Diễn viên Lý Hùng: Trở về từ… thời xa vắng

Thứ Hai, 26/04/2010, 14:52
Cuối tháng 4, bộ phim của cha con Lý Huỳnh - Lý Hùng mang tên "Tây Sơn hào kiệt" sẽ được công chiếu. Gần hai năm hoay hỏa quay, dựng và chờ đợi lịch phát hành, dường như Lý Hùng không còn làm được gì và cũng không muốn nói gì khác về bộ phim mà anh coi như máu thịt. Lý Hùng đã ra dáng một… đại trượng phu lắm rồi, vì cái bụng bắt đầu tròn của tuổi gần 40, khóe mắt bắt đầu rạn hình chân chim mỗi khi cười nói.

Hơn hai mươi năm làm người nổi tiếng, Lý Hùng không cảm giác mình bị đơn độc. Anh sống trong một gia đình nghệ thuật và trong hào quang của nghề. Dù lúc thăng lúc trầm cùng phim ảnh, nhưng Lý Hùng là cái tên không bị lãng quên và không bị lẫn vào ai.

1. "Tây Sơn hào kiệt" là một nỗ lực thực sự của cha con Lý Huỳnh - Lý Hùng. Bởi đây là một bộ phim lịch sử, đề tài mà chính các hãng phim nhà nước đang ngần ngại và triển khai rất ì ạch, cho dù ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã đến rất gần. Người ta ngần ngại vì nhiều lẽ, vì thiếu kinh nghiệm, vì sợ không đủ tiền và vì sợ bị chê là dở.

Hai năm trước, cũng chuẩn bị cho đại lễ, hãng phim Lý Huỳnh đi huy động vốn để sản xuất phim nhựa, mừng 1.000 năm Thăng Long, bộ phim về nhà Tây Sơn với nhân vật chính là anh hùng Nguyễn Huệ. Một đại trượng phu đúng nghĩa. Và, bộ phim đã kéo Lý Hùng đi vào một con đường, không chỉ quen thuộc là diễn viên, mà còn là công việc đạo diễn nữa.

"Có khi vừa diễn vừa hét chỉ đạo công việc, tôi bị tắt cả tiếng. Bộ phim quay nhiều đại cảnh, mọi thứ được chuẩn bị quá cầu kỳ, chỉ được phép quay một lần thôi, nên dường như không có thời gian nghỉ. Tôi đã phải làm việc thực sự cực nhọc. Nhưng có được một bộ phim ấn tượng cũng là niềm vui lớn rồi" - Lý Hùng nói.

Lý Hùng trong phim "Tây Sơn hào kiệt".

"Tây Sơn hào kiệt" được quay với bối cảnh chính ở Bình Định. Và đoàn phim thuê mấy ngàn diễn viên quần chúng để dựng đại cảnh. Hơn 40 con voi bản Đôn cũng được thuê xuống. Trong bối cảnh cần có một cây cầu phao bằng tre bắc qua sông cho nghĩa quân băng qua. Lẽ ra có thể quay một cảnh khác ghép vào, nhưng Lý Hùng muốn hiệu ứng thật, liền thuê một kiến trúc sư ra tận Bình Định, đo khúc sông hẹp nhất rồi về Sài Gòn dựng cầu treo, chở ra. Sau khi quay xong cảnh này, chiếc cầu đã được đốt. Còn thành quách bằng tre nứa, cũng được dựng đúng như thật. Khi quay cảnh đốt thành, cũng là cảnh cuối, và thành quách thực sự biến thành tro bụi. Điều làm Lý Hùng hài lòng là, tuy chi phí tốn kém, nhưng những cảnh đó đạt hiệu quả cao, rất chân thật, tạo hiệu ứng mạnh, tránh được cảnh giả, diễn giả của phim dã sử Việt Nam. "Rất nhiều diễn viên quần chúng không chịu nổi nắng nóng đã ngất xỉu. Trong khi đó dàn diễn viên chính phải quay mỗi ngày mười mấy tiếng. Tôi đứng ở trên cao, trong vai tướng quân, phải chỉ đạo thực sự, tiếng gần như phải hét lên. Nhưng qua vụ này thấy sức mình cũng còn dẻo dai, nên phim mới quay nhanh như thế" - Lý Hùng nói.

Thế nhưng, "Tây Sơn hào kiệt" đã cho thấy một cách làm và phát hành phim… lạc thời. Không phải là sự lạc hậu, mà là nó không đi đúng với guồng máy làm phim, phát hành phim hiện tại. Hãng phim Lý Huỳnh dành quá nhiều tâm huyết, nên họ cũng vất vả đôn đáo cho sản phẩm của mình. Nhưng họ không có được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các hệ thống phát hành phim. Ở thời hoàng kim, có năm hãng phim Lý Huỳnh sản xuất hàng chục phim mỗi năm và họ đã tạo được một uy tín vững chắc. Nhưng, bẵng đi gần hai chục năm, khi dòng phim thị trường đã đổi thay, thời cuộc của phim ảnh cũng đổi khác, thì mọi hệ thống vận hành theo nó vì thế cũng biến chuyển.

