GS Phan Thị Phi Phi: Người chữa bệnh cho nhân gian và những vui buồn số phận

Thứ Bảy, 25/12/2010, 15:30
GS Phan Thị Phi Phi năm nay đã ở tuổi 76. Bà sống một mình trong căn hộ chung cư, cùng với một người giúp việc. Tưởng rằng gặp một GS về hưu thì rất dễ. Ai dè, lần nào gọi điện, bà cũng đang trong hội thảo khoa học, hoặc là đang ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng bảo vệ luận án Tiến sĩ cho các học trò của mình. Bà bảo: "Muốn được nghỉ ngơi một ngày cũng rất khó, vì công việc cứ cuốn mình đi. Vất vả hơn cả thời chưa về hưu. Nhưng vui, là vì mình vẫn còn giúp ích được cho nhiều người".

Những người quan tâm đến câu chuyện các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam khởi kiện các công ty sản xuất chất độc dioxin của Mỹ những năm về trước hẳn còn nhớ tên GS Phan Thị Phi Phi. Bà là một trong 3 nạn nhân chất độc da cam đầu tiên đệ đơn lên tòa án Hoa Kỳ và chính bà đã đến Hoa Kỳ tham gia phiên tranh tụng đầu tiên giữa luật sư hai bên nhằm đòi công lý cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam Việt Nam.

Nhớ lại câu chuyện này, GS Phi Phi không khỏi ngậm ngùi: "Chiến tranh thì qua lâu rồi, nhưng với những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam thì chiến tranh vẫn còn đó. Nó không bao giờ đi ra khỏi họ được. Nó là những cơn đau, những méo mó, dị dạng của hình hài, là bệnh tật, là nỗi đau khổ của nhiều thế hệ. Khi tham gia vào các dự án đi khám và chữa bệnh cho các nạn nhân chất độc da cam, tôi thấu tận cùng nỗi bất hạnh mà những gia đình có người bị ảnh hưởng chất độc da cam đang phải chịu đựng".

GS Phi Phi kể, bà đã đi hầu khắp các tỉnh thành có nạn nhân chất độc da cam để tìm hiểu và giúp đỡ họ. Có những vùng, do thiếu hiểu biết, không ít gia đình phải chịu sự kỳ thị của hàng xóm láng giềng vì họ cho rằng cha mẹ, ông bà đã ăn ở thất đức mới sinh ra những đứa con dị tật như vậy. Đó là nỗi đau tinh thần rất âm ỉ với không ít bậc làm cha làm mẹ. Còn nỗi khổ vật chất thì vô vàn. Các nạn nhân chất độc gia cam hầu hết phải đối mặt với đói nghèo, vì sức lao động bị hạn chế. Những căn bệnh như ung thư, xưng khớp, thần kinh… bủa vây họ.

GS Phan Thị Phi Phi (thứ hai từ phải sang) trong buổi lễ bảo vệ Luận án Tiến sỹ Y học của nghiên cứu sinh Đặng Thị Tuyết Minh.
Bà Phi Phi nói: "Cuộc chiến đấu đòi công bằng cho các nạn nhân da cam còn rất lâu dài. Tôi không hy vọng chúng ta thắng tuyệt đối ở vụ kiện các công ty sản xuất hóa chất Mỹ. Nhưng từ vụ kiện này chúng ta kêu gọi được nhiều hơn nữa viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân da cam Việt Nam cũng là thành công rồi. Khi mỗi người dân Việt Nam và các tổ chức nước ngoài vào cuộc, chúng ta sẽ có thể cải thiện phần nào đời sống cho những người đang phải gánh chịu thiệt thòi vì chiến tranh".

Những số phận con người gặp trong các chuyến đi ám ảnh GS Phi Phi: " Ở Quảng Trị, tôi gặp một gia đình có 4 đứa con đều bị bệnh bại não.  Họ phải cột một cái dây thừng từ ngoài cổng vào sân nhà để con mình có thể vịn vào đấy mà tập đi. Có những người tháng trước tôi đưa luật sư vào tìm hiểu họ còn sống, tháng sau quay lại, ảnh họ đã để trên bàn thờ rồi. Họ chết vì căn bệnh ung thư. Hai nạn nhân chất độc da cam đầu tiên cùng đệ đơn lên tòa án Liên bang Mỹ đến nay cũng đều đã mất cả rồi". Những nỗi đau như vậy khiến chúng ta không thể làm ngơ được.

