Giám đốc Leon Panetta: Nói khó, làm càng khó

Thứ Hai, 28/02/2011, 23:18
Hai năm trước, ngày 13/2/2009, Leon Panetta chính thức nhậm chức Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Trong giai đoạn chờ được bổ nhiệm vào chức vụ rất quan trọng đó, ông đã từng nói nhiều về nhu cầu cải cách toàn diện tổ chức mật vụ này, kể cả việc loại bỏ hoàn toàn các nhà tù bí mật, các đòn tra tấn và cả những điệp viên đã trót tay nhúng chàm trong những tội ác chống lại loài người…

Là một chính trị gia luôn lấy đối thoại làm trọng và rất thích thỏa hiệp, Panetta có nét gì đó giống như ngôi sao màn bạc kiêm đạo diễn nổi tiếng người Italia Alberto Sordi: đôi lông mày rậm, cặp mắt đượm buồn, cái mũi to khoằm, đôi vai co ro… Trông ông không thấy có vẻ hào quang ngoại hình nào đáng kể.

Panetta sinh năm 1938 tại thành phố Monterey thuộc bang California. Ông rất  tự hào về gốc gác Italia của mình và hay kể về chuyến vượt đại dương tìm tương lai mới của cha mẹ ông trên đất Mỹ. Những bậc phụ huynh ít học này tại miền đất hứa đã gây dựng được cơ nghiệp riêng là một tiệm ăn nhỏ và một trang trại cũng khá nhỏ nhưng dầu sao vẫn còn dư dả hơn so với thời sống ở quê hương Italia. 

Trong tất cả các chỉ dẫn về tiểu sử của Panetta đều nhấn mạnh tới quan điểm cởi mở của ông về các vấn đề chính trị và xã hội. Hoạn lộ của ông thực sự được bắt đầu khi ông tham gia vào các hoạt động nhằm bảo vệ quyền được học chung của trẻ em da trắng và da màu.

Trong nhiều năm liền, Panetta đã được bầu làm hạ nghị sĩ đại diện cho bang California và làm việc ở những vị trí quan trọng trong bộ máy của vị Tổng thống Mỹ thứ 42 Bill Clinton. Trong giai đoạn cầm quyền của vị Tổng thống Mỹ thứ 43 George Bush (con), Panetta đã rời khỏi Washington vì ông không thích cộng tác với những người bảo thủ mới để trở về nơi chôn nhau cắt rốn là thành phố Monterey.

Tại đó, ông đã cùng vợ chỉ đạo hoạt động của Viện Chính trị xã hội mà hai người đã cùng lập ra, kiếm sống bằng việc lobby cho quyền lợi của những người California giàu có tại thủ đô  nhưng không bao giờ lạm dụng ảnh hưởng của cá nhân mình. Năm 2008, thu nhập của Panetta đã được ghi nhận ở mức 800 nghìn USD.

Hình hiệu CIA.

Khi mới tới trụ sở Langley của CIA, Panetta không được đón chào một cách nồng nhiệt vì những điệp viên chuyên nghiệp coi ông chỉ là một nhân vật  "không hiểu gì về điện". Tổng thống Barack Obama cử ông tới đó để thực hiện một sứ mệnh không dễ chịu: Loại bỏ khỏi CIA những nhân viên đã dính líu với các vụ tai tiếng tra tấn tù nhân.

Để mau chóng thoát khỏi di sản buồn của những người tiền nhiệm, ngày 24/6/2007, Panetta đã phải triệu tập khẩn cấp các ủy ban về tình báo của cả thượng viện lẫn hạ viện Hoa Kỳ để thông báo về việc, trong 8 năm liền, CIA đã qua mặt Quốc hội Mỹ và tiến hành một chương trình chống khủng bố bí mật liên quan tới vụ thảm sát ngày 11/9/2001. Bản thân Panetta chỉ được biết về chương trình có mục tiêu truy tầm mạng lưới Al-Qaeda này vài tháng sau khi nhậm chức Giám đốc CIA…

Chương trình theo dõi, kể cả nghe trộm điện thoại và các thông báo trên máy tính đã được "tiêm thuốc nở" đến mức trở thành quá cỡ, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của những người đã được trao nhiệm vụ triển khai nó.

