Diễn viên Nguyễn Hậu: Thanh đạm sống với đời

Thứ Hai, 01/08/2011, 15:38
Gương mặt thật như đếm, ông ăn cơm điện ảnh cũng đã ngót 30 năm trời. Mà chuyên đóng vai phụ. Nhưng khán giả chẳng thể nào quên một Nguyễn Hậu diễn như không diễn, hóa thân vào nhân vật một cách tự nhiên và có nghề. Phía sau màn ảnh là một Nguyễn Hậu khác - trải qua bao thăng trầm trong cuộc đời. Tuổi ngoài năm mươi, ông vẫn sống trong một căn nhà trọ. Dường như cơm nghệ thuật chân chính chỉ đãi ông một cuộc sống thanh đạm như vậy mà thôi...

"Tính tôi không dịu được"

Định cùng ông ngồi ở một quán nhậu nho nhỏ nào đó lai rai vài chai bia rồi trò chuyện cho thêm phần rôm rả, nhưng ông bảo thôi giờ ông không uống bia rượu nữa vì ông đang bị bệnh viêm gan C nhẹ, rồi ông dẫn vào một quán cà phê nhỏ xíu trong một ngõ nhỏ gần nhà ông thuê ngay cầu Kinh ở khu Thanh Đa và cũng là ngay gần ngôi nhà mà vợ chồng ông bất đắc dĩ phải bán đi mấy năm trước.

Với những người ở tuổi của ông (như lời ông thì ông mang "tuổi chịu oan", giấy khai sinh là ngày 6/1/1954 nhưng tính theo lịch âm là ngày 2/12/1953, tại Sa Đéc, Đồng Tháp) nhiều người lúc đầu sẽ nghĩ ông ít nói và nói câu nào chắc câu đó. Nhưng trong suốt câu chuyện, ông là một người hoạt ngôn, nói liến thoắng, hầu như chẳng giấu giếm điều gì. Ông kể rổn rảng về cuộc đời thăng trầm của mình. Nói chuyện đóng phim thì mặt đỏ lên, càng nói càng hăng.

Nguyễn Hậu chấp nhận mọi sự đến với mình như một lẽ thường phải đến, như số phận đã run rủi cho ông, dù biết bao khó khăn, cực nhọc. Có lúc ông cũng gần như kiệt sức, nhưng ông vẫn bình thản đón nhận.

Từng là một diễn viên kịch nói rồi do cái duyên run rủi, ông đã gắn bó với điện ảnh - truyền hình, đến tết này là tròn 30 năm trong nghề. Ông gia nhập Đoàn Ca múa kịch Cửu Long từ năm 1977, được học các khóa tập huấn, theo các thầy học cách làm phim, rồi dần dần nhiều đạo diễn đã mời ông tham gia phim với các vai phụ.

Bộ phim đầu tiên ông tham gia là Chiếc vòng bạc (đạo diễn Lam Sơn), sau đó lần lượt nhiều phim nữa. Niềm đam mê điện ảnh ngấm vào ông từ lúc nào không hay đã khiến ông quyết định rời Đoàn Ca múa kịch Cửu Long lên ở hẳn Sài Gòn từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước và ông trở thành người của điện ảnh cho tới nay.

Nhắc đến Nguyễn Hậu, phải nhắc đến các vai ông đã từng đóng góp, tạo nhiều ấn tượng sâu sắc cho khán giả như: Hải cầu Móng (phim Xóm nước đen), trùm mật vụ Dương Văn Hiếu (Ông cố vấn), Hai Gọn (Mảnh đất tình đời) và nhất là vai chính thầy giáo Tành trong bộ phim Thung lũng hoang vắng…

Ngoài ra, ông còn khá nhiều vai phụ khác ấn tượng không kém trong các phim Người Mỹ trầm lặng (phim Mỹ), Mười (phim hợp tác với Hàn Quốc), Dòng máu anh hùng, Đất phương Nam… Xuất hiện ở nhiều phim, ông không quan trọng vai chính phụ, lớn nhỏ, bất kỳ vai nào ông cũng nghiên cứu kỹ lưỡng về vai diễn để hóa thân vào nhân vật một cách sâu đậm.

