Giáo sư - Viện sỹ Phạm Song: Yêu đời, đời không phụ

Thứ Năm, 24/11/2011, 15:31
Chiều 8/11/2011, đang ở cơ quan, tôi nhận được điện thoại của bác sĩ Trương Xuân Hương, Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế, một người anh, người bạn vong niên của tôi. Anh nói: “Anh đang ở nhà anh Phạm Song, anh ấy vừa mất trưa nay… Lát nữa, sau giờ làm việc em tới quán Nga ở Phạm Sư Mạnh, anh em mình làm vài chén để tưởng nhớ anh Phạm Song…”.

Tôi chợt thấy trong lòng mình lại trào dâng một nỗi buồn như cách đây hơn 7 năm, khi chúng tôi cùng anh Trương Xuân Hương cũng ngồi ở cái quán đó uống rượu và nhắc tới người vừa quá cố lúc ấy là bác sĩ Tôn Thất Bách… Thế là thêm một người tốt nữa lại ra đi!

Thực ra, ra đi như GS - VS Phạm Song cũng là được ân huệ của giời. Nghe kể là, lúc ấy ông đang trong cuộc họp, vừa lên phát biểu xong, về chỗ ngồi được một lúc thì thấy trong người bỗng dưng cực kỳ khó chịu vì cơn tai biến mạch máu não…

Và thế là chỉ trong chốc lát nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, nhà kiến thiết, xây dựng ngành lâm sàng nhiệt đới Việt Nam, đã ngừng nhịp đập con tim vốn đầy nhiệt huyết và rất sôi nổi của mình. Ông đã đi sớm hai tuần trước lễ sinh nhật lần thứ 81 của mình (ông sinh ngày 23/11/1931).

Đạo nhà luôn giữ

GS - VS Phạm Song sinh ra trong một gia đình công chức nhưng có nhiều người làm nghề cứu nhân độ thế. Cả ông nội lẫn ông ngoại của ông đều là những thầy lang nổi tiếng ở vùng Hương Sơn, Hà Tĩnh. Lớn lên, ông tham gia phong trào sinh viên và được kết nạp vào Đảng khi mới 19 tuổi, rồi được cử lên chiến khu Việt Bắc học ngành y, niên khóa 1952-1956 của Đại học Y Hà Nội.

Chính trong thời gian còn “thụ giáo”, ông đã tình nguyện đi làm  y sĩ cho bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông cũng là một trong những người tiếp nhận nhà thương Đồn Thủy năm 1954, nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ loại giỏi chuyên ngành tim mạch năm 1956, ông đã tiếp tục vào làm việc tại đó cho tới khi ông được cử đi Rumanie nghiên cứu về truyền nhiễm!

Theo lời ông sau này kể lại, năm 1958, Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch cho gọi ông lên gặp tại trụ sở Bộ ở phố Phan Huy Chú. Trong buổi gặp ấy còn có Vụ trưởng Vụ Tổ chức Nguyễn Đức Thắng và Vụ trưởng Vụ Chữa bệnh Nguyễn Văn Tín. Vừa thấy ông, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã hỏi ngay: “Trẻ quá có làm được việc không?”.

Và hai vị vụ trưởng cùng thưa: “Chúng tôi đã suy nghĩ và chọn cho anh một người xuất sắc, kể cả chuyên môn và kinh nghiệm quản lý”. Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch nói luôn: “Thế thì được, bệnh nhiễm trùng hiện nay là bệnh hàng đầu của nước ta. Tôi cần một cán bộ trẻ sang làm ngành này đáp ứng trước mắt và lâu dài. Anh nghĩ sao?”.

Và ông đã buộc phải thưa thật rằng, là bác sĩ tim mạch, ông đâu có được chuẩn bị  kiến thức về các môn vi khuẩn học hay virus học để làm về truyền nhiễm. Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch nói luôn: “Chưa học thì tôi cho anh đi học, có sao đâu!”.

Vợ chồng Giáo sư- Viện sỹ Phạm Song.