Đây là chiến dịch đầu tiên trong lịch sử của ngành an ninh về việc theo dõi toàn diện cả người ngay lẫn kẻ gian. Trong nhiều trường hợp, những phần tử bị nghi là khủng bố đã bị bắt cóc  và bí mật được đưa tới "những nơi kín đáo" để thẩm vấn bằng các đòn tra tấn dã man nằm ngoài khuôn khổ cho phép…

Những tưởng Panetta có thể làm cho bộ mặt của CIA trở nên nhân văn hơn một cách đích thực. Thế nhưng, ông giám đốc thứ 21 của CIA đã nhanh chóng "nhập gia tùy tục" để từ một nhân vật mang quan điểm tự do trở thành một chính trị gia cứng rắn.

Đi với ma phải mặc áo giấy, Panetta đã mau lẹ chuyển giọng điệu và bắt đầu đưa ra những tuyên bố về việc chưa nên tiến hành các điều tra trong nội bộ CIA và chưa nên kỷ luật những nhân viên tình báo đã từng tra tấn tù nhân một cách bất hợp pháp…

Những lời buộc tội "di sản" của thời Tổng thống Bush đã trở nên mềm mỏng hơn từ miệng Panetta: "Chúng ta là một dân tộc đang trong tình trạng chiến tranh. Chúng ta hàng ngày phải đối mặt với thực tế này. Hơn nữa, chúng ta không nên xem xét quá khứ theo cách khiến cho xã hội bị phân rẽ về chính trị, làm ảnh hưởng tiêu cực tới việc tập trung sức vào những gì có thể đe dọa nước Mỹ".

Trong quá trình tìm hiểu thực trạng của CIA, Panetta đã phải ngạc nhiên trước tình hình nhân sự không ổn định của cơ quan tình báo này. Trong những tháng đầu tiên sau tấn thảm kịch khủng bố ngày 11/9/2001, không khí xã hội đã góp phần giúp cho CIA thu nhận được những nguồn cán bộ mới.

Thế nhưng theo đà sa lầy và nguy hiểm của các chiến dịch chống khủng bố tại Iraq, Afghanistan, Pakistan, Yemen, Somalia và những điểm nóng khác, càng ngày càng ít có tình nguyện viên muốn nhận nhiệm vụ chiến đấu  với tư cách cán bộ an ninh ở những nơi hòn tên mũi đạn. Nhiều điệp viên sau những chuyến công tác tới thực địa và phải nếm mùi thuốc súng đã trở thành bệnh nhân của các khoa tâm thần hay tìm tới ma túy và thậm chí còn nảy sinh ý định tự vẫn…

Tâm lý của các nhân viên CIA đã bị tổn thương nặng nề vì cái chết của 7 điệp viên tháng 1/2009 ở căn cứ quân sự chiến thuật Chapman tại tỉnh Khost của Afghanistan. Từ căn cứ này, các điệp viên CIA đã tiến hành những chiến dịch truy tìm hang ổ ẩn náu và các tuyến đường mòn của các thành viên Al-Qaeda và Taliban trong khu vực biên giới giữa hai nước AfghanistanPakistan. Đã có lúc có cảm giác như nhiệm vụ chính yếu - tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden - đã sắp được hoàn thành.

Một điệp viên người Jordan từng không chỉ một lần đi trinh sát tại nơi được coi là chỗ ẩn náu của "kẻ thù số 1" của nước Mỹ, mang về những thông tin tình báo hữu ích và sẽ phải cung cấp đích xác chỗ ở của Bin Laden. Sau một lần đi vào lòng địch, điệp viên này được một nhóm nhân viên CIA có máu mặt đón tiếp tại căn cứ Chapman và y đã hạ sát họ bằng quả bom mang trong người.

