Đại tá Dương Khắc Thụ, nguyên GĐ Công an TP Hải Phòng:

Dung dị và nhân văn

Thứ Tư, 08/07/2009, 16:40
Đầu những năm 70 của thế kỷ trước dư luận TP Hải Phòng, nhất là trong giới những người cầm bút ở đây, đã xôn xao truyền tụng bài thơ viết về Bác Hồ của một tác giả nghe nói là đang làm việc trong ngành Công an, mang bút danh Trần Vũ. Đó là bài "Bác đã đi rồi".

Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Hải Phòng kể lại: "Chúng tôi xúc động và ngạc nhiên vì bên cạnh những bài thơ của anh em chuyên nghiệp mang đậm nét kỹ thuật, bài thơ "Bác đã đi rồi" chân thật đến hồn hậu, thấm đượm một tình yêu sâu sắc đối với lãnh tụ. Đó là một nỗi đau rất thật, một nỗi đau thắt ruột... Trần Vũ là ai? Một tác giả mà chúng tôi chưa hề được gặp, nhưng điều chắc chắn đó là một tâm hồn đầy rung động. Cách diễn đạt trong thơ hứa hẹn một nhân cách trung thực, đôn hậu. Quả tôi không nhầm. Sau đó, được đọc thêm một số bài thơ anh viết về đất nước, về quê hương, về gia đình, thì quả anh Dương Khắc Thụ (người mang bút danh Trần Vũ - MH) là một tâm hồn nhân hậu và đậm tình ưu ái đối với cuộc sống...".

Bài thơ "Bác đã đi rồi" có đoạn:

"Bác ơi! Bác đã đi rồi
Bâng khuâng trời biển, ngậm ngùi núi sông.
Đau thương thấm tận đáy lòng,
Mím môi mà lệ vẫn tròng đôi ngươi
Một niềm nhớ Bác khôn nguôi
Công ơn Bác tựa biển trời bấy nay
Bác Hồ rạng rỡ trời mây
Như thần tiên giáng xuống đây làm người
Hiến dâng trọn vẹn cuộc đời,
Cho ta, cho cả lớp người cần lao...".

Những ai đã từng sống trong những ngày tiễn Bác Hồ đi vào cõi vĩnh hằng bốn mươi năm trước, hẳn không thể không rưng rưng khi đọc những câu thơ trên. Đúng như nhà thơ Nguyễn Viết Lãm đã nhận xét, phải là người đôn hậu và tử tế lắm mới viết được những vần thơ mộc mạc nhưng thấm đượm nhân tình như thế.

Đại tá Dương Khắc Thụ quả thực là một người đôn hậu và tử tế. Mặc dầu đã kinh qua rất nhiều công việc khó khăn trong nghề, lại đảm đương không ít trọng trách trong ngành, ông vẫn giữ được cho mình một tâm thế chân thành trước cuộc đời này. Những trận chiến đấu cam go ở cự ly gần sát sàn sạt với cái ác không làm chai sạn những cảm xúc chân thành và thanh tân trong người sĩ quan Công an cao cấp. Đây là vần thơ ông viết khi ở cận kề tuổi "cổ lai hy":

"Thấm thoắt bảy mươi đã đến rồi,
Tuổi cao dù đến chín mười mươi
Vẫn khuyên con cháu nên người tốt,
Vun đắp cây đời mãi thắm xanh...".

Đại tá Dương Khắc Thụ xuất thân từ một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước. Thân phụ của ông là người uyên bác, giỏi lý luận và rất có tinh thần "giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha". Sau này nhớ lại cha mình, ông viết:

"Nhớ thày xưa:
Vóc người khỏe mạnh,
Khuôn mặt phương phi,
Nụ cười điềm đạm,
Đôi mắt hữu nghì,
Tiếc thày sinh chẳng gặp thì,
Nên tài mai một dần đi với đời
Có những lúc thày ngồi tư lự
Xem Truyện Kiều, chép sử ghi kinh,
Những khi vận nước bất bình
Ngâm thơ thày thổ lộ tình nước non.
Thày khuyên con khi con còn nhỏ
Rằng lớn lên chớ bỏ đồng bào...".

Với một người cha như thế, người con trai không thể không là người chính trực. Và ông đã tham gia hoạt động cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa... Trong mọi chặng đường hoạt động của Đại tá Dương Khắc Thụ, người cha luôn là niềm động viên và chỗ dựa về tinh thần.

