Đôi vợ chồng điệp báo

Thứ Ba, 09/03/2010, 14:03
Huyền Trang và Thanh Nga chính là mật danh hoạt động điệp báo của vợ chồng ông Phan Văn Thịnh và bà Lê Thị Yến.

Những ngày đầu xuân, thời tiết trở lạnh đến tê tái, tôi nhảy xe đò từ Đà Nẵng đi thành phố Đông Hà (Quảng Trị) để tìm đến căn nhà số 105 - quốc lộ 9B. Tiếp tôi trên gác 2 của một căn nhà xinh xắn là một người đàn ông có dáng vóc thấp đậm, nước da ngăm đen và giọng nói từ tốn, chậm đều... thoạt trông, không ai có thể ngờ được rằng hơn 30 năm trước, chính người đàn ông này cùng với người vợ thân yêu của mình đã mưu trí, khôn khéo, nhiều phen làm cho cơ quan an ninh quân đội Mỹ - ngụy ở Quảng Trị phải điêu đứng...

Chậm rãi rót tách nước trà đang tỏa khói thơm để mời tôi, người đàn ông ấy dường như chững lại, phóng tầm mắt về một nơi xa. Nhấp ngụm trà thật khẽ, ông kể cho tôi nghe về những năm tháng sóng gió của đời mình và của người đồng chí, người vợ hiền mà ông rất đỗi yêu thương.

Một buổi chiều se lạnh cuối năm Mậu Thân - 1968, tại trụ sở PRU (Provincial Reconnaisance Unit)- Đơn vị thám báo của quân đội Mỹ tại Quảng Trị. Qua hệ thống truyền tin, Huyền Trang nhận được một bức điện khẩn: "Quân đội Việt Nam cộng hòa đã mật phục và tiêu diệt được một "tên Việt Cộng cỡ bự" nằm vùng ở khu vực Rú Ràn, thuộc địa bàn xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Đối phương bị tiêu diệt lúc 17 giờ, hiện tại xác của tên Việt Cộng này đã được kéo về ngã ba Long Hưng".

Đọc xong bức điện báo của lực lượng tác chiến, Huyền Trang giật mình, tâm trạng nôn nao bồn chồn và anh linh cảm thấy rằng phía trước đang chờ đợi mình những chuyện không hay... Ngay lập tức, Huyền Trang khoác vội lên mình bộ trang phục của lực lượng thám báo, rồi cùng với một cố vấn người Mỹ nhảy lên chiếc xe jeep phóng như bay về phía hiện trường.

Đến nơi, Huyền Trang thấy rất đông binh sĩ của quân đội Việt Nam cộng hòa đứng vây quanh một thi thể đang được nằm ngay bên vệ đường. Khi chiếc xe jeep dừng lại, đám lính đủ thứ binh chủng kia dạt ra để nhường lối cho anh và viên cố vấn Mỹ bước tới. Anh cúi xuống nhìn thật kỹ vào thi thể "tên Việt Cộng" có nước da trắng mịn, bỗng dưng mắt anh nhòe đi. Nỗi tiếc thương như luồng điện chạy dọc cơ thể làm trái tim anh buốt nhói. Huyền Trang nhận ra "tên Việt Cộng" đang nằm bên vệ đường này chính là đồng chí Thu Lan (tức Bùi Từ), Thị ủy viên Quảng Hà.

Vừa trấn tĩnh mình vượt qua cơn xúc động, anh đứng khựng lại bên đường trong giây lát rồi vội vàng quay gót đi về hướng khác. Trong lúc đó, những người lính cộng hòa và viên cố vấn Mỹ vẫn cứ lật lên, lật xuống thi thể đồng chí Thu Lan. Anh vẫn nhớ như in lúc ấy trên cơ thể đồng chí Thu Lan vẫn còn buộc kỹ một bó tài liệu. Sau này kể lại, Huyền Trang vẫn không thể ngờ được rằng trong bó tài liệu cột trên mình người chiến sĩ hôm ấy có cả bản khai lý lịch vào Đảng của chính Huyền Trang.

