Nhà văn Nga Vliadmir Karpov:

Đời tình báo nghiệp văn chương

Thứ Ba, 02/12/2008, 10:00
Nay đã 86 tuổi, một cuộc đời phong phú hiếm thấy. Ông để lại những pho tiểu thuyết ly kỳ về người tình báo quân sự, về những tướng soái lừng danh, cuốn hút người đọc từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng… Đó là nhà văn Nga Xô viết Vladimir Karpov.

Từ binh nghiệp đến văn nghiệp

Sau cuộc chiến tranh Vệ quốc, V.l. Karpov đã có hai bằng tốt nghiệp của Học viện Quân sự M. V. Frunze rồi làm việc tại Cục Quân báo từ 1954 - đó cũng là năm mà chàng sĩ quan Quân báo nhận bằng tốt nghiệp Khoa Tại chức của Trường Viết văn Gorky. Được một bậc thầy về chữ nghĩa là Paustovsky hướng dẫn, Karpov chuyển dần từ thơ sang văn.

Chính theo tiếng gọi của văn nghiệp mà viên sĩ quan Quân báo đã chuyển về lãnh đạo Trường Quân sự Tashkent, rồi chỉ huy sư đoàn và sau đó chuyển sang ngành Văn, nơi ông đã trình làng một số cuốn sách.

Nhận thấy một tài năng văn học đang ở độ chín, Moskva quyết định mời ông về trung ương, trước làm Phó Tổng Biên tập tạp chí Tháng Mười, sau chuyển sang làm Tổng Biên tập Thế giới mới - một tạp chí uy tín bậc nhất, có công khai sinh nhiều tác phẩm tâm huyết của các nhà văn nổi tiếng ở Liên Xô.

Năm 1986, tại Đại hội VIII của Hội Nhà văn Liên Xô, Karpov được bầu làm Thư ký thứ Nhất. Giai đoạn 1984-1989, Karpov là Đại biểu Xôviết Tối cao Liên Xô, từ năm 1989 là Đại biểu Quốc hội Liên bang Nga...

Sự nghiệp văn chương của Karpov đã được ghi nhận bằng những giải thưởng cao quý: Giải thưởng mang tên A. A. Fadeev (1975), giải thưởng của Bộ Quốc phòng Liên Xô (1977), giải thưởng Nhà nước Liên Xô (1986), giải "Đài thiên văn Vàng" (của Italy) và được phong Viện sĩ Danh dự Viện Khoa học Quân sự Nga, Tiến sĩ Danh dự Trường Đại học Tổng hợp Strathclyde (Scotland)…

Sau tập truyện ngắn đầu tay 24 giờ trong đời trinh sát (1960), Karpov liên tiếp công bố những tác phẩm về người bảo vệ Tổ quốc: các tập truyện và ký Những ngọn hải đăng của trung đoàn (1962); Chuyện của lính trinh sát (1964); Làm chỉ huy tóc sớm bạc (1965); Mất tích (1965); Bí mật (1966); Có những trinh sát viên (1970); Chân dung hạ sĩ quan (1972); Vẻ đẹp người lính (1973); Quả cảm không chỉ ở chiến trường (1981); Những tiểu thuyết otava (1963); Trận đánh vĩnh cửu (1968); Quyền trượng của Nguyên soái (1971); Bắt sống! (1975); Gươm kiếm đâu phải là duy nhất (1979); Thống chế (1985); Nguyên soái Zhukov. Những đồng đội và địch thủ trong chiến tranh và trong hòa bình (3 tập, 1994, 1996, 1999); Số phận bão táp của một trinh sát viên (1998); Những nguyên soái bị xử bắn (1999); Những tướng lĩnh được phong đặc cách (2 tập, 2002)…

Uy tín văn chương của Karpov được bồi đắp từ thiên phú và binh nghiệp, và mỗi tác phẩm của ông nhằm khắc họa sâu đậm tính cách của nhân vật chủ chốt, từ anh lính trinh sát đến những bậc tướng soái Hồng quân.

Trong các tác phẩm của ông, nhiều tài liệu bất ngờ làm nên những chi tiết sinh động về mối quan hệ con người giữa những nhân vật cao cấp, ví dụ - giữa vị nguyên soái lừng danh Zhukov với Tổng Tư lệnh Tối cao Stalin cùng nhiều vị lãnh đạo khác của nhà nước và quân đội Xôviết.

Từ lịch sử đến văn học chỉ có một lối nhỏ, như sợi dây thép mong manh… Nhưng, Karpov vẫn giữ vững lập trường trước sau như một: "Không đời nào tôi nói về Stalin như một nhân cách hết sức tiêu cực trong lịch sử nước nhà, vì Stalin là nhà chiến lược cuối cùng của nhà nước Xôviết".