Theo thống kê không đầy đủ, Việt Nam có khoảng 4 triệu người bị ảnh hưởng chất độc da cam, trong đó có khoảng 3 triệu người có bệnh. Riêng trẻ em, con số bị ảnh hưởng chất độc da cam là gần 200.000. GS Phi Phi bày tỏ: "Đất nước mình còn nghèo, mấy năm nay lại quá nhiều tai họa như lũ lụt, thiên tai, nên sự giúp đỡ dành cho các nạn nhân da cam bị hạn chế đi. Nỗi đau dai dẳng của họ thì vẫn còn đấy. Hàng ngàn người làm cha mẹ đau đớn vì chứng kiến những đứa con mình ra đời không lành lặn về hình hài, không bình thường về trí tuệ và càng đau đớn hơn khi nghĩ rằng lúc mình không còn trên cõi đời này nữa thì ai sẽ chăm sóc cho chúng. Chúng ta tiếp tục có những đứa trẻ sinh sau chiến tranh vẫn bị nhiễm chất độc da cam, vì nhiều vùng đất, vùng nước ở những nơi đã từng bị quân đội Mỹ rải chất độc hóa học vẫn chưa  được làm sạch hoàn toàn".

Là một bác sĩ đã từng để tuổi xuân của mình nơi chiến trường bom đạn, giống như bao nhiêu người lính khác trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, GS Phi Phi hiểu hơn ai hết nỗi đau của những người phải chịu mất mát vì chiến tranh. Ở chiến trường miền Nam ác liệt, GS Phi Phi là Giám đốc một bệnh viện của khu V. Bà trực tiếp cầm dao mổ đẻ, mổ dạ dày, phẫu thuật cứu sống các thương binh. Bà bảo, rất nhiều cựu chiến binh vẫn nhớ bà, gọi điện thăm hỏi người bác sĩ đã cứu chữa mình khi xưa.

Đối mặt với cái chết, với không chỉ là súng đạn mà cả những tai họa trong rừng sâu như bệnh sốt rét, voi tấn công, rắn cắn…người bác sĩ áo trắng hiểu hơn giá trị của mỗi ngày mình đang sống hôm nay. "Ở chiến trường, tôi đã từng bế trên tay những thanh niên Hà Tây, Thái Bình. Những chàng trai to khỏe nhất lại thường bị sốt rét ác tính tấn công đầu tiên. Họ chết trên tay tôi. Đó là những cái chết làm tôi đau xót nhất. Họ quá trẻ, quá đẹp, và chưa từng biết yêu".

 Người chồng yêu quý của GS Phi Phi cũng là một bác sĩ quân y. Họ phải xa cách nhau, mỗi người một chiến trường, để thực hiện nhiệm vụ của những công dân thời chiến. Khi trở về, GS Phi Phi không thể ngờ rằng, chính là gia đình mình cũng đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh.

4 lần sẩy thai liên tiếp vì ảnh hưởng chất độc hóa học ở chiến trường khiến bà không thế tiếp tục sinh con. May là trước khi vào chiến trường, vợ chồng bà đã có với nhau một người con trai. Con trai bà sau này cũng nối nghiệp của cha mẹ. Anh hiện làm Chủ nhiệm Khoa Thận- Lọc máu bệnh viện Việt - Đức Hà Nội.

Những câu chuyện về chiến tranh, về các nạn nhân chất độc da cam khiến GS Phi Phi như đang chìm trong không gian của ký ức. Chỉ đến khi những cuộc điện thoại liên tiếp của học trò mới kéo bà về với hiện tại. Ngày mai bà phải ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng bảo vệ luận án TS cho 3 học trò của mình.

Bà bảo: "Học trò cứ chọn mình, biết làm sao. Để có thể đi cùng đường với học trò, để không bị lạc hậu, bị cũ, mình chỉ có một cách là phải học suốt đời. Nghề y, xét cho cùng là một nghề lam lũ vô cùng, vất vả vô cùng, bởi nó liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người".

Tôi rất thích cái chữ "lam lũ" mà bà nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong câu chuyện, khi nói về nghề nghiệp của mình. Bà kể lại câu chuyện, mới đây thôi, khi bà ngồi Hội đồng bảo vệ luận án Tiến sĩ cho một học trò nữ. Anh trai cô ấy, một nhà thơ, sau buổi bảo vệ đã rưng rưng nước mắt tâm sự với bà rằng, anh ta không thể ngờ rằng em gái mình đã phải vất vả, học nhằn, hy sinh nhiều đến thế để đạt tới danh vị bác sĩ, Tiến sĩ.

