Nàng thơ của đại thi hào Nga Puskin, Natalia Goncharova:

Đoạn trường ai có…

Thứ Năm, 14/10/2010, 15:03
Trong suốt một thời gian dài, giai nhân tuyệt thế Natalia Goncharova đã bị dư luận nghiêm khắc lên án vì chính nàng đã là nguyên nhân dẫn tới vụ đấu súng giữa chồng nàng, đại thi hào Nga Aleksandr Puskin với gã trai Pháp đào hoa lãng tử Georges d'Anthès, làm vĩnh viễn tắt đi "mặt trời thi ca Nga".

Đã có rất nhiều "quan tòa" cả ở thời nàng đã sống, cả ở trong đám hậu sinh. Nàng từng bị buộc tội lẳng lơ, nhẹ dạ, tàn nhẫn, vô tâm… Tuy nhiên, mọi sự không giản đơn như thế. Làm vợ một thi sĩ như Puskin, đó không bao giờ là việc nhẹ nhàng. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay…

Natalia Goncharova sinh vào tháng 8/1812 tại điền trang Karia thuộc tỉnh Tambov, nơi gia đình nàng sơ tán về từ Moskva vì cuộc xâm lăng Nga của hoàng đế Pháp Napoléon. Mẹ nàng, cũng nổi tiếng là một tuyệt thế giai nhân, từng làm thị nữ trong triều. Cha nàng là con của một chủ nhà máy dệt vải phíp tại tỉnh Kaluga

Natalia là người con thứ sáu trong gia đình. Cô bé Natasha (tên gọi Natalia một cách thân mật) đặc biệt được ông nội yêu chiều.

Thế nhưng, nếu ông nội hiền từ và dễ tính bao nhiêu thì người mẹ của mỹ nhân lại càng nghiêm khắc bấy nhiêu. Bà là người có tính quyết đoán và độc tài. Khi những người xung quanh trầm trồ trước vẻ đẹp và sự hoàn hảo đầy chất cổ điển trên gương mặt xinh xắn của cô con gái mới lên 8 tuổi, bà  chỉ làu bàu: "Con bé nó quá lành, không bao giờ làm gì sai quấy cả. Xưa nay, hồ nước càng lặng càng dễ có ma…".

Bà mẹ hay phát các cô con gái, hay bé xé ra to và có lần vì giận dữ đã đập vỡ cả con búp bê bằng sứ mà ông nội đã mua từ Paris về cho Natalia. Cô bé ngoan lành không dám tỏ ra đau đớn… Đôi mắt cô rất hay trào lệ nhưng trong gia đình, mẹ luôn cấm các con khóc, khác đi sẽ bị phạt nặng.

Puskin và vợ.

Người mẹ duy trì một chế độ giáo dục rất nghiệt ngã với các cô con gái vốn không thế thì cũng đã rất sợ bà rồi. Sống bên cạnh người cha cũng không phải là việc dễ chịu. Do một lần bị ngã ngựa nên ông đã bị suy giảm trí nhớ và chỉ trong những khoảnh khắc hiếm hoi mới lại tỏ ra tốt bụng, vui tính, như trước khi gặp nạn.

Tất cả những sự việc trên không thể không gây ảnh hưởng tới tính cách của Natasha. Nàng trở nên kiệm lời, thu mình lại và "quan ba cũng ừ, quan tư cũng gật". Sau này, những nét tính cách đó của Natalia Goncharova sẽ bị giới thượng lưu đánh giá là dấu hiệu của sự "thiển cận".

Thực ra, tất cả những người con trong gia đình Goncharov đều được hưởng một nền giáo dục hoàn hảo: họ được dạy tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Anh, các môn lịch sử, địa lý, ngữ pháp tiếng Nga và văn học; họ cũng được dạy việc nội trợ và cưỡi ngựa, khiêu vũ và chơi đàn dương cầm. Họ cũng mê chơi cờ vua. Không những thế, Natasha chơi cờ vua khá xuất sắc…

Gia đình Goncharov rất yêu thơ Puskin, thuộc lòng nhiều bài của anh, thậm chí còn chép cả thơ anh vào các tập album. Thế nhưng, có lẽ thời thơ ấu, Natasha không bao giờ nghĩ rằng, khi lớn lên, nàng lại gắn bó số phận mình với Puskin một cách chặt chẽ và bi thiết đến thế…

Ở tuổi 15, Natalia Goncharova đã được coi như là đệ nhất mỹ nhân tại các dạ hội thượng lưu ở Moskva. Nàng xuất hiện ở đâu cũng có vô số những trang nam tử hâm mộ tụ quanh. Nàng gặp Puskin lần đầu tại vũ hội tổ chức tại nhà vũ sư Yogel trên đại lộ Tviorsky mùa đông năm 1828. Khi đó, nàng mới 16 tuổi, còn Puskin đã ở tuổi 29.

