Kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907-7/4/2012):

“Điều trọng đại phải nhìn xa mới thấy”

Thứ Hai, 16/04/2012, 16:09
Đó là câu thơ của nhà thơ Nga Sergey Esenin. Những nhân vật có tầm vóc lịch sử cũng không bao giờ đơn giản một chiều và càng nhiều thời gian trôi qua, chúng ta càng có điều kiện thấu hiểu hơn những đóng góp của họ vào tiến trình phát triển của dân tộc, đất nước và cả những góc độ khác nhau trong tính cách của họ.

Đọng lại cùng hậu thế sẽ là những ấn tượng tốt đẹp nhất mà họ đã để lại trong lòng những người may mắn đã có dịp được sống gần với họ. Cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn là một trong những nhân vật như thế.

“Ông 200 ngọn nến”

Đồng chí Lê Duẩn (1907-1986), hay Anh Ba như cách gọi trìu mến và kính trọng của đồng chí, đồng bào, là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, trưởng thành trong chính những biến động máu lửa của lịch sử dân tộc. Không được đào tạo nhiều trong trường lớp chính uy, ông đã tự học hỏi trong thực tế bằng cách riêng của mình. Cũng nhiều chiến sĩ cách mạng cùng thế hệ, ông từng bị thực dân Pháp bắt giam không chỉ một năm nhưng chính trong ngục tối, ông đã tích luỹ được thêm những ánh lửa tri thức (nhà tù ở thời nào và ở đâu cũng thế, bẻ gãy những tính cách yếu ớt nhưng lại chắp cánh bay cao, bay xa hơn cho những nhân cách phi thường).

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Lê Xuân Tùng kể lại: “Anh em trong tù rất thán phục nét độc đáo trong cách học, cách nghiên cứu của Anh Ba. Anh ghi chép ít, nhưng đọc và nghiền ngẫm, suy tư thì nhiều. Anh đào sâu tìm ra bản chất vấn đề, không dừng lại ở câu chữ. Anh liên hệ với cuộc sống, với hoạt động cách mạng, không giam mình trong sách vở. Đặc biệt khi thảo luận, trong lúc nhiều người nhắc lại bài giảng hay sách vở hoặc trích dẫn từng câu từng chữ, thì Anh Ba thường nêu ra những câu hỏi và những câu trả lời, lật đi lật lại vấn đề, diễn đạt bằng cách hiểu và ngôn ngữ của mình”.

Những ai từng gặp đồng chí Lê Duẩn đều có thể nhận ra đấy là một trí tuệ náo động của lữ khách luôn ở trong trạng thái trên đường tìm kiếm, hướng tới, tấn công, không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Nói theo cách của triết gia Pháp Decart: “Tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại”. Với ông, dừng lại nghĩa là kết thúc. Không ngẫu nhiên mà ông thường nói rất nhanh, thậm chí lắm khi còn nuốt tiếng nữa. Những người có tư duy sắc bén và nhanh nhạy thường hay nói nhanh và... viết chữ xấu, có cảm giác như những động tác cơ học luôn bị chậm so với dòng thác ý tưởng nảy sinh và vận động trong đầu óc và trái tim của họ!

Đồng chí Lê Duẩn biết cách tập trung tư tưởng cho những công việc lớn và ông cũng từng khuyên những đồng chí của mình: “Mỗi ngày cố tập thành thói quen cố tập trung tư tưởng chừng một giờ” vì “cái hại lớn nhất của người cán bộ là tản mạn tư tưởng”. Thế nhưng, ông cũng là người không bao giờ chịu thỏa mãn với cái đã có, đang có mà luôn tìm mọi cách để cải thiện, cải tiến hiện trạng.

Theo hồi ức của đồng chí Tô Bửu Giám, nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang, những người ở gần Anh Ba, “trong viết lách đều phải trải qua không ít lần “phá sản” khi biên tập những lời phát biểu của Anh. Anh em thường bảo: “Viết cho Anh Ba khó lắm. Viết thế nào cũng không đạt yêu cầu, cũng không vừa ý Anh”. Có lần đồng chí Lê Thám, Phó chủ nhiệm Chính trị Khu VII Nam Bộ đã nói thẳng: “Tôi ghi gần như tốc ký phát biểu của Anh. Về chép lại nguyên xi những lời đó. Nay Anh bác nữa. Thật hết biết cách nào để diễn đạt cho đúng ý Anh”.

