"Em bé Hà Nội" ngày ấy và bây giờ

Thứ Sáu, 31/12/2004, 07:14

Đã sắp thành bà ngoại nhưng hình như dấu chân thời gian không chạm nổi đến nhan sắc của NSƯT Lan Hương, để vẻ đẹp khả ái và nụ cười hồn nhiên của chị cứ bung toả, lắng sâu. 30 năm là một chặng đường dài dặc với biết bao sự kiện trong cuộc đời người phụ nữ nhưng những ngày làm phim Em bé Hà Nội vẫn vẹn nguyên trong ký ức chị…

Ngày nhỏ, bố mẹ đều công tác xa nên Lan Hương phải sống cùng với bác là nhà quay phim Lưu Xuân Thư trong khu tập thể Điện ảnh ở 72 Hoàng Hoa Thám. Chính khoảng thời gian này đã nuôi lớn ước mơ trở thành diễn viên ở chị, khi thường xuyên Lan Hương được tiếp xúc với các nghệ sĩ Trà Giang, Đức Hoàn, Thế Anh… Mới 3 - 4 tuổi, Lan Hương đã được làm mẫu cho các anh chị học quay phim làm bài tập. Phẩm chất nghệ thuật thiên bẩm của Lan Hương cũng gây ấn tượng với các nghệ sĩ.

 

Cặp mắt to tròn của cô một lần khiến đạo diễn (ĐD) Hải Ninh phải thốt lên: "Con bé này có đôi mắt cứ đau đáu, lớn lên dễ làm diễn viên lắm đấy!" (Và, lời tiên đoán của người ĐD gạo cội ấy đã ứng nghiệm!) Hay bắt gặp Lan Hương ngồi thẫn thờ bên cửa sổ nhìn mọi người qua lại với tâm trạng suy tư, một lần nữ đạo diễn Đức Hoàn sang nói với bác Thư cho bé Lan Hương thử vào vai cái Tý trong phim “Chị Dậu”. Nhưng bà ngoại không đồng ý, vì khao khát của cả gia đình là Lan Hương phải học hành đến nơi đến chốn, chứ không phải là chuyện phim ảnh.

Tuy nhiên, nghiệp diễn đâu dễ buông chị! Năm 1972, ĐD Hải Ninh và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ chuẩn bị làm phim Em bé Hà Nội. NSND Hải Ninh nhớ lại: Khi viết xong kịch bản phim, trong ông cứ loé lên đôi mắt đau đáu của Lan Hương năm nào! Ông nhẩm tính, con bé năm nay cũng đã 9-10 tuổi, bằng tuổi nhân vật chính trong phim. Thế là ông tìm đến nhà quay phim Lưu Xuân Thư, nhưng lúc này Lan Hương đã về sống với mẹ ở Kim Liên. Ông lại đạp xe đến gặp mẹ Lan Hương, xin phép cho cô bé được chụp ảnh thử để đóng phim.

Lan Hương còn nhớ, lúc bấy giờ chị có một bộ tóc dài và dày màu nâu sẫm, tết thành 2 bím rất đẹp. Cả nhà đều nâng niu, yêu quý mái tóc của chị. Một trong những lý do để ĐD Hải Ninh mời Lan Hương tham gia phim Em bé Hà Nội cũng vì mái tóc độc đáo ấy. Khi nghe bác Hải Ninh đề nghị, mẹ tỏ ra đồng ý, nhưng bác vừa về, mẹ liền lôi cô bé ra cắt ngay mái tóc, để không còn lý do gì cho Lan Hương đóng phim nữa!

 

Ao ước lớn nhất của bà là con gái phải học hành tử tế, để trở thành một bác sĩ. Cũng như nhiều người, bà quan niệm, diễn viên là cái nghề chỉ cần năng khiếu chứ ít cần học vấn, nên bà sợ con bà sẽ "sa chân" vào cái nghiệp đó. Mấy hôm sau, ĐD Hải Ninh quay lại. Lan Hương còn nhớ mãi nét mặt bác tái đi khi nhìn thấy bím tóc của cô đã bị cắt. Nhưng ông trấn tĩnh rất nhanh và vẫn quyết định để Lan Hương chụp ảnh. Đến ngày diễn thử, cũng phải thuyết phục mãi mẹ mới cho đi. Rất đông người cùng thử vai khiến Lan Hương không được tự tin lắm. Về nhà, cô nói với mẹ một cách tiếc nuối: Mẹ ơi! Chắc gì con đã được đóng phim mà mẹ vội cắt tóc của con đi!

