Lãnh tụ của cuộc cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại Vladimir Lênin:

Dấu ấn không phai

Thứ Ba, 20/11/2012, 14:00
Vận nước đôi khi không hẳn là chuyện của người, kể cả người vĩ đại. Nhưng bao giờ cũng vậy và ở đâu cũng vậy, anh hùng là người không những không bỏ lỡ thiên thời mà còn biết kết hợp thiên thời với địa lợi và nhân hòa để làm nên lịch sử, góp phần cải thiện đời sống quốc gia và dân tộc mình, thậm chí không chỉ riêng dân tộc mình và tổ quốc mình. Xét trên góc độ này, Vladimir Ilich Lênin chính là một vĩ nhân như thế.

Đổi dòng thời cuộc

Mặc dù thời cuộc đã thay đổi đến mức gần như đảo ngược ở nước Nga, nhưng cho tới hôm nay, vẫn đang còn rất nhiều người tin rằng, V.I. Lênin chính là con người vĩ đại. Theo một cuộc thăm dò xã hội ở Nga, có tới ba phần tư số người đứng tuổi ở nước này vẫn kính trọng V.I. Lênin như vị lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới. Bằng hoạt động thực tế và các tác phẩm lý luận cách mạng của mình, V.I. Lênin đã để lại dấu ấn khó mờ phai trong tiến trình phát triển của nước Nga và thế giới.

Và không những thế, Người còn là tấm gương sáng như một nhân vật lịch sử kiệt xuất chứa đựng đầy đủ những phẩm chất của một thủ lĩnh thời loạn, và cả những nét tính cách đời thường mà ta có thể dùng câu châm ngôn mà Karl Marx đã thích: “Không có gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi”. Chính sự kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố đã tạo cho Lênin tầm cỡ một vĩ nhân chi phối được dòng chảy của thời đại theo những tiêu chí nhân văn mà Người hằng tin tưởng.

Sinh ra để cải tạo thế giới - đó có thể coi là sứ mệnh cao cả nhất của cuộc đời V.I. Lênin. Và có lẽ ngay từ khi còn trẻ, V.I. Lênin đã xác định một cách đầy ý thức về con đường mà nước Nga cần đi để thoát khỏi những bất công và lạc hậu, để người dân trong đế chế giàu tài nguyên và tiềm năng này có thể ngẩng mặt nhìn thế giới xung quanh. Alexandra Kolontai (1872-1952), nhà ngoại giao Xôviết lừng danh, đã nhận xét: “Có những cá nhân – hiếm thấy trong lịch sử loài người – là sản phẩm của một chuyển biến lớn lao đã chín muồi, đã tô đẹp cho cả một thời đại. Trong số những người vĩ đại về tinh thần và ý chí đó là Vladimir Ilich Lênin... Như ở một tiêu điểm, Người đã tập hợp vào trong mình tất cả những cái gì của Cách mạng là nghị lực, là hùng mạnh, không ủy mị trong phá bỏ cái cũ và rất kiên quyết trong xây dựng cái mới”.

Chủ nghĩa Marx luôn coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhưng không bao giờ quên vai trò cực kỳ quan trọng của các cá nhân vĩ đại. Con thuyền nào cũng cần có người cầm lái, một cuộc cách mạng muốn thành công luôn cần tới những nhà lãnh đạo thích ứng. Cách mạng vô sản Nga những năm đầu cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX đã có một nhà lãnh đạo tương xứng với sứ mệnh của mình là V.I. Lênin. Và chính V.I. Lênin cũng tự ý thức được vai trò của mình trong phong trào cách mạng Nga và thế giới. Và Người đã sống và làm việc theo một phong độ đúng như một vị thủ lĩnh cách mạng cần phải có.

Nhà văn vô sản lớn Maxim Gorky đã nhận xét, tràn ngập trong đời sống và công việc của V.I.Lênin là “tinh thần hy sinh khắc khổ, thường thấy ở người cách mạng trí thức Nga trung thực, tin tưởng sắt đá vào khả năng thiết lập sự công bằng trên trái đất, tinh thần anh hùng của con người đã từ bỏ mọi niềm sung sướng trên đời để hiến mình cho hoạt động gian khổ vì hạnh phúc của mọi người”. V.I.Lênin là người có tính nguyên tắc rất cao. Tư tưởng của Người, cũng theo nhận xét của M. Gorky, “giống như cái kim địa bàn, bao giờ cũng chỉ về lợi ích giai cấp của nhân dân lao động... Điều đặc biệt vĩ đại ở Lênin chính là lòng căm thù quyết liệt, không bao giờ tắt trước sự bất hạnh của mọi người, niềm tin chói lọi của đồng chí rằng sự bất hạnh không phải là nền tảng không thể tiêu diệt được của cuộc đời, trái lại nó là điều xấu xa, nhơ nhuốc mà mọi người có thể và cần phải quét sạch đi”.

