Đôi lúc ngỡ ngàng, sao mất em

Thứ Năm, 04/01/2007, 17:15

Nhà báo, nhà viết kịch Nguyễn Ánh luôn sống hồn nhiên, chân thành, tốt tính với người đời bất kể đó là ai, chẳng nệ gì khôn dại, miễn là đúng với bản thân mình. Và cũng vì thế, nên đời ông không mấy bằng phẳng, có lúc ông còn gặp những "tai bay vạ gió".

Đã có một thời Nguyễn Ánh là gương mặt không thể thiếu được mỗi khi ta nhớ “sân” 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Khi ấy, tạp chí Sân khấu của Hội Nghệ sĩ Sân khấu đang trong thuở hoàng kim. Nguyễn Ánh là một trong những cây bút có bản sắc nhất của ấn phẩm này.

Ông cũng là tác giả của nhiều bài viết hay, cả khi rất ngắn, về các nghệ sĩ trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng khác. Tuy nhiên, điều làm tôi nhớ tới ông không chỉ là những bài báo. Tôi không thể quên ông được bởi phong cách sống đậm tình "đồng bệnh tương liêu" của ông trong những tình huống lắm khi rất oái oăm của kiếp nghệ sĩ.

Yêu nhiều, nhận có bao nhiêu

Bây giờ nếu muốn thu thập tư liệu về nhà báo, nhà viết kịch Nguyễn Ánh là điều không đơn giản. Mọi thứ liên quan tới công việc và tâm sự của ông nằm tản mát ở nhiều nơi. Sinh thời, ông vốn đông bè lắm bạn, toàn những tài danh một thuở. Ông viết về họ rất nhiều, từ đủ các góc độ và lúc nào cũng chân thành, hồn hậu, thiện chí. Không hiểu vì sao khi ông qua đời, bạn bè ông lại ít viết về ông? Phải vì họ quen nghĩ rằng, sinh nghề tử nghiệp, nhà báo nào cũng phải chịu số kiếp thế thôi!

Tôi cũng là nhà báo. Khi Nguyễn Ánh còn sống, tôi, kẻ hậu sinh, kém ông đúng hai giáp (24 năm, cùng cầm tinh con Hổ) được tiếp xúc với ông không nhiều, lại trong lúc đang gặp khó khăn nên không dám nói là biết nhiều về ông. nhưng tôi có cảm giác là tôi thấu hiểu ông, ở những nét căn bản nhất.

Tôi nhớ lần đầu giáp mặt ông ở nhà 51 Trần Hưng Đạo. Lúc đó, tôi đang bị vướng trong một mối tình nhiều màu sắc trái ngang, rất khó được dư luận đồng cảm. Thường là  người đời hay diễn giải méo mó về những mối quan hệ tình cảm như thế, có thể vì họ nghĩ rằng cần phải phê phán trên phương diện đạo đức, nhưng cũng có thể vì lòng ghen tị trước kẻ dám làm việc họ thích nhưng không dám công khai làm...

Tôi vốn lắm lòng tự ái nên hay "xù lông" trước những sự không hiểu mình. Mới thấy Nguyễn Ánh (ông mặc đồ nâu sồng và đi guốc mộc, trông "chẳng giống ai"; một dạo sau này, họa sĩ kiêm nhà thơ Lê Huy Quang hình như cũng có kiểu ăn mặc nâu sồng và đi guốc mộc như ông), tôi cũng chuẩn bị bản năng tự vệ quen thuộc. Thế nhưng, vừa thấy tôi, ông đã mỉm nụ cười thiện chí và như thấu rõ tâm can tôi, tức thì xoá bỏ mọi mặc cảm đang có trong lòng tôi.

Ông chẳng hỏi gì tôi về những tin đồn mà chỉ tâm sự nghề nghiệp với tôi và xem ra, ông rất thích thú với cách tư duy của tôi về đời và về nghệ thuật. Ông còn tỏ ra thực sự trọng thị tôi, một nhà báo trẻ, vào nghề chưa được bao lâu nhưng lại lắm sĩ diện. Hình như sự lịch lãm của một người phải trải qua quá nhiều vấp váp và sóng gió trong đời đã giúp ông dễ thông cảm hơn với những kẻ hậu sinh ít tài lắm tật như tôi, miễn là nhìn thấy trong đó một khát khao dâng hiến chân thành, cho việc chung hay cho một cá nhân thì cũng không quá quan trọng.