Trở về trụ sở PRU nơi thường ngày anh vẫn làm việc, đặt mình nằm trên chiếc giường cá nhân mà anh thấy tâm trí rã rời: "Vậy là một đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Thị ủy Quảng Hà đã hy sinh trước sự truy kích tàn bạo của kẻ thù". Biết là mình chuẩn bị phải đón nhận những chuyện chẳng lành, thế nhưng, bản lĩnh của một chiến sĩ điệp báo luôn nhắc nhở anh rằng: "Phải hết sức bình tĩnh, dù có đối phó với bất cứ tình huống khó khăn nào". Nguyên tắc hoạt động trong lòng địch đã luôn nhắc nhớ anh rằng, dù có hy sinh tính mạng của mình cũng không được rời bỏ vị trí khi chưa có chỉ thị của tổ chức, của cấp trên.

Đêm ấy, Huyền Trang không tài nào chợp mắt, anh cứ ngồi lặng lẽ đốt thuốc, rồi đem khẩu súng K59 của đồng chí Nguyễn Văn Lương - Bí thư Thị ủy Quảng Hà trao tặng cho anh ra ngắm nghía. Khẩu súng ngắn này là kỷ vật của Thiếu tướng Trần Sâm quê ở làng Duân Kinh, Hải Lăng (Quảng Trị) tặng cho ông. Người Bí thư Thị ủy ấy đã trao lại cho Huyền Trang như trao gửi một niềm tin son sắt. Trong tâm khảm mình, Huyền Trang luôn xem khẩu súng ngắn kia là một báu vật cho dù hàng ngày tại trụ sở PRU bên người anh lúc nào cũng lủng lẳng một khẩu Colt 45 của quân lực Hoa Kỳ trang bị.

Không gian như chùng xuống, thời gian thì cứ chậm chạp trôi đi theo từng nhịp tích tắc của chiếc kim đồng hồ trên bàn anh làm việc. Nhiều lúc anh muốn bàn với Thanh Nga người vợ của mình: "Hay là ngay trong đêm nay mình sẽ thủ tiêu tất cả những gì liên quan đến công tác điệp báo, để đề phòng bọn an ninh quân đội Sài Gòn đánh hơi được sẽ ập đến để khám xét bất cứ lúc nào".

Sáng hôm sau, vẫn với sắc mặt bình thường như chẳng có chuyện gì xảy ra, Huyền Trang với bộ trang phục của đơn vị thám báo Mỹ có mặt đúng giờ ở nơi làm việc. Đến khoảng 11 giờ trưa, Thiếu tá Phan Rang - Trưởng phòng Nhì của Tiểu khu Quảng Trị cùng đi với một tiểu đội thám báo ập đến trụ sở PRU. Hóa ra, khi cơ quan tình báo quân sự tập trung để giải mã tập tài liệu thu được trên người đồng chí Thu Lan, chúng đã tìm thấy bản khai lý lịch vào Đảng của anh.

Ngay sau khi có mặt nơi anh làm việc, lệnh bắt khẩn cấp đối với Huyền Trang được ban bố. Biết trước điều sẽ xảy ra, anh tự tin đứng lặng để nghe những lời buộc tội từ phía kẻ thù. Ngay sau đó, chúng dùng một dải băng đen bịt mắt, rồi đẩy anh lên một chiếc xe jeep mui trần để diễu quanh khắp các góc đường thị xã. Đi đến đâu chúng cũng loan báo với dân chúng rằng vừa bắt được một tên Cộng sản nằm vùng hết sức nguy hiểm, tên Cộng sản đã khôn khéo chui sâu, leo cao trong hàng ngũ của bộ máy an ninh quân đội Mỹ... --PageBreak--