Những nhà cách mạng đích thực trưởng thành trong ngọn lửa đấu tranh giai cấp thực sự quyết liệt nên bản năng gốc của họ luôn là trung thực và dũng cảm. Họ biết mình không có quyền nuôi dưỡng những ảo tưởng, bởi làm thế là tự sát. Hơn bất kỳ ai, V.I. Lênin lúc nào cũng nhìn và kêu gọi mọi người cùng nhìn vào sự thật, dù khắc nghiệt đến mấy, của cuộc đấu tranh một mất một còn với những kẻ thù tư tưởng và giai cấp. Ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, Người vẫn không bao giờ tỏ ra núng chí trước những thử thách mới xuất hiện, dù chúng có to lớn đến mấy.

Nhà văn Boris Polevoi, tác giả Người Xôviết chúng tôi từng được phổ biến rộng cả ở nước ta, viết về V.I.Lênin như sau: “Là người gan dạ và chính trực, đồng chí bao giờ cũng nhìn thẳng vào sự thật. Dù sự thật đôi khi cay đắng và thậm chí khủng khiếp đến thế nào đi nữa, đồng chí cũng không bao giờ giấu giếm mọi người xung quanh, không bao giờ giấu giếm đông đảo đám đông”.

Đọc lại những bài tranh luận cũng như những hồi ký về cách ứng xử của Người trong những tình huống đầy khó khăn và phức tạp của cách mạng Nga, mới thấy khâm phục tính bộc trực (nhưng luôn luôn sâu sắc) của người chiến sĩ bẩm sinh này. V.I. Lênin luôn gọi sự vật bằng đúng tên của nó và Người không bao giờ tỏ ra nhụt chí khi phải đưa ra những quyết định vào những thời điểm nước sôi lửa bỏng nhất. Mọi hành động của Người đều xuất phát từ ý thức sâu sắc về trọng trách của mình trước sự nghiệp chung. Người, nói theo lời của nhà văn hóa A. Lunacharsky (1875-1933), biết rất rõ về việc cách mạng là một sự nghiệp không thể “nhân tạo”, mà thường là phải dựa vào “thiên thời”, nhưng lại rất quán triệt quan điểm rằng, cuộc cách mạng nào cũng có nguy cơ trở nên “hỗn quân hỗn quan” nếu không được sự dẫn dắt một cách có tổ chức của một lực lượng giác ngộ nhất, đủ tầm và tài trở thành đội quân tiền phong.

Và V.I. Lênin cùng với chính đảng của giai cấp vô sản Nga đã làm hết sức mình để tiến hành thành công một cuộc cách mạng vĩ đại, tạo bước ngoặt to lớn cho lịch sử không chỉ riêng nước Nga và châu  Âu mà còn của cả thế giới. Việc sau hơn 70 năm tồn tại Liên bang Xôviết bị tan rã vì vô số những lý do chủ quan và khách quan không hề làm giảm ý nghĩa của những bậc tiền bối của cách mạng Nga, đã góp tay xây dựng nước Nga từ chỗ chỉ là mắt xích yếu nhất trong hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới trở thành một siêu cường quy mô toàn cầu, mà chỉ làm nổi bật lên kích cỡ và vai trò của những vĩ nhân cách mạng như V.I.Lênin.

Đời thường xuất chúng

V.I. Lênin xứng đáng được tụng ca không chỉ trên phương diện một nhà hoạt động chính trị xuất sắc, viết được, nói được và làm được những công việc lớn lao. Người còn là tấm gương sáng chói về bản lĩnh làm một con người đời thường theo đúng nghĩa của từ này. Đam mê sự sống là bản chất của V.I. Lênin. Làm công việc gì Người cũng hết lòng.