Ai ngờ mấy tháng sau, trợ lý của ĐD Hải Ninh đưa kịch bản đến: Lan Hương đã được bác Hải Ninh chọn cho vai diễn. Nhưng mẹ kiên quyết không cho Lan Hương đóng phim vì sợ ảnh hưởng đến học hành. ĐD Hải Ninh phải nhờ đến bác Trần Duy Hưng - Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội khi đó, nói với mẹ rằng, mỗi người cần góp một phần công sức cho bộ phim về Hà Nội, bà mới chấp nhận.

 

Phim khởi quay vào mùa hè 1973. Nắng nóng ngột ngạt mà cứ phải mặc đồ mùa đông dày cộp nên bệnh hen của Lan Hương cứ  2 - 3 ngày lại tái phát khiến cô bé đến khổ sở. Nhưng đam mê diễn đến nỗi Lan Hương không bỏ buổi quay nào. Một lần quay cảnh thời chiến ở đường Nguyễn Du thì Lan Hương lại lên cơn hen nặng. Bối cảnh đã được hoàn tất rất cầu kỳ: Hàng trăm xe ô tô được huy động, rồi quần chúng đông mấy trăm người, các diễn viên đều đã sẵn sàng và quan trọng nhất khi đó là thời tiết nắng đẹp. Nhưng mẹ không cho Lan Hương đi diễn.

 

Lan Hương nằng nặc đòi đi không được đã lăn ra khóc, khiến mẹ vừa thương, vừa bực, đã tát cô bé một cái để … doạ. Vốn nhát đòn là thế mà nào ngờ, Lan Hương vẫn khóc, đòi đi bằng được. Cuối cùng, mẹ đành lấy xe đạp đưa Lan Hương đến điểm quay trong cơn hen rất nặng.

 

Mới 10 tuổi nhưng Lan Hương rất ý thức về công việc. Có cảnh phải ngã mà Lan Hương ngã đến mấy chục lần vẫn chưa đạt. Thấy cô bé bị trầy hết cả 2 đầu gối, ĐD Hải Ninh quyết định không cho ngã nữa. Nhưng Lan Hương vẫn đòi "cho cháu ngã, cứ cho cháu ngã" đến khi diễn đạt mới thôi! Ở đại cảnh đoàn xe tên lửa tiến về Hà Nội, có hàng trăm xe chạy rầm rập trên đường, sợ nguy hiểm, ĐD Hải Ninh gợi ý là nếu sợ, Lan Hương có thể chạy ở mép đường, cách xa đoàn xe, nhưng Lan Hương vẫn đòi được chạy bên ngoài, song song với bánh xe đúng như kịch bản. Hăm hở diễn đến nỗi, cô bé suýt nữa thì bị xe cán, may mà chú Thế Anh kịp chạy theo kéo lại được!

 

Bình thường, Lan Hương là cô bé nhút nhát, rất sợ ma, thậm chí gặp người bị tai nạn giao thông cũng sợ muốn ngất. Thế mà những ngày đóng phim “Em bé Hà Nội”, giữa bao cảnh bom đạn ầm ào, khói lửa dữ dội, vậy mà cô bé luôn tỏ ra hết sức can đảm. Lan Hương nhớ mãi một cảnh quay bom nổ dữ dội, cô được diễn viên Kim Xuân (vai người phụ nữ) bế xuống hầm rồi nằm đè lên che chắn. Kết thúc cảnh quay, diễn viên Kim Xuân bị nhiều vết bỏng, còn Lan Hương nhờ sự che chắn đó đã không hề gì!

 

Nhưng bé con vẫn là bé con. Lan Hương cười rũ ra khi nhớ lại một kỷ niệm: Khi chuẩn bị quay, ĐD Hải Ninh say sưa phân tích kịch bản thật kỹ cho Lan Hương hiểu, rồi hăm hở hỏi: Cháu hiểu chưa? Lan Hương khe khẽ trả lời: "Cháu hiểu rồi nhưng cháu … buồn đi vệ sinh", khiến cả đoàn làm phim chẳng nhịn nổi cười!

 

Giờ đây nghĩ lại, Lan Hương vẫn không hiểu nổi vì sao ngày đó chị lại đủ nghị lực và sức khỏe để tham gia một bộ phim vô cùng vất vả so với thể lực vốn yếu đuối lại thêm bệnh hen hành hạ như chị: Phim đóng giữa mùa hè nóng nắng chói chang, lại quay ngoại cảnh nhiều nên càng gian khổ. Ăn mặc thì nhem nhuốc, thế mà hễ vào vai diễn là Lan Hương lại thể hiện sự đam mê, nhiệt huyết của mình trong từng diễn xuất. Được diễn cùng NSND Trà Giang, vốn sống chung dãy nhà tập thể và yêu quý Lan Hương như con nên khi diễn, Lan Hương có ngay được cảm giác đầm ấm của tình mẫu tử. Chỉ có cảnh phải khóc thì mãi không được, đến nỗi ĐD phát cáu, quát to lên khiến Lan Hương sợ quá mới … khóc được!

