Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con

Thứ Tư, 18/06/2008, 10:00

Câu chuyện của GS, TSKH Phạm Trương Thị Thọ - một nhà khoa học, một người phụ nữ đã qua tuổi tri thiên mệnh rốt cuộc chỉ xoay quanh cô con gái duy nhất của vợ chồng bà là nữ nhà báo Thu Uyên. Với cha mẹ, con cái mãi mãi vẫn chỉ là những đứa trẻ lớn tuổi nhưng bé bỏng, vì thế suốt đời lòng mẹ luôn dõi theo con, thương lo cho con đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

Một buổi chiều muộn. Chuẩn bị thu xếp để rời tòa soạn, tôi bỗng nhận được một cú điện thoại. Đầu dây đằng kia là tiếng của một người phụ nữ giọng miền Nam: "Cháu ơi, cho cô hỏi đây có phải là Báo An ninh thế giới không?". Tôi đáp: "Vâng ạ".

"Cô là cô Thọ đây, cô rất muốn hỏi báo của các cháu vừa rồi có viết bài về bà Bạch Diệp và ông Lê Văn Kiểm, đều là những người học sinh miền Nam như cô, và họ đang sẵn sàng làm từ thiện. Có cách nào để cô có thể gặp được, liên lạc được với các nhà hảo tâm kia không hả cháu? Cô muốn nhờ họ giúp đỡ cho chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" cháu ạ".

Tôi ngớ người. "Vậy ra cô là...". "Cô là mẹ của chị Thu Uyên đây, chương trình của nó làm hay lắm, cảm động lắm cháu ạ, được tài trợ nhưng chương trình rộng quá mà không có thời gian lo kêu gọi thêm. Nhiều lúc Thu Uyên nhà cô nó gọi điện về kể có những lúc trong quỹ sản xuất chương trình chỉ còn hơn 1 triệu đồng, chúng nó đi làm chẳng dám ăn, chẳng dám tiêu gì cháu ạ, còn phải bỏ tiền nhà ra nữa. Cô xót con lắm, nghĩ mình phải tìm cách ủng hộ nó cháu ạ".

Và thế là tôi hẹn gặp bà, người phụ nữ mà từ lâu tôi đã được biết về tài năng, sự nỗ lực trong công tác nghiên cứu khoa học. Bà còn nổi tiếng bởi là vợ của Giáo sư, Tiến sỹ khoa học từng giảng dạy ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ khóa đầu tiên của trường. Báo chí cũng đã có viết về chân dung của cặp vợ chồng trong làng khoa học Việt Nam này, về sự lập dị, gần như là kỳ lạ khi thường từ chối những công việc "hái" ra tiền để chọn một con đường duy nhất là khoa học và giảng dạy này.

Nhưng khi bước vào căn nhà chỉ vẻn vẹn vài chục mét vuông tít tận tầng 4 của khu chung cư cũ ngõ Văn Chương, Khâm Thiên, nhìn ngôi nhà gọn gàng ngăn nắp và chủ yếu sách và sách, tôi càng thấy nể trọng và khâm phục. Những người làm khoa học có một cuộc sống thanh bần đạm bạc như ông bà quả là hiếm có.

Câu chuyện của một nhà khoa học, một người phụ nữ đã qua tuổi tri thiên mệnh rốt cuộc chỉ xoay quanh cô con gái duy nhất của vợ chồng bà là nữ nhà báo Thu Uyên. Bà kể rằng: Cái tên Thu Uyên là ghép hai vần của mẹ và bố. Ý nghĩa là đôi uyên ương mùa thu, vì hai người quen nhau vào mùa thu, cưới nhau cũng vào mùa thu và sinh con gái đầu lòng cũng vào một ngày thu diệu vợi.

Yêu nhau là thế, đứa con sinh ra như minh chứng bất tử cho đôi uyên ương mùa thu, thế nhưng tuổi thơ của Thu Uyên không phải lớn lên trong sự bao bọc của bố mẹ. Vì say mê công tác nghiên cứu khoa học, hai vợ chồng bà phải đi nước ngoài liên miên và bỏ lại Thu Uyên một mình cho ông nội ở quê.

Nhớ lại những ngày Thu Uyên còn nhỏ xíu, bà vừa kể vừa khóc. Nước mắt khổ đau, day dứt nhưng cũng đầy sung sướng và tự hào khi kể về cô con gái từ nhỏ đã bộc lộ thông minh, dí dỏm và hài hước hiếm thấy.

Bảy tháng tuổi, đã xa mẹ, hơn một tuổi, mẹ mang đến gửi ở nhà trẻ Kim Liên, cô giáo mang Thu Uyên vào cũi, cứ thế con gái đứng trong cũi khóc từ sáng đến tối cho đến lúc ba mẹ đến đón vẫn thấy con còn khóc. Xót cả ruột. Mỗi lần chở con gái đi nhà trẻ, Thu Uyên ngồi phía sau xe mẹ, tay bấu chặt vào áo mẹ, mếu máo năn nỉ: "Mẹ ơi, mẹ thương con đừng gửi con ở nhà trẻ, mẹ đừng bỏ con".

