Làm vợ đại văn hào Nga Liev Tolstoi:

Gánh nặng oằn vai

Thứ Hai, 15/11/2010, 10:15

"Ở trang trại Yasnaya Poliana có Liev Niokolaich Tolstoi. Ông không ăn cá, không ăn thịt, ông đi chân đất, Vợ ông, bà Sofia Tolstaya, ngược với ông, chẳng kiêng gì, ăn tất, Bà không bao giờ đi chân đất đâu vì bà là quý tộc…"

Đã có thời những câu thơ vui trên về đại văn hào Liev Tolstoi đã rất thịnh hành trong giới sinh viên Nga. Cách trình bày theo kiểu đối trọng giữa tác giả của "Chiến tranh và Hòa bình" với người vợ dường như không bao giờ hiểu được chồng mình của ông đã trở thành một vết hằn trong nhận thức xã hội ở Nga.

Tuy nhiên, nếu suy nghĩ kỹ càng, có thể thấy rằng, bà Sofia đã nhiều phần bị mắc tiếng oan. Làm vợ một thiên tài phức tạp như Liev Tolstoi luôn là gánh nặng quá sức đối với bất kỳ người phụ nữ nào, dù có "công dung ngôn hạnh" đến đâu.

Sofia Andreyevna Berns, sau khi lấy chồng trở thành bá tước phu nhân Tolstaya, sinh ra ở Moskva ngày 3/9/1844. Bà là người con thứ hai của một bác sĩ. Được thụ hưởng một quá trình giáo dục chu đáo tại gia, năm 1861, bà đã thi vào Trường Đại học Tổng hợp Moskva để học thành nữ gia sư. Năm 1862, bà lên xe hoa theo bá tước Liev Tolstoi - giữa hai gia đình từ lâu đã có những mối quan hệ mật thiết và đôi trẻ đã có điều kiện gần gụi nhau để thích nhau rồi yêu nhau.

Trước khi cưới, Tolstoi đã trao cho ý trung nhân (kém mình tới 16 tuổi) những cuốn nhật ký của ông, trong đó có cả những ghi chép chi tiết những lần ông quan hệ với  các nữ nông nô. Thế nhưng, điều này không gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình yêu giữa hai người.

Liev Telstol và vợ.

Những năm hôn nhân đầu tiên đã rất hương nồng lửa đượm. Trong nhật ký của mình, Liev Tolstoi đã tràn trề hứng khởi viết: "Hạnh phúc vô biên… Không lẽ nào tất cả những điều này lại có thể kết thúc chỉ bằng một kiếp người…".

Tuy nhiên, non sông dễ đổi, bản tính khó thay. Là một thiên tài văn học, Liev Tolstoi không thể là một người đơn giản, có thể dễ dàng thỏa mãn bằng một đời sống điền viên bình thường viên mãn. Một chiến hữu của nhà văn là I.P. Borisov năm 1862 đã nhận xét về đôi uyên ương đang trong thời kỳ say đắm nhau: "Sofia thực là một trang tuyệt sắc. Nàng thông minh, hồn hậu và đơn giản - hẳn nàng cũng rất có cá tính, tức là nàng chắc rất có ý chí. Còn chàng thì, có lẽ sóng gió vẫn chưa ngưng trong tâm hồn chàng - nó chỉ tạm lắng dịu trong tuần trăng mật, chứ rồi đây dông bão và cuồng phong chắc hẳn sẽ lại trào dâng…".

Bá tước Liev Tolstoi và vợ đã có với nhau mười ba người con, năm người chết khi còn nhỏ. Sofia Andreyevna là một phụ nữ đầy tính trách nhiệm và đảm đang. Bà là con người của những nghĩa vụ đời thường và vì thế, bà không thể lúc nào cũng cùng chồng bay lên trên đỉnh cao mộng tưởng của tư duy và sáng tạo.

