nói đến Cộng sản thì ai ai cũng nể sợ nên trong hàng ngũ lính tập đã có người báo cho biết trước. Hai chị em chúng tôi liền được lệnh đi trốn ngay trong đêm, chui bờ lủi bụi, lúc nằm xóm này lúc lại chạy sang xóm khác. Cứ thế chừng vài tháng càn quét không bắt được chúng tôi, Tây cũng chán.

Bấy giờ trong hàng lính có một người đối với gia đình tôi rất thân thiện, có gì anh thường chống chế với viên đồn Pháp giúp. Lại có ông lý trưởng là sui gia với gia đình tôi. Pháp cho gọi ông lý trưởng này lên hỏi, ông cam đoan rằng trong làng không có hai đứa con gái như người ta khai báo, chỉ vì họ bị đánh đau nên khai bậy cho qua chuyện. Lời ông lý được anh lính có thiện cảm kia xác nhận. Thế là yên. Chị em chúng tôi lại âm thầm trở về làng.

Cha tôi thì cứ dạy học ở Vinh, mãi đến khi phong trào xẹp xuống rồi êm hẳn, mới dám về. Trước kia lúc mới ra Vinh, ông ở nhờ trong nhà cụ Nguyễn Hiệt Chi, người Hà Tĩnh, một nhà giáo cùng dạy chữ Nho với mình ở Trường Cao Xuân Dục. Cha tôi thường kể cụ Hiệt Chi là người hay chữ nổi tiếng, thuở trẻ từng đỗ đầu xứ. Cụ hay chữ nên cứ đến kỳ thi Hương thì nộp đơn vào trường thi rồi làm bài để bán cho chúng bạn lấy tiền tiêu. Chúng bạn đều đỗ cử nhân, còn cụ không kịp làm bài cho mình nên bị hỏng, nhưng càng hỏng tiếng tăm lại càng lừng lẫy hơn. Cụ chơi với các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân... về sau đi tuốt vào Phan Thiết cùng bạn bè mở Trường Dục Thanh và Công ty Liên Thành để hỗ trợ người xuất dương và truyền bá tân thư, mở đường cho một số chí sĩ ái quốc Nghệ - Tĩnh chạy vào miền trong tìm nơi ẩn trốn.

Đến khi người em là Nguyễn Hàng Chi cầm đầu phong trào “Khiếu sưu” ở Nghệ - Tĩnh bị kết án chém (1908), thì ở Phan Thiết cụ cũng bị khốn đốn. Cụ đành phải thi vội lấy cái bằng tú tài để khỏi lụy đến mình. Nam triều bèn bổ luôn cụ vào ngành giáo học, đưa về dạy ở Trường Quốc học Huế, rồi lại đưa về Vinh cho dễ bề kiểm soát. Về Vinh cụ có nhiều học trò giỏi như các ông Hà Huy Giáp, Nguyễn Khánh Toàn, Phạm Thiều, Tôn Quang Phiệt... Cụ cùng ông Giải nguyên Lê Thước chung nhau làm bộ sách Hán văn tân giáo khoa thư  nhiều tập, cho nhiều cấp học, được Nha học chính Đông Dương ban khen và phong chức Hàn lâm thị giảng, nhưng chí cụ thì không phải ở mấy bộ sách này.--PageBreak--

Cha tôi ở trong nhà cụ Hiệt Chi 8 năm. Hai cụ trở thành đôi bạn thân tâm đầu ý hợp... Năm 1932 cụ Nguyễn Hiệt Chi về hưu, trả lại ngôi nhà thuê ở Vinh để về Hà Tĩnh. Cha tôi cũng về hưu nhưng nhờ có quen biết ông Phó Đức Thành, tức Vĩnh Hưng Tường, một nhà buôn thuốc Bắc rất lớn ở Vinh, nên được ông cho đến ở nhờ một căn nhà lá của ông trong một thửa vườn rộng đến mẫu đất ở ngoại ô, gần chùa Diệc, để hằng ngày đi kê đơn bốc thuốc ở cửa hàng của ông. Để cho tôi khỏi gặp chuyện lôi thôi ở nhà quê, cha tôi liền về đưa tôi và cậu em Đoàn Thượng Xuân, con bà mẹ kế ra Vinh ở với ông. Hằng ngày tôi nấu ăn cho cả ba cha con, còn cậu em tôi thì đi học.

