Vợ chồng nghệ sĩ Bùi Bài Bình - Ngọc Thu:

Duyên kiếp ba sinh

Thứ Tư, 05/11/2014, 14:28

Quán cà phê của vợ chồng nghệ sĩ Bùi Bài Bình - Ngọc Thu ở phố Đoàn Trần Nghiệp lúc nào cũng đông khách. Quán cà phê nho nhỏ, một căn nhà nho nhỏ vừa để ở vừa là nơi kinh doanh chỉ rộng chừng 20m2. Tầng một, nơi bán cà phê chỉ đủ chỗ để kê dăm chiếc bàn gỗ be bé và giản dị. Không gian nhỏ nên ánh đèn đỏ cũng chỉ đủ độ chiếu sáng pha nét lãng mạn của góc quán quen thuộc.

Chị Ngọc Thu nhẹ nhàng kéo chiếc ghế ngồi cạnh tấm ảnh cách đây mấy chục năm, thời chị đầu đội khăn rằn, mặc áo bà ba đóng vai chị Út Tịch trong bộ phim nổi tiếng Mẹ vắng nhà của đạo diễn Trần Khánh Dư. Những nét đẹp của chị vẫn nguyên vẹn như thuở ấy, dù theo tháng năm, những vết thời gian đã hằn trên gương mặt của người phụ nữ đặc biệt của điện ảnh một thời vang bóng.

Hỏi chị Ngọc Thu về sự vắng nhà thường xuyên của chồng mình, Nghệ sĩ nhân dân Bùi Bài Bình chị chỉ cười: “Biết đâu được ông ấy, ông ấy đi suốt ngày đêm, mấy khi ở nhà đâu. Kệ, giờ đi đâu thì đi, chị cũng chả “quản lý” làm gì cho mệt!”. Trong cách nói có phần dỗi hờn, có phần trách móc ấy là cả một trời thương nhớ chị dành cho anh. Bùi Bài Bình là một cái tên đầy dấu ấn trên màn ảnh nhỏ. Một Bùi Bài Bình điên loạn, cá tính, đầy thân phận, đầy khổ đau, những cũng đầy tài năng. Ít người biết được rằng, nếu không có một hậu phương là Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Thu, người phụ nữ chịu thương chịu khó, người phụ nữ đảm đang gia đình, con cái, chiu chắt và chấp nhận phần thua thiệt về mình, để cho chồng được thả sức với nghệ thuật, cho niềm điện ảnh của mình, thì không có một Bùi Bài Bình đóng đinh vào điện ảnh với những vai diễn để đời đã in đậm vào lòng công chúng.

Chị Thu tâm sự: Nếu như có cái gọi là duyên phận trong trời đất, thì duyên phận với điện ảnh và duyên phận của cuộc hôn nhân với Bùi Bài Bình, chính là những điều định mệnh đã an bài đối với cuộc đời chị. Chị kể lại: Gia đình chị không có ai theo nghệ thuật, nhưng chị lại bị điện ảnh quyến rũ khi mới còn là một cô bé học năm cuối phổ thông. Một hôm diễn viên Phi Nga, đạo diễn Lưu Xuân Thư ở Cục Điện ảnh về các trường phổ thông để tuyển diễn viên. Chị đã ghi tên mình vào bảng đăng ký nhưng trong lòng thì run lắm và cũng chẳng hy vọng gì.

Đến hôm tuyển, ngồi trong phòng chờ, chị đã để cho Ban Giám khảo xướng qua tên mình mà không vào dự thi. Đang ngồi thẫn thờ đầy tiếc nuối thì anh Lâm Tới ra hỏi thăm chị đã đến lượt chưa, Ngọc Thu lắc đầu bảo, gọi qua mất rồi nhưng không vào. Ngay lúc đó, anh đã đến xin Ban Giám khảo ghi lại tên của Ngọc Thu cuối cùng. Và, như một sự an bài của số phận, chị đã trúng tuyển vào học lớp diễn viên khóa 2, Trường Sân khấu - Điện ảnh. Vai diễn đầu tiên của chị là Thoa, vợ liệt sĩ trong phim nhựa Bức tường không xây của Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, một bộ phim được đánh giá là được làm khá kỹ lưỡng vào thời điểm ấy. Tiếp sau đó là các phim Đàn chim trở về, Sơn ca trong thành phố, Học trò thủy thần, Mặt trời bé con, và đặc biệt là bộ phim Mẹ vắng nhà đã chính thức đưa Ngọc Thu trở thành một tên tuổi trong làng điện ảnh.

Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Thu kể lại: “Hồi đóng phim Mẹ vắng nhà tôi mới ngoài 20 tuổi, chưa lấy chồng, nhưng không hiểu sao, tôi lại lọt vào “mắt xanh” của đạo diễn Trần Khánh Dư, làm mẹ của 4 đứa trẻ. Tôi nhớ nhất là cảnh chị Út Tịch phải cho con bú. Mặc dù có diễn viên đóng thế là mẹ ruột của em bé nhưng tôi vẫn phải diễn đến đoạn vén áo lên, trong khi có cả đoàn làm phim và rất nhiều người dân đứng xung quanh xem diễn xuất, tôi vừa ngượng, vừa lúng túng vì chưa biết cách cho con bú như thế nào. Tuy sau này tham gia nhiều phim nhưng đối với tôi, vai chị Út tịch là một vai diễn mang lại cho tôi nhiều cảm xúc”.

Mối duyên của Ngọc Thu - Bùi Bài Bình cũng bắt đầu từ năm thứ 2 đại học, chị Thu nhớ lại rằng, thực sự, từ ngày ngồi chung lớp đại học với Bùi Bài Bình, chưa bao giờ chị nghĩ rằng, chị rồi sẽ gắn bó cuộc đời của một “tiểu thư Hà Nội” với anh chàng học cùng lớp gầy gò, lêu nghêu, mảnh khảnh ấy. Nhưng dường như “ông tơ bà nguyệt” đã chọn họ để làm nên một gia đình với đủ đầy những cung bậc cảm xúc. Bùi Bài Bình trên phim và ngoài đời không mấy khác nhau, ở đó là một sự giản dị, chân tình, là một người ít nói, có nét kiêu bạc riêng nhưng cũng có sự ấm áp rất riêng, bởi vậy mà chị có tình cảm để nhận lời yêu từ thuở ấy. Một điều mà chị Ngọc Thu phải “chịu” Bùi Bài Bình là ở sự yêu bè bạn. Bùi Bài Bình yêu bạn bè nhiều khi còn hơn cả chính bản thân mình. Anh không nhiều bạn, nhưng có bạn là bạn cốt tử chí tình, bạn sẵn sàng hy sinh vì nhau.

Cũng bởi yêu bè bạn, chiều theo bè bạn, mà đôi khi anh “quên bẵng” việc mình đang có một gia đình phải chăm lo, một gia đình để trở về. Hiếm hoi lắm, anh mới ăn một bữa cơm cùng vợ, con cái học hành, ăn ở thế nào, một tay chị Thu quán xuyến. Hai cậu con trai của anh chị dần cũng quen với tính “nghệ sĩ” của bố, nhưng chúng yêu bố lắm, bởi hơn bao giờ hết, chúng biết được rằng, nghệ sĩ Bùi Bài Bình, cả một kiếp sống này, khi đã vướng vào nghiệp diễn, là anh đã dành trọn niềm đam mê, tâm huyết của mình với từng nhân vật, từng số phận, từng cảnh đời trong những bộ phim anh tham gia. Hai cậu con trai kháu khỉnh “thần tượng” bố và cậu thứ hai, đã quyết định sẽ thi vào khoa đạo diễn điện ảnh trong năm tới để nối nghiệp cha mình.

Thành công với nhiều bộ phim điện ảnh và những vai “hiền” như trong các bộ phim như Kén rể, Bức tường không xây, Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh, Thị trấn yên tĩnh, Lấy nhau vì tình, Mưa dầm ngõ nhỏ, Ẩn diện thiền cô, Sơn ca trong thành phố, Ngày chủ nhật vắng Chúa... nhưng đến vai Hòa trong phim điện ảnh Mùa ổi (Đạo diễn Đặng Nhật Minh) cũng khép lại chặng đường Bùi Bài Bình vào vai một con người “hiền lành, tử tế, tốt bụng”.

NSƯT Ngọc Thu và hai con trai.

Bốn năm sau đó, anh xuất hiện trở lại trên màn ảnh với một hình ảnh mới: vai Trưởng thôn với tính cách phản diện trong phim Hương đất của người bạn đồng môn - đạo diễn Quốc Trọng. Và đến vai Tòng trong Ma làng, Khuếnh trong Gió làng Kình (Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần), Bùi Bài Bình thực sự “tỏa sáng” với vẻ đáng ghét của cái nhìn đểu cáng, cái nhếch mép xảo quyệt và sự ti tiện của một con quỷ đội lốt người. Xem phim, nhiều người thừa nhận rằng, Bùi Bài Bình không phải đang diễn mà anh đang sống cuộc sống của một người khác. Đạo diễn đã cho anh một mảnh đất rộng để anh được thể hiện khát khao cống hiến cho nghệ thuật. Không ít người xem phim đến quán cà phê gặp Bùi Bài Bình đều phải thốt lên: “Sao anh ác thế?”. Thậm chí, có lần cậu con trai bé của Bùi Bài Bình xem đã giận bố và bảo: “Lần sau bố đừng đóng vai đểu nữa, bạn bè con xem phim ghét bố mà… ghét lây cả con!”. Điều này một lần nữa khẳng định rằng, thành công của Bùi Bài Bình đối với điện ảnh, truyền hình, là điều không thể phủ nhận được.