Sau này, Đại tá Dương Khắc Thụ đã tự hào kể lại chuyện một lần cha mình thắng kiện trước các thế lực hắc ám như thế nào. Đọc lại câu chuyện này, chúng ta không chỉ hiểu hơn về thân phụ ông mà còn hiểu rõ cả tính cách của ông hơn:

"Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945) do ba nước phát xít Đức, Ý, Nhật (còn gọi là phe Trục) gây ra là cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc. Đứng đầu các nước trong phe Trục là Hít-le (Đức), Mút-xô-li-ni (Ý) và Nhật hoàng (Nhật). Phe này có mưu đồ dùng sức mạnh quân sự để bắt các nước phải hàng phục, hòng chia nhau làm bá chủ thế giới.

Ngoài ra chúng còn âm mưu bắt tay với một số nước khác bất ngờ tấn công Liên Xô nhằm tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản.

Trước thảm cảnh chiến tranh, Liên Xô do Stalin đứng đầu- chủ trương thành lập mặt trận chống phát xít, được nhiều nước đồng tình. Phe đồng minh ra đời, trong đó có Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc (lúc ấy còn chính quyền Tưởng Giới Thạch)...

Ở ta, năm 1941, Bác Hồ về nước thành lập mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh gọi tắt là Việt Minh, chủ trương đứng về phe Đồng minh chống lại phát xít.

Thời gian ấy tôi làm công nhân dệt lụa ở xã Vạn Phúc thuộc thị xã Hà Đông và đã gia nhập hội Công nhân Cứu quốc thuộc mặt trận Việt Minh từ năm 1943-1944. Một buổi chiều đẹp trời, tôi đi đò từ Vạn Phúc qua sông Nhuệ sang thôn Mỗ Lao, ra bến xe điện để đón thầy tôi (chúng tôi hồi ấy gọi bố là "thầy"). Thầy tôi ra chuyến này ngoài việc thăm con, còn muốn trao đổi với tôi chuyện dân làng cử thầy làm trương tuần thay ông Phạm Công Khả (quen gọi là ông Trương Khả). Chuyện đầu đuôi thế này. Tổng đốc Hải Dương khi ấy là Bùi Thiện Cơ tậu mấy trăm mẫu ruộng ở xã Vũ Xá tổng Văn Xá. Nhưng để tránh điều tiếng dị nghị của mọi người, ông ta để cho vợ là bà Trần Thị Thọ đứng tên rồi thuê đám cai quản lý là cai Hiến, cai Luân cùng Tiên Láng ở Yên Xá.

Đám cai nói trên kiện ông Trương Khả về tội ông để tuần phu lấy lúa sương mỗi sào hai lượm nặng quá.

Ông Trương Khả nói với thầy tôi rằng: "Ông là người có lý sự, có trình độ văn nho, có tài ứng biến, xin ông giúp tôi và cũng là giúp cả dân làng. Nếu chẳng may ông bị quan trên giam giữ thì ở nhà làng xóm và chúng tôi sẽ lo cho bà và các cháu chu đáo. Còn nếu ông thành sự trở về thì phúc quá, có thể lại xin ông làm luôn trương tuần cho làng".

Thầy tôi bảo: "Làng đã có ý như thế, tôi đâu dám không nghe. Nhưng việc này lớn quá, dầu sao tôi cũng phải bàn qua với cháu Thụ một chút. Chả gì nó cũng là con trai trưởng...".

Vì thế hôm ấy thầy tôi mới ra gặp tôi ở bến xe điện cạnh cầu Đơ. Sau khi nhất trí việc thầy ra làm trương tuần "giả" thay ông Trương Khả, tôi tâm sự:

- Sắp đổi đời rồi, thầy ạ. Người nghèo đi theo Việt Minh làm cách mạng, có mất thì chỉ mất cái xiềng, cái xích, khoá chân tay mình thôi, còn được thì là được tất cả thầy ạ...

 Ngập ngừng giây lát tôi khẽ nói:

- Con đang hoạt động bí mật cho Việt Minh, thầy ạ.

Tôi ngẩng lên, thăm dò phản ứng của thầy tôi, nhưng thầy chẳng tỏ thái độ gì cả, như là đã biết điều đó từ lâu. Thầy chỉ nói giọng bình thản:

- Thầy đi làm trên Bắc Ninh cũng thấy có nhiều người tham gia hội kín, hội hở. Bọn mật thám lùng bắt ráo riết lắm. Con đi làm cách mạng thầy không dám can ngăn, vì điều đó bây giờ bức thiết lắm rồi. Thầy chỉ khuyên con nên cẩn thận tỉnh táo kẻo phải tù tội thì khổ. Con hẳn không quên chuyện cụ Đề Thám chứ? Cụ Đề chết vì kẻ phản bội chính là người thân bên cạnh mình. Còn việc ra làm trương tuần, thầy cũng nghĩ như con. Thầy cứ ra làm, mọi việc có họ, có làng giúp đỡ. Thầy chỉ xin con mấy đồng về mua con lợn chừng vài chục cân để gọi là khao trương tuần. Có chức sắc, người ta sẽ nể mình hơn, ăn nói cũng dễ hơn, con ạ.