Thời thanh nữ.

Đối với thời đó, nàng là một thiếu nữ có vóc dáng khá cao - 1,77 m (Puskin thấp hơn nàng 9 cm), ngực tròn căng, thắt đáy lưng ong, da mướt như nhung, tóc bồng như lụa. Là một tuyệt đỉnh thi sĩ, luôn được các mỹ nhân các lứa tuổi mến mộ, lần đầu tiên Puskin cảm thấy tim đập mạnh, chân run rẩy khi nhìn thấy Natalia.

Quá trình săn đón yêu đương đã kéo dài tới hai năm. Thoạt tiên, Puskin đã bị gia đình nàng từ chối. Bà mẹ vợ tương lai không thích những tai tiếng của nhà thơ trên tình trường và sự thiếu tin cậy về mặt chính trị trong quan điểm của Puskin đối với triều đình.

Natalia viết thư cho người ông nội yêu kính: "Cháu rất buồn khi biết những nhận xét không hay ho về anh ấy mà mọi người đã nói với ông và cháu xin ông hãy vì tình yêu dành cho cháu không nên tin vào những nhận xét ấy, vì đó không phải cái gì khác ngoài sự vu cáo thấp kém".

Puskin, như một thi nhân đích thực, đã yêu thì hết lòng. Anh đã viết tặng Natalia Goncharova nhiều tuyệt phẩm thi ca, như "Đức mẹ", "Chàng và ông"…  Để tăng thêm uy tín trước ông bà nhạc tương lai, nhà thơ cũng đã cố gắng cải thiện tình hình tài chính của mình.

Và nước chảy đá mòn, tới đầu tháng 4/1830, rốt cuộc Puskin cũng đã làm siêu lòng bà mẹ của Natalia. Ngày 6/5/1830, Puskin chính thức được công nhận là hôn phu của mỹ nhân. Lễ thành hôn của hai người được cử hành ngày 18/2/1831 tại nhà thờ Phục sinh ở phố Bolshaia Nikintinskaya.

Thật tiếc là trong buổi lễ này, Puskin đã không may vướng phải cái bục để cây thánh giá và tập Kinh Thánh, làm chúng rơi xuống đất. Khi cô dâu chú rể trao nhẫn cho nhau, một cái nhẫn đã bị rớt xuống đất. Và khi buổi lễ chưa kết thúc, cây nến thành hôn đã bị tắt… Puskin đã tái mặt đi và thốt lên: "Thôi rồi, toàn những điềm gở!".

Dù vậy, trong giai đoạn đầu của cuộc sống vợ chồng, hai người đã cực kỳ hạnh phúc cùng nhau, dù đôi lúc cũng phải chịu cảnh túng thiếu. Bốn đứa con đã được lần lượt sinh ra…

Mùa thu năm 1833,  gia đình Puskin chuyển về St. Peterburg sống. Tình trạng liên tục có mang của Natalia cũng không cản trở nhiều những sinh hoạt thượng lưu nhộn nhịp. Nhờ chồng được phong một chức danh nhỏ trong cung đình năm 1834 mà Natalia được tiếp cận với hoàng gia.

Điều này đã khiến nàng cảm thấy mãn nguyện hơn, bù đắp cho những cấn cá rụt rè nảy sinh từ khi nàng còn phải sống với cha mẹ mình. Nàng cũng cảm thấy hãnh diện khi ngay cả Sa hoàng Nikolai I cũng tỏ ra say mê nhan sắc của nàng…

Không thể nói rằng Puskin thích thú với những niềm vui mới của vợ mình. Anh đã muốn về quê ở để có thể sáng tác tốt hơn. Nhưng thật khó làm việc này. Nếu vợ của thi nhân không có mặt tại buổi vũ hội của Sa hoàng, chồng nàng ngay lập tức sẽ bị khiển trách nặng nề.

Nhan sắc cũng như những cử chỉ làm duyên trước những người hâm mộ mà Natalia không bao giờ coi là điều quá đáng đã làm dấy lên những đồn đại. Puskin đã nhận được vô số những lá thư nặc danh "kể tội" vợ anh này nọ trăng hoa. Tuy nhiên, thi nhân vẫn yêu vợ mình hết mực.