Ngoài việc chính đi đóng phim, ông còn theo các đoàn phim làm nhiều vị trí, từ kịch vụ, trợ lý đến phó đạo diễn, rồi cả chủ nhiệm, ai gọi đâu làm đó, ông lao vào công việc, vì nói thực ra ông chỉ mưu sinh cho bản thân và gia đình bằng chính công việc làm phim ảnh của mình.

Nhưng cũng có thời gian ông tham gia viết báo những bài kiểu "Theo chân đoàn làm phim" ghi nhận nội dung phim, những chuyện hậu trường của phim mỗi khi ông tham gia diễn hay làm những công việc khác cho đoàn phim. Công việc này cũng giúp ông có đồng ra đồng vào, hơn nữa là ông không phải từ bỏ đam mê điện ảnh của mình dù nó cũng chẳng nhiều nhặn gì.

"Tết này là tôi tròn 30 năm gắn bó với nghề, từ phim đầu tay năm 1982 cho tới giờ thì công việc chỉ giúp tôi đủ sống tối thiểu thôi, giàu có là không thể, nhưng tôi vẫn hài lòng vì tôi được làm công việc mà mình đã chọn và đam mê, chưa đến nỗi bị nó hắt hủi, dù không đến mức "chạy show" đầu tắt mặt tối, nhưng được cái là năm nào tôi cũng tham gia 5, 6 phim, có năm đến 8, 9 phim. Tuy vẫn có những giai đoạn thăng trầm, vất vả khó khăn nhưng đều qua hết", Nguyễn Hậu chia sẻ.

Như đa số diễn viên ở khu vực phía Nam, ông không thuộc biên chế của hãng phim nào cả, ông hoạt động tự do, cứ có phim kêu, ông nhắm thấy được là tham gia. Ông bảo nếu diễn viên lâu năm thì được tham gia vào Hội Điện ảnh thành phố hay Hội Điện ảnh trung ương vậy thôi, chứ mọi thu nhập của ông đều dựa hết cả vào việc đóng phim rồi làm thư ký, phó đạo diễn… "Tôi biết bây giờ có rất nhiều anh chị em diễn viên vẫn còn ở nhà thuê, họ không có đủ tiền để mua một căn hộ thu nhập thấp, trong đó có cả tôi nữa", ông bộc bạch.

Hỏi ông sân khấu kịch phía Nam đang phất lên, sao không cộng tác để có thêm thu nhập, ông có vẻ dịu giọng: "Đúng ra thì cũng có một vài lần tôi định nói với một số anh em quen như Công Ninh… nhờ kéo qua, nhưng mà dường như có những điều tế nhị riêng của ngành đó và mình cũng phải thuộc một cái ban bệ nào đó mới có thể chen được vào, hoặc nếu họ kết mình may ra mình mới vào được. Nhưng nói thật tình, tôi hay nói thẳng nói thật lắm, thấy chuyện chướng tai gai mắt là tôi không nhịn được, có lẽ vì thế mà cũng có nhiều người không ưa tôi lắm đâu, nhiều khi họ sợ nếu đưa mình vô lỡ có chuyện gì tôi làm um sùm lên thì đổ bể hết. Nhưng thực tế, ai đã ưa và hiểu tôi rồi chắc chắn họ sẽ thương mến tôi mãi mãi".

Biết là tính tình thẳng thắn nhiều khi cũng không có lợi cho mình nhưng ông bảo không thể dịu lại được. "Đến lúc tôi nghĩ nên dịu đi một chút thì mình già rồi, tôi nghĩ xưa nay mình vậy rồi, sống khác đi không được, giờ có giàu hay nghèo thêm thì tính mình cũng vẫn thế, chẳng phải người ta đã nói "giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời" hay sao", ông giãi bày.