Nghề Y thật quá cực nhọc. Bà rất đồng cảm với suy nghĩ này. Làm người thầy thuốc, không học thực, nghĩa là coi thường sinh mạng của người khác. Hơn cả mọi cám dỗ của hào quang vật chất, danh vị nào đấy, người thầy thuốc phải trọng danh dự của chính mình bằng cách khuya sớm rèn giũa mình, không quản ngại khó khăn vì người bệnh, và phải chiếm lĩnh những đỉnh cao khoa học.

Khi tôi nói về câu chuyện y đức, một câu chuyện mà không ít người trong xã hội đang bức xúc vì những biến thái của nó, GS Phi Phi nói: "Thế hệ già của chúng tôi giữ gìn chuyện y đức lắm.  Học trò của tôi họ rất hiểu tính tôi, không bao giờ họ đưa tiền cho tôi.  Tuy nhiên, trong số những người làm nghề trẻ hiện nay không phải ai cũng biết giữ gìn. Họ nói, vì đời sống của họ còn khó khăn, lương thấp, họ phải nuôi cha mẹ già, lo cho con cái ăn học…".

Nghề bác sĩ là nghề gần tiền. Người làm nghề phải biết kiềm chế lòng tham, phải biết để đồng tiền đứng ngoài công việc của mình. Đây có lẽ là điều mà GS Phi Phi muốn nói với học trò của mình, bằng cả cuộc đời hết mình vì bệnh nhân của bà. Về hưu, muốn một ngày thảnh thơi đối với GS Phi Phi cũng rất khó. Bệnh nhân đến nhờ giúp đỡ thuốc thang, tư vấn, xin thuốc miễn phí.

Rồi học trò đến nhờ giúp đỡ tư liệu, hướng dẫn. Rồi liên miên các cuộc hội thảo chuyên ngành, mà bà với vai trò một GS uy tín chuyên ngành miễn dịch học và sinh lý bệnh học, bà không thể từ chối. Bà tự an ủi, thôi thì có nhiều người đang cần mình, mình phải giúp đỡ họ. Mình hạnh phúc là còn giúp đỡ được nhiều người.

Tôi muốn hỏi GS Phi Phi một điều, rằng trong suốt cuộc đời làm nghề bác sĩ của mình, bà cảm nhận niềm vui lớn nhất mà nghề nghiệp mang lại trong những khoảnh khắc nào.

Thay vì câu trả lời, bà nói như tâm sự: "Tôi vui khi mình chỉ định cho bệnh nhân một loại thuốc mà họ có thể khỏi bệnh ngay sau đó. Nhưng tôi mừng hơn nếu ngoài bệnh tật cụ thể, mình giải quyết được cả những lo âu về mặt tinh thần cho bệnh nhân. Làm cho một người bệnh giữ được tinh thần thoải mái trước bệnh tật mới là điều quan trọng. Nghề Y dạy tôi rằng, một thầy thuốc giỏi nhất cũng không phải là thần thánh. Nghĩa là con người chúng ta vừa nỗ lực vượt qua bệnh tật, số phận, nhưng đồng thời lại phải biết chấp nhận số phận. Với những người mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo mà y học không thể giúp họ được, tôi an ủi họ và cố gắng làm thế nào đó để họ chấp nhận nỗi đau đớn của mình, vượt qua nó bằng một niềm tin tinh thần. Tất cả chúng ta không ai chống được quy luật "sinh, lão, bệnh, tử" ở đời".

Những lời tâm sự ấy của GS Phi Phi chính là những chiêm nghiệm bà có được, không chỉ từ những năm tháng làm người chữa bệnh cho nhân gian, mà còn từ những cảm nhận sâu sắc về cuộc đời, về số phận mỗi con người, trong đó có số phận của chính mình. Những mất mát về tuổi trẻ, về thiên chức phụ nữ vì chiến tranh đã dạy cho bà bài học phải biết chấp nhận số phận. Không ai chọn được thời đại mình sinh ra và chúng ta buộc phải học cách sống cùng với những vui sướng hay khổ đau, bất hạnh thời cuộc. Nhờ cách đó, chúng ta hiểu thêm giá trị của ngày đang sống và biết yêu những cuộc đời xung quanh mình.

Tiễn tôi ra về, GS Phi Phi cứ nhắc mãi: "Em hãy viết về tôi và công việc của tôi như cái cách em viết về một con người bình dị, một công việc bình dị trên đời, nhé"

B.N.T.
.
.