Ứng cử viên Tổng thống của đảng Xã hội Pháp François Hollande:

Đối thủ cũng ưa

Thứ Ba, 08/11/2011, 15:22
Sau những sự cố không lấy gì làm hay ho với một trong những gương mặt từng được coi là nổi bật nhất trong giới chính trị tả khuynh ở Pháp là cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss Kahn, đảng Xã hội Pháp cuối cùng cũng tìm được một đại diện tương đối nặng ký để có thể “tỉ thí” với đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy trong cuộc chạy đua vào Điện Élysée năm tới.

Đó là nghị sĩ François Hollande, hiện đang là Chủ tịch tỉnh Correze. Trong vòng hai của cuộc bầu cử sơ bộ ngày 16/11 trong nội bộ đảng Xã hội với sự tham gia của số lượng kỷ lục các thành viên là gần 3 triệu người, ông Hollande đã thu được 56,50% số phiếu. Đối thủ của ông là bà Martine Aubry, cựu Bộ trưởng Lao động, đương kim Thư ký thứ nhất của đảng Xã hội và cũng là Thị trưởng thành phố Lille, đã chỉ nhận được 43,40% phiếu.

Hy vọng của cánh tả

François Hollande hiện đang được coi như một nhân vật có thể mang lại niềm hy vọng mới cho cánh tả Pháp sau ba lần thất bại liên tiếp trong các cuộc bầu cử Tổng thống vào các năm 1995, 2002 và 2007. Ông sinh 12/8/1954 tại Rouen, tỉnh lị của Seine- Martime thuộc vùng hành chính Haute-Normadie. Cha ông là bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng từng làm việc ở thuộc địa Algerie. Ngay từ khi còn là học sinh trung học, François Hollande đã tham gia các hoạt động chính trị.

Ông Hollande từng tốt nghiệp Khóa 75, Trường Cao đẳng Thương mại (HEC), Đại học Khoa học Chính trị (IEP) và Trường Quốc gia Hành chính (ENA). Đây là ba trong số các trường đại học danh tiếng nhất của nước Pháp.

Cũng trong những năm học ở ENA, ông Hollande đã làm quen và trở nên thân thiết với bà Segolene Royal, một phụ nữ rất lợi khẩu và có sức hấp dẫn lớn. Từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, hai người đã gắn bó với nhau trong một cuộc hôn nhân không giá thú. Mãi tới năm 2007, họ mới chính thức tách nhau ra để sống cuộc đời riêng của mình…

Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1981, chàng trai trẻ Hollande từng đứng ra đọ sức với ông Jacques Chirac ngay tại quê hương của ông này là Correze. Tuy thất bại, nhưng ông Hollande đã cương quyết không bỏ cuộc. Và cuối cùng, ông Hollande cũng đã trở thành nghị sĩ lần đầu vào năm 1988. Từ đó đến nay, trải qua nhiều chinh chiến nhưng ông vẫn là người bất bại và trụ vững trong quốc hội Pháp.

Trong đảng Xã hội, François Hollande đã thăng tiến khá nhanh. Tháng 11/1997, sau khi những người Xã hội Pháp giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn và thủ lĩnh đảng lúc đó là ông Lionel Jospin được Tổng thống cánh hữu Jacques Chirac đề nghị đứng ra thành lập chính phủ, François Hollande đã được đưa lên giữ chức Thư ký thứ nhất của đảng Xã hội. Khi đó, ông mới 43 tuổi. 

Trong suốt một thời gian không ngắn, ông đã không hề bộc lộ bất cứ một tham vọng chính trị lớn lao nào mà chỉ cố gắng thực hiện vai trò “một người em ngoan” của người tiền nhiệm. Ông Hollande đã rất chăm chú quán xuyến công việc để trong nội bộ đảng Xã hội không có ai nghĩ tới chuyện đứng ra ganh đua với ông Jospin.

Franc¸ois Hollande cùng các đảng viên Xã hội trẻ.

