Đức Vua Anh Edward Đệ Bát: Ngai vàng thấp dưới chân em

Thứ Ba, 22/03/2011, 15:32
Ngày 23/6/1894, vua nước Anh  George Đệ Ngũ đã viết vào nhật ký: "10 giờ sáng tại Richmond Park đã sinh ra một đứa trẻ tuyệt vời". Có lẽ đó là những lời dịu dàng nhất mà đức vua nói về con trai mình trong suốt cả cuộc đời ông.

Sinh không chọn chỗ

Hoàng hậu Mary cao ngạo và lạnh lùng đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình sau khi sinh cho chồng thái tử có lẽ đã rất đồng tình với những câu mà nữ hoàng Victoria đã viết trong một tình huống tương tự: "Thật khủng khiếp là năm hôn nhân đầu tiên đã bị u ám và phiền toái vì những bất tiện quái ác như thế".

Thực ra, nữ hoàng Victoria đã rất vui khi được nhìn thấy người chắt nội đầu tiên của mình cất tiếng khóc chào đời và đã yêu cầu đặt cho đứa trẻ  cái tên Edward Albert Christian George Andrew Patrick David để tưởng nhớ người chồng quá cố của bà (ông tên họ đầy đủ là Albert Franz August Karl Emmanuel Herzog von Sachsen-Coburg-Goth).

Trong hoàng gia Anh, cha mẹ chỉ gặp con cái trước khi đi ngủ để hôn con và chúc một đêm tốt lành. Người cha vương giả khiến cho các con e ngại. Câu "Đức ông chờ thế tử ở trong phòng đọc sách" luôn khiến cậu bé David  run lên vì sợ. Hoàng tử đã phải lớn lên trong nhiều nỗi e ngại.

Từ thế kỷ XIX, ngai vàng ở Anh đã chỉ còn mang ý nghĩa biểu tượng quốc gia, còn thực quyền chính trị đã rơi vào tay quốc hội. Nữ hoàng Victoria đối với người Anh là một minh quân điềm đạm. Vua Edward Đệ Thất là ông vua vui tính, còn các thần dân Anh nhìn thấy ở vua George Đệ Ngũ hình ảnh một người cha của dân tộc.

Năm 13 tuổi (1907), thế tử David được đưa vào Trường Hải quân Osbonrne trên đảo Wight. Tại đó, cậu bé bụ bẫm, dáng hơi thấp  và hơi gù, đã được đặt cho biệt danh "Cá Mòi". David học rất khó nhọc và luôn luôn bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa. Sau hai năm, cậu được chuyển về đơn vị hải quân hoàng gia ở Darmouth.

Năm 1910, vua Edward Đệ Thất tạ thế và cha của David lên ngôi, lấy tước hiệu là George Đệ Ngũ. Lễ đăng quang của vua cha đã gây nên ấn tượng mạnh mẽ đối với hoàng tử xứ Wales:  trong y phục dát bạc, với thanh gươm đặt trong vỏ bao nhung đỏ chói, David đã quỳ trước vua cha trong tu viện Westminster và tuyên thệ những lời truyền thống về lòng trung thành rồi hôn lên cả hai má vua cha.

Vài ngày sau tại lâu đài Caernarfon đã diễn ra nghi lễ dành riêng cho chính David: cậu được  chính thức phong tước thái tử xứ Wales. Vài tháng sau, vua cha đã làm cho cậu con trai cực kỳ vui sướng khi cho cậu thực hiện một chuyến du lịch trên thiết giáp hạm Hindustan.

Năm 18 tuổi, David vào học tại Trường Magdalen, thuộc Đại học Oxford. Tại đó, chàng đã nghiên cứu về tiếng Đức, lịch sử, luyện tập thể thao và tham gia vào các cuộc săn bắn. Đánh giá chung ở đây đối với hoàng tử là: "Không, đó không phải là một người sẽ sáng chế ra thuốc nổ!".