Mẹ ứa nước mắt nhưng vẫn phải bảo con: "Con chịu khó đi nhà trẻ cho mẹ đi làm, nếu không người ta phê bình mẹ đấy". Thu Uyên thút thít: "Người ta phê bình hả mẹ, có đau lắm không, thôi mẹ đi đi". Đấy là lúc Thu Uyên mới lẫm chẫm học đi, học nói.

Chưa đầy 3 tuổi, bà Thọ lại lên đường sang Bulgaria nghiên cứu sinh, lúc này chồng bà cũng đang nghiên cứu ở Liên xô. Vậy là Thu Uyên về nhà ông cậu ngoại ở Thanh Hóa. Trên đường đi về quê, Thu Uyên cứ ôm chầm lấy mẹ thủ thỉ. Biết rằng không thể đòi mẹ ở lại với mình, biết thân phận từ đây sẽ phải xa mẹ, cô bé 3 tuổi thông minh và láu lỉnh chỉ biết nói với mẹ: "Mẹ ơi, mẹ bảo với bác đừng đánh con mà tội nghiệp con, mẹ nhé".

Xa chồng xa con, mỗi một lần viết thư về nhà, bà Thọ bao giờ cũng viết riêng cho cô con gái yêu thiệt thòi vì thường xuyên phải xa cha mẹ một bức thư nhỏ. Ông nội kể rằng, dẫu chưa biết đọc nhưng sau khi ông đọc bức thư của mẹ cho Thu Uyên nghe, Thu Uyên ôm chặt lấy bức thư chẳng nói chẳng rằng, nước mắt ròng ròng.

Từ bé tí, Thu Uyên đã là một cô bé như búp bê với mái tóc xoăn tự nhiên xinh đẹp và tinh nghịch. Có bận bà hàng xóm bị kẻ trộm bắt mất con gà mái đang đẻ trứng, tiếc của bà ra ngõ chửi cha cái thằng cái con ăn trộm gà. Thu Uyên vận cái quần thâm vá ngược vá xuôi, đi chân đất, mặt mũi lem nhem chạy ra sân nghe ngóng bà chửi.

Nghe xong Thu Uyên chạy ra ngõ xóm bảo với bà: "Bà ơi, bà để cháu chửi hộ cho". Cứ thế Thu Uyên kiễng chân gân cổ ra ngõ chửi, có bài có bản y hệt như bài chửi của các bà ở quê xưa nay. Cả nhà, cả hàng xóm đều buồn cười, kể cả gia đình bà cụ mất gà.

Ngày vợ chồng bà Thọ trở về nước lúc đó Thu Uyên đã 7 tuổi. Vì tình yêu và lòng đam mê khoa học, bà đã phải hy sinh rất nhiều, khi suốt cả tuổi thơ của con gái lớn lên mà không có bàn tay chăm sóc của bà.

Còn nhớ, một lần bà bế con gái đến Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp, nơi bà công tác, thấy cô bé Thu Uyên giống búp bê xinh đẹp, mọi người chuyền nhau bế. Bà Thọ tranh thủ vào họp, còn Thu Uyên thì chu du trên tay các cô chú trong Viện. Mãi đến gần trưa, khi các cô chú bế Thu Uyên về qua phòng nhìn vào thấy mẹ đang ngồi họp, Thu Uyên chỉ tay reo lên: "A! Mẹ đây rồi. Đểu quá, mẹ đây rồi !". Nhìn cái miệng chúm chím búp bê hồn nhiên nói vậy mà tất cả mọi người ai cũng ôm bụng chết cười.

Lúc mẹ bế ra về, các cô chú ở trên ban công túa ra ngắm cô bé búp bê xinh đẹp, chẳng ai bảo nhưng Thu Uyên giương đôi mắt bồ câu tròn xoe, đen nháy nấp sau cổ mẹ và đưa một tay lên vẫy vẫy các cô chú.--PageBreak--

Vậy là 7 tuổi, Thu Uyên phải rời ông nội nhưng được về sống với ba mẹ. Vợ chồng bà Thọ đã dồn cho Thu Uyên tình yêu thương. Được ba dạy dỗ kèm cặp, Thu Uyên thi đỗ vào chuyên toán, rồi thi Đại học Ngoại giao điểm cao đủ xét đi nước ngoài.

Bà Thọ rưng rưng nhớ lại: "Chúng tôi nuôi Thu Uyên và đặt vào con bao nhiêu niềm hy vọng và mong ước. Mong con thành đạt, giỏi giang và có hạnh phúc. Năm 1979-1980, gần như cả nhà đều ở nước ngoài. Bà Thọ đi công tác ở Bulgaria, chồng ở Leningrad, Thu Uyên học tiếng ở Kiev.