Thế là chỉ một tháng sau, ông đã được chuyển sang Khoa Truyền nhiễm kiêm phụ trách công tác y vụ của bệnh viện. Và năm 1960, cũng chính Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã cho ông sang Rumanie một năm rưỡi để học về virus học tại Viện Quốc gia virus học và 6 tháng học về vi khuẩn tại viện Cantacuzino ở thủ đô Bucarest…

Rồi sau đó, ông còn được đi tu nghiệp ở Hà Lan về nhiễm trùng gan, rồi miễn dịch học 4 tháng tại Lausane, Thụy Sĩ. Trở về nước, ông được cử làm Chủ nhiệm Khoa Bệnh nhiễm trùng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô trong suốt 18 năm (1966-1984). 

Ông là người đầu tiên thực hiện kỹ thuật soi ổ bụng và sinh thiết gan cũng như soi ruột già ống mềm tại bệnh viện phục vụ việc chữa bệnh cho cán bộ trung, cao cấp và lão thành cách mạng. Năm 1982, ông được đề bạt lên làm Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô… 

Hai năm sau đó, ông được đề bạt lên làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Mặc dù cương vị cao buộc phải gánh vác nhiều công việc quản lý nhưng GS Phạm Song vẫn kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Truyền nhiễm và đảm bảo trên 170 tiết giảng dạy mỗi năm tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Ông cũng đảm nhận cương vị Viện trưởng sau khi thành lập Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới. Năm 1988, ông được giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Y tế và ở cương vị này tới năm 1992. Ông là trường hợp không được Ban chấp hành khóa trước giới thiệu nhưng vẫn trúng cử vào Ủy viên trung ương Đảng khóa VII…

Trong gần hai chục năm gần đây, cho tới lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng, GS - VS Phạm Song đã đảm nhận nhiều cương vị khác nhau trong các tổ chức xã hội gần gụi với nghề y của mình. Ông từng phụ trách Hội Dân số Kế hoạch hoá Gia đình Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Truyền nhiễm Việt Nam.  Đồng thời, ông vẫn làm chuyên gia tại Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới, viết nhiều công trình nghiên cứu và truyền bá kiến thức y học…

Thiện tâm không mỏi

Những đóng góp về chuyên môn của GS - VS Phạm Song cho sự nghiệp y tế nước nhà rất to lớn. Chính ông là một trong những người có công hàng đầu trong việc đưa artemisinin  được phân lập từ cây thanh hao hoa vàng vào điều trị sốt rét do Plasmodium falciparum kháng cloroquin.

Ngay từ năm 1990, Bộ Y tế đã có hướng dẫn kỹ thuật sử dụng artemisinin và các dẫn xuất sản xuất trong nước để điều trị sốt rét và sau đó 9 năm Tổ chức Y tế Thế giới  (WHO) đã công nhận chọn artemisinin là thuốc hàng đầu để điều trị sốt rét do Plasmodium falciparum kháng cloroquin.

Cũng nhờ thế mà nước ta hiện là quốc gia xuất khẩu artemisinin về dẫn xuất và cả nguyên liệu sang các nước châu Phi và châu Âu. Công trình này có rất nhiều đơn vị khoa học và hàng chục bác sĩ tham gia đã được giải thưởng khoa học công nghệ Hồ Chí Minh năm 2000.

GS - VS Phạm Song còn là đồng chủ biên với chuyên gia ngôn ngữ học, GS - TS Nguyễn Hữu Quỳnh cùng sự cộng tác của 120 GS, TS y học nhiều thế hệ để biên soạn 4 cuốn Bách khoa thư bệnh học, đã được tái bản không chỉ một lần. Ông cũng là tác giả của cuốn HIV/AIDS, do Nhà xuất bản Y học xuất bản năm 1993  sớm đưa ra những nhận xét xác đáng mang tính dự báo về căn bệnh thế kỷ này. Cũng chính ông đã đề nghị thành lập Ủy ban quốc gia phòng chống HIV/AIDS khi chưa có ca HIV dương tính nào ở Việt Nam... 

Ông đã đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình soạn thảo và thông qua Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng như chiến lược bảo vệ sức khỏe nhân dân 1990-2000 dưới dạng chương trình mục tiêu quốc gia cấp Nhà nước và cấp Bộ, đánh dấu một bước biến đổi lớn trong đổi mới phương thức hành động theo khoa học y tế công cộng của nước ta.