Rồi nhà vua bắt đầu rủ con trai cùng đi săn bắn. Có một lần, hai cha con bắn hạ tới bốn nghìn con gà lôi đỏ. Vua George Đệ Ngũ đã nói với David: "Có lẽ ta và con đã say mê quá đà".

Vua Edward Đệ Bát thời trẻ.

Thái tử xứ Wales đã được cấp một cuốn séc, nuôi hai chú ngựa pony,  học cách thổi kèn bagpipes và chơi đàn banjo, ngồi chân dự bị trong đội bóng đá của Đại học Oxford và tỏ ra rất say mê khiêu vũ. Chàng không có  bạn bè. Và ngay cả với những người thực sự có cảm tình với chàng thì uy lực huyền bí của gia thế David đều khiến họ phải giữ một khoảng cách biệt đối với chàng.

Có lẽ một trong những nguyên nhân đã khiến David tìm tới ma men giải sầu là ước mơ muốn được bộc lộ ra ngoài tất cả những say mê lãng mạn mà cậu đã bắt buộc phải ghìm nén trong mình. Thực sự là thiên phú đã dành cho David rất nhiều say mê lãng mạn.

Năm 1914, chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. David rất nóng lòng muốn tòng quân ra chiến trường. Chàng đã tuyên bố thẳng với huân tước Kitchener, vị Bộ trưởng Quốc phòng lừng lẫy của nước Anh, rằng, nếu cậu hy sinh ngoài chiến trường thì vẫn còn có bốn người em sẵn sàng thay cậu nối ngôi vua. Huân tước Kitchener đáp lại rằng, ông đã không ngăn cản thái tử tòng quân nếu chỉ lo sợ thái tử lỡ có hy sinh, nhưng ông không thể không tính đến việc, lỡ đâu thái tử có thể bị bắt làm tù binh…

Cuối cùng thì David cũng giành được quyền tòng quân sang Pháp, tới Bộ tư lệnh viễn chinh. Tại đó, chàng đã  tận dụng mọi cơ hội để có thể đi xe ôtô hoặc xe đạp tới thăm các thương binh ở quân y viện dã chiến hay đi về phía tiền phương.

Đến mức có một câu ca được lan truyền trong đội ngũ sĩ quan Anh: "Bão đạn quân Đức vừa ngưng/ Là chàng David sẽ dừng chân thăm...". Thái tử xứ Wales đã được chứng kiến trận đánh ở Somme, khi mà chỉ trong ngày đầu giao chiến đã có tới 57 nghìn người hy sinh.--PageBreak--

Yêu chẳng tùy ngôi

Vào ngày mà David cất tiếng khóc chào đời, nghị sĩ James Keir Hardie đã nói tại hạ viện: "Rồi đây có thể đứa trẻ này sẽ trị vì ở đất nước vĩ đại của chúng ta. Đến một thời điểm nào đó, thái tử sẽ đi du lịch khắp thế giới và rất có thể là sẽ xuất hiện những đồn đại về một cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối của chàng. Và đất nước sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đó". Mọi sự về sau đã diễn ra y như lời tiên đoán tưởng chừng như vu vơ đó.

Cuối chiến tranh thế giới thứ nhất, thái tử đã bước vào tuổi 25. Chàng rất mê đua ngựa, đặc biệt là môn vượt chướng ngại vật. Thế nhưng, Thủ tướng, người rất được hoàng gia ủng hộ, đã yêu cầu chàng nên tránh xa các trò đua ngựa vì làm thế rất dễ bị ngã và mỗi một lần thái tử ngã ngựa sẽ là một dịp để miệng lưỡi thiên hạ đồn thổi.

Thái tử đành chuyển sang phóng xe hơi vì chàng rất thích tốc độ cao. Loại xe mà chàng chọn là Daimler  do người Đức sản xuất. Thấy vậy, vua George Đệ Ngũ đã viết thư dặn dò con: "Ta mong con không phóng nhanh và rất cẩn thận khi lái xe, vì ta và hoàng hậu rất lo lắng cho con đó".