Sau này, giao tiếp với Nguyễn Ánh nhiều hơn, biết các chi tiết đời thường của ông nhiều hơn, tôi mới hiểu ra rằng, với tôi, ông là người "đồng bệnh tương liêu". Ông cũng luôn sống hồn nhiên, chân thành, tốt tính với người đời bất kể đó là ai, chẳng nệ gì khôn dại, miễn là đúng với bản thân mình. Và cũng vì thế, nên đời ông không mấy bằng phẳng, có lúc ông còn gặp những "tai bay vạ gió".

Nhà báo Nguyễn Ánh (thứ ba từ phải sang) cùng đoàn cải lương Hương Tràm (tỉnh Cà Mau).

May mà cuộc sống rốt cuộc cũng tử tế, không ai nỡ hành hạ quá đáng những người như Nguyễn Ánh. Tuy vậy, cũng có lần, trả lời phỏng vấn Báo Văn hóa, khi đồng nghiệp hỏi về bản thân ông, Nguyễn Ánh đã phải vân vi: "Về tôi ư? Đoạn trường lắm! Đoạn trường lắm! Cả trong cuộc sống riêng tư lẫn sự nghiệp mà tôi đeo đuổi hơn bốn thập niên rồi!..".

Sinh năm Mậu Dần (1938), Nguyễn Ánh đã dan díu cùng ánh đèn sân khấu từ năm 16 tuổi. Khi đó, tham gia đoàn kịch thanh niên Hà Nội, chàng trai Nguyễn Ánh đã được đạo diễn, thi sĩ Thế Lữ cho vào vai Kính trong kịch "Những người ở lại" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Mở đầu hanh thông với một bậc thầy nghệ thuật vừa có tài vừa có tâm như Thế Lữ đã giúp cho Nguyễn Ánh càng ngày càng say sân khấu. Ông tham gia khá nhiều vở kịch trên sân khấu nghiệp dư Hà Nội cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ trước.

Trưởng thành cùng với ông trong hoàn cảnh đó là hàng loạt những gương mặt nghệ sĩ mà bây giờ đã trở thành tiêu biểu cho nền sân khấu nước nhà, thí dụ như các NSND  Trần Tiến, Trọng Khôi, Doãn Hoàng Giang... Và trong số nhiều gương mặt nghệ sĩ tài danh hiện giờ có nhiều người được Nguyễn Ánh phát hiện và dìu dắt như Trần Ngọc Hạnh, Thanh Tú.

Một lời là một vận vào

Tới tuổi ngoại ngũ thập, Nguyễn Ánh vẫn tâm niệm: "Sân khấu là... cơm, là gạo... là lẽ sống đời tôi". Thậm chí, có lúc, ông còn cao hứng tuyên bố: "Nếu có một cuộc đời thứ hai, nghĩa là kiếp sau nữa, tôi vẫn xin được làm diễn viên!".--PageBreak--

Ông đặc biệt tâm đắc với những câu thơ đắc đạo trong "thánh đường sân khấu" của NSND Sĩ Tiến:

"Buông bức màn rồi danh vọng hết,

Người về trút lại mọi sầu thương.

Người vào cởi áo lau son phấn,

Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường..."

Thực ra, đời "con tằm nhả tơ", vinh hoa dễ trả nhưng đoạn trường thì thường "một lời là một vận vào" rất lâu. Vậy mà những người như Nguyễn Ánh vẫn lao vào nghiệp tổ như thiêu thân, như cánh buồm trong thơ thi hào Nga Mikhail Lermontov, ngỡ như giữa bão tố mới có bình yên!

Không chỉ là một diễn viên đầy bản sắc, Nguyễn Ánh còn thử sức mình cả trong sáng tác. Kịch bản "Kim Đồng" mà ông viết cùng Nguyễn Thành từng được giải thưởng cuộc thi kịch bản của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 1962. Gần cuối đời, ông còn hoàn thành kịch bản "Ông chúa cuối cùng" rất hấp dẫn với những nhân vật rất đỗi đặc sắc và tầm cỡ như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Phạm Thái và tất nhiên, cả chúa Trịnh Khải và mỹ nhân Đặng Thị Huệ... Tôi nhớ Phạm Thái trong kịch của Nguyễn Ánh đã nghênh ngang đọc thơ trước Nguyễn Du:

"Có chó cứ làm thịt,

Có rượu cứ nghiêng bầu,

Được mất trên đời đâu dễ biết,

Hay gì lo tiếng hão về sau!"

Còn Nguyễn Du trong kịch của Nguyễn Ánh thì lại luôn miệng khiêm nhường: "Tôi có tài cán gì đâu...". Cùng là những người thơ có tài nhưng mỗi người mỗi tính, xin đừng ai bắt các thi nhân phải giống nhau tính cách!...

