GS.TS Đặng Thị Kim Chi: Giá của hạnh phúc

Thứ Tư, 13/10/2010, 16:20
Với gần 40 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS.TS Đặng Thị Kim Chi là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển ngành KHCN môi trường ở Đại học Bách khoa Hà Nội Việt Nam, đồng thời là nhà khoa học đi tiên phong trong việc nghiên cứu và đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề môi trường tại các làng nghề của Việt Nam.

Trước khi hẹn gặp được người phụ nữ có cái tên "lá ngọc cành vàng" Kim Chi và biết được thành tích dài dằng dặc về những công trình mà bà đã cống hiến giúp cải thiện sự ô nhiễm môi trường, đặc biệt là giải thưởng Kovalevskaia (năm 2007). Giải thưởng dành cho các nhà nữ khoa học đã có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại những lợi ích đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tôi vẫn hình dung rằng, bà có lẽ là một người nghiêm khắc, thậm chí, khó gần… bởi công việc của bà liên quan đến những phép tính, liên quan đến những con số biết nói về hiểm họa tiềm tàng của sự ô nhiễm môi trường đối với đời sống con người…

Nhưng, mọi suy nghĩ của tôi đã nhầm lẫn, khi đối diện với tôi là một người phụ nữ nhẹ nhàng, quý phái, đam mê thi ca và thuộc rất nhiều thơ của H.Hainơ, A.Puskin... Chuyên trò với bà, người ta có cảm giác được chia sẻ, thậm chí, được khơi nguồn cảm hứng để đọc lên những xúc cảm của mình về những vần thơ hay, những câu chuyện thú vị.

Thêm một điều đặc biệt gây cho tôi ấn tượng tốt về bà vì bà chính là dì ruột của Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa, một cựu hoa hậu được cho là thành đạt và có tư cách nhất từ trước tới nay, người mà Phó Tổng biên tập Báo CAND, nhà thơ Hồng Thanh Quang đã dành hai trang chuyện trò trên chuyên đề ANTG Cuối tháng trong thời gian qua.

Căn nhà của gia đình GS.TS Đặng Thị Kim Chi nằm yên bình trong khu phố Tràng Tiền. Căn nhà giản dị nhưng ngăn nắp, nền nếp, đủ để thấy chủ nhân của việc tề gia nội trợ là người phụ nữ trong gia đình ấy, phải đảm đang, chu tất đến nhường nào. Giọng nói của bà nhỏ nhẹ, ấm áp và không thể trẻ trung hơn, đối với một người phụ nữ đã ở độ tuổi ngoài 60 và chưa bao giờ được ngừng nghỉ trong công việc nghiên cứu khoa học.   

GS.TS Đặng Thị Kim Chi là con gái út của GS.BS Đặng Vũ Hỷ - một trong mười hai vị giáo sư Y học được Nhà nước phong tặng học hàm giáo sư đợt đầu tiên (1956) cùng thời với các giáo sư như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng và cùng được phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Kỹ thuật đợt đầu tiên (năm 1996). Người đã góp công sức không nhỏ đặt nền móng xây dựng ngành da liễu Việt Nam. Trại phong Quy Hòa (nay là Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa - TP Quy Nhơn, Bình Định) đã dựng tượng ông với dòng chữ khắc phía dưới: "Cuộc đời tận tụy vì người bệnh, y đức trong sáng của Giáo sư Đặng Vũ Hỷ đã để lại những nét sâu đậm trong lòng người mắc bệnh phong và những thầy thuốc chuyên khoa".

Suốt cả tuổi thơ được cha dắt dìu, dường như lòng yêu say khoa học của người cha đã ngấm vào cô con gái Kim Chi, để rồi tới một ngày, gạt sang một bên tình yêu văn chương và một tâm hồn lãng mạn, bay bổng cùng những trang văn suốt cả thời phổ thông, bà tiếp bước con đường khoa học như người cha yêu thương của mình, miệt mài đến mọi ngóc ngách của mảnh đất Việt Nam đi tìm giải pháp cho những vùng miền bị ô nhiễm do chất thải của các làng nghề…

GS.TS Đặng Thị Kim Chi tốt nghiệp Khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa năm 1971. Năm 1978, bà được nhà trường cử đi nghiên cứu sinh ở Cộng hòa Dân chủ Đức với một chuyên ngành còn khá mới mẻ ở Việt Nam hồi bấy giờ là ngành kỹ thuật bảo vệ môi trường. Tiếp nhận những cái mới, trở về nước, bà ở lại Trường Bách khoa tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Thời kỳ đất nước chuyển mình đổi mới mang đến cho nhân dân một cuộc sống ấm no nhưng đồng thời, đi ngược với điều đó, môi trường bắt đầu chịu nhiều tác động xấu của sự phát triển ấy. Là người có tâm đức lại được trang bị những kiến thức tốt nhất, bà đã trăn trở với ý nghĩ phải làm sao cho mọi người dân quan tâm hơn nữa tới vấn đề bảo vệ môi trường, làm cho môi trường sống của con người được trong sạch.