Trong con mắt của anh, Natalia vẫn luôn là biểu tượng của sự thuần khiết tột cùng nên anh không bao giờ muốn nghĩ điều gì đó xấu cho nàng, dù thiên hạ có nói ngả nói nghiêng bao nhiêu đi nữa. Cũng phải nói rằng, dù rất thích các sinh hoạt thượng lưu, Natalia vẫn là một người vợ tận tụy với chồng con, luôn cố gắng giúp đỡ nhà thơ trong mọi việc của anh.

Nàng luôn phải ngồi một mình ở nhà trong lúc chồng nàng, sau bữa ăn sáng giam mình trong phòng làm việc để sáng tác. Những lúc anh viết, nàng cố gắng duy trì một bầu không khí tuyệt đối yên tĩnh ở quanh anh, bắt các con cũng như những người ở phải kiễng chân mà đi cho khỏi tạo nên những tiếng ồn…

Năm 1834, tình cờ trong một vũ hội, Natalia gặp viên sĩ quan kị binh người Pháp 22 tuổi Georges d'Anthes. Những săn đón lịch lãm và nhiệt tình của d'Anthes đã khiến nàng có phần hãnh diện và nàng trung thực kể lại chuyện này với chồng. Thực ra, không phải lúc nào nàng cũng thích thú với những săn đón đó, thậm chí nàng còn có lúc cảm thấy khó chịu khi d'Anthes cứ sấn sổ tới gần nàng…

Nhìn chung, nàng chỉ đơn giản coi đó là một trò chơi thượng lưu nên không quá nặng lòng với nó. Thế nhưng, miệng lưỡi thiên hạ trong chốn thượng lưu cực kỳ nghiệt ngã.  Ngày 4/11/1836, nhà thơ nhận được qua đường bưu điện một lá thư nặc danh có nội dung vu cáo, xúc phạm tới danh dự của anh và Natalia, cho rằng anh đã bị vợ cắm sừng. Chuyện gì xảy ra tiếp theo, mọi người đều rõ.

Không còn chỗ để lùi, Puskin đã thách đấu súng với d'Anthes.  Nam tước Heeckeren (cha nuôi của d'Anthes) đã cố gắng để làm lui lại thời hạn đấu súng và Puskin thoạt tiên cũng đồng ý như vậy. Thế rồi lại có tin d'Anthes định cưới chị gái của Natalia là Ekaterina Goncharova làm vợ. Puskin cho rằng, d'Anthes muốn lảng tránh đấu súng nên đã không nhượng bộ nữa.

Ngày 27/1/1837 trên dòng sông Đen, Puskin đã bị d'Anthes bắn trọng thương. Phút lâm chung, anh đã viết cho người vợ đang cuồng loạn vì đau khổ: "Anh hạnh phúc làm sao. Anh còn sống và em đang ở gần bên anh. Em hãy bình tâm. Em không có  lỗi. Anh biết rằng em không có lỗi".

Sau khi Puskin qua đời, người góa phụ ở tuổi 24 đã sống quằn quại trong tuyệt vọng, gầy đi, xanh xao đi.

Natalia đã về quê ở hai năm liền theo đúng lời trăng trối của chồng: "Em hãy về quê. Hãy để tang anh hai năm rồi đi bước nữa, nhưng phải lấy một người đàn ông lương thiện". Hết tang, Natalia quay trở lại St. Peterburg, nhưng hoàn toàn từ bỏ các sinh hoạt thượng lưu. Hàng năm, cứ đều đặn đầu tháng giêng, tháng ra đi của chồng nàng, Natalia lại tự cách ly mình, ăn kiêng để hồi tưởng lại quá khứ.

Năm 1843, Natalia được giới thiệu làm quen với một người bạn của anh trai mình, tướng độc thân Lanskoi, 45 tuổi.  Tới ngày 16/7/1844 đã diễn ra đám cưới giữa hai người.

Ông Lanskoi coi những người con của vợ đã có với Puskin như con đẻ của chính mình. Ông cũng có thêm với  Natalia ba cô con gái nữa…Natalia đã nói về người chồng thứ hai của mình: "Một cái đầu nóng bỏng, một trái tim nhân hậu  tột cùng - cũng giống hệt như Puskin".

Nàng đã sống như thế cho tới phút trút hơi thở cuối cùng. Mùa thu năm 1863, Natalia bị cảm lạnh trong lễ rửa tội cho cháu. Và ngày 26/11/1863, nàng qua đời vì bị viêm phổi nặng. Trong phút lâm chung, nàng đã thầm thì: "Puskin, anh sẽ sống mãi!". Tuy nhiên, trên tấm bia mộ của nàng chỉ khắc họ Lanskaya của người chồng thứ hai.

Ai biết được, nàng có ngậm cười nơi chín suối hay không?

Khánh Hạ
.
.