Một thời gian sau bà mẹ kế cũng đưa thêm hai em ra Vinh ở với chúng tôi. Thấy nhà và vườn rộng rãi bà bèn nhận nấu cơm tháng và cho một số người đến ở trọ. Có một người tên là Lương Xuân Ch làm thầy Ký vệ sinh là còn trẻ, ở luôn trong nhà chúng tôi. Ngoài ra, còn có một số thanh niên học sinh học tiểu học và trung học, trong đó có hai anh em anh Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Hưng Chi con cụ Nguyễn Hiệt Chi... ít lâu sau nữa lại có thêm một số anh học Trường Quốc học đến trọ.

Bấy giờ tôi đã 16 tuổi, nên cũng được nhiều người để mắt nhìn ngó. Nhưng phép nhà rất nghiêm nên tôi cũng chẳng để ý đến ai…

Giáo sư Nguyễn Đổng Chi (5/1/1915 - 20/7/1984) là nhà sử học, nhà Hán học, nhà văn, nhà văn hóa dân gian xuất sắc của nước ta. Ông có nhiều công trình nghiên cứu và sáng tác nổi tiếng từ trước và sau Cách mạng Tháng Tám, trong đó có bộ “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” 5 tập, lần lượt xuất bản trong gần 30 năm (1957-1982). Ông đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996.

Trong những người đeo đuổi tôi dai dẳng hơn cả có thầy Ký vệ sinh Lương Xuân Ch đẹp trai lại cao lớn. Thường tôi đi đâu anh cũng hay đi theo, thậm chí tôi đi gánh nước anh cũng tìm cách theo rồi giữ tôi lại dọc đường, chuyện trò hồi lâu mới cho tôi về. Nhưng với anh, tôi cũng thấy lòng mình dửng dưng, nên anh theo thì mặc anh, tôi cứ lặng lẽ làm việc mình.

Trong khi đó một người con trai khác trong đám thanh niên ở trọ đã lọt vào mắt tôi.

Đó là anh Nguyễn Đổng Chi. Giờ đây, hỏi vì sao tôi lại để ý đến một người như anh tôi cũng không biết nữa. Có lẽ ở anh có cái tính quả quyết, bướng bỉnh, mà có lẽ là có duyên số gì chăng. Chỉ biết trong lòng tôi anh để lại một cảm giác khác với nhiều người… Hằng ngày anh Đổng Chi cũng có ý quyến luyến tôi nhưng anh không viết thư hay ngỏ lời như mấy anh kia. Thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp đôi mắt anh đang nhìn mình, trong cái nhìn có một điều gì khang khác, khiến tôi thấy chột dạ và cũng đâm ra bâng khuâng. Đến khi anh đi Kon Tum, tôi mới thấy nhà mình trở nên vắng vẻ trống trải. Tôi không hiểu vì sao nhưng cũng lờ mờ thấy như thiếu một cái gì.

Mấy tháng sau anh đột ngột trở về, lại đến nhà cha tôi ở với chú em là anh Hưng Chi, cả hai chúng tôi đều thấy mừng rỡ lạ lùng. Về phần tôi vẫn không hiểu vì sao mình mừng, nhưng anh Đổng Chi thì ý định đã rõ. Tưởng tôi vẫn còn là một người con gái được tự do, anh về quê thưa chuyện với cụ Hiệt Chi, xin cụ ra Vinh dạm hỏi tôi cho anh ấy. Thế là hai cha con cùng đánh đường ra nhà tôi. Khi thấy có khách tíu tít từ ngoài cổng đi vào tôi vội vàng chạy qua mảnh sân rộng ở nhà sau lẩn vội xuống bếp. Cha tôi lật đật theo xuống bảo tôi:
 - Cụ Hiệt Chi ra chơi, con têm cơi trầu mang lên chào cụ.
Tôi têm trầu xong bưng lên, cha tôi nói:
- Cháu nó ra chào cụ đấy.
Cụ bảo:
- À, con chị hay là con em đây?
- Đây là con em, còn con chị tôi đã gả cho con ông Thọ An rồi.
- Con em  cũng mau lớn nhỉ? Trông cũng ra đáng thiếu nữ lắm rồi.
-  Tôi cũng đã hứa hôn về bên ông Hàn Khoan rồi đấy!

Cụ Hiệt Chi nghe đến đấy thì “à” lên một tiếng to rồi cụ lảng sang chuyện khác. Còn anh Đổng Chi lúc ấy cứ ngồi yên như trời trồng. Tôi cũng đâm ngượng, đặt cơi trầu xuống nói lý nhí rồi xin vào ngay. Sau này anh Đổng Chi kể lại, khi nghe cha tôi đáp như vậy anh chết điếng cả người, không còn biết xử sự ra sao nữa.