Trước sự chân thành và thẳng tính rất đặc thù Nam Bộ này, đồng chí Lê Duẩn đã cười vui trả lời: “Tôi phải nghiền ngẫm để hoàn thiện những điều mình suy nghĩ. Không lẽ các anh không muốn cho tư duy của tôi phát triển hay sao? Các anh khi nghe phải động não, phải suy nghĩ để tiếp nối và phát triển hơn suy nghĩ của tôi. Không nên như một cái máy ghi âm thụ động”. Có chút gì đó hơi ngụy biện nhưng thực sự rất thấu tình đạt lý!

Có phương thức tư duy và hành động đúng đắn, cộng với nhân sinh quan cộng sản được hình thành và đào luyện trong đấu tranh cách mạng, đồng chí Lê Duẩn trong bất cứ tình huống nào, với bất kỳ đối tượng nào, cũng rất dễ thu phục được nhân tâm. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt kể: “Tôi đã được nghe nhiều đồng chí lãnh đạo trong Khu ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ nói về Anh. Mọi người, kể cả các nhà trí thức Nam Bộ tầm cỡ như Phạm Văn Bạch, Nguyễn Thành Vĩnh, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Hưởng, Ngô Tấn Nhơn... đều nói về Anh Ba với một thái độ kính phục và quý mến, gọi anh bằng biệt danh “Ông deux cents bougies” (nghĩa là “Ông hai trăm bugi”, “Ông hai trăm ngọn nến”) để diễn tả sức làm việc, sự sáng suốt, uyên bác của Anh. Bất cứ vấn đề gì, ở tầm nào, Anh Ba cũng đều có thể thuyết phục được bên đối thoại”.

Nước mắt rơi không làm nhòa lẫn công chuyện

Trong con mắt của đa số nhân dân, đồng chí Lê Duẩn là một chính khách cứng cỏi. Ông là người luôn làm việc theo chủ kiến của mình. Theo nhận xét của ông Đặng Xuân Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận trung ương, nét rất nổi bật của đồng chí Lê Duẩn là “phong cách tư duy độc lập tự chủ và sáng tạo”. Ông luôn cố gắng hành động theo hướng làm sao có lợi cho dân tộc, cho Tổ quốc.  Không thứ uy vũ nào có thể khuất phục được ông, dù nó xuất phát từ đâu và dưới danh nghĩa nào. Chống Mỹ, cứu nước đã trở thành phương châm hành động gần như của cả đời ông.

Nhà báo quá cố Thép Mới đã kể một mẩu chuyện như sau: “Vào một buổi sáng như thường lệ, Anh Ba sang nhà Bác báo cáo công việc và xin ý kiến Bác về một số vấn đề lớn. Ngồi vào bàn, Anh Ba không được vui như mọi ngày, óc mải nghĩ về một bức điện của một nước bạn. Bác vốn quan tâm tới mọi người, thấy Anh Ba nghĩ ngợi, Bác không thể không hỏi:

- Chú Ba hôm nay có điều gì suy nghĩ thế?

- Thưa Bác,- Anh Ba đáp, giọng xúc động lạ thường - ta phải đánh Mỹ, ta không còn con đường nào khác là phải đánh Mỹ, thế mà người ta cứ một mực ngăn không cho ta đánh...”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét, ngay cả sau khi Bác Hồ đã đi xa, “Anh đã cùng  Bộ Chính trị lãnh đạo quân dân cả nước giữ vững quyết tâm kháng chiến, tiếp tục chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng. Có lẽ càng nhiều năm tháng trôi qua và dòng chữ “Tối mật” sẽ càng bị loại bỏ khỏi nhiều cặp tư liệu thì chúng ta càng nhận thức rõ hơn vai trò không gì có thể thay thế được của đồng chí Lê Duẩn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Ngay cả trong những thời điểm không thuận lợi đối với chúng ta, ông vẫn là người thực sự công tâm và vị nghĩa, giúp làm giảm thiểu những thiệt hại và mất mát, bởi lẽ trong sâu thẳm tâm hồn, ông là người nhân nghĩa tới mức đôi khi trở nên đa cảm, mặc dầu hiếm ai được nhìn thấy những phút “xao lòng” hay “trữ tình” của ông. Cá nhân tôi chỉ duy nhất một lần được chứng kiến cảnh Bí thư thứ nhất BCH TW Đảng Lê Duẩn nghẹn ngào, đó là khi ông đọc điếu văn trong Lễ Tang Bác Hồ vĩ đại năm 1969 - khi ấy, cả dân tộc đã cùng ông nghẹn ngào trước nỗi đau vô tận và mất mát khôn cùng. 