Cả nhà hẹn gặp nhau ở Kiev trong một tháng hè. Hạnh phúc thật ngọt ngào bởi những năm tháng ấy, rất hiếm khi có một gia đình mà ba cha con, mẹ con đều ở nước ngoài, tuy xa nhau nhưng có thể hẹn để gặp được nhau trong niềm vui đoàn tụ".

Con gái xinh đẹp, thông minh nhưng lại đa đoan. Cuộc sống gia đình riêng của Thu Uyên chứa đầy giông bão, dẫu một lần cặp được bến bờ hạnh phúc là một lần tưởng như sẽ vĩnh viễn bình yên. Bà Thọ tâm sự nhiều về con gái, bà nói Thu Uyên là đứa con mạnh mẽ, có cá tính.

Bà Thọ nói với tôi mà khóe mắt bà long lanh đầy nước: "Cháu ơi! Mỗi một lần thấy con gái mình gặp khó khăn, cô chú buồn lắm, xót lắm. Mỗi một lần vậy, tóc cô bạc thêm, người hai cô chú cứ rạc đi. Xót xa cho con nhiều mà có lúc bất lực".

Nói rồi bà lấy khăn lau nước mắt. Bà lại cười, khóe mắt long lanh trên gương mặt rạng rỡ. Hiện nay, gia đình  Thu Uyên - Hoàng Hải Vân và con gái Hạnh Duyên sống hạnh phúc ở TP Hồ Chí Minh.

Bà nói: "Điều duy nhất lúc này cô chú lo cho Thu Uyên, Thu Uyên vất vả quá. Chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" vẫn nhận được tài trợ nhưng do phạm vi tìm kiếm quá lớn nên kinh phí là một vấn đề vô cùng khó khăn. Mỗi lần bay vào TP Hồ Chí Minh thăm con gái và cháu, cô chú lại xót xa vô cùng. Thu Uyên làm việc kinh khủng, làm việc không biết nghỉ ngơi và không biết giữ gìn sức khỏe.

Lần nào gặp nó cũng khoe mẹ ơi, Chương trình của bọn con tác thành cho bao nhiêu người tìm gặp được nhau. Hôm trước nó ra Hà Nội, nhoáng nhoàng ngủ được với mẹ 2 đêm còn thì đi làm quần quật suốt ngày. Nó hào hứng kể lần tới đây chúng con tìm gặp cho bao nhiêu cặp gia đình ở nước ngoài mẹ ạ. Cảm động lắm.

Nhìn con say sưa dồn hết sức lực cho công việc, cô chú xót lắm. Nó kể có những hôm tiền quỹ chỉ còn lại 1 triệu đồng, đi làm chẳng dám ăn, chẳng dám tiêu. Hàng ngàn người đăng ký làm tình nguyện viên không công. Ôtô thì không có, đội tìm kiếm phải đi xe máy lặn lội hết vùng sâu, vùng xa rất vất vả. Thế nhưng chúng nó làm việc say sưa, hết mình.

Thu Uyên nói với cô rằng nó là người của VTV, tuy là người phụ trách dự án này nhưng không can thiệp vào chuyện tiền nong. SGBS là đối tác của dự án, và là người đứng ra tài trợ để chi phí cho tìm kiếm, sản xuất phóng sự, hỗ trợ đoàn tụ và hỗ trợ chương trình trực tiếp. Do đó ai có nhu cầu làm từ thiện và tài trợ cho chương trình, Thu Uyên sẽ giới thiệu, và Tổng Giám đốc SGBS sẽ đứng ra ký kết chứ không phải Thu Uyên mà cũng không phải là nhà đài.

Việc kêu gọi tài trợ không chỉ để chi phí những khoản trên mà còn để hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn trong số những người mình tìm ra. Chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" đã gọi được tài trợ 10 triệu đồng một người cho các trường hợp có hoàn cảnh vô cùng khó khăn như em Giang, em Oanh, em Linh, em Nam v.v... ngoài ra còn hỗ trợ cho mỗi gia đình 1-2 triệu đồng.

Thế đấy cháu ạ, cô chú chỉ mong, qua Báo ANTG làm sao cô có thể liên lạc được với cô Bạch Diệp, ông Lê Văn Kiểm, những đại gia trong công tác từ thiện. Cả ông Kiểm và cô Bạch Diệp đều là học sinh miền Nam như cô, riêng cô Bạch Diệp là người cùng quê Quy Nhơn với cô. Cô sẽ nói với họ về chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly", có thể họ sẽ giúp đỡ cho chương trình ít nhiều về mặt tài chính trong lúc đang rất khó khăn này".

Người mẹ nào cũng thương con và lo cho con dù đứa con của họ đã lớn và đã vuột khỏi vòng tay của mẹ và đã đi qua tới phân nửa cuộc đời. Thế nhưng với cha mẹ, con cái mãi mãi vẫn chỉ là những đứa trẻ lớn tuổi nhưng bé bỏng, vì thế suốt đời lòng mẹ luôn dõi theo con, thương lo cho con đến lúc nhắm mắt xuôi tay

Thuần Nguyên
.
.