Ca sĩ Trần Thu Hà: Dưới đáy một bài hát là cuộc đời, là thân phận

Thứ Năm, 20/10/2016, 16:57
Một mình Hà một đêm diễn. Trong hơn 2 giờ đồng hồ ấy, không phải câu chuyện hát bao nhiêu bài hát, mà quan trọng hơn, Hà phải tự phô bày mình trong rất nhiều yếu tố khác nhau, để vẽ chân dung chính mình, trong chân dung ông chú nổi tiếng của mình.

Tôi cảm nhận cái gánh nặng ấy lớn như thế nào, trên vai người nghệ sĩ 39 tuổi. Nhưng thật may sao, nghe Hà hát một đêm nhạc, lại thấy những gì chất chứa trên vai cô không còn là gánh nặng nữa, nó đã được chuyển hóa thành tình yêu, thành một nguồn năng lượng đẹp. Cô có khả năng dẫn dắt người nghe, và kiến tạo những giá trị mới trong thẩm mỹ âm nhạc cho khán giả. Đừng gọi Hà là diva, vì không có giới hạn nào dành cho Hà.

Ở một vài ca sĩ nữ, việc mở cánh cửa của âm nhạc và việc tiếp cận khán giả của họ có thể dễ dàng hơn Hà. So sánh với các diva đàn chị trong số 4 diva từ lâu đã mặc định trong lòng khán giả Việt, Hà khó khăn hơn về cả hình ảnh lẫn giọng hát. 

Để có được vị trí hôm nay, dù đã biết Hà 20 năm nay, tôi vẫn không thể hình dung hết những nỗ lực mà cô đã âm thầm trải qua. Nỗ lực ở đây, chắc chắn không thể nhìn nhận như một sự cố gắng thuần túy, giống như một đứa trẻ đến trường được nhồi nhét kiến thức và được động viên, con phải cố gắng học tốt lên, phải đứng đầu lớp. 

Nỗ lực của Hà là một dạng Bản nguyên (tên một album của cô), là cái gì đó “rớm máu” hơn, khó gọi tên hơn. Đấy là việc cô không ngừng tự “đào bới” mình, nhìn sâu mãi vào chính mình, khai thác, tận dụng mình một cách triệt để. Gần như có rất ít ca sĩ “tận dụng mình” hiệu quả như Hà. Cô là người thấu hiểu bản thân sâu sắc nhất.

Vì sao tôi cảm nhận về Hà Trần như vậy?

Một người khởi đầu như Hà, không có nhiều vốn để “đi buôn”. Đến cả bố cô, NSND Trần Hiếu cũng không thể tin con mình có thể trở thành giàu có nếu “đi buôn”. Con gái ông có gì? Giọng hát không đặc biệt, hình ảnh không choáng ngợp sân khấu. Ông muốn con sau này trở thành giảng viên thanh nhạc, giống như người mẹ hiền quá cố của cô.

Nhưng Hà đã đi con đường cô muốn. Con đường mà Hà tin, dù buổi đầu chẳng ai muốn tin cùng Hà. Nó đầy bản năng và cũng đầy âu lo, chênh vênh. Cái nghề ca hát cực nhọc, hào quang của nó hấp dẫn, nhưng sự khốn khổ nó mang theo cũng không hề dễ chịu chút nào. Người nghệ sĩ không thể giấu mình trong ánh sáng sân khấu. 

Chẳng có cánh gà nào, màn nhung nào để họ che đi những cái dở, cái tệ của mình. Họ phải bước qua những cái dở đó, để làm người-ở-lại. Hà ở lại, rõ rồi, nhưng người như cô thì đã phải bước qua bao nhiêu bước khó khăn, khán giả không đếm được. Và có thể ngay cả người bố nổi tiếng của cô, người chú nổi tiếng của cô, cũng không thể đếm được giùm cô.

Nhạc sĩ Trần Tiến bảo: “Nó toàn làm theo ý nó. Chẳng bao giờ hỏi ý kiến tôi. Kể cả khi hát cả một đêm nhạc Trần Tiến, nó vẫn bí mật với tôi đến phút chót”. 