Theo hồi ức của đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng, năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, chứng kiến thấy cảnh nhiều đồng bào và chiến sĩ ta quá hồ hởi với hy vọng vào việc nước nhà sau một hai năm nữa sẽ thống nhất, đồng chí Lê Duẩn đã trào nước mắt. Hơn ai hết, ngay từ lúc ấy ông đã hiểu rằng, mọi sự sẽ không đơn giản, kẻ thù của cách mạng Việt Nam sẽ không những không thực hiện nghiêm túc các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ mà sẽ dùng mọi thủ đoạn dã man và tàn bạo nhằm nhấn chìm phong trào yêu nước của đồng bào ta vào biển máu. Và thế là non sông đất nước ta sẽ còn bị chia cắt dài lâu. Tình hình về sau đúng như linh cảm của ông....

Trưa ngày 30-4-1975, quân ta chiếm được dinh Độc Lập, Sài Gòn được giải phóng. Đồng chí Lê Duẩn, theo hồi ức của chị Lê Thị Muội, con gái ông, “ngồi trong phòng làm việc một mình lặng lẽ. Người ngước mắt cười với tôi, rồi nước mắt bỗng trào ra từ đôi mắt thân thiết luôn ngời sáng”.

Đó không chỉ là những lần duy nhất mà nước mắt rơi trên gò má vị lãnh tụ. Đồng chí Ngô Thế Kiên, nguyên Tỉnh uỷ viên, nguyên Chánh văn phòng Tỉnh uỷ Bình Tri Thiên, nhớ lại: “Sau khi thống nhất  đất nước, lần đầu tiên Anh về thăm Quảng Trị là năm 1976. Anh về làng Hậu Kiên, ngủ lại đêm tại ngôi nhà tranh vách nứa ở Chợ Sải, nơi Anh sinh ra và sống tuổi ấu thơ. Sáng hôm sau, Anh đến thăm hầu hết các nhà trong làng, Anh gặp các cụ già, Anh vui với các cháu nhỏ. Lần đầu về thăm quê, Anh Ba rất xúc động, Anh không cầm được nước mắt trước cảnh phố xá bị hủy diệt, ruộng vườn đồng khô cỏ cháy, làng mạc bị tàn phá tiêu điều...”.

Đồng chí Lê Duẩn là vị lãnh tụ vừa biết lo cho cái chung nhưng cũng không quên những việc nhân nghĩa nhỏ. Ai làm ơn cho ông một lần là ông nhớ suốt đời. Ông lo cho cả nước nhưng cũng luôn đau đáu về quê hương Quảng Trị của mình. Đồng chí Nguyễn Vạn, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên-Huế, kể: “Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi được tiếp xúc với Anh Ba nhiều lần, nhưng có một lần làm tôi xúc động và ghi nhớ sâu sắc. Tôi gặp Anh tại phòng nghỉ ở nhà khách số 5 Lê Lợi. Tôi thấy Anh mệt, định cáo từ ra về, nhưng anh vội giữ lại, nói chuyện rất chân tình, rất cởi mở. Với giọng nói buồn buồn, Anh muốn khóc, Anh nói: “Mình về thăm quê, gặp bà con ở các làng xóm, ân cần thăm hỏi, thấy đời sống đồng bào quá khó khăn, trong kháng chiến họ hy sinh cả tài sản, tính mạng, nay đất nước đã được hoàn toàn tự do mà họ không đủ cơm ăn, áo mặc, nạn đói đang đe dọa, thấy vậy mà mình đau buồn...”.

Nước mắt rơi để giúp nhìn rõ hơn những nỗi đau nhân sinh trần thế. Có thể sinh thời, ông không làm được hết mọi việc cho đời như ông muốn hay như cần thiết nhưng ông, bằng mọi thành công và chưa thành công của đời mình, vẫn là một tấm gương sáng cho hậu thế soi chung

Trần Thanh Tịnh
.
.