Trung tướng, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc:

Giã biệt khung trời

Thứ Ba, 28/10/2008, 16:00
1. Tôi không ngờ, một ngày mình lại được gặp Trung tướng - Anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc, người làm nên những huyền thoại có một không hai trên bầu trời xanh trong những năm tháng chiến tranh ác liệt khi trở thành phi công bắn rơi nhiều máy bay nhất Việt Nam trong một hoàn cảnh hy hữu như thế này. Ông đón tôi trên chiếc giường bệnh inox loại đặc chủng, có bánh xe lăn di chuyển chỉ dành riêng cho những người bị liệt.

Căn phòng ông ở nằm tận sâu phía trong ngôi nhà khang trang đẹp đẽ nhưng trống vắng. Căn phòng này hệt như một phòng trong bệnh viện với những thứ đồ dùng giản tiện nhất chỉ để dành cho người bệnh. Hai góc nhà là hai bộ nạng bằng inox.

Một khung cửa sổ duy nhất mở ra phía sau hiên nhà buộc một đoạn dù xanh vào song cửa để mỗi lần bác sỹ trị liệu đến, ông lại khao khát lần ra đó để tập đưa cánh tay lên nắm vào song cửa sổ để trụ đứng dậy.

Phía trên trần nhà là một thanh ròng rọc để những ngày bác sỹ đến trị liệu, ông có thể treo mình trên chiếc dù mà cơ quan cấp cho. Như một nỗi éo le lạ lùng, ngày xưa, khi tự do bay lượn trên bầu trời, chiếc dù ông dùng để hạ cánh những trường hợp cấp bách, cần thiết nếu nguy hiểm đến tính mạng.

Mỗi lần đi bay là mỗi lần dù là vật bất ly thân. Thế nhưng, ông đã hầu như không cần dùng đến nó ngoại trừ một lần duy nhất khi đang chiến đấu, máy bay bị trúng thương.

Thế nhưng đến bây giờ, khi đã ở dưới mặt đất, đã bình yên một đời bay để trở về cuộc sống bình thường dưới mặt đất, trong một tai nạn không may ông ngã từ cầu thang xuống và bị chấn thương dây thần kinh sọ não, bị liệt toàn thân phải nằm một chỗ từ năm 2004, cơ quan đã lại cử người đưa chiếc dù năm xưa đến cho ông như một cứu cánh giúp ông dẫu chậm chạp nhọc nhằn để cố gắng nhích gần tới sự sống.

Ông nằm đó, nước da trắng bợt bạt vì quá lâu ngày không sương gió dưới ánh nắng mặt trời. Mái tóc thưa thớt đã rụng đi rất nhiều, phía trên đỉnh đầu, tóc đã bợt màu. Một vài người bạn của ông kể cho tôi, ngay cả lúc về hưu rồi, tóc ông cũng vẫn đen nhánh, và phàm là những phi công lão luyện trên bầu trời xanh, trời phú cho họ một thể lực tốt, một cơ thể sinh học dẻo dai, bền bỉ và tươi tốt, chậm lão hóa.

Cộng với sự rèn luyện thể lực của những bài tập bắt buộc, nên họ có một độ sung sức lâu bền. Nhưng 4 năm nay, bệnh tật đã như một cú ác mộng lớn nhất từ trước đến nay, như một đòn đau đã ập đến và ông gục ngã. Lần đầu tiên, trong cuộc đời nhiều may mắn, vinh danh và thẳng tiến trên con đường sự nghiệp thẳng cánh cò bay của ông, ông mới biết thua cuộc, mới thấm thía cái sự bất lực trước cuộc đời là gì.

Ông nằm đó, không thể gượng dậy trong ngày một ngày hai được. Tóc ông rụng dần, ý nghĩ của ông đau đớn bởi tai ương đến từ số phận, mình tránh không thể bằng trời tránh, mà trời đã không tránh được thì đương nhiên là mình phải hứng chịu thôi.

Thế mới biết "nhân vô thập toàn, bảy mươi tuổi chưa đui què, mẻ sứt gì mới dám nói là mình toàn vẹn". Nhưng tôi lại thấy ông không để lộ nỗi buồn. Đôi mắt to, trầm tĩnh, và ánh lên những tia nhìn trong sáng, ấm áp bao dung.

Ông đang từng ngày, từng giờ kiên trì tìm mọi biện pháp, phương án để chiến đấu với bệnh tật. Đã 4 năm nay, ông không bao giờ chịu đầu hàng bệnh tật, ít ra là trong ý nghĩ, trong những nỗ lực gần như bền bỉ nhất, cả những lúc tưởng như tuyệt vọng nhất.

Bên cạnh ông, có một cậu trai trẻ giúp việc. Em chăm sóc cho ông như chăm sóc một người thân. Em cũng có một nỗi bất hạnh nhỏ khi bị cụt mất một bàn tay. Khi con người có một nỗi đồng cảm nào đó, họ sẽ trở nên yêu thương và gần gũi hơn nhiều.