Tất nhiên, trong thời gian qua, CIA cũng đã làm được một số việc trong cuộc chiến chống khủng bố. Chẳng gì thì CIA cũng đã được dồn vào những lực lượng lớn chưa từng có, được bơm những nguồn tài chính khổng lồ nhiều tỉ USD và được hỗ trợ về thông tin tuyên truyền cao độ. Nhờ thế CIA đã tiêu diệt được nhiều tên trùm khủng bố, phá được nhiều mạng lưới thông tin của kẻ thù…

Theo đánh giá của Giám đốc CIA Panetta, hiện nay tại Afghanistan chỉ có nhiều nhất là 100 tay súng của Al-Qaeda, còn những phần tử khủng bố khác  đã buộc phải lui vào những  khu vực núi non hiểm trở trên vùng biên giới phía tây Pakistan. Panetta tuyên bố: "Tại khu vực này chúng tôi đang tham gia vào chiến dịch ác liệt nhất trong lịch sử CIA".

Các điệp viên CIA chuyên trách việc tìm ra tọa độ ẩn náu của những phần tử khủng bố để máy bay không người lái theo đó mà bắn tên lửa tới tiêu diệt chúng. Không phải lúc nào thông tin về các tọa độ cũng chuẩn xác một trăm phần trăm nhưng các đợt tấn công từ trên không cho tới nay vẫn được tiến hành theo mọi mục tiêu bị phát hiện. Panetta bênh vực cho các máy bay không người lái: "Những ai cho rằng, các cú đánh như thế xâm phạm luật quốc tế là sai lầm hoàn toàn. Chúng tôi có những nghĩa vụ trong việc bảo vệ đất nước mình".

Trong hai năm qua, Panetta đã công cán tới nhiều nơi trên thế giới nhưng ông quan tâm nhất tới châu Á, khu vực Trung Đông và Cận Đông. Ông có nhiều mối lo ở đây. Vị Giám đốc CIA này cho rằng, cuộc chiến ở Afghanistan  dai dẳng hơn đã tưởng.

Cho tới nay vẫn chưa tìm ra lời đáp cho câu hỏi chính yếu: Bao giờ thì chính phủ ở Kabul có thể nhận lấy trách nhiệm tự chiến đấu chống lại Al-Qaeda và Taliban? Vẫn đang tồn tại nguy cơ vũ khí hạt nhân ở Pakistan rơi vào tay bọn khủng bố nhờ sự thông đồng của một số phần tử trong giới quân sự Pakistan. Tình hình ở Iraq cho tới nay vẫn chưa rõ ràng. Nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự giữa Israel với Iran vẫn còn rất cao và rất có thể

Tel-Aviv sẽ nổ súng trước. Panetta đã phải đến Israel để nhận được cam kết rằng

Tel-Aviv sẽ không một mình thông qua quyết định gây hấn với Tehran

Sau khi công nhận rằng, chỉ có 13 %  số nhân viên CIA biết ngoại ngữ (trong số này chỉ có 22% là người thuộc các nhóm sắc tộc thiểu số), Giám đốc Panetta đã công bố chương trình tuyển dụng thêm những người biết tiếng Nga, tiếng Arab, tiếng Hoa và tiếng Triều Tiên cũng như các thổ ngữ Pashtun và Urdu.

Panetta cũng  đồng ý tuyển người qua mạng và cho triển khai những chiến dịch tuyên truyền rộng rãi về CIA trên các phương tiện truyền thông. Năm 2010, số lượng ứng cử viên muốn thử sức trong hoạt động tình báo lên tới 110 nghìn. Tuy nhiên, con số này không phản ánh đủ mức độ bổ sung nhân sự của cơ quan tình báo này vì việc kiểm tra nhân thân các ứng cử viên được tiến hành rất chặt chẽ khiến cho nhiều người bị loại ở ngay các vòng ngoài…

Chỉ có vài trăm ứng cử viên được chọn vào học ở "Trang trại" (Camp Peary) khét tiếng tại bang Virginia nhưng đây vẫn chưa là sự đảm bảo rằng tốt nghiệp rồi, họ sẽ được làm trong màu áo CIA. Những người may mắn được nhận vào làm cũng sẽ thường xuyên phải chịu áp lực của những kiểm tra phẩm hạnh và sự trung thành với tổ chức

Phạm Huy Dũng
.
.