Cụ Hiệt Chi ở lại một vài ngày lĩnh lương hưu rồi về, còn anh Đổng Chi lại ở lại học tiếp trường tư và đi làm trợ bút cho báo Thanh Nghệ Tĩnh tuần báo. Mỗi lần gặp tôi anh không hề níu kéo tay tôi như người khác mà chỉ nói nhỏ: “Cố từ hôn đi để sum họp cùng anh”. Tôi không biết trả lời anh thế nào cả, vì nói không được thì sợ anh mủi lòng, nói được thì tôi biết là mình tự dối lòng, bởi tính cha tôi rất nghiêm, đã nói thế nào là ông làm như thế, ông đời nào chịu nghe tôi. Thành thử một thời gian dài, giữa tôi và anh Đổng Chi như có những uẩn khúc không cởi được cho nhau. Anh thì nóng lòng muốn tôi từ bỏ hôn ước cũ, mà tôi thì tính không ra, cứ loanh quanh như gà mắc tóc. Nhưng về mặt tình cảm thì cả anh và tôi đều cảm thấy ngày càng khó mà xa được nhau.--PageBreak--

Một hôm thấy tôi cứ chần chừ, sáng sớm anh đánh bạo đi theo cha tôi trên đường đến chỗ làm để giãi bày với ông. Chiều, tôi đứng trong cửa nhìn ra thấy anh về mặt có dáng buồn thiu, tôi đã biết là thất bại. Tối đến anh lén xuống bếp nói chuyện vài câu với tôi, anh bảo:

Ông Hàn sắt đá lắm, không làm thế nào lay chuyển nổi. Anh nói hết tình cảm của hai đứa mình với cụ, cụ chỉ bảo một câu: “Cậu đừng nói thế? Đã hứa với người ta rồi mà lại bỏ, tôi còn mặt mũi nào trông thấy người ta nữa”.

Tôi rất cảm động, lặng người không nói được câu gì… Nhưng cha mình cứ khăng khăng như vậy hỏi biết làm thế nào?

Nghĩ đi nghĩ lại tôi bỗng nhớ đến ông chú của tôi là Đoàn Danh  Bát.  Ông  là người rất thương và chiều tôi, lại nhờ làm việc ở một hãng buôn Tây nên đầu óc rất mới chứ không cổ hủ. Nếu nhờ đến ông thì việc ắt phải xong. Thế là tôi thu xếp xin cha tôi cho về quê ở với bà tôi một thời gian. Cha tôi ưng thuận. Từ Vinh về quê tôi phải đi đò. Hai hôm trước ngày xuống đò tôi báo tin cho anh Đổng Chi và dặn anh cứ yên lòng vì tôi đã tính liệu được một kế may ra thì vẹn toàn. Đêm sau anh gặp tôi để chia tay, mặt rất buồn. Anh đưa cho tôi mấy vần thơ lục bát:

Còn đêm nay nữa mai về,
Sầu tình một độ tái tê cõi lòng.
Thà rằng chẳng biết nhau xong,
Biết nhau rồi lại như đong vào người.
Ngày mai kẻ ngược người xuôi,
Con đò sao chẳng cho tôi cùng về?
Còn đêm nay nữa mai về,
Xa em chẳng khác dao kề bên tim.
Ước gì hóa được làm chim,
Khi bay bay vụt, khi tìm tìm mau.
Trời xanh dù bắt xa nhau,
Lòng anh xin nguyện dài lâu chằng nề.
Còn đêm nay nữa mai về,
Lòng tôi thổn thức tê mê bồi hồi.
Trời làm chi cực rứa trời?
Chưa cùng nhau hợp đã rời nhau ra.
Tơ tình buộc chặt đôi ta,
Lấy nhau chẳng được, buông tha não nề.
Còn đêm nay nữa mai về,
Xa em hình dáng em thì gần luôn.
Bể tình lớp lớp sóng tuôn,
Dây tình chằng chịt hàng muôn vạn lần.
Chia tay tim nát thịt dần,
Biết  bao giờ lại được gần gũi em?

