Diễn viên điện ảnh, NSND Minh Châu: Tình thuở học trò

Thứ Ba, 26/07/2016, 12:21
Những ngày chăm anh, tìm cảm trong tôi vừa là người bạn thân, người yêu thuở đầu đời. Anh nghĩ tôi đến vì tình thương, vì trong anh luôn dấy lên nghi ngờ tôi đã có người khác. Khoảng hai tháng sau khi anh khỏi bệnh, chúng tôi không ai nói với ai câu gì, lặng lẽ chia xa...

Tôi từ giã gia đình để vào môi trường mới, môi trường nghệ thuật, niềm ao ước và hi vọng của hàng trăm hàng ngàn học sinh trên khắp cả nước. Lớp chúng tôi có 13 người, mà sau này đều là những khuôn mặt thành danh, những người góp sức không nhỏ vào nền điện ảnh đương đại của suốt những thập niên 70, 80 của thế kỉ trước: Phương Thanh, Thanh Quý, Thanh Hiền, Diệu Thuần, Bùi Bài Bình, Vũ Đình Thân. 

Bùi Cường ra dáng anh cả; Hữu Mười trông thư sinh; Nguyễn Quốc Trọng bé nhất lớp; Đào Bá Sơn trông tây tây… 

Vào lớp, tôi cảm thấy thân thiết ngay với chị Diệu Thuần và một bạn nữa tên Nga. Tôi thấy giữa tôi và hai người ấy có một sự đồng điệu, gần gũi. Chúng tôi chơi với nhau thân thiết như chị em và chọn ở chung phòng. 

18 tuổi, lần đầu xa gia đình, trước đây ở nhà tôi là em gái út nên được các anh chị cưng chiều; giờ ra thủ đô, tôi phải tự lập mọi thứ, tôi chưa thể thích ứng với môi trường mới và mỗi khi tủi thân tôi thường len lén khóc một mình.

Tính tôi lại hay hờn, hay dỗi, nói như chị Diệu Thuần là tính Châu đỏng đảnh khó chiều. Một lần đang trong giờ giải lao ngồi trong lớp học, anh Bùi Cường (đóng Chí Phèo trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy) khi ấy là lớp trưởng, gọi tôi ra giọng rất nghiêm trọng: "Châu ơi, ra đây anh bảo". 

Tôi không hiểu chuyện gì và đi theo anh. Ra đến sân anh nói: "Trong lớp có người nói với anh là người đó có tình cảm với Châu đấy, người đấy cứ phàn nàn với anh là Châu toàn gọi người đó là mày, xưng tao. Từ giờ trở đi Châu đừng gọi người đó là mày xưng tao nữa, không người đó buồn". 

Tôi cũng hơi ngạc nhiên và thích thú. Tôi đã biết người đó là ai. Cậu bạn khá thân trong lớp tôi, ngày nào chúng tôi cũng ở trên lớp cùng học hành và nô đùa nghịch ngợm, lại có tình cảm đặc biệt với tôi. Tôi thử hỏi trái tim mình, hình như tôi cũng đã bắt đầu thích bạn. Vì khi hai người không ở bên nhau, tôi nhớ bạn ấy.

Từ lúc anh Bùi Cường đến và nói với tôi như vậy, người bạn ấy gặp tôi nói chuyện ý tứ hơn, cái nhìn cũng chan chứa hơn. Tôi cũng bỏ xưng hô mày tao mà chuyển sang gọi tên của hai đứa. Bạn ấy cũng thích và vui vẻ. Chúng tôi càng thân thiết, hai đứa trẻ mới lớn lần đầu xa quê, xa gia đình như đôi sẻ non ríu rít suốt ngày, không muốn rời nhau, cứ như một đôi, một cặp. 

Sự việc đó không thể thoát khỏi những bạn khác trong lớp và thầy giáo chủ nhiệm, và các thầy bộ môn, cùng với đội sao đỏ nhà trường. 

Thầy giáo chủ nhiệm Lê Đăng Thực gọi tôi ra nói: "Là học sinh cùng lớp, các em không được quan hệ luyến ái, như thế là ảnh hưởng đến học tập, đến tương lai của chính các em, ảnh hưởng đến thành tích của lớp, ảnh hưởng đến danh dự của nhà trường…". 

Tai tôi ù đi, tôi cũng chả hiểu "quan hệ luyến ái" là gì?! Nhưng nghe câu đấy kinh khủng quá. Chúng tôi thân thiết với nhau lại làm "ảnh hưởng" nhiều đến vậy thì liệu chúng tôi có nên gần nhau nữa không? Nhưng không gặp nhau thường xuyên, chúng tôi nhớ nhau lắm. Tình cảm đó ngày càng lớn hơn lên, mặc cho lời thầy chủ nhiệm nói, chúng tôi vẫn len lén nhìn nhau và muốn ở bên nhau.

Thầy chủ nhiệm thấy lời thầy nói không có tác dụng gì với tôi và Mười, liền nói với thầy Đình Quang và thầy Khắc Lợi. Thầy Khắc Lợi gọi tôi ra làm công tác tư tưởng. 