Tình báo viên cự phách

Trong cuộc đời Vladimir Karpov, những ngày đầu chiến tranh được ghi lại tại một tờ tin mặt trận: "Nếu như hôm nay trung úy V.l. Karpov không tóm được cái lưỡi Đức nào, thì ngày mai anh tiếp tục truy lùng và chắc chắn sẽ mang tù binh về nộp đơn vị".

Quả có thế: chỉ một giai đoạn ngắn, khoảng tháng 8/9 năm 1943, trong chiến dịch Dukhovshino ở vùng Smolensk, Karpov đã cùng tổ trinh sát mở hơn 30 chuyến thâm nhập hậu cứ quân địch và bắt sống 35 tên tù binh.

Có một đêm, tổ trinh sát 8 người vượt qua vùng đệm, tiếp cận tiền phương, Karpov quyết định lợi dụng địa hình địa vật bò đến sát chân hàng rào rồi cùng các đồng chí của mình tiến sát đến lỗ châu mai của địch.

Thấy có đường dây điện thoại chạy dọc tường lô cốt, Karpov rút dao găm, cắt vừa đứt thì xuất hiện hai tên lính Đức đi tuần. Tên đi trước hỏi một câu gì đó, có lẽ, hắn tưởng đấy là người mình, của bên thông tin, đi kiểm tra đường dây, nên phải… ngã sõng soài - thì ra một đồng đội của Karpov đã manh động ra tay, chứ lẽ ra, phải tìm cách bắt sống.

Karpov buộc phải vọt lên dùng một cú song phi trấn tên lính Đức đang chạy, nhưng hắn khỏe lắm, vẫn đứng vững, đấm một cú vào mặt đối thủ rồi kêu rống lên. Đến nước này thì Karpov đành bắt hắn câm mồm vĩnh viễn… Động. Bọn Đức từ bên kia cánh cửa khép kín bắn đại ra ngoài để dọn đường. --PageBreak--

Anh binh nhì Makagonov tung một quả lựu đạn làm cánh cửa vỡ toang. Karpov liền đút qua lỗ cửa một quả lựu khói. Cần phải lọt vào trong hầm cố thủ để lôi những "cái lưỡi" từ đấy ra! Karpov quyết định áp dụng liệu pháp tâm lý: Trước tiên, anh ném tiếp về phía hầm cố thủ một trái lựu nữa, nhưng quả này anh không giật nụ xòe, rồi xông thẳng vào bên trong, nếu tên lính Đức nào còn sống sót trong hầm ắt phải hai tay ôm đầu nằm dán xuống đất…

Chỉ mất vài giây để lọt vào căn hầm cố thủ tối om, tay lăm lăm khẩu tiểu liên, Karpov đụng chân vào một tên Đức, bèn ngồi xuống kiểm tra, thấy hắn không còn sống, lại trườn đi, lẳng lặng sục sạo trong hầm.

Biết có vài tên đã chết, nhưng nghe có tiếng thở nặng nhọc từ ngách hầm bên kia, anh thận trọng tiến đến sát mục tiêu. Tên Đức không thể ngờ trong hầm cố thủ của bọn chúng lại có trinh sát của Hồng quân, nên khi bị ánh đèn pin bất ngờ rọi thẳng vào mặt, hắn rụng rời, mặt cắt không còn một hạt máu, không còn kháng cự gì nữa. Thế là Karpov tóm được một "cái lưỡi".

Những ngày cuối cuộc chiến, Karpov đang ở Vitebsk. Một hôm, anh được xe đến đón: Thủ trưởng Cục Quân báo là Tướng Aleshin cho biết: chỉ huy trưởng mặt trận I. D. Chernyakhovsky - người đã hai lần được phong Anh hùng nhưng mới 36 tuổi - muốn đích thân giao nhiệm vụ cho anh.

Người của ta ở Vitebsk vừa kiếm được một tài liệu vô giá - tập bản vẽ hệ thống phòng ngự "vách đá miền Đông" của bọn Đức. Trong điều kiện chiến trường không thể chuyển tài liệu đó bằng phương thức nào khác - phải vượt qua vòng lửa, lọt sâu vào hậu cứ của đối phương, gặp đúng người mình, nhận tập ảnh chụp các bản vẽ và đích thân mang về sở chỉ huy!

Và ngay đêm đó, nhận lệnh, Karpov đã lách được qua vùng lửa, đến gần sáng thì tới được Vitebsk. Tìm đến đúng điểm hẹn, ra mật hiệu, nhận được đúng hồi âm, gặp được người mình - đó là một cặp vợ chồng đang làm việc cho bọn Đức.

Thời gian nằm chờ, khi vợ chồng chủ nhà đi làm, anh trinh sát Hồng quân nhìn qua khe cửa mà thấy phát thèm: sờ sờ trước mắt là những "cái lưỡi" vô cùng ngon, đủ cấp bậc: trung úy, đại úy và cao hơn nữa cũng có, chỉ cần vài bước ra cửa là tóm được ngay. Nhưng lúc này, anh đang có nhiệm vụ khác…

Tối hôm đó, đi làm về, chủ nhà khâu cho Karpov một bộ quân phục Đức để dự phòng. Họ ngồi trò chuyện với nhau một lúc, ăn với nhau một bữa. Anh chủ nhà còn sợ đi đêm lạnh giá, lôi ra cút rượu, cụng ly chúc thành công, rồi mỗi người một ngả.