 

Chị cười: - Tôi còn nhớ có một cảnh, cô bé đóng vai em tôi cũng không khóc được. Thế là chuẩn bị bấm máy thì ai đó véo cho một cái, làm cô bé khóc toáng lên và chửi lung tung khiến phải ngừng quay. Không biết cô bé đó giờ ở đâu? Làm gì? Chắc nhớ lại chuyện này cũng buồn cười lắm đấy! Còn tôi khi đó, bị hoá trang nhem nhuốc, xấu xí nhưng nào có biết? Mãi sau này xem lại phim mới thấy mình khi đó … xấu thật!

- Sau thành công của phim, chị sống trong cảm giác thế nào?

- Ngay khi phim đoạt giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim lần 2 thì  gần như đồng loạt các báo đều giới thiệu về tôi. Lúc đó tôi hãnh diện lắm! Đi học thấy mọi người nhìn mình thán phục thì cũng tỏ vẻ ta đây ra phết! Nhưng vài năm chả thấy ai nhắc đến nữa lại… hết kiêu! - Chị cười hóm hỉnh.

Phim được làm từ mùa hè 1973 sang năm 1974 mới xong nên Lan Hương phải bỏ học nhiều. Đoàn làm phim phải nhờ 2 cô giáo dạy kèm văn và toán cho Lan Hương. Nhưng chị thú nhận: Ngày đó, tôi ngại học lắm, chỉ thích đóng phim thôi! Sau khi đóng phim, được cưng nựng nên càng chán học. Chỉ chờ dịp thi vào trường điện ảnh để khỏi phải học, nhưng khổ nỗi là "bất mãn" về chiều cao nên đành chịu.

 

Sau Em bé Hà Nội, chị vẫn tiếp tục tham gia vào các phim: Mối tình đầu, Lầm lỗi, Vụ án đêm cuối năm, Cái tát sau cánh gà… nhưng với chị, "Được gắn liền với một bộ phim mang tính vận mệnh, thời khắc quan trọng của dân tộc và được nhiều người nhớ đến như Em bé Hà Nội vẫn là may mắn không của tôi!" Cũng dễ hiểu, đây là bộ phim in đậm dấu ấn lịch sử dân tộc.

 

Định mệnh với nghề diễn như đã được sắp đặt. Một hôm, vào dịp chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông, Lan Hương đi qua đường Nguyễn Thái Học thì bắt gặp thông báo tuyển diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ, mà lại lấy chiều cao từ 1,50m, đúng chiều cao của chị! Sướng quá, Lan Hương lập tức giấu bố mẹ, làm hồ sơ thi tuyển, vừa để thoả mong ước được làm diễn viên, vừa để khỏi phải học! (Nhưng rồi Lan Hương hiểu được rằng, tri thức là điều không thể thiếu đối với bất kỳ nghề nào, nên chị không chỉ tiếp tục học hết phổ thông mà còn học Đại học Sân khấu - Điện ảnh).

 

Sau bao trải nghiệm, Lan Hương vẫn đang tiếp tục thực hiện khao khát của mình là thành công ở cả điện ảnh, sân khấu và đạo diễn. Chắc với chị, mong ước đó không phải là khó, khi trên sân khấu, chị cũng gặt hái vinh quang không kém ở điện ảnh: 5 huy chương vàng qua các vở diễn: Cuộc đời tôi, Mùa hạ cay đắng, Irit và mẹ sói, Vũ Như Tô, Bến bờ xa lắc, rồi các huy chương bạc, giải nữ diễn viên xuất sắc thể loại kịch trên băng hình; giải khán giả yêu thích nhất... Đặc biệt, năm 2004, Lan Hương còn dành được giải lớn (đại giải) trong Liên hoan Kịch thể nghiệm quốc tế ở Trung Quốc qua màn độc diễn Giấc mơ hạnh phúc. Chưa tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh nhưng chị đã ĐD thành công 2 vở: Cha tôi là người điên và Trận chiến giữa rừng xanh.

 

NSƯT Lan Hương đang sống hạnh phúc bên người bạn đời - đạo diễn Tất Bình - trong một căn hộ khá sang trọng ở quận Cầu Giấy. Chị phấn khởi báo tin sắp sửa trở thành bà ngoại, khiến tôi không khỏi ngạc nhiên và buồn cười vì trông chị còn quá trẻ để "phải" lên chức ấy

Ngô Thanh Hằng
.
.