Khi Lý Hùng là ngôi sao phim video, chưa có Megastar, cũng chưa có các hãng phim mạnh như BHD, Galaxy… dám bỏ vài chục tỷ để làm phim nhựa, PR rầm rộ trên truyền thông và có tính bước phát hành ở nước ngoài… Không biết có phải vì điều đó, mà "Tây Sơn hào kiệt" chậm phát hành hay không. Nhưng, chỉ có điều, dường như cách vận hành và niềm tin vào phim ảnh của Lý Hùng nói riêng và cả hãng phim của cha con anh nói chung, thì không thay đổi. Sự ổn định cao, có thể sẽ làm nên một bộ phim tốt. Và sự chậm chạp đôi khi lại làm cho bản chiếu cuối cùng kỹ lưỡng hơn. Nhưng, chậm chạp đồng nghĩa với thua thiệt trong kinh doanh.

Dường như sắp đến ngày phát hành, nhưng "Tây Sơn hào kiệt" vẫn khá èo uột trên các phương tiện truyền thông, nếu như không muốn nói rằng, rất khó định vị cho khán giả biết được bộ phim sẽ chiếu ở đâu, thời gian nào và nội dung ra sao. Và sẽ rất khó cạnh tranh với hệ thống thông tin về phim nhập ngoại đang được giăng phủ kỹ lưỡng trên mọi kênh truyền thông, nếu xét về góc độ quảng cáo, tuyên truyền. Nhiều người thấy tiếc cho bộ phim. Nhưng tất cả đều mong muốn, đó sẽ là một bộ phim tốt. Để khán giả có được một phim cổ trang hấp dẫn. Và Lý Hùng cùng hãng phim của cha anh tiếp tục làm phim về dòng phim này mà không nản chí.

2. Trở lại với phần công việc tạo nên thành tựu lớn nhất của Lý Hùng, đó là diễn viên. Dường như suốt bao nhiêu năm, Lý Hùng tạo được một hình ảnh "đại hiệp" không thể thay thế. Chưa bao giờ thấy anh đóng vai ác. Và dù có sến, có ủy mị, nước mắt đầm đìa, nhưng những vai diễn của anh vẫn cực kỳ hướng thiện. Một phần vì thói quen của đạo diễn khi tìm diễn viên, nhưng một phần do khí chất. Nổi lên từ "Nơi bình minh chim hót", sau đó là một loạt vai ấn tượng trong "Phạm Công Cúc Hoa", "Người không mang họ", "Thăng Long đệ nhất kiếm", "Lửa cháy thành Đại La", "Nước mắt học trò"…

Vai kiếm khách của dòng kiếm hiệp luôn là những vai ấn tượng, dù có thể đó là một bộ phim kiếm hiệp đơn sơ. Lý Hùng, trong thời điểm đầu tiên ấy, nổi tiếng đến mức chính anh không hình dung tới. Thực chất, vai diễn đầu tiên của Lý Hùng chính là một vai nhỏ trong "Biệt động Sài Gòn", nhưng để được nhắc đến nhiều nhất chính là "Phạm Công Cúc Hoa" mà anh và Diễm Hương đã tạo thành cặp đôi thành công nhất trong điện ảnh Việt Nam. Họ xuất hiện và tạo hiệu ứng liên tục trong khoảng thời gian 5 năm. Các bộ phim của họ ăn khách đến mức, tất cả các sản phẩm ăn theo tên tuổi của họ trong những bộ phim đó, đều bán chạy như tôm tươi.--PageBreak--

Cuộc sống của họ rất được mọi người chú ý và luôn đi kèm theo đó là những tin đồn thất thiệt. Thời hoàng kim oanh liệt, Lý Hùng đã làm được nhiều điều. "Ngày đó chúng tôi bị chê là làm phim mì ăn liền. Nhưng nói thật, còn thua xa tốc độ làm phim truyền hình bây giờ. Cả tháng chúng tôi quay được 90 phút phim thôi. Bây giờ, thời gian đó, họ có thể quay được 10 tập phim truyền hình. Tôi không bao giờ nhận cùng lúc 2 phim và cũng không bao giờ có chuyện diễn cho xong lượt. Vì tôi yêu công việc của mình" - Lý Hùng nói.