Thái tử vốn mê chơi polo, nhưng sau một lần bị quả bóng đánh trúng mắt chàng, vua cha lại cấm chàng chơi. Sau đó vài năm, thái tử học được cách điều khiển máy bay riêng của mình. Nhưng rồi chàng cũng phải từ bỏ đam mê tự lái máy bay…

David luôn được nhắc nhở về phương châm ứng xử của thái tử xứ Wales: "Ta phục vụ".  Thái tử phải đọc những bài diễn văn, trồng cây, có mặt trong các lễ hạ thủy tàu biển hoặc các lễ khởi công các tòa nhà mới…  Rồi nhà vua lại phái thái tử đi khắp các nơi trong Liên hiệp Anh.

Thái tử càng đi nhiều thì càng được ưa chuộng. Thế giới đã thấy rõ và đánh giá cao thiện chí chân thành, sự tự nhiên, nụ cười khiêm nhường, tính hài hước và cả tuổi trẻ cũng như ngoại hình quyến rũ của người sẽ thừa kế ngai vàng Anh quốc.

Trong 6 năm, thái tử xứ Wales đã đi qua hơn 150 nghìn dặm, thăm 45 quốc gia, trồng vô số cây kỷ niệm đủ để tạo nên một cánh rừng rộng lớn, đặt nhiều các viên đá làm nền tới mức đủ để dựng lên cả một tòa tháp cao ngất trời…

Đức vua và hoàng hậu Anh có cách nhìn khác nhau đối với thế giới cũng như hôn nhân. Khi David tới Mỹ, một tờ báo địa phương đã đăng: "Hỡi các cô gái, đây chính là vị hôn phu thích hợp nhất. Mà cho tới giờ vẫn chưa bị ai làm cho sa lưới". Trước lúc sang Mỹ, David đã trả lời phỏng vấn báo chí và tuyên bố rằng, chàng hoàn toàn có thể cưới một phụ nữ Mỹ làm vợ.

Chàng bộc lộ rõ quan điểm của mình là không muốn có một cuộc hôn nhân theo tính toán chính trị, không muốn lấy nhau mà không có tình yêu. Chàng biết là ngay từ năm 1920, Thủ tướng Anh đã "nhắc nhở" trước nhà vua rằng, thái tử phải cưới người không là công dân nước ngoài, mà phải là đại diện mang dòng máu quý tộc của Anh hay xứ Scotland.

Sức ép ngày một gia tăng đối với David. Nhà vua và hoàng hậu muốn chọn vợ cho chàng. Một lần, thái tử nói với nhà vô địch thế giới về quyền Anh Tenney tới chơi cùng mình: "Vậy là anh đã từ bỏ quyền Anh để đi lấy vợ. Còn tôi đôi khi lại nghĩ rằng, tôi sẽ bắt buộc phải rời khỏi chính trị vì rằng tôi sẽ không cưới vợ".

Thái tử thực sự không nghĩ tới việc cưới vợ. Chàng không khi nào phải cảm thấy thiếu phụ nữ nhưng khi tiếp xúc với họ, chàng luôn thận trọng và kín đáo. Những cuộc "tình như thoáng mây" đến rồi đi qua chàng rất nhanh chóng. Một cô bạn gái của chàng đã được tặng cái túi có gắn khá nhiều đá quý với dòng chữ "Cho em, mãi mãi, mãi mãi, MÃI MÃI".

Ông bà Quận công Windsor với Tổng thống Mỹ Nixon tại Nhà Trắng.

Thế nhưng, trong lòng thì chàng hiểu rõ hơn ai hết là chàng sẽ không bao giờ tặng cho nàng trái tim của mình cả. Chưa đến thời điểm của một tình yêu đích thực… Thành ra chàng đành mang tiếng là một kẻ trăng hoa, thường xuyên này nọ với những người phụ nữ đã có chồng…

Cơn say mê nghiêm trọng đầu tiên của người kế vị ngai vàng nước Anh là Winifred May Birkin. Chồng của nàng, nghị sĩ hạ viện, lớn hơn nàng tới cả hai thập niên. Freda, như bạn bè vẫn gọi nàng, thực ra không có tính gì hợp để làm bạn với thái tử xứ Wales.