Sau khi ông Lionel Jospin thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2002, ông Hollande bất ngờ trở thành thủ lĩnh của đảng Xã hội. Những chiến thắng liên tiếp của đảng Xã hội dưới sự chèo lái của ông trong các cuộc bầu cử vào hội đồng nhân dân rồi vào Nghị viện châu Âu đã ngày càng tôn tạo thêm sự tự tin trong phong cách của ông Hollande. Mùa hè năm 2004, ông Hollande từng lên tiếng tuyên bố về khả năng ông ra tranh chức Tổng thống Pháp nhưng ngay sau đó, có lẽ nhớ tới câu thành ngữ Nga “lặng lẽ, sẽ đi xa” ông đã không bộc lộ công khai khát vọng này nữa.

Năm 2008, ông Hollande đã nhường lại cho bà Martine Aubry chức vụ Bí thư thứ nhất đảng Xã hội. François Hollande được đánh giá là một người vui tính, có tài ứng đối và hay tiếu lâm. Ngay cả những đối thủ chính trị của ông như vợ chồng cựu Tổng thống Jacques Chirac cũng dành cho ông nhiều cảm tình đến mức trong một cuộc phỏng vấn nhanh, ông Chirac nói là “sẽ bầu cho ông Hollande” làm Tổng thống.

François Hollande cũng được coi là một chính trị gia khiêm nhường và thậm chí là “cả thẹn”. Từ đầu chiến dịch vận động tranh cử, ông François Hollande tự cho mình là một người “bình thường”.

Tuy bị một số người trêu cợt nhưng người được cánh tả tín nhiệm cho rằng đặc tính “bình thường” là lá chủ bài có thể đánh bại đối thủ là đương kim chủ Điện Élysée, nhân vật được mệnh danh là Tổng thống “siêu nhiệm kỳ”. Theo một cuộc thăm dò dư luận của tổ chức BVA, trong thời điểm hiện nay có khoảng 54% số người Pháp được hỏi ý kiến tin tưởng ở ông Hollande. Tỉ lệ này ở đương kim Tổng thống Sarkozy chỉ ở mức 42%.

Sống “chung với lũ”

François Hollande từng có thời gian khá dài chung sống với bà Segolene Royal, hơn ông một tuổi, và cũng là  một thành viên rất có uy tín của đảng Xã hội. Người phụ nữ này sinh ra trong một căn cứ quân sự ở Senegal trong gia đình có người cha là cựu sĩ quan pháo binh. Cha mẹ bà sinh được 8 người con và trong đó, cả 3 cô con gái đều có tên kèm theo là Marie. Marie-Segolene Royal là người con thứ tư.

Về sau, bà đã bỏ chữ Marie trong tên họ của mình vì bà cho rằng, việc cha bà lựa chọn nó cho các con gái là do quan điểm cổ hủ nhằm hạ thấp vai trò của phụ nữ. Cũng chính bà năm 1972, ở tuổi 19 tuổi, Royal đã khởi kiện cha mình vì ông từ chối li dị vợ và từ chối trả tiền nuôi dạy và cho con cái ăn học.

Sự kiên nhẫn hiếm thấy đã giúp cho bà Royal thắng kiện cha mình sau nhiều năm hầu toà, ngay trước khi ông qua đời vì bệnh ung thư phổi năm 1981. Đấy có lẽ cũng là một người cha bất hạnh vì 6 trong 8 người con của ông, trong đó có cả Segolene Royal, đã dứt khoát không chịu gặp lại ông…

Chung sống với một người phụ nữ như vậy không phải là một việc dễ dàng với ông Hollande. Thế nhưng, hai người đã ở với nhau được hơn 30 năm và có với nhau 4 mặt con. Và chính bà Royal đã là một trong những người đầu tiên đi lên chúc mừng thắng lợi của ông Hollande trong cuộc họp của đảng Xã hội tối 16/10 tại trụ sở của đảng này.

Cũng phải nói thêm rằng, bà Royal cũng đã tham gia vòng một của cuộc bầu cử sơ bộ trong nội bộ đảng Xã hội và đã nhận được số phiếu đứng ở vị trí thứ tư. Năm 2007, bà Royal từng là ứng cử viên Tổng thống của đảng Xã hội và nhưng đã phải nhường bước cho ứng cử viên cánh hữu là ông Nicolas Sarkozy…

“Đồng chí” đối thủ chính của ông Hollande trong vòng hai bầu cử sơ bộ ngày 16/11 là bà Martine Aubry cũng đã lên trước để chúc mừng thắng lợi của ông trong buổi tối hôm đó tại trụ sở đảng Xã hội. Bà Aubry là con gái của chính trị gia thuộc đảng Xã hội Jacques Delors, người từng là Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính trong chính phủ của Tổng thống François Mitterand rồi sau đó, chuyển sang làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).