Dẫu là anh hùng, thì rồi thời vàng son cũng sẽ qua, và người ta buộc phải đối diện với những điều đó. Lý Hùng bước qua thời đỉnh cao bằng việc tham gia ca hát. Anh đã phát hành album, dù khán giả nhớ đến anh phần nhiều từ cái tên tuổi diễn viên quen thuộc. "Thực ra tôi tham gia ca hát phần nhiều vì vui và được làm việc, chứ chưa hẳn vì tiền. Tôi sẵn sàng đi hát ở những nơi xa xôi nhất, vì thế mà tôi được đi hết tất cả các địa danh trên đất nước Việt Nam. Có khi đi hát ở một xã xa xôi của tỉnh Bắc Kạn, hát xong khán giả vỗ tay rầm trời, nhưng tiền thì không có, mấy anh em cùng cán bộ xã xoay qua nấu ăn, cùng nhau uống rượu cho vui. Nghe thì hơi buồn cười, nhưng mà nó ấm áp lắm. Có đi mới thấy nghệ sỹ mình được công chúng thương như thế nào. Những cái đó không thể mua bằng tiền" - Lý Hùng bộc bạch.

Điều anh nói tôi tin là sự thật. Vì ngay sau buổi trò chuyện cùng tôi, anh đã vội vàng lên xe đi Đồng Tháp, ở đó có một đêm nhạc từ thiện. Người ta vẫn quen gọi anh là diễn viên Lý Hùng. Nhưng anh là một diễn viên biết hát và hát những bài mà khán giả của mình muốn nghe. Đó là một cách thích ứng với sự thay đổi của thị trường nghệ thuật. Nhưng sự thích ứng đó, cho thấy một sự tiếc nuối thực sự mà người hâm mộ phải đối diện. Dường như, làm nghệ thuật ở Việt Nam, chúng ta thường phải đối diện với không ít bất trắc. Lẽ ra, ở tuổi Lý Hùng ở thời điểm hiện tại, khi bước vào tuổi 40, mới là khởi điểm đỉnh cao của một nam diễn viên. Bởi đó là thời điểm họ thể hiện sức mạnh, sự quyến rũ và cả nét phong trần nữa. Nhưng Lý Hùng thì đã đi qua thời của mình hơn 10 năm. Anh nổi tiếng quá sớm và danh tiếng cũng đi qua rất nhanh.

Chính vì thế, khi anh làm phim "Tây Sơn hào kiệt" sau quá nhiều thời gian im lặng, người ta có cảm giác anh vừa quay lại từ một thời xa xôi nào đó. Và người ta hy vọng trong nghi hoặc, rằng ở tuổi này, sức vóc này, anh có còn đủ sức hấp dẫn khán giả nữa hay không. Hay thời gian cũng làm cho anh giống nhiều diễn viên cùng thời, mập ú, bụng bia và các nét thanh tú không còn nữa. Lý Hùng nói, bộ phim sẽ là câu trả lời.

3. Cách đây nửa năm khi tôi đến nhà Lý Huỳnh trên đường 3/2, quận 10, TP  Hồ Chí Minh để phỏng vấn ông, tình cờ gặp một cô gái đẹp. Cô đã định cư ở nước ngoài, nhưng năm nào cũng về nước vài lần để tìm gặp Lý Hùng. Cô hâm mộ diễn viên của mình rất chung thủy, dù rất lâu rồi anh không còn là người hùng màn bạc cho cô xem nữa. Những người hâm mộ như cô gái kia có lẽ chỉ có một lòng yêu chân thành, còn lại họ không quá bận tâm tới sự lên xuống trong sự nghiệp của thần tượng. Và tôi nghĩ, những cô gái như vậy không phải ít đối với Lý Hùng.

Nhưng đến giờ này, Lý Hùng vẫn là… lính phòng không. Anh nói duyên số chưa tới, đam mê phim ảnh lớn hơn. Tôi muốn hỏi anh thêm về điều ấy, nhưng Lý Hùng không nói. Anh chỉ muốn nói và nói không chán về bộ phim của mình. Anh muốn được làm những bộ phim lịch sử, cụ thể là làm về chiến thắng sông Bạch Đằng. Anh đọc rất nhiều sách sử. "Tôi thấy có rất nhiều điều hay trong sách sử Việt Nam, nếu được đầu tư thì sẽ rất tuyệt vời. Nhưng làm phim lịch sử ở thời điểm hiện tại là không dễ" - anh chia sẻ. Lý Hùng có một khát vọng khôn nguôi, đó là những bộ phim tiếp nối. Nhưng, để những bộ phim sống được, có lẽ anh cần thay đổi, cả cách anh làm phim và cách anh đưa phim tiếp cận với khán giả. Bởi tình yêu của khán giả dành cho anh vẫn đầy ắp. Nhưng họ cần được giới thiệu và được biết nơi mà họ muốn tiếp cận. Bởi cuộc đời quá vội và khán giả của anh cũng bận rộn hơn xưa rất nhiều…

Hồ Binh
.
.