Cũng chính M. Gorky nhận xét: “Hăng say là bản tính đồng chí, nhưng đó không phải là niềm hăng say vụ lợi của kẻ chơi bạc, mà nó bộc lộ ở Lênin một sức mạnh tinh thần hiếm thấy, chỉ vốn có ở người nào tin tưởng sắt đá vào sứ mệnh của mình, cảm thấy một cách toàn diện và sâu sắc mối liên hệ của mình với thế giới và hiểu rõ triệt để vai trò của mình trong cảnh hỗn loạn của thế giới: vai trò kẻ thù của sự hỗn loạn. Làm bất cứ công việc gì Lênin cũng biết đem vào đó một niềm say mê như nhau: dù là chơi cờ, xem Lịch sử y phục, tranh luận hàng giờ với đồng chí đồng đội, câu cá, đi dạo trên các nẻo đường đá nhỏ hẹp, nóng bỏng dưới ánh nắng phương Nam ở Capri, hay ngắm những bông kim tước vàng óng và những chú bé chài lưới lem luốc...”.

Người thích soi rọi mọi sự trên đời bằng “ánh sáng đẹp” của trí tuệ để làm bật ra bản chất của mọi vấn đề. Và cũng chính vì thế nên, theo lời kể của B. Polevoi, V.I. Lênin “thực sự không thể chịu được những kẻ nói văn hoa, trống rỗng những kẻ hay dùng lời lẽ hoa hòe hoa sói để che giấu sự nghèo nàn về tư tưởng và sự thiếu sáng kiến. Chỉ một câu châm biếm, đồng chí có thể cho họ cụt hứng ngay lập tức”.

Ngay cả khi đã lên tầm lãnh tụ, V.I. Lênin vẫn có tác phong gần gụi với cuộc sống của quần chúng. Người không nói thành lời điều này nhưng quả thực Người luôn tự coi mình là “công bộc” của nhân dân lao động. Cũng Boris Polevoi đã kể lại: “Lênin có biệt tài lắng nghe người nói chuyện với mình, thấu hiểu nỗi lo âu của người đó và khiến người ta có thiện cảm với mình. Khi một công nhân, nông dân hoặc một chiến sĩ Hồng quân vào phòng làm việc của Lênin, rụt rè e ngại vì bỡ ngỡ trước hoàn cảnh khác thường, vì biết mình được chính Lênin tiếp, thì Vladimir Ilich thường rời khỏi bàn, bước tới, nói nhanh mời khách: “Mời đồng chí ngồi!”, rồi tự mình ngồi vào chiếc ghế bành đối diện, chứ không phải ở bàn, chủ khách ngồi gần nhau đến nỗi đầu gối hai người gần như chạm sát vào nhau”.

Học không ngừng nghỉ

Đọc sách luôn là nhu cầu thường xuyên đối với V.I. Lênin. Mặc dầu Người có lần từng nói “làm cách mạng thú vị hơn là nghiên cứu nó” nhưng càng trong những thời điểm gay cấn nhất của cuộc đời hoạt động cách mạng, Người lại càng đọc sách và viết sách nhiều hơn. Là một nhà chiến lược đích thực, V.I.Lênin không chỉ đọc những tác phẩm của các tác giả mà mình kính trọng mà còn rất chăm chú nghiên cứu cả sách của các đối thủ tư tưởng. Không biết địch, không biết mình thì làm sao chiến đấu và giành chiến thắng được. Khi đọc, Người hay đánh dấu vào những câu, những đoạn cần chú ý và suy ngẫm.

Để làm việc, V.I.Lênin lúc nào cũng cần rất nhiều sách. Tự tay Người đã lập ra bản danh sách đặt mua những cuốn sách tham khảo mà Người hay sử dụng nhất: những bộ từ điển bách khoa các lần in khác nhau, trước tác của K. Marx và F. Engels in bằng tiếng Nga và tiếng Đức, các tác phẩm của các nhà cách mạng Dân chủ Nga... Biết được nguồn tài chính eo hẹp của gia đình Lênin, có lần cán bộ quản trị của Trung ương thanh toán tiền mua sách cho V.I. Lênin bằng ngân sách của chính phủ. Lập tức sau đó, bị ốm nằm nhà, đồng chí này nhận được giấy của Lênin viết, có đoạn: “Sách tôi mua tôi tự thanh toán. Yêu cầu đồng chí sau khi khỏi ốm tới nhận tiền và cho giấy biên nhận”. Nói chung Lênin không bao giờ thích nhận những chế độ ưu đãi tốt hơn các đồng chí lãnh đạo khác...