Nàng không thích những sinh hoạt thượng lưu xa hoa mà chỉ mê những người có tầm suy tư và rất quan tâm tới những vấn đề chính trị. Theo nhận xét của những người biết nàng, Freda cực kỳ thông minh, tự tin, nhưng lại không làm bất kỳ ai cảm thấy bị át vía trước nàng, kể cả chàng thái tử vốn bản tính rụt rè như David.

Có lẽ cũng chính vì thế nên thái tử xứ Wales cảm thấy quyến luyến Freda. Cũng có thể, khi gặp Freda, David bỗng dưng thấy chán cái tiếng tăm trăng hoa của mình và bị lôi cuốn bởi sự thông minh và có vẻ như nghiêm nghị của nàng. Cũng có thể, đã từ lâu chàng mơ ước được gặp một người phụ nữ nhìn chàng không phải như một kẻ sẽ lên ngôi báu mà chỉ như một người đàn ông đích thực, điều mà Freda đã làm.

Freda không quá xinh đẹp nhưng rất có duyên. Nàng không cao lắm, người thanh mảnh, gương mặt dễ thương, có khiếu kể chuyện rất hấp dẫn. Nàng biết cách khéo léo chuyển những điều nhỏ bé nhất thành những diễn biến lôi cuốn. Điểm yếu của nàng chỉ là giọng nói ríu rít như tiếng chim.

Quan hệ giữa hai người kéo dài hơn 10 năm. "Tôi biết là thái tử yêu nàng, - huân tước Brownlow, một trong những người bạn thân của David, viết -  Thái tử đã thường xuyên viết thư cho nàng, còn nàng chỉ thỉnh thoảng mới trả lời. Dĩ nhiên, khi ấy nàng, như cách nói của thời đó, đã rất tòng phu rồi nhưng thái tử vẫn cứ đề nghị nàng bỏ chồng để đi theo mình nhưng nàng đã từ chối. Freda là một quý bà Anh đích thực và hiểu rằng nhà vua không bao giờ cho phép cưới một phụ nữ đã li dị làm vợ".

Thái tử dĩ nhiên cũng hiểu một mối quan hệ như thế không thể nào dẫn tới hôn nhân được. Nhưng những chuyến đi vô cùng tận, những thay đổi liên tiếp, những gương mặt phải gặp, những đổi thay liên miên các thành phố quốc gia và cảm nhận bên ngoài càng làm cho chàng thấy thiếu và nhớ người đàn bà duy nhất biết cách đối xử với chàng không phải như đối với một người sẽ thừa kế ngai vàng.

Đồng thời trong giai đoạn đó, thái tử còn gặp một "tình yêu lớn" nữa, Thelma Furness. Mỹ nhân này là một cực hoàn toàn trái ngược với Freda: mặt hoa da phấn, nhưng lại chẳng có chút trí tuệ nào. "Nàng rất đẹp, - một người bạn gái của Thelma nhớ lại, - nhưng trò chuyện với nàng quả thực là một sự tra tấn. Nàng luôn vui vẻ, thân thiện, nhiều lời nhưng... trí ngắn. Thực chẳng ra làm sao cả".

Còn Thelma đã viết về cuộc tình vương giả như sau: "Tôi đã tìm thấy ở thái tử trong giai đoạn đó thứ mà tôi đặc biệt cần. Chàng đã là lá cao chườm lên những vết thương lòng của tôi và là hình ảnh hoàn toàn ngược với chồng tôi: rụt rè, tế nhị, rất quan tâm tới người khác và rất tinh tế". Cũng không nên quên là, David còn là thái tử thừa kế ngai vàng!