Hồi đó, tất cả các sinh viên vào trường Nghệ thuật đều phải viết một bản cam kết, trong 5 năm học tại trường, chúng tôi không được yêu và sau 5 năm ra trường mới được lập gia đình. Như bao nhiêu sinh viên khác, cả tôi và bạn ấy đều viết bản cam kết, vậy mà bước sang năm học thứ hai chúng tôi đã phá vỡ quy định của nhà trường. 

Ban ngày  chúng tôi cùng học trong lớp, nhấp nhổm mong đến chiều buông xuống, hai chúng tôi sẽ tản bộ cùng nhau trên phố Hoàng Hoa Thám dài dằng dặc. Hai hàng sấu già với những thân cây cổ thụ sù sì tỏa tán rộng, phố phường yên tĩnh lắng đọng, chỉ có tiếng gió đêm và côn trùng rả rích.

Tôi và anh đi bên nhau kể cho nhau nghe những câu chuyện của tuổi thơ với một niềm nhung nhớ dâng đầy. Tôi nhớ về cái ngày nhà thiếu gạo, chị hai tôi giữ tay hòm chìa khóa trong nhà. Sau bữa cơm độn sắn được dọn lên mâm, chị tôi đứng ở cửa và ra hiệu, nếu chị giơ tay lên có nghĩa là mỗi đứa chỉ được ăn nửa bát nữa, chị hạ tay xuống là mỗi đứa chỉ được một lần xới. 

Tôi kể về anh cả tôi thương mấy chị em tôi đói khổ, thiếu gạo để ăn nên cứ tối đến là anh lại xách đèn dầu đi bắt ếch về làm thịt cho chị em tôi ăn. Nhà nghèo không có mỡ rán. Anh trai tôi làm thịt ếch với muối cho vào nồi đun nước lên. 

Thịt ếch không có hành mỡ tanh ói nên không ai chịu ăn, đến khi anh cầm cái roi đứng bên nồi ếch nói ai không ăn sẽ quất. Bị dồn ép mãi, lại sợ bị đòn nên mấy chị em tôi đành phải ngồi xuống ăn là lúc thịt ếch đã nguội, thêm mùi tanh ngai ngái nồng nồng. Mấy chị em gắp miếng thịt ếch mà nước mắt lã chã tuôn rơi. Tôi nhớ về cái ngày cả nhà đi sơ tán, ở cái lán đắp đất phủ mái che, mỗi khi trời mưa, mấy chị em tôi lại lấy tấm ni lông căng 4 góc màn cho nước mưa chảy xuống. 

Đến khi nước nhiều, nặng trĩu, tấm ni lông tuột ra đổ ụp nước xuống người chúng tôi, mấy chị em ướt lướt thướt như chuột lột, rồi vội vàng thay áo, cười rinh rích như vừa chơi trò gì hay lắm. 

Tôi kể về cái ngày hai chị em tôi đi ra ruộng gặp máy bay địch, mỗi chị em chạy nấp vào một gốc cây. Chả hiểu sao lúc đấy, tôi cười như nắc nẻ. Chị tôi ở gần đấy sợ hãi bảo tôi đừng cười nữa, không khi tôi cười nhe hai hàm răng ra, máy bay địch nhìn thấy răng tôi trắng sẽ thả bom xuống. Chị càng nói không cười tôi lại càng buồn cười, cười đến rung cả bụi cây. 

Những ngày đói khổ mà vui, ăm ắp bao kỉ niệm. Anh lặng nghe và chia sẻ với tôi. Đêm Hà Nội quá yên tĩnh, ánh sáng cũng mơ hồ huyền ảo, chúng tôi chầm chậm đi bên nhau, hương vị sáng trong của tình đầu.

Sự việc sẽ chẳng có gì nếu như vào một sáng, tôi và anh bị thầy gọi lên trước lớp kiểm điểm. Tôi và anh đều phải đọc bản kiểm điểm trước lớp. Mọi người nhìn chúng tôi, còn chúng tôi thì khóc. Tôi bị phạt đứng vào góc lớp và khóc ri rỉ, anh mắt cũng đỏ hoe. Suốt cả mấy năm học, ở học kì nào tôi và anh cũng phải làm bản kiểm điểm, cùng khóc với nhau. 

Đến năm cuối, khi các bạn trong lớp được xuống các nông trại để thực tế về nghề điện ảnh, tôi và anh không được đi vì hai người đang là học sinh trong diện "có lỗi mà mãi không chịu sửa". Tôi khóc và chán nản, trong những năm học đã nhiều lúc tôi muốn bỏ quách nghề nghệ thuật này đi, sao lại vất vả thế. Đến yêu cũng bị cấm. 

Đồ ăn hàng ngày chả có gì, tôi gầy và thể trạng rất yếu. Đã thế lại tâm tư chuyện yêu đương, lắm lúc tôi nản lắm, tôi thấy bế tắc. Đôi mắt của tôi lúc nào cũng đỏ hoe và nước mắt chỉ chực chờ tuôn rơi. Tôi cũng không bộc lộ mình sẽ là một diễn viên tốt. 

