Để sống thật với chính mình thêm lần nữa

Thứ Sáu, 04/11/2016, 19:32
Cả một đời bôn ba mọi nẻo, vui buồn sướng khổ đều nếm trải, bây giờ, nhạc sĩ Phú Quang muốn sống thành thật với chính mình trong những trang viết. 

Nhạc sĩ Phú Quang ngồi trong một quán cà phê quen thuộc, xung quanh ông là nhiều người. Có người là khán giả hâm mộ, có người bàn chuyện công việc: chuyện bán vé, bán đĩa, bán sách, làm show. Và tôi, người hỏi ông đủ các câu chuyện thuộc về quá vãng xa xôi, những ký ức... Vậy mà ông luôn rõ ràng, rành mạch đưa đẩy và đón nhận những câu chuyện khác nhau ấy. Không quên và không lẫn vào nhau, dù những câu chuyện khác nhau ấy luôn bị cắt ngang dang dở. 

Nhiều người vẫn nhận xét rằng, Phú Quang khôn ngoan và thông minh. Bởi thế ông thành công đủ lâu, đủ dài, đủ rộng để lo toan cuộc đời mình, dù ông có quá nhiều điều trúc trắc trong cuộc sống ấy. Với ông, hạnh phúc là khi được sống và làm âm nhạc. Bây giờ, ông viết sách, kể lại ký ức cuộc đời, để được sống thật với chính mình thêm một lần nữa.

Cứ như một điểm hẹn, tháng 3 và tháng 10, là dịp để Phú Quang tổ chức những đêm nhạc của mình. Không cần PR nhiều, vì lượng khán giả trong mấy chục năm qua, với những quan hệ rộng lớn của ông, đủ để không còn một hàng ghế trống. 

Lần này, song hành với đêm nhạc đã bán hết vé, Phú Quang tổ chức ra mắt cuốn hồi ký của mình Chuyện bình thường và những mảnh hồi ức. Cuốn đầu tiên này kể nhiều về thời thơ ấu của ông, những duyên nợ đến với âm nhạc, chuyện đời thường, các con, những người bạn và những nhà thơ đã đi vào đời sống âm nhạc Phú Quang với rất nhiều kỷ niệm.

Nhạc sĩ Phú Quang đã có một cuộc đời không bình yên. Ông phải thừa nhận điều đó, dù âm nhạc của ông, rõ ràng đã xoa dịu rất nhiều vết thương trong lòng người. Sự bấp bênh ấy, đôi khi do ông tự tạo ra, nhưng cũng là những cung đường đi của số phận mà ông phải nếm trải. 

Lẽ dĩ nhiên, trong rất nhiều nỗi đau đớn ấy, có nhiều ca khúc xuất phát là từ những cuộc tình dang dở, đau đớn và chia ly. Trong cuốn hồi ký đầu tiên này, ông tuyệt nhiên không nói về những người tình. Nó sẽ ở trong tập hai, ra mắt vào một ngày không xa, nhưng những tình khúc của Phú Quang gắn liền với những nỗi dở dang ấy trong trường tình của ông. 

Những cuộc tình dở dang cộng với những mất mát của cuộc đời thường nhật đã làm nên âm nhạc của Phú Quang. Ông nói rằng, đời sống luôn là những biến động của tin yêu, ngộ nhận, vui sướng và khổ đau. 

Mỗi con người theo năm tháng sẽ chất nặng trong tâm hồn mình rất nhiều kỷ niệm và miền ký ức mênh mông sâu thẳm ấy, luôn lay động, giục giã ông nếu không viết lại. Viết ra có nghĩa là ông được giãi bày, san sẻ và những kỷ niệm buồn đã được tái sinh... Tình yêu với ông là nỗi khát khao cuộc đời, dẫu cũng có đôi khi là ngộ nhận đớn đau. Nhưng phải chăng, hạnh phúc của ông, chính là nỗi khát khao ấy, dù vẫn biết chẳng thể nào trọn vẹn.