Ừ, đấy là cái khổ của một kẻ “con nhà nòi”. Xung quanh có vài người lớn hiểu biết, dư thừa tài năng và ảnh hưởng, sẵn sàng biến một đứa trẻ thành phiên bản của họ. Sống trong một gia đình nổi tiếng, Hà phải nỗ lực chống lại nguy cơ đó. Để không trở thành cái bóng, không trở thành một phiên bản của những người nổi tiếng trong nhà. Hà phải giữ chặt, giữ khư khư hơn bao giờ hết cá tính âm nhạc của cô. 

Và để khuếch đại cá tính âm nhạc của mình, tạo ảnh hưởng và có thể đứng “ngang cơ” (chứ không phải ngang hàng) với bố mình, chú mình, Hà chỉ có một con đường hoặc phải đi hoặc mất tích, là ngụp lặn thật sâu trong bản ngã của mình, sâu đến nỗi cái bản ngã trở thành vô ngã, và cái đẹp của nghệ thuật bắt đầu chảy tràn qua cô. 

Trên hành trình thăm thẳm, hun hút đó, dĩ nhiên vì chung bảng mã gen, có lúc cô nhận ra những điểm chung của mình với bố, với chú trong nghệ thuật, nhưng chỉ là khi cô đã đứng vào vị trí của sự riêng biệt.

Nghe như một sự tính toán đến nghẹt thở của Hà, nhưng thực tế đó chỉ là một sự tính toán của bản năng, một sự mách bảo của vô thức. Bởi vì tính toán chẳng là gì trong nghệ thuật. 

Dù bạn có giỏi về kỹ năng bao nhiêu, khôn ngoan bao nhiêu, mà trái tim, tâm hồn bạn không thuộc về nghệ thuật, không mang theo cái kỳ bí lôi cuốn của nghệ thuật, những nỗ lực đó chẳng giải quyết vấn đề gì. Hà được sinh ra với một trái tim như vậy, tâm hồn như vậy, nên mọi sự tính toán thông minh khác của cô, chính là để giúp cô giàu có hơn lên. 

Giống như một người đi buôn có lãi, không tự ăn vào vốn của mình. Mỗi chặng đường cô đi đều để lại những dấu chân đặc biệt, từ Em về tinh khôi đến Nhật thực, Hà Trần 98-03, Đối thoại 06, Trần Tiến, Bóng tối jazz và Bản nguyên...

Viết tên mình vào một con đường, chẳng bao giờ là chuyện dễ dàng. Người ta thậm chí để lại một vài dấu chân đã khó. Vì mưa gió, vì lá rơi, vì bao nhiêu sự vô tăm tích khác lúc nào cũng sẵn sàng “xóa trắng” mọi cuộc chơi, mọi cuộc viễn du. 

Nghệ thuật dẫn dụ hàng ngàn vạn người đến với nó, vì ánh hào quang mê đắm của nó. Nhưng nghệ thuật cũng nhấn chìm phần lớn những kẻ đi theo nó, chỉ còn để lại sự ảo tưởng là đáng kể. Những dấu chân, những cái tên thực sự, ít ỏi làm sao, khắc nghiệt làm sao.

Trong nghệ thuật thường có hiện tượng này, một vài người được sinh ra với vốn liếng trời cho. Một dạng tài năng nguyên thủy. Và họ có thể gây ra những ngạc nhiên buổi đầu. Sáng tạo của họ gây hiệu ứng mạnh buổi đầu. Nhưng rồi họ thường dừng sự nghiệp của mình sau một vài sáng tạo đầu tay, đôi khi chết chìm trong tung hô, khen ngợi. Và họ quá lười nhác, không tỉnh táo. Họ tiêu một vài lần hết sạch vốn liếng trời cho đó. Họ không bao giờ vượt qua mình, vượt qua cái sáng tạo ban đầu đó. 