Hai tờ vé số độc đắc trút được nợ nần…

Cuộc đời ông trải qua bao phen lận đận, thăng trầm tưởng rằng sau bao năm dành dụm cộng với số tiền mẹ ông bán miếng đất ở quê, vợ chồng ông đã mua được miếng đất rồi cất nhà ở khu Thanh Đa - căn nhà mơ ước của vợ chồng ông khá nhỏ - bề ngang 3m, chiều dài 7m - để sống yên ổn, nhưng rồi mọi chuyện đã diễn ra bất ngờ ngoài sự tưởng tượng của ông.

Quả thực ông lên Sài Gòn cuối năm 1989 và phải mãi đến năm 1996 (sau thành công của bộ phim Đất phương Nam), vợ chồng ông mới thoát kiếp ở mướn sau bao năm, nhưng sự ổn định chỉ kéo dài được khoảng 9 năm. Tất cả là do cô con gái duy nhất của ông đã giấu ông vay tiền làm ăn nhưng bị thua lỗ nặng, không còn cách nào có thể xoay được tiền để trả nợ giúp con, giải pháp cuối cùng ông nghĩ đến là phải bán nhà.

Nghĩ vậy nên ông quyết định bán nhà rất nhanh vì lúc đó ông chẳng còn biết tính đường nào nữa, mặt khác ông cũng hơi duy tâm một chút vì ông nghĩ bán nhà có tiền để thoát được khoản nợ lớn đó rồi từ đó tới lúc chết mà không gầy dựng lại nổi nữa thì ông sẽ xem mọi chuyện là do cái số của mình.  

"Sau khi bán nhà, 10 phần nợ cũng đã trả được tới 7, 8 phần vì thế nợ vẫn còn một ít chưa trả hết, tôi cũng rầu lắm nhưng không biết phải làm sao. Đúng lúc khó khăn nhất thì buổi sáng một ngày kia đang ở nhà, tôi đi ngang qua chỗ để tivi (lúc đó vợ chồng ông đang thuê một căn nhà nhỏ ở Gò Vấp) thì thấy hai tờ vé số được một cục đá nhỏ hình con voi dằn lên không nhớ mua lúc nào chắc cũng để gần cả tháng mà tôi không để ý tới, đưa tay rút hai tờ vé số ra coi biết là chưa dò, nên tôi bỏ vào túi áo định bụng để lúc nào đi dò xem sao.

Hôm sau tôi có việc đi xuống hãng phim Giải phóng thì gặp một số người bạn ở đây rủ đi uống cà phê. Lúc ra quán thì có thằng bé bán vé số đi ngang qua mời mua, thấy vậy tôi bảo nó đưa tôi tờ dò số mà tôi cũng làm biếng dò nên mới đưa cho người bạn ngồi bên cạnh nhờ dò giùm. Nó ngồi dò, tự nhiên nó la làng lên "trời ơi ông trúng độc đắc rồi ông Hậu ơi!".

Thấy thế, một người bạn ngồi đối diện bảo đưa xem đừng có hù người ta, người này xem rồi cũng la lên bảo tôi trúng độc đắc thật rồi. Tôi nghe mà như không tin vào tai mình nữa, do đang mệt mỏi quá nhiều, nợ nần bủa vây nên tôi vui mừng quá đỗi vì với số tiền đó tôi sẽ trút bỏ được gánh nặng nợ nần. Lập tức tôi điện về nhà báo cho vợ tôi biết, vừa nghe tôi nói là bà ấy bật khóc, vừa hỏi chuyện bà ấy vừa sụt sịt rồi ngay sau đó bà ấy ra bàn thờ mẹ tôi thắp nhang lạy tạ ông bà tổ tiên đã phù hộ cho vợ chồng tôi thoát kiếp nợ nần", ông kể mà như reo vui.