Tôi đã tìm đến với bài ca như đó là phương cách duy nhất hữu hiệu để làm lắng dịu đi những nỗi bấn loạn nội tâm của mình. Khởi điểm của tôi trong việc viết ca khúc chỉ nhằm mục đích tự giải thoát khỏi những ám ảnh của một đời sống đầy bức xúc về thân phận, về tình yêu. Tôi đã viết như một lời tự thú chân thành cho những kỷ niệm chẳng thể nào quên, đã đến đã đi qua cuộc đời mình với hy vọng tìm thấy cho mình sự thanh thản khi bài ca được vang lên. 

Nhưng chính vào khoảnh khắc đầu tiên khi tôi nhận ra bài ca của tôi đã đến được với mọi người thì cũng là lúc tôi hiểu thêm một điều: "Kẻ đã trót dấn thân và trò chơi sáng tạo sẽ là kẻ tự hành xác mình đến cùng trong cuộc kiếm tìm chẳng chút bình yên".

Tôi hỏi Phú Quang, cho đến giờ này, ngót nghét ở cái tuổi "nhân sinh thất thập cổ lai hy, nếu ngẫm ngợi, ông thấy cuộc đời của mình có thể mô tả thế nào". 

Nhạc sĩ Phú Quang cười hiền: "Thật sự, nhiều khi rỗi rãi nghĩ về cuộc đời mình, tôi phải phì cười vì cuộc đời mình hóa ra quá đơn giản. Suốt ngày lầm lũi nghe nhạc, xem phim, xem tranh, đọc sách và sau đấy là sáng tác. Khi sáng tác thì những người bạn đích thực của mình lại là khán giả. 

Rồi những câu chuyện cũng chỉ xoay quanh tác phẩm và khán giả. Nếu người ta tính cuộc đời là tổng số của những tháng năm ta sống, thì tôi có một nửa tổng ấy là dành cho khán giả và những cuộc biển diễn. Tôi có những thời điểm dành hết thời gian cho việc sáng tác, giống như một con thiêu thân cho niềm say mê của mình. Đó là những năm tháng vất vả nhưng cũng thật hạnh phúc. 

Có một kỷ niệm với con gái thứ hai của tôi về việc sáng tác này: Hồi đó cháu nói với mẹ: "Lớn lên con chẳng đi học âm nhạc đâu. Lúc con đi ngủ thì bố vẫn còn đang thức viết, còn khi con dậy thì bố lại đi dàn dựng chương trình rồi".

Có nhiều người không hiểu, nói với tôi rằng: "Mày làm gì mà ham kiếm tiền đến thế?". Tôi chỉ cười, bởi họ không hiểu rằng, những ngày đó đối với tôi, và có lẽ đến tận bây giờ vẫn thế, được làm việc là hạnh phúc tối thượng. 

Tôi có đùa với mọi người là: "Nếu bây giờ có người muốn giết tôi thì chỉ cần cho tôi ăn chơi xả láng và không được phép làm bất cứ gì, chỉ ba tháng là tôi sẽ lăn ra chết...".

Là một người thông minh và nhạy cảm, nên âm nhạc của Phú Quang gắn được nhiều tâm trạng của con người. Đó có thể là nỗi buồn man mác khi yêu, cũng có thể là nỗi mất mát không thể gọi thành tên của mối tình đầu trong sáng, cũng có thể là những đau đớn bất tận của sự chia ly, tan rã. 

Sự khôn ngoan của Phú Quang còn thể hiện ở chỗ nhạc của ông gắn liền với nhiều tên tuổi của các nhà thơ nổi tiếng. Ông phổ thơ nhiều và nhiều nhà thơ đã được ông chắp thêm đôi cánh mới đến với công chúng. 

Nhạc sĩ Phú Quang trải lòng, trong rất nhiều nhà thơ mà ông quen biết, thân thiết, ông quý trọng nhất là nhà thơ quá cố Lê Đạt. Nhạc sĩ Phú Quang kể lại: "Lần đầu tiên tôi gặp ông là ở nhà một người bạn thân của tôi, ông Bảo Khánh. Lúc đó nhà của ông Khánh cũng là một địa chỉ lui tới thường xuyên của giới sưu tập tranh và ông Khánh, dù là một nhà kinh doanh đã thành đạt nhưng ông rất yêu sách và đọc rất nhiều. Tôi đến và thỉnh thoảng có nhiều người bạn của ông ở đó. 