V.I.Lênin rất hay đọc đi đọc lại các bộ từ điển tiếng Nga – trau dồi ngôn ngữ là một nhu cầu thường xuyên của Người. Khác với định kiến sai lầm cho rằng, V.I. Lênin chỉ thích đọc những sách chính luận, chứ không bao giờ đọc thơ hay tiểu thuyết, trong tủ sách đặt tại phòng làm việc của V.I.Lênin trong Điện Kremli luôn có các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ lớn của nước Nga như Dostoyevsky, Gogol, Goncharov, Lermontov, Necrasov, Liev Tolstoi, Turgueniev, Puskin... Và Người thường xuyên sử dụng chúng.  V.I. Lênin đặc biệt thích thơ Puskin. và không chỉ thích tính nghệ thuật trong thơ mà cả những cảm xúc nhân văn tràn trề ở đó. Chính V.I.Lênin là người đã viết nên bài báo hay về văn hào Liev Tolstoi khi ông qua đời và đánh giá, Liev Tolstoi chính là “tấm gương phản chiếu cách mạng Nga”. Một nhận xét chí lý!

Khi bị đi đày ở Siberi, V.I. Lênin đã mang theo mình cả thơ của Goethe và Haine bằng tiếng Đức. Sang Paris, Người hay đọc bài thơ Chatiments của Victor Hugo bằng tiếng Pháp – bài thơ này đã được văn hào Pháp viết ở Bỉ, để tưởng niệm cuộc cách mạng năm 48, trong thời gian ông buộc phải sống tha hương để tránh những đòn thù của bọn phản động...

Đọc sách kỹ lưỡng nên V.I.Lênin rất khó chịu với những lỗi tipô  trong các ấn phẩm. Và Người luôn nhắc nhở những người làm sách, làm báo cách mạng phải nhớ tới vai trò quan trọng của người sửa bản in. Trong thư gửi hai người chị gái M.A. Ulianova và A.I. Uianova- Elizarova) ngày 22/11/1898, lúc đó đang tham gia làm báo Đảng, V.I. Lênin nhấn mạnh: “Tuyệt đối cần có một người chữa bản in có đủ học thức và được trả công – phải đặt điều này thành điều kiện không thể thiếu được, và chính em cũng sẵn sàng đồng ý trả cho một người sửa bản in như thế một khoản thù lao gấp đôi do tác giả không thể tự chữa bản in được...”.

Theo hồi ký của Nadezhda Krupskaia, người bạn đời chung thủy của V.I.Lênin, những tháng cuối cùng trước khi Người mất, bà đã đọc cho Người nghe sách của Shedrin, Những trường đại học của tôi của Gorky và thơ, đặc biệt là thơ của nhà thơ vô sản Demian Bednyi. Khi nghe thơ, V.I.Lênin thường nhìn ra cửa sổ, nhìn lên vầng mặt trời đang chói lọi trên cao... Lúc Người ra đi vào cõi vĩnh hằng, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết, Người vẫn còn nghe đọc những lời trích từ tác phẩm tuyệt diệu của Jack London, Tình yêu cuộc sống.

Ảnh hưởng bền lâu

V.I. Lênin và vợ.

Trên thế giới hiện đang tồn tại rất nhiều câu hỏi lớn về con đường đi tiếp của nhân loại trong hành trình gian khó hướng tới tương lai công bằng, dân chủ và an toàn hơn. Và mặc dù chúng ta vẫn biết rằng không có những công thức bất di bất dịch cho sự phát triển của lịch sử, nhưng việc nghiên cứu và thấu hiểu những luận điểm cách mạng và xã hội của V.I. Lênin trên tầm cao của tư tưởng thế kỷ XXI vẫn vô cùng hữu ích.

Cho đến hôm nay, nói như chính tờ báo tư sản Đức Prager Tageblatt đã viết sau khi hay tin V.I. Lênin mất hơn 80 năm trước: “Dường như ngay cả sau khi từ trần, Lênin vẫn vĩ đại, cao siêu và đáng sợ”. Những thể chế có bất công và đàn áp sẽ luôn cảm thấy những tư tưởng của V.I. Lênin là “đáng sợ” vì những thế hệ mới sắp tới, một khi đã thấm nhuần được những gì vị lãnh tụ của cách mạng vô sản quốc tế nói, sẽ lại đứng lên làm những cuộc cách mạng mới để tìm kiếm cơ hội xây dựng một hình thái xã hội tốt đẹp hơn cho nhân loại.