Vợ ông, bà Đới Thu Hương, nguyên là văn công Phòng không không quân, trước khi về nghỉ hưu bà là Thượng tá, Giám đốc Thư viện Quân chủng Phòng không không quân. Về hưu, được dân tín nhiệm, bà tham gia công tác ở phường, dân phố, nên luôn bận bịu với việc làng việc xã.

Việc ông ốm đau lâu dài, bà không thể cứ quanh quẩn mãi bên ông, không có nhiều thời gian để tỉ mẩn ở bên ông lúc cốc nước, viên thuốc. Nhưng không vì thế mà ông buồn, ông còn động viên vợ mình tham gia công tác cho vui vẻ lúc tuổi già.

Ông nói với vợ: "Em còn được tín nhiệm, được dân bầu dân cử, thì ráng làm cho tốt, như vậy là đã động viên anh được nhiều rồi". Hai đứa con đều ở xa, đều đang tu nghiệp học hành phấn đấu. Mọi thành viên trong gia đình giờ đã ở độ tuổi phải tự chịu trách nhiệm lấy chính bản thân cuộc đời của mình. Vì thế hơn lúc nào hết, trong cuộc chiến với bệnh tật, một lần nữa, người phi công lão luyện năm xưa, vị Anh hùng nổi tiếng của không quân lại phải cần đến sự dũng cảm, tính kiên trì bền bỉ, tự mình vượt qua mọi gian khó.--PageBreak--

2. Khi tôi đến, cậu giúp việc đỡ ông ngồi dậy ngay ngắn ở chiếc bàn kê tận thành giường. Tôi nhìn bàn tay ông và thốt lên, lần đầu tiên trong đời, tôi gặp một người đàn ông có bàn tay và những ngón tay to một cách kỳ lạ. Tôi đã buột miệng hỏi ông, có phải do đau ốm, bàn tay của ông bị biến dạng không.

Ông cười, cố nhúc nhắc hai bàn tay, bản thân ông cũng được nhiều người thắc mắc vì bàn tay ngoại cỡ của mình. Ông nói, ngày xưa, mỗi lần đi bay, khó khăn với ông nhất là phải tìm cho được một đôi găng da vừa vặn. Ông có một thói quen rất lạ, khi đã lên buồng lái, ngồi vào vị trí, bắt buộc phải đeo găng tay da, nếu không có găng tay da, ông sẽ không có cảm giác tự tin, an toàn khi làm nhiệm vụ.

Vì thế, trong suốt mấy chục năm bay trên bầu trời, không lúc nào, ông rời bỏ đôi găng tay. Thật ra, trong cuộc đời sự nghiệp suôn sẻ của ông, tuổi thơ của ông có những nỗi đau riêng. Mới lên 4 tuổi, ông mất một lúc hai người thân là cha và chú ruột.

Cái chết đau thương của cha và chú đã hun đúc trong tuổi thơ ông một chí căm thù. Cha ông lúc đó là Chủ tịch Mặt trận Việt Minh huyện Việt Yên (Bắc Giang). Chú cũng tham gia Việt Minh. Khi địch đi càn ở Bích Sơn quê ông, cha và chú đã tổ chức nghi binh cho anh em trốn thoát.

Địch tìm không thấy bèn xâu dây thép gai vào tay cha và chú cùng 18 người khác bắt dong đi khắp làng chỉ chỗ Việt Minh ẩn náu. Không ai khai, thế là chúng ném tất cả 20 người xuống giếng làng. Ngày nay làng ông vẫn có đám giỗ chung cho cả 20 người. Bà nội khóc thương hai người con đến nỗi mù cả hai mắt.

Một năm sau bà cũng qua đời. Còn lại người mẹ trẻ và đàn con thơ dại. Những đêm giặc Pháp đi càn, mẹ gánh hai đầu thúng có những đứa con thơ và chạy giặc. Tuổi thơ của ông chan nước mắt của mẹ và nỗi buồn mồ côi cha.

Ở gần quê ông có sân bay Chũ. Thi thoảng, cậu bé Cốc nhìn thấy những cánh dù rơi xuống từ bầu trời, và những chú phi công oai hùng hiện ra. Hay những lần máy bay hạ cánh. Giấc mơ trở thành một phi công được làm chủ chiếc máy bay để bay lượn trên bầu trời xanh được nhen lên từ đó.

Như là duyên kiếp tiền định, một ngày, ở trường ông học có một đoàn bác sỹ về khám sức khoẻ và tuyển lựa phi công. Vượt qua hàng trăm học sinh khác, ông trúng tuyển vào phi công cùng với 2 người nữa. Năm 1961, ông sung sướng nhập ngũ và huấn luyện tại Trường dự bị bay ở sân bay Cát Bi, Hải Phòng.

Cuối năm đó, ông sang Liên Xô học. Lúc đầu đoàn có 120 học viên. Sau khi sang nước bạn học xong lý thuyết, chỉ còn 60 người. Về nước, còn lại 23 người trở thành phi công. Ông là một trong số 17 phi công học lái máy bay MiG -17.