Nhưng nếu David hoàn toàn trái ngược  với huân tước Furness thì Thelma cũng hoàn toàn trái ngược với Freda. Thelma kể: "Tôi cùng chàng đã trò chuyện với nhau rất nhiều, nhưng chủ yếu chỉ về những việc vặt vãnh. Thái tử không thích những lập luận trừu tượng và những tư tưởng cao siêu và không quá quan tâm tới sân khấu, hội họa và văn học. Chúng tôi thường trò chuyện cùng nhau về những người quen chung, về những nơi mà cả hai cùng từng đặt chân tới. Và thế là đã đủ".

Phải, với thái tử lúc đó thì thế cũng là đủ rồi. Chàng đã nhận được từ Thelma tình yêu và sự ấm áp tâm hồn để chàng có thể thể hiện đúng là mình. Thelma đã trở thành "ngôi nhà nhỏ ven sông" để chàng có thể tìm thấy nơi trú ẩn  thoát khỏi những áp lực, những hạn chế "vua trên trông xuống, người ta nhìn vào" mà vị thế buộc chàng phải tuân thủ.

Chàng vốn thích những cảm giác mạnh như đua ngựa vượt chướng ngại vật hay lái phi cơ, nhưng vua cha và hoàng hậu đã ngăn không cho chàng được thưởng thức. Chàng có một số ít bạn bè để cùng chơi bài, cùng tới các quán đêm nhưng không ai trong đám họ gần gụi chàng về tâm hồn cả nên chàng ngày càng phải tìm vui trong rượu.

Cuộc tình của David với Thelma không quá sâu sắc đối với chàng: thái tử vẫn như trước chỉ thấy mình lạnh lùng, xa lạ với mọi sự xung quanh. Ngay cả Freda cũng chưa bao giờ chiếm lĩnh được toàn bộ tâm trí và tình cảm của chàng. Thelma Furness đáp ứng được những nhu cầu nhất thời của chàng nhưng lại không chạm được tới dây đàn chính yếu trong trái tim chàng.--PageBreak--

Mất ngôi báu, được tình yêu

Và chính trong thời điểm đó, David đã gặp được vì sao dẫn đường chỉ lối đích thực của mình - Wallis Simpson. Cha mẹ của người phụ nữ này cũng xuất thân từ những dòng họ quý tộc. Nàng được thừa hưởng từ mẹ một trí tuệ sắc sảo, tính tình vui vẻ và tiếng cười như khánh như chuông… Nhưng đặc tính này đã hài hòa kết hợp với phong cách lịch lãm mà bà ngoại, mẹ  nàng và người bảo mẫu đã dạy dỗ nàng từ thơ bé.

Trong tính cách của Wallis đã kết hợp hài hòa sự lạc quan lãng mạn, tinh thần lý tưởng với khả năng tỉnh táo nhìn nhận mọi sự trên đời và tìm ra cách ứng xử hợp lý nhất. Người đàn bà này biết rõ sức mạnh của đồng tiền và muốn trở nên giàu có: đã quá nhiều tai bay vạ gió từng đến với nàng và mẹ nàng chỉ vì thiếu thốn vật chất. Hơn thế nữa, Wallis cũng không xa lạ gì với "hội chợ phù hoa": cùng với sự tự lập về vật chất, nàng luôn muốn có được một vị thế vững vàng và nổi bật trong giới thượng lưu.

Tuy nhiên, trong con người của Wallis, bản chất lãng mạn vẫn mạnh hơn những toan tính đời thường: hơn cả tiền bạc và danh vọng, nàng khao khát tình yêu! Ở thời điểm đó, đối với nhiều thanh nữ Mỹ, ước mơ không bao giờ trở thành sự thật chính là thái tử xứ Wales.

Ảnh của chàng thường xuyên xuất hiện trên báo chí. Các thanh nữ mơ mộng chăm chú theo dõi các tin tức về những cuộc phiêu lưu tình ái của chàng. Wallis không phải là ngoại lệ: cùng với một người bạn gái, nàng đã sưu tập cả một album dán mọi tin bài về thái tử xứ Wales. Cô gái trẻ lúc đó không thể ngờ được rằng, có một ngày chính nàng lại phải giữ một vai trò cực kỳ trọng đại trong cuộc đời của chàng trai vương giả.