Việc phát hiện Huyền Trang là một chiến sĩ điệp báo của ta hoạt động trong lòng địch đã khiến cho những cố vấn Mỹ trong đoàn CORPS trực tiếp phụ trách trụ sở PRU và ngay cả những nhân viên an ninh quân đội Sài Gòn là người Việt hết sức hoang mang. Họ không thể nào tin nổi một thông dịch viên của đơn vị thám báo, kiêm đảm trách tình hình quân sự nội thành Quảng Trị, căn cứ quân sự La Vang lại chính là một tay Cộng sản với cái bí danh là Huyền Trang. Căn cứ vào những kế hoạch chuyển quân càn quét bị lộ; vụ đại đội thám báo và quận lỵ Triệu Phong bị Đội An ninh vũ trang Quảng Hà và Đội Đặc công K10 diệt gọn vào năm 1967, cùng với rất nhiều nguồn tin quân sự quan trọng khác bị lọt vào tay Việt Cộng, gây thiệt hại lớn đến bí mật quân sự và uy tín của Trung tâm thám báo PRU. Đặc biệt là việc chúng phát hiện ra Huyền Trang chính là tác giả của việc vẽ sơ đồ và hậu thuẫn cho vụ tập kích vào nhà lao Quảng Trị để giải phóng cho hơn 200 tù nhân chính trị vào ngày 5/4/1967...

Càng nhìn lại những thảm bại của mình, bọn chúng càng điên tiết và hạ lệnh cho bộ phận thẩm vấn tra tấn anh thật dã man để "cạy răng" con người đã chui sâu, leo cao vào hàng ngũ của chúng. Từ đó, những tháng ngày sóng gió của cuộc đời bắt đầu ập đến và Huyền Trang phải kiên cường chống đỡ. Cái thân hình nhỏ nhắn ấy bắt đầu bị kẻ thù áp giải qua hầu hết các trung tâm thẩm vấn khét tiếng ở Quảng Trị với không thiếu bất cứ đòn tra tấn dã man nào. Từ Trung tâm thẩm vấn cho đến Phòng Nhì của Tiểu khu Quảng Trị, từ Ty An ninh quân đội, Ty Cảnh sát, cho đến những phòng hoạch vụ đặc biệt. Bao nhiêu cuộc tra khảo, bao nhiêu lời dụ dỗ ngọt ngào, bao nhiêu hình thức tra tấn, từ việc dùng dùi cui đánh đập đến việc treo lên xà nhà, tra điện, đổ nước ớt trộn với xà phòng vào mũi, miệng rồi dùng chân đạp mạnh vào bụng cho nước tháo ra...

Huyền Trang đã trải qua không biết bao nhiêu những trận đòn cân não, biết bao nhiêu phen cái chết cận kề, ấy vậy mà với ý chí sắt đá của mình, với tấm lòng trung kiên với cách mạng, Huyền Trang đã không một lần sa bẫy. Những lúc tỉnh dậy sau những đòn tra tấn, nằm trong phòng biệt giam, anh luôn tự động viên mình và tâm niệm rằng: "Phải giữ vững tinh thần, dẫu có phải đánh đổi lý tưởng của mình bằng cái chết".

Cứ mỗi lần bị đưa vào tra tấn, hành hạ, anh lại nhắm mắt để nhớ lại lời căn dặn của đồng chí Phan Nguyện - người đã đưa anh đến với cách mạng, rồi những lời động viên, dặn dò của T.H, một đồng chí ở trên chiến khu mà anh đã gặp trong thời gian anh được tham gia lớp huấn luyện điệp báo... Biết là không và sẽ không bao giờ "cạy răng" được tên Việt Cộng gan lỳ này, chúng đành tống anh vào nhà lao Quảng Trị. Ở đó, bọn mật vụ đã nhiều lần cài người vào nằm chung một xà lim với anh để dụ dỗ, thế nhưng ý chí kiên trung trong con người anh vẫn không dễ gì thay đổi được.

Những ngày tháng nằm trong nhà lao Quảng Trị, anh lại được tiếp thêm sức mạnh quật cường của anh em tù chính trị. Cùng với anh em trong tù, Huyền Trang lại tham gia vào phong trào đấu tranh đòi quyền sống, nêu cao ý thức cách mạng trong chốn lao tù... anh đã cùng với những người bạn tù là: Quốc, Tiết, Long, Thêm... tranh đấu buộc bọn cai ngục phải nhượng bộ và chấp nhận những yêu sách của tù nhân chính trị...

Trước tình hình đó, bọn mật vụ quyết định phải cách ly anh. Vậy là chúng lại còng tay anh, áp giải anh đến Tòa án quân sự Vùng I chiến thuật của chính quyền Sài Gòn đóng tại Đà Nẵng. Ở đây, anh được gặp thêm nhiều anh là tù nhân từ Côn Đảo trở về, vì vậy anh như được tiếp thêm nhiều sức mạnh, anh tiếp tục cùng anh em đấu tranh chống chào cờ 3 que, chống ra tòa... cứ thế, sau một thời gian địch không làm gì được nên đành áp giải anh trở về tống giam ở nhà lao Quảng Trị.