Tôi về quê, bấy giờ ông nội đã mất. Chú Bát tôi cũng không đi làm nữa, ở nhà với vợ con và chăm sóc bà tôi. Về được ít lâu tôi lựa lời nói với chú. Nghe xong chú Bát bảo tôi:
- Cháu nghĩ thế phải lắm. Để chú viết thư cho thầy cháu đã rồi chú sẽ tới nhà cụ Hàn chú thưa với cụ là được thôi.
Tôi đáp:
- Viết thư cho thầy cháu thì không xong đâu, vì thầy cháu quyết đoán lắm, không dễ gì thay đổi được ý của thầy.
- Cháu cứ để đấy chú liệu, nhưng thư thì ta phải viết để báo cho thầy cháu biết quyết định của mình.

Quả nhiên trong thư trả lời thư chú Bát, cha tôi không hề lay chuyển ý định, như tôi đã đoán. Tôi xem thư rầu rĩ mất mấy ngày. Nhưng chú tôi ý đã quyết, bèn bảo tôi: "Cháu đừng lo nghĩ. Để chú ra tận Vinh nói thẳng với thầy cháu. Nhược bằng thầy cháu không nghe thì chú cháu ta cũng cứ trả lễ cho nhà họ. Thế là được chứ gì?".

Thế rồi chú tôi xuống đò ra Vinh ngay. Gặp cha tôi chú tôi hỏi thẳng vào việc luôn. Cha tôi tuy nghiêm nhưng cũng biết nghe lẽ phải. Thấy chú tôi nói có tình có lý cha tôi bắt đầu hiểu ra. Ông trầm ngâm hồi lâu rồi chép miệng: "Ừ thì bỏ cũng được, nhưng chú chỉ nói vì con Tịnh không thuận lấy con cụ Hàn nữa chứ đừng có dính tôi vào đấy".

Chú tôi chỉ cần chờ có thế là tức tốc đi tới nhà cụ Hàn Khoan ngay.  Chú tôi phải giải thích mãi cụ mới nguôi ngoai dần. Chú tôi trở về báo tin, tôi như mở cờ trong bụng. Nhưng tôi vẫn còn ở nhà với bà tôi chưa ra Vinh vội, mặc dù anh Đổng Chi cũng đã biết tin và cứ nhắn tôi ra. Tôi nghĩ: "Vừa mới thôi con cụ Hàn Khoan đã tấp tểnh nhận lời người khác thì cũng kỳ, cứ từ từ mà hay hơn".

Năm 1935, cụ Nguyễn Hiệt Chi ra Vinh lĩnh lương hưu, ở nhà cha tôi được mấy ngày cụ bị cảm rồi mất đột ngột. Trước khi lâm chung cụ có trối với cha tôi: “Xin cụ hãy thương lấy thằng Gióng nhà tôi” (Gióng là tên tục của anh Đổng Chi). Ít lâu sau tôi ra Vinh thì anh Đổng Chi đã phải về quê nhà để lo liệu việc nhà giúp mẹ. Cha tôi gọi tôi đến bên ông, đưa cho tôi một mảnh giấy ghi tên sáu chàng thanh niên và hỏi tôi: "Trong sáu người này con thuận lấy ai để thầy trả lời cho người ta biết". Tôi liếc nhìn qua thì thấy trong số đó có một người đậu quốc học ra làm phán tòa, một người nữa đậu quốc học rồi làm thầy ký nhà băng, có một vài người đang học quốc học, một người là em ông Phó Đức Thành, và cũng có cả tên anh Nguyễn Đổng Chi nữa.

Tôi không chút chần chừ bảo với cha tôi, tôi thuận lấy anh Đổng Chi. Cha tôi chỉ người làm phán tòa và thầy ký nhà băng hỏi tôi: "Sao những người này con không lấy con lại thuận lấy cậu Đổng Chi?". Tôi trả lời: "Những người đó tuy là thầy thông, thầy phán thật nhưng con chưa hiểu rõ con người và tâm tính họ ra sao thì nhận lời sao tiện, vì con lấy là lấy chồng chứ đâu có lấy cái danh của họ. Còn cậu Đổng Chi với con đã biết nhau lâu rồi. Vả lúc trước thầy đã ở trong nhà người ta đến 8 năm, chắc thầy đã biết gia đình người ta như thế nào rồi đấy!".

Nghe lời tôi cha tôi bèn quyết định viết thư phúc đáp anh Nguyễn Đổng Chi, nhắc lại lời dặn lúc lâm chung của người bạn quá cố là cụ Hiệt Chi và chấp nhận lời đề nghị của cụ. Được tin ấy anh Đổng Chi vội cho gia đình sắm sửa lễ vật rồi xuôi thuyền ra Vinh làm lễ vấn danh chỉ sau có vài tuần.

Thế là từ đấy tôi trở thành vợ chưa cưới của anh...

.
.