Họ làm quen với nhau vào tháng 11/1930. Lúc này, Wallis đã ở tuổi 35 và đã kịp không chỉ li dị với một trung úy hải quân Mỹ tên là Earl Winfield Spencer, mà còn trải qua vô số những cuộc tình nóng bỏng và cả kịp lên xe hoa lần thứ hai với doanh nhân giàu có và tốt bụng Ernst Simpson, vì công việc nên thường xuyên phải có mặt tại London.

Thông qua người thư ký của chồng, Wallis đã làm quen được với hầu tước phu nhân Furness, lúc đó rất được mọi người mến mộ vì đã chinh phục được trái tim của thái tử xứ Walles. Mỹ nhân Furness sau này nhớ lại rằng, hôm đó, thái tử rất muốn gặp riêng với nàng và chàng đã rất thất vọng vì đúng hôm đó ở nhà nàng lại có kế hoạch về một buổi tiếp tân. "Đừng bận tâm, thưa điện hạ, - nàng đã an ủi chàng, - chỉ có vài ba người bạn tới thôi, mà phần lớn chàng đều đã biết rồi". Rồi nàng nói về Wallis Sipson: "Cô ấy, theo người ta đồn, rất thú vị đó".

Sau này, Wallis đã kể về lần làm quen đó như sau. Nàng nhận được điện thoại của một người em của hầu tước phu nhân Furness là Consuelo, hỏi xem nàng và chồng nàng có thể thay thế cô ấy đi dự buổi tiếp tân ở nhà hầu tước phu nhân được hay không. "Tại đó cũng sẽ có mặt Thái tử xứ Walles đấy…".

Thông tin cuối cùng đã đóng vai trò quyết định khiến người thiếu phụ lạnh lùng Wallis cảm thấy máu mình nóng lên: nàng thậm chí còn không biết cách chào theo kiểu quý tộc Anh trước các  đại diện của hoàng gia. Còn chồng nàng, khi biết sẽ được dự một buổi tiếp tân có cả thái tử Anh thì rất lấy làm vinh hạnh.

Wallis và Ernst Simpson tới nhà của hầu tước phu nhân Furness khi trời đã chạng vạng. Hôm đó sương mù dày đặc. Wallis cảm thấy hơi bị sốt. Ấn tượng đầu tiên về thái tử xứ Wales khi Wallis được hầu tước phu nhân giới thiệu với thái tử xứ Walles là: "Đôi mắt chàng buồn rầu, mái tóc vàng óng, cái mũi hếch và vẻ tự nhiên tuyệt đối". Từ hôm đó trở đi, David đã trở thành vị khách thường xuyên của gia đình Simpson.

Câu chuyện tình bắt đầu như một trò vui đã trở thành nguy cơ làm đổ vỡ những khuôn vàng thước ngọc hàng trăm năm của đế chế Anh. Dự báo về một "tình yêu như trái phá, con tim mù lòa" (lời ca khúc Trịnh Công Sơn) đối với thái tử xứ Walles, tạp chí "Chiêm tinh học quốc gia" tháng 9/1933 đã viết: "Nếu thái tử thực sự yêu thì chàng có lẽ sẽ sẵn sàng hy sinh mọi thứ, kể cả ngai vàng, miễn là đừng bị mất ý trung nhân".

Và thực sự thái tử xứ Wales đã mắc phải lưới tình. Chàng thú nhận rằng, chưa bao giờ chàng gặp được một người phụ nữ thấu hiểu lòng chàng đến thế. Người thiếu phụ Mỹ này có thể trò chuyện với chàng bằng một sự đồng cảm mà chàng chưa bao giờ gặp được ở bất cứ một mỹ nhân nào khác.