Nhà phê bình văn học nổi tiếng Victor Shklovsky viết trong cuốn tiểu sử của đại văn hào Nga: "Trong ngôi nhà này bà ấy là đại sứ đặc mệnh toàn quyền của thực tế, luôn nhắc nhở về việc con cái phải được sống "như mọi người", phải có tiền, phải gả chồng cho các con gái, phải làm sao để các con trai có thể tốt nghiệp trung học và đại học. Không được gây sự với chính phủ, khác đi sẽ bị họ đưa đi đày.

Cần phải là một nhà văn danh tiếng, cần viết thêm những tác phẩm tương tự như "Anna Karenina", cần phải tự xuất bản sách như vợ của Dostoyevski, và, ngoài ra, cần phải ở giữa giới "thượng lưu" chứ không phải ở giữa những người kỳ dị "tăm tối". Bà là đại diện của ý nghĩ tỉnh táo đương thời, tâm điểm của những định kiến thuở đó… Bà đã yêu ông một cách cay đắng, ghen tuông và phù hoa".

Trong suốt nhiều năm, Sofia Andreyevna đã là người trợ thủ đắc lực và trung thành của chồng: bà chép lại bản thảo cho chồng, làm thư ký và thậm chí làm cả người xuất bản tác phẩm của chồng.

Ngày 16/12/1887, Sohia Andreyevna viết: "Cõi hỗn mang của vô số những lo toan, chồng chất lên nhau, thường khiến tôi bị lâm vào tình trạng rối loạn và tôi đánh mất sự cân bằng. Nói thì dễ nhưng tôi lúc nào cũng phải bấn hết cả lên vì việc con cái học hành hay đau ốm, trạng thái vệ sinh và quan trọng nhất là trạng thái tinh thần của chồng, những đứa con lớn với công việc, nợ nần, con cái và công cụ của chúng, việc bán và kế hoạch của điền trang Samara, việc in mới sách và phần 13 của tác phẩm bị cấm "Bản sonata Kreutzer", đơn xin chia của với cha cố Ovsyanikov, việc hiệu đính tập 13, những cái áo sơ mi mặc đêm của Misha, những tấm vải trải giường và đôi ủng cho Andriusha; việc lùi hạn thanh toán tiền nhà, bảo hiểm, thuế điền trang, hộ chiếu cho mọi người, chép lại bản thảo… v.v và v.v… - mọi việc đó đều trực tiếp can hệ đến tôi". Cũng cần phải nhớ rằng, chính bà đã chép lại bảy lần từ đầu đến cuối bộ tiểu thuyết trường thiên "Chiến tranh và Hòa bình"…

Cũng cần nói rằng, dù phải "tề gia" tối tăm mặt mũi như thế nhưng Sofia Andreyevna vẫn không để cho đời sống của mình bị trở nên tẻ nhạt, tầm thường. Họa sĩ L.O. Pasternak, một người gần gụi với gia đình đại văn hào Nga, nhận xét: "Trên rất nhiều phương diện, bà là một nhân cách lớn, xuất chúng - xứng đôi vừa lứa với Liev Tolstoi… Bản thân bà cũng là một vĩ nhân".

Là một người có khiếu thẩm mỹ văn học tinh tế, Sofia Andreyevna đã viết nhiều truyện dài, truyện ngắn dành cho thiếu nhi, các ký sự hồi ức và trong suốt cả đời mình, thường xuyên ghi nhật ký. Bà quan tâm tới âm nhạc, hội họa và nhiếp ảnh. Bà chơi dương cầm rất không tồi, mặc dù người ta nói, chồng bà chơi đàn giỏi hơn bà.

Giữa thế giới lý tưởng của Tolstoi và thế giới "thực tế" của vợ ông không thể không làm nảy sinh xung đột. Và sự cố đã xảy ra vào những năm 80 của thế kỷ XIX, khi đại văn hào bị lôi cuốn bởi tư tưởng nhân quần hòa đồng và trong các tác phẩm của ông ngày càng đậm nét hơn tính giáo lý thẳng thừng và trực diện.

