Giải Nobel Văn học 2006 Orhan Pamuk:

Giao hoà và đụng độ Đông Tây

Thứ Ba, 19/12/2006, 16:00

Ngày 12/10, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã quyết định trao giải thưởng Nobel Văn học cho nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk vì thành tựu "kiếm tìm linh hồn u uẩn của thành phố quê hương" và xây dựng "cầu nối văn hóa Đông Tây". Đây là nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên được hưởng vinh dự này.

 

Nghe tin này, Pamuk đã thốt lên: "Tôi hạnh phúc. Tôi cần phải hồi tỉnh lại sau sự chấn động này đã. Tôi coi đó là sự công nhận lao động của tôi trong suốt 30 năm qua và của cả thành phố quê hương tôi nữa". Theo quan điểm của Pamuk, "huyền thoại về sự đụng độ giữa văn hóa phương Đông và phương Tây là một trong những ý tưởng nguy hiểm nhất trong 20 năm gần đây. Văn hóa đồng nghĩa với việc hội nhập và liên kết những ảnh hưởng khác nhau. Và các công trình của tôi là để dành cho chủ đề này". Cũng theo Pamuk, "Hồi giáo là một nền văn minh vĩ đại. Chỉ có một số nhóm nhỏ theo đạo Hồi bị phương Tây sử dụng vào những mục đích của họ".

Bắt đầu từ gian khó

Theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, "Pamuk" có nghĩa là bông. Tổ tiên của nhà văn gốc ở vùng Kavkaz, di cư sang Thổ Nhĩ Kỳ tìm kế sinh nhai. Do da của họ trông quá trắng trong con mắt của người dân địa phương nên đã bị gán cho biệt danh Pamuk. Tuy thế, gia tộc Pamuk không có gì liên quan tới nền công nghiệp dệt của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nội nhà văn trong những năm 30 của thế kỷ trước đã kiếm được bộn tiền trong ngành đường sắt mới xuất hiện khi đó.

Trong một bài trả lời phỏng vấn, nhà văn kể: "Tôi không phóng đại đâu, ông nội tôi quả thực rất giàu có, nhưng cụ đã mất sớm và đàn con đông đảo đã tiêu phí hết tiền của thừa hưởng từ người cha... Bà nội tôi đã phải gồng mình nuôi dưỡng đàn con và tất cả đại gia đình cùng sống trong một ngôi nhà ở khu Nishantashi. Trong giai đoạn hiện đại hóa, ngôi nhà được cải tạo và cô dì chú bác của tôi được sống trong những căn hộ biệt lập. Và như vậy là từ khi còn bé tôi đã được ở trong một khu nhà nhiều căn hộ với họ hàng. Cửa căn hộ nào cũng mở cả ngày và tôi cứ tha thẩn từ nhà này sang nhà khác. Rồi tiền của dần dà biến đi, chúng tôi vẫn dùng đồ ăn bằng bạc nhưng thay vì bình bạc đựng nước, chúng tôi phải dùng bình thủy tinh y tế...".

Nối nghiệp nhà, cha của nhà văn đã học làm kỹ sư. Và ông rất muốn con trai mình cũng làm như thế. Ông cũng muốn con trai mình hướng theo những tiêu chí văn hóa chính trị phương Tây theo truyền thống gia đình. Thuở nhỏ, cậu bé Orhan đã được theo học ở Trường Mỹ Robert College tại Istanbul. Tuy nhiên, Orhan lại rẽ theo nẻo khác: "Tôi mê nghệ thuật. Thoạt tiên tôi muốn trở thành kiến trúc sư và ba năm theo học nghề này. Và tôi đọc rất nhiều sách, đọc mê mệt. Và chuyện cần xảy ra đã xảy ra, vì đọc nhiều quá nên cuối cùng tôi đã quyết định trở thành nhà văn. Đồng thời, tôi cũng theo học Khoa Báo chí Trường Đại học Istanbul nhưng không bao giờ coi đấy là việc nghiêm túc - đơn giản là tôi cần phải tránh khỏi nạn quân dịch. Khi  22 tuổi, tôi bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết đầu tay, mà chẳng được gì cả: không tiền bạc, không danh vọng. Cha mẹ tôi khi đó đã li dị nhau và thời thế ở Thổ Nhĩ Kỳ những năm cuối thập niên 70 rất buồn chán: đất nước gần như sắp sửa bị nhấn chìm vào nội chiến.

Pháp là quốc gia có nhiều nhà văn được giải thưởng Nobel Văn học nhất: 13 người. Hoa Kỳ có 12 nhà văn được trao giải Nobel Văn học. Tiếp theo là Anh (9 nhà văn); Đức (8 nhà văn); Italia và Thụy Điển (mỗi nước có 6 nhà văn); Liên bang Nga và Tây Ban Nha (mỗi nước có 5 nhà văn); Ba Lan và Ireland (mỗi nước có 4 nhà văn); Đan Mạch và Na Uy (mỗi nước có 3 nhà văn).