Của đáng tội, những người thân thuộc với thái tử xứ Wales thì lại cho rằng, nàng lưu chàng được nhờ những thú vui thể xác: chàng đã nhận được từ nàng ở trên giường tất cả những thứ mà những người phụ nữ khác đã không thể có được cho chàng! Wallis nói cho cùng không phải một nhan sắc chim sa cá lặn nhưng nàng rất hấp dẫn về tình dục. Trong thời gian ở Trung Hoa một năm trước đó, nàng đã học thêm được khá nhiều thứ trong văn hóa phương Đông giàu truyền thống yêu đương.

Trong các bữa tiệc, nhiều người đã nhận ra rằng, thái tử xứ Wales thường hay quay về phía Wallis và chờ đợi từ đó lời đồng tình hay tiếng cười khoái chí. Chàng vốn quen sống theo nghi lễ hoàng gia nhưng với Wallis, chàng có thể trở nên "tự nhiên như cô tiên".

Khi em trai của thái tử xứ Wales, hoàng tử George, cưới công chúa Hy Lạp Marina làm vợ, David đã giới thiệu Wallis với hoàng hậu Maria rằng đó là một người bạn lớn của chàng. Hoàng hậu đã đưa tay cho nàng mà không quá bận tâm là ai đang đứng trước bà. "Nếu khi đó  tôi biết đấy là ai thì tôi đã có những biện pháp thích hợp rồi", - về sau hoàng hậu than thở.

Không bao lâu sau thái tử đã lấy một con du thuyền sang trọng ở Biarritz, cách biệt những cái nhìn soi mói của người đời. Tại quán xứ Basque sở tại, David cùng những người bạn gái của mình luôn đặt sẵn một bàn riêng để uống khai vị. Dành riêng cho họ còn có cả một lối đi riêng ra bể bơi.

Trên du thuyền thuộc quyền sở hữu của một huân tước Anh là thủ lĩnh đảng Bảo thủ lúc đó, thái tử xứ Wales cùng các mỹ nhân đã đi dọc bờ biển Tây Ban Nha, chỉ rẽ  vào những vùng biển yên lành. Họ ăn nhậu một cách bí mật như những thường dân trong các nhà hàng nhỏ bé dân dã và đi dạo trên những bãi biển vắng người. Những thông tin tình ái giữa thái tử  xứ Wales với Wallis lúc đó không bị lọt ra các phương tiện thông tin đại chúng Anh. Không ai biết chàng đã tặng nàng một hộp nhung đựng một viên kim cương to và một viên ngọc để đính lên vòng cổ. Wallis thực sự đã được rơi vào một thế giới cổ tích đầy quyến rũ. Biết nàng yêu chó, chàng đã tặng cho nàng một chú chó vang sậm cực kỳ sang trọng.

Như mọi người phụ nữ khác, Wallis thích các đồ trang sức và váy áo, nước hoa - thế là nàng được thái tử tặng vô số thứ như vậy. Tháng 2/1935, nàng cùng chàng đi trượt tuyết ở núi Aples thuộc Áo, nhảy điệu valse cùng chàng ở thành Vienne, tới Budapest để nghe những ca khúc mà người Digan biểu diễn…

Họ không giấu giếm mối quan hệ riêng và thế là cả thế giới đều biết về cuộc phiêu lưu tình cảm của thái tử xứ Wales với "bà Simpson". Cả thế giới, chỉ trừ… nước Anh! Chỉ sau đó giới thượng lưu ở "hòn đảo sương mù" mới được tận mục sở thị thấy ái nữ của thái tử xứ Wales tại dạ hội của quý bà người Mỹ Cunard, nơi tập trung mọi gương mặt tinh hoa.

Thái tử cùng Wallis ở cùng nhau rất nhiều thời gian, trò chuyện với nhau thường xuyên qua điện thoại nhưng dầu sao nàng vẫn có chồng, có nhà riêng, còn chàng với tư cách người thừa kế ngai vàng trong tương lai phải thực thi nhiều nhiệm vụ. Trong giai đoạn đó, đức ông chồng bị cắm sừng của Wallis đã bị chế nhạo trên báo chí. Bản thân ông cũng thú nhận với bạn bè: "Tôi có cảm giác như tôi đang cản trở bước tiến của lịch sử" (!)