Khi tôi hát một vài bài ca cho các bậc đàn anh nghe, ông Lê Đạt có bảo tôi: "Nhạc của Phú Quang đẹp hơn người em". Lúc ấy, một người bạn gái của tôi là phóng viên ngồi gần đó, cô nói với ông: "Anh có nói nhầm không?". Ông Lê Đạt cười: "Người ta có thể viết tình khúc và yêu một người bằng xương bằng thịt. Người viết tình khúc sang nhất có lẽ là kẻ yêu tình yêu, yêu đắm đuối, yêu say mê, nên lo lắng, nên ngơ ngẩn, nên vụng dại và thường là ngập ngừng do dự. Có cảm giác như một số tác giả tình khúc của ta hơi thạo yêu. Tôi yêu tiếng tỏ tình ngập ngừng, do dự trong nhạc Phú Quang. Ai cũng biết Quang là một nhạc sĩ đa tình. Chẳng biết tuổi tác có đem lại cho anh từng trải và khôn ngoan trong tình sự không? Vì yêu mến Quang, tôi cầu mong là không. Một kẻ tài tử có thể khôn ngoan về nhiều thứ, xin chớ khôn ngoan tình trường... 

Từ ấy, tôi coi ông như một người anh, tôi thường xuyên đến thăm ông và có thể nói chuyện với ông suốt cả ngày. Trong những câu chuyện sau này, ông vẫn luôn là một người anh tinh thần của tôi. Có một điều đặc biệt, dưới vẻ xuề xòa ấy ẩn náu một tâm hồn trăn trở rất nhiều về cuộc đời, về con người với những ước mơ trong sáng. 

Ngày còn trẻ, tôi vô tình được đọc một cuốn Giai phẩm mùa thu trong đó có mấy câu thơ mà tôi rất thích: "Cha đã dạy con làm người/ Kiên quyết không lùi trước cuộc đời/ Phải thắng...". 

Sau này, cuộc sống tôi gặp nhiều trắc trở, thậm chí là đối mặt với cả cái chết vì bị chẩn đoán là ung thư, nhưng rồi tôi cũng đã rất nhiều lần chiến thắng được số phận để sống khỏe mạnh cho đến ngày hôm nay".

Sau những câu chuyện tình yêu, cuộc đời, nhạc sĩ Phú Quang viết hồi ký để lưu giữ lại những dòng hồi ức cho các con để một ngày nào đó, khi ông ra đi, các con có thể hiểu hơn về cha mình. 

Ông khẳng định: "Người cha của chúng cũng chỉ là một con người với tất cả những khao khát trong sáng và cũng như nhiều người, có cả những lầm lỗi. Nhưng cho dù là thế thì tôi vẫn tự an ủi mình rằng: đó cũng là những điều mà nếu độ lượng, chúng có thể tha thứ được cho tôi… Nhạc sĩ Phú Quang có 3 người vợ, 3 người con đẻ và một người con riêng của người vợ hiện tại của ông. 

Nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ: "Không phải tại vì tôi là một người trót mang trong mình tính bướng bỉnh không, mà các con tôi, đứa nào cũng nhiễm cái tính bướng bỉnh ấy. Trinh Hương, Giáng Hương và Phú Vương đều tự lập và có những suy nghĩ rất riêng từ ngày chúng còn thơ bé. Chính vì thế, nên dù đã được khuyến khích ngay từ đầu, song chỉ mỗi Trinh Hương theo dấu chân của bố.

Nhạc sĩ Phú Quang không còn trẻ để phiêu lưu với âm nhạc của mình, nhưng ông luôn nghĩ ra những dự án để làm mới âm nhạc của mình. Chính vì thế, những bài hát đã lưu dấu nhiều năm tháng, vẫn có những âm hưởng mới của thời cuộc. 

Lần này, ông kể cho khán giả nghe thêm câu chuyện về cuộc đời, về những ký ức, về những kỷ niệm trong đời làm nghề. Ông bảo, cả một đời bôn ba mọi nẻo, vui buồn sướng khổ đều nếm trải, bây giờ, ông muốn sống thành thật với chính mình trong những trang viết. Bởi cuộc đời ông, ông đã ví nó như một ngọn nến, lặng lẽ đốt cháy mình, đốt cháy đến tận cùng, để tỏa sáng...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.