Trong một cuộc thăm dò dư luận do hãng Interfax tiến hành hồi cuối tháng 12/ 2000, V. I. Lênin, vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản Nga và thế giới, bất chấp bao sự “vật đổi sao dời” ở quê hương mình, vẫn được phần đông người dân Nga đánh giá là nhân vật xuất sắc nhất thế kỷ XX ở Nga. Tên của Người cũng thường xuyên có trong hầu hết các bảng xếp hạng quốc tế các danh nhân vĩ đại của thế kỷ XX vừa qua... Tại ngay cả các quốc gia tư bản chủ nghĩa, sách của Lênin, cũng như các trước tác của những nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin khác, vẫn tiếp tục được in và phát hành.

Bất chấp các mưu toan của cánh hữu về việc thông qua quyết định đưa thi hài của Người đi mai táng, hiện nay ở nước Nga vẫn có rất nhiều người dân và các chính trị gia cho rằng, vị lãnh tụ của giai cấp vô sản Nga đã từng có ý nghĩa như một biểu tượng thiêng liêng, một chỗ dựa cho tinh thần Nga cả trong thế kỷ XXI và sau này nữa. Còn nhớ, dưới thời Boris Yeltsin còn làm Tổng thống Nga, tại nước này cũng đã diễn ra gay gắt một cuộc tranh luận trên các phương tiện thông tin đại chúng Nga nhằm đả phá quan điểm của những thế lực chống chủ nghĩa cộng sản lại muốn nhanh chóng lấy đi chính cái sức mạnh tâm hồn Nga đó.

Những người ủng hộ sự tồn tại của Lăng Lênin cho rằng, mọi lý lẽ về việc mai táng V.I.Lênin “đều không có căn cứ”. Thứ nhất, đây là một điều bất hợp pháp vì quyết định làm quan tài kính chứa thi hài Lênin là do cơ quan tối cao của Đại hội các Xôviết lần thứ hai đưa ra theo đề nghị của hàng triệu người dân Liên Xô cũ. Thứ hai, Tổ chức văn hoá, khoa học và  giáo dục UNESCO của Liên hợp quốc đã đưa lăng Lênin vào danh sách di sản thiên nhiên và văn hóa của nhân loại, công trình này không chỉ thuộc về nước Nga mà còn có giá trị tinh thần với cả thế giới. Việc mai táng thi hài V.I.Lênin là không thể chấp nhận được trên cả phương diện chính trị vì nó đi ngược lại tình cảm và nguyện vọng chính đáng của hàng chục triệu công dân Liên bang Nga, trái với sắc lệnh do chính Tổng thống Nga đã ký ngày 7/11/1996 về “Ngày hoà giải và hoà hợp”.

Cháu gái họ của Lênin, bà Olga Ulianova, trong bức thư  từng gửi dến Duma Quốc gia Nga đã nhấn mạnh: “Mọi lời đồn đại về ý nguyện cuối cùng của Lênin (muốn được chôn cạnh mộ mẹ mình ở Saint Peterburg) đều vô căn cứ vì không có tài liệu nào minh chứng”.  

Với nhiều người Nga hiện nay, Lênin chính là sự hòa hợp của nước Nga với quá khứ, với lịch sử của mình trong thế kỷ  XX. Nước Nga, nói theo lời của Tổng thống Putin, nếu “xoá bỏ mọi điều đã có từ trước và sau tháng 10 -1917”, thì có nghĩa là đã công nhận rằng, cha ông mình đã sống một cuộc đời hoàn toàn vô nghĩa lý”. Theo ông Putin, “bằng cả trái tim và trí tuệ, tôi không thể nào đồng ý như thế được”... Chính vì thế nên nước Nga vẫn cần phải duy trì Lăng Lênin như một niềm tự hào chính đáng của mình về quá khứ Xôviết.