Rồi vua cha, George Đệ Ngũ bị ốm nặng. Ngày 20/1/1936, thái tử xứ Wales đã qua điện thoại báo cho bạn tình rằng vua cha đã qua đời vào lúc một giờ đêm. Wallis với lệ tràn mi nói với chàng rằng, nàng hiểu là từ nay cuộc đời chàng phải khác. Và thái tử đã trả lời: "Sẽ không có gì làm thay đổi được tình cảm của ta với nàng!".

Trong những tháng đầu tiên ngồi trên ngôi báu, vua Edward Đệ Bát ít gặp gỡ với Wallis - ông đã phải chìm giữa biển việc công. Nhưng rồi ông cũng đã quyết định thông báo cho hoàng gia biết rằng, ông sẽ cưới Wallis làm hoàng hậu! Đó thực sự là một việc không dễ vì các vị vua ở Anh đâu có toàn quyền quyết định việc riêng tư.

Thế nhưng, vua Edward Đệ Bát đã không chùn bước. Ông ngày xuất hiện một nhiều hơn  trước công chúng cùng Wallis. Quan hệ giữa hai người ngày càng bị thêu dệt nhiều đồn đại. Nhà vua đề nghị ban cho ông chồng bị cắm sừng tước hiệu quý tộc. Có thể ông muốn làm theo tiền lệ như ở thế kỷ XVII, khi Roger Palmer được phong làm bá tước  xứ Castlemainen chỉ vì ông đã  chấp nhận việc vợ ông làm vui cho cuộc sống của vua Chales Đệ Nhị. Tuy nhiên, doanh nhân người Mỹ đã từ chối "vinh dự" đó.

Càng ngày vua Edward Đệ Bát càng cảm thấy ông không thể nào sống thiếu Wallis. Bản thân nàng cũng đã nhận thức được rằng, không có cơ hội cho hạnh phúc đích thực nếu họ vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ ngoài luồng như thế. Toàn bộ chính giới Anh đều chống lại một cuộc hôn nhân giữa đức vua với một thiếu phụ đã li dị chồng. Và vua Edward Đệ Bát đã tình nguyện thoái vị để giữ lại cho mình người tình mà ông cho là lý tưởng.

Ngày 10/12/1936, ông đã ký đơn thoái vị tại thành Belvedere. Và ngay tối ngày hôm sau, trở về với tước vị hoàng tử Edward, ông đã đọc bản diễn văn truyền thanh đi khắp đế chế Anh để giải thích quyết định của mình: "Tôi không thể mang trọng trách và thi hành nghĩa vụ quân vương nếu không có sự giúp đỡ và ủng hộ của người phụ nữ mà tôi yêu".

Rồi ông bỏ đi sang Áo chờ cho tới lúc Wallis hoàn thành thủ tục li dị chồng. Hoàng tử Albert, em trai của ông, đã lên ngôi, lấy danh hiệu là George Đệ Lục (ông chính là thân phụ của nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị hiện nay).

Sau khi lên ngôi, vua em George VI phong cho người anh thoái vị của mình tước Quận công Windsor. Ngày 3/6/1937, tại lâu đài Candé thuộc thành phố Tours (Pháp) đã diễn ra lễ cưới của cặp tình nhân lý tưởng. Quận công Windsor đã cấm không cho bất cứ đại diện nào của hoàng gia Anh dự lễ cưới.

Năm 1972, Quận công Windsor qua đời ở Paris vì ung thư cuống họng. Thi hài của ông được đem về Anh chôn cất trong nghĩa trang của hoàng gia. 14 năm sau, vợ ông cũng qua đời và được chôn cạnh ông với tấm bia đề: "Wallis, Quận chúa Windsor".

Mất ngôi báu, được tình yêu, thế cũng là quá nhiều!

Khánh Thiện
.
.