Sau khi về nước, ông được phân công về Đoàn Không quân Sao đỏ đóng tại sân bay Nội Bài, nơi có những phi công đàn anh tiếng tăm lừng lẫy như: Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Nhật Chiêu…

Sau đó, ông được chọn đi học để chuyển loại máy bay MiG-21 ở Liên Xô 1 năm rồi về lại đơn vị cũ chiến đấu. Trong các phi đội hai chiếc ông tham gia không chiến, ông được phân công ở vị trí số 2 với mục đích bảo vệ cho số 1 tiêu diệt đối phương.

Theo nguyên tắc chiến thuật phi đội hai chiếc của MIG-21, số 2 chỉ có nhiệm vụ yểm trợ, quan sát đối phương giúp cho số 1 vào công kích. Nguyễn Văn Cốc cải tiến chiến thuật, cùng tham gia tiêu diệt máy bay đối phương, do đó hiệu suất phi đội tăng lên.

Trước kia do chỉ có số 1 công kích, tối đa phi đội chỉ bắn hạ được 2 máy bay đối phương (vì MiG-21 chỉ được phép mang tối đa 2 tên lửa). Theo chiến thuật cải tiến, phi đội của ông cao điểm có thể bắn hạ được 3 máy bay đối phương. Để đạt được điều này, số 2 phải phán đoán và hành động chớp thời cơ rất nhanh. Do chiến thuật cải tiến này, ông được đồng đội đặt cho biệt danh là: "Chim cắt số 2".

Với chiến thuật cải tiến này, chỉ riêng trong năm 1967, ông đã bắn rơi 6 máy bay đối phương. Đặc biệt, trong trận đánh ngày 23-8-1967 trên bầu trời tỉnh Tuyên Quang, ông đã cùng phi công Nguyễn Nhật Chiêu chiến đấu với 36 máy bay của giặc Mỹ, bắn rơi 2 chiếc và trở về an toàn.

Trong tổng số 9 chiếc máy bay mà ông bắn rơi, có 6 chiếc ông bắn hạ ở vị trí số 2. Từ đó chiến thuật cải tiến được đưa vào huấn luyện và đem lại hiệu quả tốt giúp không quân Việt Nam nâng cao hiệu suất trong một thời gian, khiến cho các phi công Mỹ cũng phải khâm phục.

Năm 1969, khi vừa tròn 25 tuổi, ông được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Trong toàn bộ các cuộc chiến trên bầu trời Bắc Việt Nam, ông có số lượng bắn hạ máy bay cao nhất của cả Việt Nam và Mỹ. Ngoài ra ông còn hỗ trợ đồng đội bắn hạ thêm 9 máy bay nữa.

Tại đại hội Anh hùng - chiến sỹ thi đua Quân chủng Phòng không - Không quân, Bác Hồ đã gọi ông lên khen ngợi và nói rằng: "Năm mới Bác chúc cho Quân chủng Phòng không - Không quân có nhiều Cốc hơn nữa".

Sau khi rút khỏi đơn vị chiến đấu, ông công tác trong Quân chủng Không quân. Năm 1990, ông được thăng hàm Thiếu tướng, giữ chức Phó tư lệnh Quân chủng Không quân. Từ năm 1996, ông là Quyền Tư lệnh, rồi Tư lệnh Quân chủng. Năm 1999, ông được điều sang làm Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng cho tới năm 2002. Nghỉ hưu ông mang quân hàm Trung tướng.

3. Cuộc sống có những lúc thăng trầm. Điều quan trọng là mình biết vượt qua những thăng trầm ấy với một tấm lòng đại lượng. Cuộc đời của Anh hùng Nguyễn Văn Cốc cũng vậy, về hưu, chưa kịp nghỉ ngơi, chưa an hưởng tuổi già, chưa hái lộc con cháu, ông đã phải lên bàn mổ với căn bệnh dạ dày khá nặng.

Sức khỏe đỡ lên một chút thì ông lại bị tai nạn nằm liệt một chỗ. Điều đáng khâm phục ở đây dù bệnh tật, đau yếu và gần như liệt toàn thân, nhưng dù trong tâm thế nào, thái lai hay bĩ cực, hay tuyệt vọng như những ngày qua, thì Anh hùng Nguyễn Văn Cốc vẫn xứng danh anh dũng, can trường, âm thầm chịu đựng, và lặng lẽ vượt lên cái dốc đứng của số phận.

Dù bây giờ ông đang đứng phía dưới chân của dốc, nhưng tinh thần ông không suy sụp. Tôi biết ông đang phải nghiến răng để chịu đựng, để nỗ lực với hy vọng chiến thắng bệnh tật. Trong câu chuyện, đôi mắt của người phi công năm xưa vẫn luôn ánh lên những tia sáng ấm áp và hiền từ đến kỳ lạ. Cầu mong, ông sớm bình phục!

Lê Bình
.
.