Một trong những niềm vui nhỏ nhỏ, cũng là một trong những kỷ niệm đáng nhớ của hai vợ chồng Bùi Bài Bình - Ngọc Thu là khi họ cùng nhau đóng vai chồng - vợ trong các bộ phim Anh và em, Chuyện vặt gia đình. Nói về kỷ niệm khi đóng cảnh vợ chồng trên phim với chính chồng mình, Ngọc Thu kể, hồi ấy, sáng sáng hai vợ chồng cùng chở nhau đi, chiều chiều lại đón nhau về. Hai vợ chồng hiểu nhau nên cũng diễn rất ăn ý. Hôm nào chỉ có vai của chồng mà không có vai của vợ hoặc ngược lại, thì cảm thấy “thiêu thiếu” cái gì đó. Tuy nhiên, khi Ngọc Thu sinh cậu con trai thứ hai và Bùi Bài Bình nhận được nhiều lời mời làm phim dài tập, phải vắng nhà thường xuyên.

Năm 2006, sau bộ phim Gió mùa thổi mãi, Ngọc Thu quyết định rời Hãng phim truyện Việt Nam để về hưu non cùng đợt với các nữ diễn viên như Minh Châu, Thanh Quý, Diệu Thuần... Chị bảo, đó là một quyết định khó khăn và là một sự mất mát lớn. Cả đời theo đuổi nghiệp diễn, về hưu non có nghĩa là một sự thất bại trong chặng đường nghề nghiệp của mình. Thất bại không phải vì mình không có năng lực, không phải mình không yêu nghề, nhưng thực sự là chuyện “cơm áo không đùa” với nghệ sĩ. Hồi đó, lương của Hãng có vài trăm nghìn, lại chỉ được lĩnh hơn một nửa, cả hai vợ chồng chị đều “nghèo” như nhau, không đủ tiền để nuôi các con, chị đành lui về hậu trường mở quán cà phê kiếm thêm đồng ra đồng vào nuôi hai cậu con trai ăn học trưởng thành, làm nơi tụ tập bạn bè thời đại học, cũng là những diễn viên danh tiếng một thời, nương bóng mình trong những danh vọng đã xa dù chưa giây phút nào trong cuộc đời chị quên những khát vọng được thể hiện mình trong từng vai diễn.

Dù không đi cùng chồng trong từng vai diễn nhưng tất cả những sự thành đạt của Bùi Bài Bình có được cho đến ngày hôm nay, Ngọc Thu là một sự hậu thuẫn duy nhất. Chính chị là người soạn từng tấm bằng khen, ghi từng dòng tiểu sử để làm hồ sơ Nghệ sĩ Nhân dân cho Bùi Bài Bình. Dường như, nếu không có chị là một người vợ “tỉnh táo” đằng sau những đam mê, hóa thân từng vai diễn của Bùi Bài Bình, thì bây giờ, anh cũng không có được những chức danh mà anh xứng đáng được nhận vì sự hy sinh cả đời làm nghệ thuật của mình. Biết điều đó, song dường như với Bùi Bài Bình, lời cảm ơn của anh dành cho người vợ yêu thương không phải là những lời nói, những hành động, những việc làm hay những sự quan tâm, mà đối với anh, sự nổi tiếng, thăng hoa trong từng vai diễn đã là một phần thưởng xứng đáng với vợ con. Bởi vậy mà chị Thu thỉnh thoảng vẫn “giận” chồng mà phán: “Ôi nếu có kiếp sau thì… ông tránh xa tôi ra nhé!”.

Dù biết rằng, mỗi một số phận người nghệ sĩ sẽ có những bước thăng trầm, những vui buồn, thành công thất bại khác nhau, nhưng tôi biết rằng, thành công với gia đình Bùi Bài Bình - Ngọc Thu là anh chị đã biết để “bão dừng sau cánh cửa” và để có một gia đình ấm êm, một sự bình an cho các con, người phụ nữ đôi khi phải chấp nhận hy sinh, thậm chí là bị “trơ” cảm xúc trước những cung bậc tình cảm “nữ nhi thường tình”, bỏ qua tất thảy mọi sự nhỏ nhen, ích kỷ, để nhìn về phía trước. Bởi nói như chị Ngọc Thu, mối tình này của chị và anh Bùi Bài Bình là “duyên kiếp ba sinh” mà đất trời run rủn xui khiến…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.