Cho tới tuổi ba mươi, tôi đã sống cùng với mẹ tôi trong một căn phòng nhỏ đầy sách. Tôi không có tiền, không có việc làm, đơn giản tôi chỉ viết văn và sống biệt lập, đến duy trì giao tiếp với thế giới bên ngoài tôi cũng không thể: tôi biết phải trả lời thế nào cho câu hỏi về nghề nghiệp của mình. Tức là tôi sẽ buộc phải trả lời là tôi đang ăn bám các bậc phụ huynh. Trong khoảng thời gian này, tôi đã viết được hai tập rưỡi tiểu thuyết và tới năm 30 tuổi, đã in được một cuốn - đó là một khúc bi ca dài theo truyền thống cổ điển về gia đình, vậy mà tôi lại có đông những người hâm mộ một cách lạ kỳ. Tập sách đầu tiên bán được hai nghìn cuốn trong một năm, tập thứ hai - 6 nghìn cuốn, tập thứ ba - 16 nghìn cuốn, rồi sau đó, lượng phát hành tăng tốc đến chóng mặt: mỗi cuốn bán được tới hai trăm nghìn bản! Và khi đó niềm vinh quang Tây phương cũng tới với tôi".

Trước đó, cũng gần tới tuổi 30, Orhan Pamuk cuối cùng cũng phải gia nhập quân đội, mặc dù lúc này ông đã có bằng tốt nghiệp đại học khoa báo chí. Nhà văn kể: "Trong quân ngũ, tôi đã bị trêu chọc như sau. Họ hỏi tôi: "Chàng trai này là ai vậy? Anh ta làm nghề gì vậy? Nhà báo? Viết cho tờ báo nào? Chẳng cho báo nào cả? Anh ta viết văn? Thế có cuốn sách nào được in chưa? Chưa! Hà - hà!..". Cứ thế mãi...".

Sinh nghề, tử nghiệp

Tiểu thuyết đầu tay của Pamuk "Ngài Cevdet và các con trai" in năm 1982. Tiểu thuyết thứ hai "Ngôi nhà lặng lẽ" in năm 1983. Nhan đề tiểu thuyết thứ ba là "Pháo đài trắng", in năm 1985... Sau sự kiện này, nhà văn "tòng phụ". Vợ ông khi đó bảo vệ luận văn tại Trường Đại học Columbia (New York) và học đường đó cũng cấp cho nhà văn một khoản kinh phí nhất định. Thế là Pamuk chuyển sang tạm tá túc ở Mỹ và dạy tiếng Thổ Nhĩ Kỳ cho sinh viên Mỹ. Cũng ở đây, trong hai năm, ông đã hoàn thành phần lớn tiểu thuyết "Cuốn sách đen", một cuốn sách tràn đầy những hoài niệm về thành phố quê hương Istanbul. Tiểu thuyết này được in năm 1990.--PageBreak--

Có những điều trọng đại phải trông từ xa mới rõ và Pamuk đã viết về Stanbul với rất nhiều chi tiết tinh tế mà có lẽ là nếu đang ở tại đó, chưa chắc ông đã để tâm tới. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều độc giả sau này đã coi "Cuốn sách đen" như một tập tài liệu nghệ thuật hướng dẫn du lịch tuyệt vời dành cho "những người thông minh". Trước khi đến Istanbul, nhiều người đã bỏ nhiều công sức ra tìm mua "Cuốn sách đen".

Từ đó tới nay, Pamuk đã viết "Cuộc đời mới" (1995), "Tên tôi là Màu Đỏ" (1998), "Những màu sắc khác" (1999), "Tuyết" (2002) và "Istanbul: thành phố của ký ức" (2003). Sách của ông đã được dịch ra tới hơn 40 thứ tiếng. Đội ngũ những người hâm mộ ông cực kỳ đa dạng và không chỉ bao gồm những trí thức hàng đầu trên thế giới. Ông được coi như là một đại diện xuất sắc của dòng văn học hậu hiện đại nhưng điều này hình như không được ông hoàn toàn đồng tình (Trước câu hỏi: "Có thực ông là một nhà văn hậu hiện đại không?", Pamuk đáp: "Người ta cho rằng tôi là một nhà văn hậu hiện đại. Đó là câu trả lời hậu hiện đại của tôi").