Khi chiếc xe bịt bùng chở tù nhân từ Đà Nẵng ra đến Quảng Trị, trên đường trở lại xà lim, anh thật bất ngờ vì tại chốn lao tù này anh đã được gặp lại Thanh Nga cùng đứa con gái đầu lòng gần tròn hai tuổi. Nối được liên lạc với vợ, anh mới hay rằng, sau khi anh bị bắt, Thanh Nga cũng sa vào tay giặc và bị tống giam, con gái Thu Hồng đầu lòng của anh chị đã ra đời chính trong hoàn cảnh lao tù ấy.

Cũng như anh, không biết bao nhiêu lần chết đi sống lại trước đòn roi của địch. Thanh Nga vẫn sống, vẫn vững tin vào cách mạng, vững tin vào khí tiết của người chồng mà chị rất đỗi thương yêu. Trong chốn lao tù, nhìn thấy vợ và con gái ốm yếu gầy mòn anh nhiều đêm như thấy lòng mình đau đớn như bị dao cắt, muối xát... Thanh Nga cũng vậy, căm hờn, uất nghẹn khi thấy anh phải chịu đựng sự tra tấn tàn bạo của kẻ thù. Nhưng rồi, với niềm lạc quan, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của cách mạng, anh chị vẫn bí mật động viên nhau chịu đựng và luôn tin tưởng rằng vợ chồng anh chị là kết quả của một cuộc gắn kết vì tranh đấu. Từ khi anh chị còn là học sinh của Trường Trung học Nguyễn Hoàng - Quảng Trị cho đến khi anh khoác trên mình bộ trang phục của đơn vị thám báo Mỹ, Thanh Nga từ một nữ sinh cũng sớm được giác ngộ để trở thành một đường dây hoạt động cho cách mạng ở nội thành.

Đang sôi nổi kể chuyện cho tôi nghe thì phía ngoài cửa có một người đàn bà xuất hiện, anh lại nở một nụ cười trìu mến, rồi đứng dậy nắm tay người đàn bà giới thiệu với tôi rằng: "Đây là Thanh Nga của tôi". Tôi đùa với ông bà rằng: "Nếu ngày xưa du kích địa phương "làm thịt" ông bà rồi thì sao nhỉ?". Cả ba chúng tôi lại cười vang trong căn phòng một chiều đầu xuân giá lạnh...

Huyền Trang và Thanh Nga chính là mật danh hoạt động điệp báo của vợ chồng ông Phan Văn Thịnh và bà Lê Thị Yến. Sau chiến tranh, ông về công tác ở ngành văn hóa thông tin thị xã Đông Hà (nay là thành phố Đông Hà), bà công tác trong ngành Quản lý thị trường một thời gian rồi tiếp tục công tác trong ngành xuất nhập khẩu của tỉnh Quảng Trị.

Nay ông, bà đều đã nghỉ hưu, ba cô con gái đều đã thành gia thất, bà ngày ngày sống vui cùng mấy đứa cháu ngoại, còn ông vừa tham gia công tác từ thiện ở Hội Từ thiện tỉnh Quảng Trị kiêm luôn chức Phó Chủ tịch Hội Tù chính trị của tỉnh.

Ông khoe với tôi rằng, cách đây chưa lâu, ông được ra Hà Nội để dự Hội nghị kỷ niệm 60 năm ngành Tình báo và được Tổng cục 5 - Bộ Công an trao tặng Kỷ niệm chương.

Trời chiều, tôi chia tay với gia đình của đôi vợ chồng điệp báo năm xưa để trở về Đà Nẵng. Ngoài kia cái lạnh khô khốc của những ngày đầu xuân vẫn lặng lẽ tràn về. Chiếc xe khách cuối ngày lại đưa tôi đi qua những cánh đồng hoa cỏ, hình như có rất nhiều cánh én đang hồn nhiên chao liệng để vẫy gọi mùa xuân...
Phan Bùi Bảo Thy
.
.