Và chính nhờ hai tờ vé số trúng độc đắc (hồi đó một tờ trúng độc đắc là 50 triệu đồng, sau khi trừ 10% thuế, ông được lãnh 90 triệu đồng) mà vợ chồng ông đã trả được toàn bộ nợ nần.

Năm 2005 có lẽ là thời điểm tận cùng của sự túng quẫn của gia đình ông - phải bán nhà trả nợ nhưng cũng trong năm đó, sự may mắn - trúng độc đắc - đã tìm tới gia đình ông giúp cho ông thoát kiếp nợ nần, dù vẫn ở nhà thuê. Sau khi bán nhà, bốn năm đầu vợ chồng ông cùng con gái thuê nhà ở Gò Vấp nhưng rồi ông thấy không tiện lợi cho công việc nên hai năm trở lại đây vợ chồng ông chuyển về thuê nhà ở gần chỗ nhà cũ đã bán ngay gần cầu Kinh - Thanh Đa. Căn phòng nhỏ biệt lập rộng chỉ khoảng 20m2, có thêm cái gác xép, tiền thuê khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, thêm tiền điện nước nữa, tổng cộng cũng khoảng gần 2 triệu đồng.

Vợ ông trước kia làm thủ kho, kế toán cho một công ty TNHH, nhưng đến khi công ty giải thể, ông bảo bà lớn tuổi thì ở nhà nghỉ ngơi, cơm nước cho ông chứ không đi làm nữa, lúc đó con gái ông cũng gần đi lấy chồng và công việc đóng phim của ông cũng có thu nhập khá ổn, vì thế vợ ông nghỉ việc từ đó tới nay.

Còn con gái ông sau bao biến cố cũng đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định, ông bảo giờ cần gì thì con gái ông đã có thể giúp lại vợ chồng ông. Hiện vợ chồng ông còn có thêm một công việc mới là trông giữ đứa cháu ngoại thứ hai mới hai tháng tuổi (đứa cháu lớn 30 tháng tuổi) để mẹ nó đi làm.

"Thôi thì hai vợ chồng có mắm ăn mắm, có rau ăn rau, tôi đâu có ăn chơi, mặc đồ hiệu gì đâu. Ngày ba bữa cơm là được rồi, cái tôi cần nhất là có sách báo đọc và có phim coi là ổn. Thú vui của tôi bây giờ là sưu tầm đủ loại phim ảnh để xem cho thỏa thích và chơi với đứa cháu ngoại".

Ngồi trò chuyện về chuyện nghề, chuyện đời của mình với bao biến cố, ông luôn khẳng định dù vẫn phải ở nhà thuê song cuộc sống vợ chồng ông cũng tương đối an nhàn vì ông vẫn đều đặn đóng phim và có đồng ra đồng vào, hơn nữa ông coi mọi chuyện trong cuộc sống xảy ra với ông, với gia đình ông như số phận đã được lập trình, nó tất yếu phải xảy ra không chuyện này cũng chuyện kia nên ông chấp nhận và tìm cách vượt qua để rồi không phải vấn vương hay lấy đó làm chuyện phải ưu tư, phiền lòng.

Nói vậy nhưng ông cũng có ước mơ cho riêng mình, ông bảo: "Gần cuối đời rồi, được thì trong năm tới hoặc cùng lắm là năm tới nữa, tôi phải kiếm mua được một căn nhà nhỏ để vợ chồng sống cho yên ổn. Điều mong mỏi nữa là kiếm được một hai vai diễn hay hay cỡ như vai trong Thung lũng hoang vắng nữa thì tốt, còn không cũng được vài vai thứ là tốt rồi. Tôi sẽ làm nghề đến khi nào sức khỏe thấy mệt mỏi hay cảm thấy mình không còn được mời gọi nữa, lúc đó tôi sẽ tự rút lui chứ không cần nghề đào thải mình"

Phạm Phú Lữ
.
.