Đó là cách giúp họ tự bảo vệ bản thân mình, và sau nữa, là bảo vệ tới những người xung quanh cũng như nền sinh thái. Trước những lo toan ấy, bà cùng nhóm nghiên cứu môi trường gồm 6 cán bộ tiên phong thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, bắt đầu những bước đầu tiên nghiên cứu những tác động khiến cho môi trường sinh thái bị ô nhiễm, bị hủy hoại, xây dựng chương trình đào tạo những kĩ sư đầu tiên của ngành công nghệ môi trường ở Việt Nam.

Công trình đầu tiên bà và nhóm của mình tham gia là nghiên cứu ra loại phẩm màu in gạch bông (gạch lát nền) và ký được hợp đồng chuyển giao công nghệ bột màu với Nhà máy Thạch Bàn. Nhưng dòng nước từ phẩm nhuộm màu gạch nhuộm đỏ cả dòng sông, và những con mương lại khiến bà đau xót.

Bà âm thầm tìm cách xử lý nước thải trước khi đưa nguồn nước này ra môi trường. Bà đã tham gia đề tài "Nghiên cứu các giải pháp và chính sách nhằm cải thiện chất lượng môi trường các làng nghề Việt Nam", một vấn đề cấp thiết, bức xúc liên quan đến môi trường ở các làng nghề Việt Nam rất cần có một giải pháp cụ thể để giải quyết.

Nhiều tháng trời, người phụ nữ giản dị và dịu dàng ấy đành nhờ vả chuyện chăm nom con cái cho chồng để đi đến những nơi có các làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ xem xét, lấy mẫu để xét nghiệm mức độ ô nhiễm cũng như tình trạng lây lan của nó tới cộng đồng như: Làng chế biến gỗ Hương Mạc (Bắc Ninh), làng nghề sơn mài Hạ Thái, Duyên Thái và làng nghề bún bánh đa Thanh Lương (Hà Tây), làng nghề tái chế giấy Phú Lâm (Bắc Ninh)...

Bà từng trăn trở nghĩ rằng, đất nước ta có đặc điểm là rất nhiều làng nghề, nhưng người dân chưa ý thức được mối nguy hiểm khi chính họ đang tạo ra sự ô nhiễm cho bản thân mình. Có người biết được niềm say mê của GS.TS Đặng Thị Kim Chi, còn gọi bà bằng cái tên thân mật là người "nghiện" chống ô nhiễm. Vì đến bất cứ nơi đâu, nghe tin có ô nhiễm là bà vội vã tìm thông tin hoặc đến tận nơi để lấy mẫu, phân tích, đánh giá, phản ánh và kiến nghị, kể cả khi đó là những vấn đề chưa ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống nhưng bà không bao giờ bỏ sót.

Có lần, khi cả đoàn đang ở Thái Nguyên để thực hiện đề tài đánh giá chất lượng nước sông khu vực Bắc Bộ, thì bà tình cờ nghe người dân bản địa than thở, chẳng hiểu tại sao gần đây đất trồng cây gì chết cây ấy, đến nguồn nước sinh hoạt từ giếng  khoan cũng có mùi lạ. Không chờ đợi lâu, bà nhờ người dân dẫn đi thị sát khu vực, lấy mẫu đất, nước về phân tích. Sau khi có kết quả, bà đã gửi lại người dân, để họ biết cách tự bảo vệ mình.

Lần khác, khi đang quan sát các làng nghề chế biến đồ gỗ, GS.TS Đặng Thị Kim Chi phát hiện người thợ đang phải hít bụi với khối lượng lớn mỗi ngày. Trước đây, tại các làng nghề sơn mài khi làm theo phương thức truyền thống thì ít nhất phải sau một tháng, bức tranh mới có thể hoàn thành.

Gần đây, một loại sơn mới của Nhật Bản được đưa vào sử dụng với thời gian khô màu rút ngắn còn 1-2 tuần. Tuy nhiên, loại sơn "siêu tốc" ấy khi sử dụng sinh ra hơi rất độc. Cùng với các đồng nghiệp của mình GS.TS Đặng Thị Kim Chi đã khảo sát, nghiên cứu và ngay sau đó cho ra đời sản phẩm tủ hút mùi. Hơi sơn sẽ được lọc qua than hoạt tính, bảo đảm sức khỏe cho người làm.