GS-VS Phạm Song với các thành tựu của mình đã được tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và Giải thưởng Hồ Chí Minh… Năm 2000, ông là Viện sĩ Viện hàm lâm Y học Liên bang Nga về hệ thống và biện chứng. Năm 2006, ông được Viện Tiểu sử Hoa Kỳ tặng danh hiệu Nhà khoa học tiêu biểu của năm do cống hiến trọn đời cho y học.

Sống vì nhân nghĩa

Theo lời nhận xét của bác sĩ Trương Xuân Hương, người đã trụ ở vị trí Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế hơn 20 năm, qua 6 đời Bộ trưởng, mỗi một “tư lệnh tối cao” của ngành y mà anh từng phục vụ đều có những nét riêng nhưng xuất sắc nhất vẫn phải là GS  - VS Phạm Song.

Ông là một điển hình của đội ngũ trí thức cộng sản chân chính. Ông biết cách nhập thế với tinh thần vô ưu, vô ngã và vô thường nên ngay cả khi xảy ra những sự cố nào đó, ông cũng không lấy đó làm điều và tiếp tục đi theo con đường mình đã chọn để có ích với đời hơn.

Sinh thời, ông từng đúc kết rằng, bí quyết thành công của ông là ở bốn “suối nguồn” đạo lý: Nho giáo, Phật giáo, tinh thần cộng sản vì nhân dân phục vụ và thói quen tuân thủ kỷ luật của giáo dục  châu Âu. Là người của ngành y nhưng ông rất thích văn học nghệ thuật.

Những ai ở gần ông đều có nhiều dịp mục sở thị những hiểu biết rộng rãi  và sâu sắc của ông về văn học thế giới. GS Phạm Song đặc biệt yêu thích các tác phẩm của văn hào Nga Anton Tchekhov và nhà văn vĩ đại Trung Quốc Lỗ Tấn (không biết có phải vì cả hai tác gia lớn này đều là những người từng làm nghề y?).

Anh Tuấn Anh, một người cháu của ông, có kể với tôi rằng, cho tới tận ngày cuối cùng, GS - VS Phạm Song vẫn rất cần mẫn làm việc. Thời gian biểu của ông ở tuổi bát thập vẫn “đều như vắt chanh”: sáng dậy từ lúc 5h sáng và chỉ đi ngủ vào lúc 22 giờ. Mỗi tuần ông chỉ xả hơi đúng vào sáng thứ 7, những khoảng thời gian còn lại đều được ông dùng vào việc viết và đọc sách cũng như lướt web tìm kiếm thông tin...

Thỉnh thoảng ông cũng có những chuyến đi xuống các địa phương, giao lưu tiếp xúc với các đồng nghiệp và học trò gần xa. Chuyến đi ra khỏi Hà Nội cuối cùng của ông mới diễn ra cách đây khoảng một tuần: ông xuống thành phố Hoa phượng đỏ.

Theo lời kể của anh Trương Xuân Quý, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố Hải Phòng, người đã có cơ hội được tiếp GS - VS Phạm Song hôm đó, trông ông vẫn rất lạc quan, sôi nổi. Ông vẫn dặn các đồng nghiệp trẻ hơn rằng, hãy cứ hết lòng yêu cuộc đời này đi khi còn có thể yêu, khi còn có sức khỏe!

Trên tầng sáu của tòa nhà mới được xây xong tại địa chỉ 18B Trần Hưng Đạo, Hà Nội, GS - VS Phạm Song đã cho bố trí phòng làm việc rất thuận tiện của mình. Hôm khánh thành, ông đã rất vui vẻ nói với con cháu: “Có lẽ là mình sẽ thực hiện được nguyện vọng từ lâu, nếu có ra đi thì cũng ra đi trên bàn làm việc trong một căn phòng khang trang như thế này!”.

Và quả thực, ông đã ra đi trong trạng thái đang làm việc, dù không được ngồi ở bên cái bàn quen thuộc trong tòa nhà 18B ấy.

Cầu chúc cho ông nhẹ bước Bồng Lai, phiêu diêu nơi cực lạc! Ông đã hết lòng với cuộc đời này và cuộc đời này sẽ mãi nhớ ông!

Đặng Đình Nguyên
.
.