Tối hôm đó, cả hai bố con thao thức không ngủ được. Sáng hôm sau thầy tôi phải dậy sớm ra tàu.

 Ít lâu sau sang quê ngoại, nghe các cậu tôi nói rằng thầy tôi thắng kiện, thầy lỡm cả quan tổng đốc đầu tỉnh Bùi Thiện Cơ, thế mà ông ta cứ răm rắp nghe theo.

 Mãi đến khi tôi về nhà. Đêm đến khi hai bố con nằm bên nhau, tôi mới tỉ tê hỏi:

- Thầy ơi! Thầy đóng giả trương tuần Phạm Công Khả thế nào mà từ quan đến bọn lý dịch không biết gì hay sao?

Thầy tôi bảo:

- Thật ra, lý dịch trong làng, trong xã thì người ta biết cả đấy. Nhưng ở Vũ Xá, lý trưởng Nguyễn Văn Gia mới nghỉ việc, còn Phạm Công Dẫn thì do chạy chọt mà được làm lý trưởng chứ cũng không biết chữ, mọi việc đều chỉ biết đóng dấu và điểm chỉ thôi nên mỗi khi có lệnh quan đòi là đã run như cầy sấy. Một số người khác cũng thế, không phải việc của họ, lờ được là họ lờ đi chứ dại gì mà...

- Thế còn quan tổng đốc?

- Quan tổng đốc thì ở mãi trên tỉnh. Ông ta chỉ nghe bọn cai ton hót chứ thật ra có biết Trương Khả mặt ngang mũi dọc ra sao đâu. Vả lại, bọn đi kiện cũng hiếm khi được thấy mặt quan đầu tỉnh và quan thì cũng chẳng tường mặt bọn chân tay ở cấp tổng, cấp xã.

 Biết như vậy nên thầy tìm đến hẳn nhà riêng quan tổng đốc ở gần đền Quan Thánh cùng phố với bọn Tây.

 Thầy đem đôi gà mái ghẹ gọi là của nhà lên biếu bà lớn. (Thật ra là phải đi mua chứ nhà mình có chỗ nào mà nuôi gà). Thầy kể cho mẹ con bà Trần Thị Thọ - vợ quan tổng đốc - rằng ở Yên Xá đêm đêm bọn cướp đi hàng đoàn, đem gậy gộc giáo mác lên cánh đồng của ấp gặt lúa. Cánh tuần phu hơn mười người không đánh lại được, vả lại sức họ yếu vì đói ăn, mỗi sào quan cho thu lúa sương như thế thì sao đủ ăn. Nên hôm nay tôi lên thưa để bà lớn xem xét lại, chứ cứ tình hình này thì anh em tuần phu sẽ xin nghỉ việc cả.

Nghe thế, mẹ con bà Thọ hoảng quá, vội kể lại cho Bùi Thiện Cơ. Ông ta cũng sợ, vội cho mời thầy vào nhà trong - gọi người hầu pha nước và nói:

- Mời thầy ngồi (ông ta cũng trịnh trọng gọi thầy bằng "thầy"). Bây giờ tôi giao toàn quyền cho thầy, cứ làm sao cho anh em tuần phu được no đủ, có sức khỏe để bảo vệ ấp được như ý thầy là tôi mừng. Đứa nào dám làm trái ý thầy, thầy cứ bảo đây là lệnh của quan tổng đốc. Nếu cố ý chống lệnh thầy cứ cho tuần phu trói lại, giải lên quan phủ, huyện để trị tội.

Thầy về đến cánh đồng Thuyền Thúng lúc ấy đang gặt đông, bà con ra đón, ai cũng háo hức, chờ đợi kết quả. Thầy tuyên bố ngay để mọi người mừng: "Từ nay quan lớn cho phép lấy lúa sương gấp đôi trước và mỗi lượm phải đẫy dây buộc (cắt từ gốc cây lúa đến ngọn làm chiều dài của dây).

Nghe xong, anh em tuần phu và vợ con, cùng dân làng đều phấn khởi hò reo, trong khi bọn đi kiện thì như mèo cụp tai.

Tôi nghe thầy tôi kể, khoái chí quá, cứ rúc vào nách thầy mà cười, trong lòng vô cùng khâm phục. Thế mới biết trong cuộc sống nhiều khi đòi hỏi sự mưu trí, dũng cảm, muốn chiến thắng thì sự hiểu biết phải hơn hẳn đối phương, ít ra là nửa cái đầu. Người xưa đã có câu:

Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng.

Bài học này đáng để cho con cháu sau này suy ngẫm...".

Có lẽ người biên soạn bài báo này cũng không cần phải nói gì thêm

Minh Huyền
.
.