Trí tuệ kiệt xuất đã giúp cho tư tưởng khoa học và đời sống của Lê-nin cho tới nay vẫn còn tính thời sự và cả tính vĩnh cửu, giúp Người trở nên gần gụi hơn với thời hiện tại ngay cả trong những thuận lợi và khó khăn mới xuất hiện của thời đại tin học. Theo báo chí Nga, đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như người bạn thân của ông, Phó Thủ tướng thứ nhất của Chính phủ Nga Sergey Ivanov,  là người thích trích dẫn các câu nói của Lê-nin.  Lời cửa miệng của ông chủ điện Kremli là “Cán bộ quyết định tất cả”. Còn Sergey Ivanov hay đưa ra một câu khác trích từ sách của Lênin, đại ý là, chỉ những ai không làm gì thì mới không có sai lầm...

Theo hãng tin Nga RIA Novosti, mới đây các nhà nghiên cứu đã tìm ra tư liệu chứng minh rằng, Lênin là họ hàng bên ngoại với hai nhà văn Đức nổi tiếng thế giới Thomas Man và Henrich Man. Thậm chí cựu Tổng thống CHLB Đức Rihard Carl Von Vaysnekker cũng có họ đằng ngoại với Lênin. Tài liệu minh chứng cho mối quan hệ ruột rà này đã được một hậu duệ bên ngoại của Lênin tìm thấy trong kho lưu trữ Đức. Ông này đã 30 năm nghiên cứu gia phả của nhà mình và của dòng họ Ulianov. Họ ngoại của Lênin là người gốc Đức, từ hồi cuối thế kỷ XIX đã cư trú ở nước Nga và vùng ven biển Baltik. Họ chủ yếu theo đuổi nghề luật sư, bác sĩ hoặc nghiên cứu lịch sử, có người rất thành đạt, từng lên tới cả chức thứ trưởng. Con cháu của dòng họ này hiện sinh sống ở Nga, Mỹ, Đức, Thụy Sĩ...

Lênin vốn là một người không cao: chỉ có 1,64 m. Tuy nhiên, uy tín và năng lực của các chính khách không nhất thiết phải tỉ lệ thuận theo chiều cao. Đó là kết luận mang tính khoa học mà tờ báo Nga Luận chứng và sự kiện đã dẫn ra. Một vị vua xuất chúng có thể cao tới 2,04 m như Piotr Đại đế ở Nga nhưng cũng có thể chỉ cao 1,69 m như hoàng đế Pháp Napoléon Bonapart. Alexander Macedonia cũng đã chỉ cao có 1,50 m.

Tuyệt đại bộ phận các nhà lãnh đạo cao cấp ở Liên Xô trước kia cũng chỉ có chiều cao trung bình đối với người châu  Âu: Yoseph Stalin cao gần 1,62 m, Nikita Khrusov cao 1,66 m... Tuy nhiên, lúc đương chức, họ đều tạo nên được uy tín cao. Cố Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brejniev cao 1,76 m, hơn vị Tổng thống đầu tiên và cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachev 1 cm (ông này cao 1,75 m). Vị Tổng thống LB Nga đầu tiên Boris Yeltsin cao tới 1,88 m nhưng lại chọn người kế vị là đương kim Tổng thống Vladimir Putin cao chỉ đúng 1,70 m và nặng có 75 kg.

Xét theo thực tế, người dân Nga tín nhiệm ông Putin mảnh dẻ hơn hẳn ông Yeltsin đường bệ. Mặc dù không quá cao lớn nhưng ông Puitn khi tiếp xúc với những nguyên thủ quốc gia có tầm vóc hơn hẳn mình như Tổng thống Mỹ George Bush (1,80 m) chẳng hạn, trông cũng không hề bị lép vế, có lẽ sự tự tin vào tiềm năng của nước Nga đã giúp ông có được phong độ đường hoàng như thế ở bất kỳ đâu. Ông lại càng đường hoàng hơn khi đứng cạnh những nguyên thủ quốc gia có tầm vóc 1,73 như nguyên Thủ tướng Italia Silvio Belusconi hay 1,74 như nguyên Thủ tướng Đức Gerhard Schrueder hoặc nguyên  Thủ tướng Nhật Bản Koizumi chỉ cao có 1,69 m...