Cũng trong những năm cuối cùng của đời mình, Nguyễn Ánh lại thêm một lần dan díu với nghiệp diễn viên, nhưng trong nghệ thuật thứ bảy. Mặc dù tự nhận mình chỉ là "linh tinh màn bạc" nhưng những vai diễn của Nguyễn Ánh trong các phim “Thủ lĩnh áo nâu” (đạo diễn NSND Trần Phương) hay vai Phô trong phim video "Đón khách" của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, dù chỉ là vai phụ thôi nhưng lại khiến người xem nhớ mãi...

Nguyễn Ánh mê sân khấu và điện ảnh lắm, thậm chí có lúc còn "thề độc", "với hai môn nghệ thuật mà tôi yêu và đau từ thuở đầu đời đến nay tóc tôi đã bạc, tôi vẫn cứ gắn bó cho mãi đến khi nào chấm dứt... tuổi trời cho này!".

Nguyễn Ánh đã từ trần đúng vào dịp cập xuân năm 2001, đúng hai ngày sau khi NSND Lê Dung đột ngột qua đời. Năm 2001 ấy thực quái ác: ba ngày sau khi Nguyễn Ánh mất thì đạo diễn, NSND  Nguyễn Đình Nghi cũng qua đời. Rồi hai tháng sau đó, lại đến lượt nhạc sĩ lớn Trịnh Công Sơn ra đi vào cõi vĩnh hằng... Không  biết có điềm gì trong đó không?

Là sao, dẫu chẳng là gì, vẫn sao

Nguyễn Ánh hiếu khách. Và rất thương bạn bè. Sinh thời, ông đặc biệt yêu quý  Lưu Quang Vũ, Doãn Hoàng Giang... Ông dành cho bạn bè mình những con chữ thắm thiết nhất:

"Nhớ thời nhiều dại ít khôn

Tóc xanh như khói, mắt buồn như mây.

Sàn nghiêng đón vết bụi giày,

Cơm lưng lửng dạ, túi đày đày thơ.

Óc phồng dự định ước mơ

Chẳng nghe mưa gõ gió lùa mái xiêu.

Mỗi thằng một nỗi trớ trêu,

Mỗi thằng có một ... người yêu phụ tình.

Chụm nhau đời bỗng lung linh

Thơ rung gác xép giật mình chim bay.

Kéo trăng xuống giữa cơn say

Tỉnh ra đầu ấm cánh tay bạn bè..."

Kẻ hậu sinh là tôi đọc thơ ông mà thấy cả tuổi trẻ của mình trong đó. Và thấy mình gần với ông hơn là vẫn tưởng. Trong tư duy của tôi, Nguyễn Ánh là con người vô tư, chính trực, sống không màng danh lợi mà chỉ muốn dâng hiến cho đời, cho nghệ thuật. Và cũng chính vì thế nên tất cả mọi người đã từng ở cạnh ông dù ít hay nhiều đều luôn nghĩ tốt về ông. Và thương ông. Trọng ông. Vì cả những thiệt thòi mà sinh thời ông từng phải chịu.

Mới đây, khi gặp nhà báo Nguyễn Trung Kiên, con trai của ông, tôi cảm thấy anh cũng gần gụi với tôi, ít ra là vì trong anh mang dòng máu một người nghệ sĩ mà tôi yêu quý. Kiên đã đọc cho tôi nghe bốn câu thơ mà cha anh đã tặng cho một người bạn gái cũ:

"Con trai đầu anh đặt Trung Kiên,

Lòng gắng nhủ lòng nhớ mà quên.

Như phấn hương xưa chưa phai nhạt,

Đôi lúc ngỡ ngàng sao mất em..."

Chúng ta ai trong đời chẳng có những khoảnh khắc thảng thốt như thế. Không rỡ ràng danh phận nhưng Nguyễn Ánh  vẫn là một nhân cách cao thượng. Thế giới này tồn tại và phát triển bền vững chính là nhờ những người như ông, chứ không hẳn đã nhờ những ai quá thành đạt và lừng lẫy. Và trong một lần đối ẩm với Nguyễn Trung Kiên, tôi bỗng nhiên thấy trong lòng mình vang lên những câu thơ mà hình như từ nhiều năm nay rồi tôi đã ấp ủ để tưởng niệm Nguyễn Ánh, một nhà báo, một nhà viết kịch lặng lẽ nhưng bền lâu dấu ấn:

"Kiên trì một lối mà đi,

Là sao, dẫu chẳng là gì, vẫn sao.

Ai người sống thấp mà cao,

Thế gian chỉ một nẻo vào tình yêu..."

Ngày 19/12/2006
.
.