Quan điểm sáng tác của Pamuk như sau: "Đối với tôi, cốt truyện thú vị không bởi tự thân nó mà ở chỗ nhờ có nó tôi mới có thể truyền đạt dung mạo, bản thể, không khí của sự việc mà tôi mô tả. Có nghĩa là nếu tôi viết thêm một nghìn trang nữa cho "Cuốn sách đen" thì đó vẫn cứ là "Cuốn sách đen" như cũ". Trong mỗi một cuốn sách của Pamuk có riêng một không gian mà ta có thể nới rộng ra nhưng không thể phá huỷ đi được. Một số nhà phê bình đã châm chọc Pamuk vì cách làm như thế của ông dường như đã phá vỡ thể loại tiểu thuyết truyền thống. Nhưng Pamuk lại cho rằng, "khi tôi viết "Cuốn sách đen", tôi thử nói bằng giọng nói mà trong đó liên kết tất cả những khái niệm và truyền thống văn hóa khác nhau nhất, những thời đại và phong cách khác nhau nhất. Tôi đã tự đồng nhất hóa bản thân. Và bây giờ, khi tôi đã hoàn thành sứ mệnh ấy, tôi có thể cho phép mình viết những câu chuyện đơn giản với các nút thắt mở và sự kết thúc". Pamuk cho rằng, ông không gần gụi với quan niệm cổ cho rằng phải từng trải lắm mới làm nhà văn được: "Nhiều người từng sống rất truân chuyên nhưng đâu phải vì thế mà họ trở thành nhà văn. Viết văn là tự thể hiện mình và để làm việc đó không nhất thiết phải rời bỏ ngôi nhà hay thành phố quê hương của mình".

Một điều kỳ lạ là ngay cả kẻ từng ám sát Giáo hoàng, hiện đang ở tù, cũng  mong muốn được gặp Pamuk để "thổ lộ tâm tình".

Pamuk là nhà văn đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ dám gọi thẳng tên không chỉ một sự kiện bi thảm trong lịch sử tổ quốc mình. Ông không hề giấu giếm thái độ công dân của mình đối với nạn diệt chủng người Armenia và sự kỳ thị đối với người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và vì thế, đã bị rơi vào vòng lao lý và suýt nữa thì bị ở tù. Tuy nhiên, dù cuộc sống gian khó thế nào thì ông vẫn yêu quý tổ quốc mình và thường xuyên sống ở thành phố quê hương Istanbul, chứ không chịu di cư sống vĩnh viễn ở nước ngoài.

Những người đồng điệu

Pamuk yêu quý tới độ sùng bái nhà văn Ireland, James Joyce, tác giả của tiểu thuyết "Ulysses". Khi viết "Cuốn sách đen" trong cảnh tha hương, ông đã hình dung rằng ông giống như Joyce đang tha hương và viết "The Dubliners" (Những người dân Dublin). Kết cấu "Cuốn sách đen", theo chính lời Pamuk thú nhận, mang hơi hướng kết cấu của Ulysses. Ông viết về Istanbul theo cách mà ông cảm thấy là chính Joyce đã viết về thủ đô Dublin của Ireland.

Pamuk cũng rất mê các nhà văn Nga, cụ thể là Lev Tolstoi và Fiodor Dostoyevski. (Ông nói: "Đừng hỏi tôi thích ai hơn, Tolstoi hay Dostoyevski? cũng như đừng hỏi một đứa trẻ xem nó yêu ai hơn, cha hay mẹ?"). Pamuk từng viết lời tựa cho các bản dịch sách Dostoyevski ra tiếng Thổ Nhĩ Kỳ... Pamuk cũng đã đọc toàn bộ các sách của Vladimir Nabokov (nhà văn Nga sống ở phương Tây) in bằng tiếng Anh. Trong số những nhà văn Nga mà ông thích còn có Andrey Belyi, Anton Tsekhov, Andrey Platonov... Rồi cả Ilia Erenburg và Maxim Gorky. Và cả Yoseph Brodsky với những tiểu luận trứ danh của thi nhân nữa...

Khi Pamuk bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ làm khó dễ vì quan điểm đối với nạn diệt chủng người Armenia và sự kỳ thị đối với người Kurd, tập trung lại cùng nhau để bảo vệ ông có các nhà văn như Jose Saramango, Gabriel Garcia Marques, Gunter Grass, Umberto Eco, Carlos Fuentes, John Apdike, Mario Vargas Llosa...

Vĩ thanh

Khi tin tức về giải Nobel Văn học 2006 được công bố, Pamuk đang ở New York. Và ông dự định sẽ ở Mỹ trong hai tháng và chỉ trở về tổ quốc vào tháng 12 tới. Sau khi biết ông được trao giải Nobel Văn học, một số phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan dọa rằng sẽ tiếp tục kiện ông ra tòa về cái gọi là tội báng bổ Tổ quốc

Lê Thường
.
.