Trong suốt một thời gian dài ở Pháp, bà Aubry được gọi là “Mm 35 giờ” vì chính bà, trên cương vị Bộ trưởng Lao động trong nội các của ông Lionel Jospin, là người đã đưa ra đạo luật cắt giảm giờ làm việc trong một tuần xuống còn 35 giờ. Người Pháp hay so sánh bà Aubry với bà Thủ tướng Đức Angela Merkel và gọi bà là “Mm Merkel cánh tả”.

Đáp lại, bà Aubry nói đùa rằng: “Cả hai chúng tôi đều là những người nghiêm túc. Bà Merkel có một số vấn đề nhỏ với ông Nicolas Sarkozy. Trong chuyện này thì cả hai chúng tôi đều giống nhau”…

Tối 16/10, sau khi công nhận thất bại của mình, bà Aubry cũng đã ca ngợi ông Hollande và tuyên bố rằng bà sẽ dồn hết sức lực để đảm bảo cho ông Hollande đánh bại đương kim Tổng thống Pháp trong cuộc bầu cử vào năm tới. Theo nhận định của bà Aubry, “đằng sau sự năng nổ hình thức của chính quyền hiện nay, trông rất giống những trò phù hoa hội chợ, đã khuất giấu một chính sách thực dụng được tiến hành chỉ vì lợi ích của bộ phận được ưu đãi nhất trong xã hội. Đã đến lúc cần thay đổi chính sách này”.

Bà Aubry cũng nói: “Tôi muốn trả lại cho nước Pháp sự bình yên và sáng rạng, sự thống nhất của nó. Tôi muốn ai cũng cảm nhận được tương lai và ham muốn một số phận chung. Chính ở trong đó là bản chất của nước Pháp…”.

Chấp nhận khó khăn

Trong bài phát biểu tại trụ sở đảng Xã hội sau khi vòng hai bầu cử sơ bộ kết thúc tối 16/10, ông Hollande đã tuyên bố: “Đây là thắng lợi vĩ đại của dân chủ”, Ông cũng bày tỏ sự tôn trọng của mình đối với các “đồng chí” đối thủ. Và ông kêu gọi bà Thư ký thứ nhất Aubry cũng  như các ứng cử viên khác của hai vòng bầu cử sơ bộ “sát cánh bên nhau để cùng bảo đảm cho thế hệ mới người Pháp một tương lai tốt hơn”.

François Hollande hứa sẽ ủng hộ những người “không thể chịu đựng được tiếp” các chính sách của Tổng thống Sarkozy: “Tôi đã nghe thấy sự tức giận và quan ngại của rất nhiều người dân: tình trạng thất nghiệp, bất an trong công ăn chuyện làm, chi phí thuê nhà đắt đỏ và chăm sóc y tế đang ngày càng trở nên khó tiếp cận… Tôi cũng đã nhận thấy những quan ngại về tương lai chung của chúng ta: sự thất bại của toàn cầu hóa, sự thất bại của châu Âu và sự suy thoái môi trường…”.

Ông Hollande cũng nhận thức được rằng, cuộc chạy đua vào Điện Élysée tháng 4/2012 sẽ rất phức tạp: “Tôi nhận thức rõ về những khó khăn trong chiến dịch tranh cử sắp tới”. Và ông cũng cam kết sẽ trung thành với các nguyên tắc của dân chủ: “Một lần nữa nước Pháp phải tìm ra một kế hoạch, một kế hoạch mà sẽ giúp nước Pháp tìm lại tất cả ý nghĩa của nó”.

Ông lưu ý rằng, ông sẽ “đưa ra một tầm nhìn khác” trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình. Ông cũng nói: “Tôi muốn đem đến cho giới trẻ Pháp một tương lai tốt đẹp hơn tương lai của chúng ta; tôi muốn đem sự thần kỳ trở lại với ước mơ Pháp”

Khương Đình
.
.