Tâm thế hỉ xả của Liev Tolstoi đã càng làm cho danh tiếng của ông lan rộng trên thế giới. Những học thuyết của đại văn hào bắt đầu được thực thi ở một số công xã mới hình thành trên khắp nước Nga. Theo đánh giá của những nhà nghiên cứu, trong hai thập niên cuối đời, Liev Tolstoi đã giành được sự kính trọng chung lớn chưa từng có đối với một nhà văn kể từ cái chết của văn hào Pháp Voltaire. Điền trang Yasnaia Poliana đã trở thành một Ferney (tên thành phố công xã ở Pháp, rất gắn bó với tư tưởng của Voltaire) mới, hay thậm chí còn hơn thế, hầu như một Jerusalem mới.

Tuy nhiên, những người gần gụi với đại văn hào Nga thì khó có thể chia sẻ được những tư tưởng của ông. Sofia Andreyevna từ chối từ bỏ quyền sở hữu tài sản của mình và xác nhận trách nhiệm với gia đình lớn của mình, mặc dầu bà cũng hiểu rằng, với những tư tưởng đó, ông đã lên được tới đỉnh cao  đạo đức và nhân văn dường nào.

Trong cuốn sách "Cuộc đời tôi", Sofia Andreyevna viết: "Ông ấy, người chồng yêu quý và tội nghiệp của tôi, chờ đợi ở tôi sự đồng điệu tinh thần không thể nào có ở trong cuộc sống vật chất và những lo toan mà tôi phải gánh chịu và chẳng trốn đi đâu được. Ngay cả bằng lời, tôi cũng khó mà chia sẻ được cuộc sống tinh thần của ông ấy, nói chi đến chuyện đưa những điều đó vào đời sống khi phải kéo theo mình cả một gia đình lớn"…

Đại văn hào Nga những năm cuối đời đã phải ở giữa những mâu thuẫn giữa nhận thức và thực tại. Ông bị giằng xé bởi sự đối lập rõ ràng giữa quan điểm hỉ xả mà ông rất muốn theo đuổi và cuộc sống dễ chịu từng có khi chấp nhận quan điểm của người vợ.

Cùng tắc biến, tháng 10/1910, Liev Tolstoi đã quyết rời khỏi điền trang quen thuộc rồi bí mật cùng với con gái út Alexandra và bác sĩ riêng dấn bước ra đi vào một hành trình vô định. Trên đường đi, ông đã bị viêm phổi nên phải dừng lại tại ga đầu mối Astapovo, vào nghỉ trong nhà của người trưởng ga. Và ông đã trút hơi thở cuối cùng ở đây ngày 20/11/1910.

Cái chết bất đắc kỳ tử của chồng đã khiến bá tước phu nhân Tolstaya lâm vào một cuộc khủng hoảng tinh thần nặng. Bà không thể nào chịu được ý nghĩ là bà đã không được nhìn thấy chồng trước khi ông mất. Ngày 29/11/1910, bà viết trong nhật ký: "Một nỗi buồn không thể nào chịu được, lương tâm cắn dứt, mệt mỏi, xót xa người chồng quá cố… Tôi không thể sống được nữa…".

Sofia Andreyevna đã mất ngày 4/11/1919, sau khi kịp xuất bản tập thư gửi chồng và hoàn thành việc in tuyển tập các tác phẩm của ông. Hiểu rằng vai trò của bà trong cuộc sống của đại văn hào sẽ bị đánh giá không thuần nhất, bà viết: "Hãy để cho thiên hạ lượng thứ với người mà ngay từ trẻ đã phải mang trên đôi vai mỏng mảnh của mình sứ mệnh quá sức  - làm vợ một thiên tài và một vĩ nhân"

Huyền Anh
.
.