Sinh thời, Lênin đã có câu nói nổi tiếng về vai trò của sách đối với sự nghiệp cách mạng: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Và cũng chính câu nói này cho thấy rõ, trong quan niệm của V.I.Lênin, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản chính là sự kết tinh và kế thừa những tinh hoa tư tưởng xuất sắc nhất của nhân loại, chứ không phải là điều tự nhiên mà có ở chốn đồng không. Sách- đó là kho tàng trí tuệ, là “người bạn đường của những ngày gian khó” (thơ A. Puskin) cho tất cả nhân loại, cho bất cứ ai muốn phát huy trí lực của mình để cống kiến cho công việc chung vì sự nghiệp giải phóng loài người khỏi áp bức, bất công và bóc lột.

Người biên soạn cuốn sách này có may mắn được du học tới 6 năm tại Ulianovsk, thành phố từng mang cái tên Simbirsk, quê hương của V.I. Lênin. Và tôi đã không chỉ một lần tới thăm viện bảo tàng tưởng niệm vị lãnh tụ vĩ đại, vào cả ngôi nhà mà gia đình Ulianov từng ở hơn một trăm năm trước. Theo lời kể của những cán bộ trông coi bảo tàng, mọi thứ ở đây đã được phục chế gần y nguyên như cũ. Tôi đã để ý thấy rằng, trong ngôi nhà không hề có dấu vết xa hoa của gia đình lãnh tụ, những chỗ trang trọng nhất đều được dành cho việc kê tủ sách.

Ngay ở thế kỷ XIX, gia đình trí thức Nga này đã rất chú trọng đến việc trau dồi tri thức thông qua sách báo. Thân phụ của nhà lãnh tụ tương lai, cụ Ilia Nikolayevich Ulianov, hành nghề sư phạm nhưng không hạn chế mình trong lĩnh vực này mà có thiên hướng không ngừng mở rộng tầm hiểu biết của mình.  Cụ cũng là người rất ham đọc sách, theo dõi thường xuyên đời sống văn học nghệ thuật ở nước Nga và châu  Âu. Cụ còn có thú vui quan sát và ghi  chép lại những biến đổi thời tiết để từ đó đúc kết những nhận xét thú vị. Cụ không chỉ đặt yêu cầu cao về tri thức đối với các học sinh mà với cả những giáo viên làm việc dưới quyền cụ. Thân mẫu của V.I.Lênin cũng rất ham hiểu biết. Tình yêu tri thức của hai cụ đã truyền lại được cho mọi người con. Vova (tên gọi V.I.Lênin hồi nhỏ) bắt đầu biết đọc từ lúc lên 5 tuổi và rất say mê những cuốn tạp chí và sách thiếu nhi mà người cha thường xuyên nhận được.

Có thể nói sách báo đã là đồ chơi chủ yếu của Vôva. Tuy nhiên, thời thơ ấu, Vôva không quá yêu thích cuốn sách nào cả. Chỉ đến khi đến độ tuổi trưởng thành, Người mới chú tâm tới các cuốn sách giàu suy tư và ý tưởng của những nhà cách mạng dân chủ Nga. Đặc biệt, V.I. Lênin rất kính trọng Nikolai Tsernyshevsky (1828-1889), tác giả của bộ tiểu thuyết Làm gì? nổi tiếng mà về sau, chính V.I. Lênin đã lấy lại nhan đề này cho cuốn sách chính luận xuất sắc của mình. Với bút danh N. Lênin,  cuốn sách này đã được xuất bản năm 1901 tại một nhà xuất bản ở Stuttgart và ngay lập tức được giới cách mạng Dân chủ Nga đánh giá cao. Trước năm 1917, Người còn sử dụng nhiều bút danh khác nhưng tất cả chủ yếu biết tới Người qua cái họ Lênin gắn trên sách Làm gì?.

Trong tập album chân dung  các nhà cách mạng mà Người luôn mang theo mình, ngay cả khi bị đi đày, có hai bức hình của N.Tsernyshevsky (bên cạnh chân dung của nhà văn Pháp Emile Zola, nhà cách mạng Nga Gertsen...). Đối với V.I.Lênin, cũng như nhiều đồng chí cùng thế hệ, N. Tsernyshevky là biểu tượng của một hệ tư tưởng mới, một nếp tư duy mới, rất xứng đáng làm tấm gương cho những người cách mạng: sống không bao giờ là hưởng thụ cá nhân mà là để dâng hiến đời mình cho sự nghiệp cứu khổ cứu nạn quần chúng

Tín Hưng - Trọng Nghĩ
.
.