Thế nhưng các ông chủ chỉ "biết để đấy" không sắm máy, vì "tốn mỗi ngày 10.000 đồng tiền điện", người công nhân thì cho dù biết là nguy hiểm còn rình rập song họ cũng không bỏ tiền túi ra để sắm phương tiện bảo vệ được… Những điều này, đôi lúc nghĩ lại đã khiến cho nữ giáo sư có những nỗi buồn.

Bà cho rằng, việc mình làm tuy là trong sáng, tuy là đầy sự gắng công, song không phải lúc nào những người dân, những ông chủ ở các làng nghề cũng hiểu và thực hiện để tự bảo vệ mình được. Lực bất tòng tâm, nhưng bà cũng luôn muốn thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia của mình với những nơi bà đến, bởi vì môi trường sinh thái đang ngày một ô nhiễm nặng nề và đang tác động trở lại tới con người sống trong quần thể đó mà chúng ta không phải lúc nào cũng ý thức được.

Với gần 40 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS.TS Đặng Thị Kim Chi là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển ngành KHCN môi trường ở Đại học Bách khoa Hà Nội Việt Nam, đồng thời là nhà khoa học đi tiên phong trong việc nghiên cứu và đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề môi trường tại các làng nghề của Việt Nam.

Bà làm chủ nhiệm và tham gia 35 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, công bố 61 bài báo khoa học, đồng tác giả của một bằng sáng chế "Quy trình điều chế chất xúc tác spinel nikel nhôm, sản phẩm xúc tác spinel nikel nhôm sử dụng cho phản ứng khử chọn lọc xúc tác đối với khí NO trong khí thải".

Bà cũng là tác giả và đồng tác giả của nhiều cuốn sách như: Hóa học Môi trường "Việt Nam - Môi trường và cuộc sống", "Giáo trình kinh tế chất thải", chủ biên cuốn "Làng nghề Việt Nam và Môi trường", "Hoá học môi trường"... Dù giờ đây đã nghỉ hưu, song dường như chưa có ngày nào bà hết việc. GS.TS Đặng Thị Kim Chi bảo rằng, càng về già, bà càng hiểu được những tâm sự của người cha, GS.TS Đặng Vũ Hỷ đã nói với bà hồi bà chỉ là một cô bé 10 tuổi.

Lần đó, nhiều buổi tối, bà thấy ba mình miệt mài bên những trang sách, vừa đọc vừa ghi chép. Bà hỏi: "Sao ba không đi ngủ đi? Con mà là giáo sư như ba thì con chẳng cần học làm gì nữa!". Lúc đó, ông đã cười rất lâu và trả lời rằng: "Con gái yêu quý, nếu nghĩ như vậy thì chắc con sẽ không bao giờ thành giáo sư được. Việc học là cả cuộc đời con ạ, hãy luôn cố gắng học cho giỏi con nhé!".

Là một người phụ nữ say mê nghiên cứu khoa học và lăn xả trên mọi nẻo đường đi tìm kết quả của những công việc của mình, nhưng GS.TS Đặng Thị Kim Chi luôn biết cách hài hòa giữa công việc và chăm nom gia đình. Bà nói rằng, hai thứ đó như hai đầu một cái cân, không nên để cho bên nào nặng hơn, không thể đánh đổi và đã là phụ nữ, thì phải biết giữ cho cái cân ấy thăng bằng thì mới vẹn tròn đôi ngả.

Bà may mắn có được một người chồng thông cảm, sẻ chia một người mẹ chồng nấu ăn ngon và luôn chỉ bảo cho con dâu mọi điều hay lẽ phải, nhưng hơn hết, bà là người phụ nữ biết lắng nghe, biết quan tâm, biết bù đắp cho chồng con những khoảng thiếu hụt để giữ vẹn một gia đình bình yên, một bến đỗ mà bất cứ một đời người phụ nữ nào cũng cần hơn tất thảy.

Hạnh phúc gia đình, với bà, không giá nào có thể đánh đổi. Riêng với cô cháu gái Hoa hậu Diệu Hoa, bà bảo rằng, truyền thống gia đình, gia phong của nếp nhà cùng một tấm lòng chân thành sẵn có trong tâm hồn Diệu Hoa, đã vun đắp cho chị có một cuộc đời, dù là một cuộc đời được khoác lên  chiếc vương miện, cho đến nay vẫn còn suôn sẻ, an bình và may mắn!

Thiên Kim
.
.