Đó là một trong những phố trung tâm ở Vitebsk đang bị địch chiếm đóng, có quán xá, nên bọn Đức đi chơi khá đông vào giờ này.

Giắt trong người khẩu súng lục luôn luôn ở chế độ đạn sẵn lên nòng, hễ gặp lính Đức đi tuần, anh chỉ có mỗi tờ giấy thông hành đưa ra trình báo. Có lúc gặp một tốp lính Đức vặn hỏi nhiêu khê, thấy anh phả ra hơi rượu vừa uống, chúng ép anh về trình chỉ huy, anh vừa ngật ngưỡng giả say vừa tranh thủ tìm lối tẩu thoát.

Thành phố Vitebsk đã tan nát sau bao trận oanh tạc của cả quân Đức, của cả quân ta. Đến một chỗ thấy còn lô nhô những bức tường nhà sập mái, anh giật lấy khẩu tiểu liên từ tay tên lính áp tải, hạ gục hắn rồi lặn mất tăm…

Vượt qua vùng giáp ranh lúc bấy giờ, nhất là lại mặc quân phục Đức - không phải chuyện đơn giản giữa mùa đông, tuyết trắng xóa. Karpov đã làm được một việc tưởng chỉ thấy trong màn ảnh: anh phi một đường dao găm khiến tên trực ban Đức đổ ngay, không kịp kêu một tiếng! Bật lên khỏi hào thì gặp dây kẽm gai, mà tiếng giày lính Đức lạo xạo trên tuyết mỗi lúc một gần.

Qua những hai lớp kẽm gai, Karpov đã bị cào rách bươm quần áo và nát cả da thịt, anh bất tỉnh. Đến lúc mở được mắt, thấy mấy tên lính Đức đang hí húi đào bới tuyết - chúng tưởng anh là một xác chết, định lôi về phần đất bên mình để chôn.

Nhân lúc chúng đang tập trung vào việc đào huyệt, anh lại lập một kỳ tích ở môn chạy 100 mét, khuất vào vạt đồi, khiến bọn Đức bên kia chấp nhận bó tay. Sang đến bờ ngòi bên quân mình thì anh lại ngất xỉu, lúc tỉnh lại bởi tiếng giày lạo xạo xung quanh, anh chẳng còn biết đó là quân phát xít hay quân mình nữa…

Nhưng lần này anh đã gặp may: Các điệp tình của ta ở Vitebsk biết hết mọi chuyện kể từ lúc anh bước chân ra phố và kịp thời báo cáo về sở chỉ huy. Cấp trên quyết định cử một số đơn vị ra vùng giáp ranh đón lõng tại tất cả các đoạn mà Karpov có khả năng xuất hiện.

Một tổ trinh sát đã tiếp cận được mục tiêu và cáng anh về trung đoàn bộ, từ đó báo cáo lên Tướng Chernyakhovsky rằng chiến sĩ tình báo Karpov đã hoàn thành nhiệm vụ trở về. Anh được cấp một chiếc xe trượt tuyết để về ngay bệnh viện dã chiến.

Trước lúc xuất hành, trung đoàn trưởng không quên dúi cho anh một bi đông rượu để khỏi chết cóng giữa đường, và thật tình, anh đủ sức đến trạm quân y tiền phương là nhờ bi đông rượu ấy. Đó là chuyến thâm nhập cuối cùng vào hậu cứ quân thù.

Xuất viện, Karpov được gọi lên Cục Tổ chức cán bộ nhận nhiệm vụ mới: "Chiến sĩ tình báo không có thời bình. Chiến thắng của chúng ta đã đến rất gần, bây giờ chuyển đồng chí sang tình báo chiến lược, đồng chí nghĩ sao?". Vậy là anh chuyển về lớp đào tạo sĩ quan tình báo.

Mãi đến tháng 6/1944, đã ở Moskva, Karpov mới biết là mình đã được phong Anh hùng. Đó chính là phẩm chất quý giá của nhà văn V.l. Karpov - một con người đã kinh qua khói lửa, thăng trầm, đã có kinh nghiệm 50 năm cầm bút, được công nhận là bậc thầy về văn học viết về chiến tranh và hai lần được phong Anh hùng!

Thật đáng mừng: bây giờ, ở tuổi 86, ông vẫn nuôi dưỡng ngọn lửa sáng tạo cho mình. Ngoài việc đều đặn lên sóng dẫn chương trình truyền hình "Chiến tích" dành cho chiến sĩ trẻ và sắp sửa cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết mới về vị chỉ huy cũ của mình: Tướng Chernyakhovsky…

Đăng Bẩy
.
.