Hà thì thuộc kiểu nghệ sĩ khác. Cô biết sở trường, sở đoản của mình, bồi đắp bằng cách không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, hiểu biết. Hà hiểu trên con đường dài mình đi, tài năng là một nguyên liệu thô, cần phải làm nó sáng lên bằng rất nhiều thứ khác mà mình rèn luyện. 

Tất cả những thứ cần mẫn học hỏi, chắt lọc, đào sâu, truy vấn, suy ngẫm đó, rồi sẽ trở thành văn hóa cá nhân của người nghệ sĩ. Xét đến cùng, nghe một bài hát, một album nhạc, một đêm nhạc của một người ca sĩ, chính là để tiếp nhận một thẩm mỹ cá nhân, một văn hóa cá nhân người sáng tạo ra nó. Yêu hay không yêu, thích hay không thích cũng từ đó mà ra...

Tôi biết Hà, đã từng chơi với nhau theo kiểu cụng đầu uống rượu, gần say thì chạy nhanh về nhà ngủ, sợ say giữa đường. Đã từng chép thơ nhau vào sổ, bông đùa tếu táo đủ chuyện. Nghĩa là đã nhìn nhau trong khoảng cách gần. Nhưng ở bài viết này, tôi muốn nhìn Hà xa hơn. Để thấu hiểu một con đường dài Hà đã đi, thấu hiểu một người nghệ sĩ trong cuộc tìm kiếm của chính họ.

Phải nghe Hà hát một mình một đêm nhạc, mới thấy hết nội lực ở cô. Những thông minh tỉnh táo phân tích trên kia, cũng chỉ là công cụ để Hà chuyển tải một điều gì đặc biệt phía bên trong tinh thần của mình. Một niềm đam mê không giới hạn, một tình yêu không bờ cõi cho nghệ thuật. Mỗi bài hát Hà mang đến, là một sự chưng cất của riêng cô.

Từ tư duy thẩm mỹ, đến phong cách biểu diễn, đến thời trang. Người ta không nghe Hà theo kiểu giải trí được. Người ta nghe Hà để khám phá chính bản thân họ, để suy ngẫm, để hiểu thêm một tầng nghĩa khác của âm nhạc. Rằng dưới đáy một bài hát là cuộc đời, là trải nghiệm, là thân phận.

Tôi nhìn rất rõ một Hà Trần - một thân phận nghệ sĩ trên sân khấu. Cô mạnh mẽ và yếu đuối, cô đơn và cô độc, sớm chịu đựng nhiều mất mát, trong thế giới tưởng như đầy đủ của riêng cô. 

Nếu không vậy, làm sao khi hát nhạc Trần Tiến, Hà có thể làm khán giả khóc. “Trèo lên dãy núi thiên thai ới a, mẹ tôi trong áng mây vàng/ Mẹ ơi hãy dắt con theo ới a, để con mãi mãi bên mẹ/ Mẹ ơi thế giới bao la, bao la không bằng nhà mình/ Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ”

Trần Tiến viết cho mẹ của ông, Hà Trần hát cho mẹ của mình. Những người mẹ đều đã hóa “áng mây vàng”. Họ, hai chú cháu trong một gia đình, và cũng là hai thân phận nghệ sĩ hòa làm một. Hà mang trên vai nỗi buồn, nỗi đau, của riêng cô và của những người lớn hơn cô nhiều tuổi.

Quẫy đạp, phá bỏ những giới hạn, không chịu gò mình trong một chiếc áo nào, Hà tự do trong sự tìm kiếm của chính mình. Càng tự do, Hà càng cô đơn, càng kiếm tìm, Hà càng cô đơn. Nhưng đó là sự cô đơn cần thiết, thậm chí không thể tránh khỏi, của một người mang theo dấu thập giá tiên phong, mở đường, không thỏa hiệp.

Trần Thu Hà chẳng chịu làm Một dòng sông mùa thu (tên một bài hát nhạc sĩ Trần Tiến viết tặng cho cô) lơ đễnh, u hoài, cổ điển. Cô là dòng sông của nhiều bến bờ, không dễ đoán định.

Bình Nguyên Trang
.
.