Thầy giáo chủ nhiệm bảo với tôi: "Tôi thấy lo cho em, với thể trạng thế này, không biết em có thể theo học được nghệ thuật không?". Tôi cũng đâm hoang mang và càng khóc nhiều hơn. Tôi khóc mọi nơi, mọi lúc, anh nhỏ nhẹ an ủi tôi.

Còn trong tình yêu lứa đôi, tôi đã nghĩ yêu ai yêu chỉ một người. Khi mình trao trọn trái tim cho ai thì mình sẽ lấy người đấy. Suốt đời suốt kiếp sẽ dành tình cảm cho một người, gắn bó mãi mãi và không bao giờ chia xa. Tôi đã nghĩ tôi và anh sẽ đi đến cuối con đường của tình yêu, sẽ cập bến hạnh phúc trên chuyến tàu mang tên định mệnh.

Nhưng, đó là tôi, còn ý trời lại khác. Tôi và anh chỉ có duyên nhưng không có phận. Một lần tôi được gọi đi làm bộ phim đầu tiên. Sau cả tháng đóng phim về, tôi nghĩ đến bộ mặt mừng vui khi hội ngộ tình yêu sau những ngày dài xa cách thì sự việc lại chẳng như tôi tưởng tượng. 

Anh mặt khó đăm đăm, chặn đường tôi giọng nặng chịch: "Châu trả lời đi, Châu có người khác rồi phải không?". Tôi vốn là đứa con gái bướng bỉnh, không quen là người phải giải thích. Yêu nhau phải hiểu nhau, tin nhau.

Tôi nói một câu cụt lủn với thái độ vùng vằng: "Phải", và rồi nhận ngay một cái tát nảy đom đóm mắt. Tôi xa xẩm mặt mày, tê dại. Từ trước đến nay không ai đánh tôi, không ai nặng lời với tôi. Tôi nhận cái tát đầu tiên này từ người yêu. Tôi lặng lẽ bỏ đi không nói thêm một câu nào.

Hôm đó là ngày 30 tháng 4 năm 1977 đường phố rực rỡ cờ hoa, loa phố phường hát những ca khúc cách mạng đầy khí thế sôi động, còn tôi thì tan nát cả cõi lòng. Tôi buồn vô hạn. 

Chỉ là sự hiểu lầm, nhưng tôi không muốn giải thích, càng không thể nói cho ra ngô, ra khoai sau khi nhận cái tát vô lí đùng đùng của người yêu. Mà sau này ngẫm lại, tôi biết đó là cái tát của tình yêu, của tình cảm ghen tuông mù lòa. Chúng tôi không còn đi bên nhau từ dạo đó. 

Sự hiểu lầm đẩy chúng tôi ra xa. Đến mãi bây giờ, mấy chục năm trôi qua, vào ngày 30-4 hằng năm mỗi lần đường phố cờ hoa rực rỡ, và bài hát ấy cất lên là lòng tôi lại day dứt, man mác buồn.

Cuối cùng rồi cũng đến ngày ra trường, lớp diễn viên được huy động kéo xuống Nam Định làm phim Ngày lễ thánh của đạo diễn Bạch Diệp. Tôi và anh cùng chuyến đi ấy. 

Được ít hôm tôi trở lại Hà Nội để casting vào phim Sao tháng Tám, còn anh ở lại đoàn làm phim. Một tối, cơn bão biển đổ vào đất liền đánh sập ngôi nhà nơi đoàn làm phim đang ở, anh ở trong phòng bị dầm nhà rơi xuống trúng chân, bị thương rất nặng, ngay đêm ấy phải đưa ra bệnh viện Hà Nội cấp cứu. 

Nghe tin dữ, tôi lao ngay tới bệnh viện. Mặt anh phù to đến nỗi tôi chẳng thể nhận ra, chân bó bột nằm bất động, chỉ có ánh mắt là he hé nhìn tôi. Anh không có ai thân thích ở Hà Nội. Tôi lặng lẽ cặm cụi chăm sóc anh ngày hôm ấy và cả những ngày dài sau đó. 

Những ngày chăm anh, tìm cảm trong tôi vừa là người bạn thân, người yêu thuở đầu đời. Anh nghĩ tôi đến vì tình thương, vì trong anh luôn dấy lên nghi ngờ tôi đã có người khác. Còn tôi thì lại hoàn toàn im lặng, nhất quyết không nói gì. 

Khoảng hai tháng sau khi anh khỏi bệnh, chúng tôi không ai nói với ai câu gì, lặng lẽ chia xa. Đến giờ đã qua đi mấy chục năm, hai đứa đều đã có cuộc sống riêng, chúng tôi vẫn là những người bạn thân.

(Ghi lại lời kể của Nữ diễn viên điên ảnh, NSND Minh Châu)

Trần Mỹ Hiền
.
.