Đạo diễn Vương Đức: Điện ảnh như tín ngưỡng

Thứ Tư, 10/10/2007, 14:00
"Điện ảnh như tín ngưỡng ấy, ai tin điều gì thì cứ vẫn sẽ tin điều đó. Không ai bắt ép người khác thay đổi được tín ngưỡng đâu" - Đạo diễn Vương Đức tâm sự.

Có không ít đạo diễn điện ảnh nói cực kỳ hấp dẫn và đầy thuyết phục về những việc mà họ đã làm, đang làm và chuẩn bị làm cho nền điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, khi ta trực tiếp xem phim của họ, ta thường bị rơi vào sự kinh ngạc: Tại ta không nhận được cảm giác tương xứng như khi ta nghe họ nói?!

Cũng có những đạo diễn nói năng thường vụng về và hớ hênh nên hay bị một số nhà báo tinh quái "chọc ngoáy" đến mức chỉ tin theo các phương tiện thông tin đại chúng thì ta không thể nào hiểu nổi: Tại sao người như thế mà lại làm đạo diễn được, mà lại từng dựng những bộ phim sâu sắc và có đẳng cấp hẳn hoi.

Không hiểu tôi có võ đoán không nhưng từ lâu trong cảm nhận của tôi, đạo diễn Vương Đức có vẻ là người như thế. Dường như ngôn ngữ không phải là thế mạnh nhất của anh, hay nói đúng hơn, thế mạnh nhất của anh chính là ngôn ngữ điện ảnh chứ không phải câu chữ của đời thường.

Trò chuyện với anh về điện ảnh là một công việc cảm động, tương tự như khi ta nghe ai đó đang tỏ tình với một đối tượng mà thực sự người ta yêu, người ta trọng, người ta coi như lẽ sống duy nhất của đời mình.

PV: Chúng ta đứng trước Liên hoan phim Quốc gia lần thứ 15, sẽ tổ chức tại Nam Định vào tháng 11 này. Xin hỏi thật anh, trong tình hình điện ảnh hiện nay của chúng ta, cảm giác của anh về Liên hoan phim sắp tới như thế nào?

Đạo diễn Vương Đức (ĐD VĐ): Tôi nghĩ, đó sẽ là một liên hoan phim của các đạo diễn có tác phẩm đầu tay, cả trong nước và ngoài nước.

PV: Ngoài nước?

ĐD VĐ: Tức là của những đạo diễn là Việt kiều… Ngay từ bây giờ đã nhìn thấy nhiều phim rất là mạnh, rất nặng ký. Lần này dễ đoán giải Bông sen vàng hơn so với nhiều liên hoan khác.

Có thể nêu ra ở đây phim của Bùi Thạc Chuyên "Sống trong sợ hãi", một bộ phim đã được cọ xát cả ở quốc tế, được nhận không chỉ một giải thưởng trong nước và ngoài nước.

Rồi phim của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nguyên Minh, "Mùa len trâu" cũng thế. Hai bộ phim nhựa này đều là hai bộ phim đầu tay của các đạo diễn nhưng đều rất có chất lượng.

Rồi có thể kể đến những bộ phim nhựa đầu tay khác như "Đường thư" của Bùi Tuấn Dũng, "Chiến dịch trái tim bên phải" của Đào Duy Phúc… Tham dự liên hoan phim sắp tới cũng có phim của cả các đạo diễn lão thành nhưng theo tôi, khả năng lọt vào vòng ngắm của Ban giám khảo ở các bộ phim đầu tay rõ nét hơn vì bề dày giải thưởng của những bộ phim này tốt hơn. Đó là những bộ phim đã được kiểm nghiệm cả ở trong lẫn ngoài nước.

PV: Nếu một Liên hoan phim Quốc gia mà lại dựa quá nhiều vào những sự đánh giá đã có thì hẳn yếu tố bất ngờ cũng sẽ bị giảm đi nhiều. Nhưng thôi, đó là chủ đề của một câu chuyện khác… Tôi nhớ, hình như bộ phim "Cỏ lau" của anh, kịch bản của nhà văn Thái Kế Toại dựa theo truyện ngắn của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng là tác phẩm đầu tay và ngay lập tức đã được trao giải Bông sen vàng? 

ĐD VĐ: Đúng, "Cỏ lau" là phim đầu tay của tôi.

PV: Thực sự là tôi vẫn nhớ cảm giác sung sướng cách đây mười mấy năm khi được xem "Cỏ lau" tại Liên hoan phim ở Hải Phòng. Đó là cái thời mà những ngôi sao dạng như Lý Hùng, Việt Trinh, Diễm Hương… tới đâu cũng bị người hâm mộ ở thành phố Cảng quây lấy ồn ã tới mức không ít diễn viên đích thực ở tuổi cô, tuổi chú đã không khỏi chạnh lòng… "Cỏ lau" trong Liên hoan phim ở Hải Phòng là một mảng điện ảnh khác hẳn với những phim thời thượng khi đó mà về sau đã bị xếp vào dòng phim "mì ăn liền"…

Từng ấy năm trôi qua, hôm nay, đạo diễn Vương Đức thấy mình như thế nào so với khi hoàn thành bộ phim đầu tay ấy? Vui hơn? Hay buồn hơn? Hay ngậm ngùi hơn?

ĐD VĐ: Cũng khó nói... Mà trong tất cả những phim tôi đã làm thì "Cỏ lau" là phim có thành tích nghệ thuật cao nhất ở trong nước và ngoài nước. Rất hiếm khi có một đạo diễn đầu tay mà lại giật ngay giải lớn của liên hoan phim quốc tế, ví dụ như của liên hoan phim ở CHDCND Triều Tiên chẳng hạn. Thời đấy, mình chỉ tham gia có vài ba liên hoan phim quốc tế, như ở Moskva, Carlo Vary và Bình Nhưỡng…

Tôi nghĩ rằng, nếu không có được sự động viên như giải thưởng ở Liên hoan phim Bình Nhưỡng cho bộ phim "Cỏ lau" thì có lẽ tôi đã bỏ nghề rồi.

PV: ???

ĐD VĐ: Vì thời đó, làm nghề điện ảnh thực sự là một công việc nhọc nhằn cực kỳ, rất khó khăn vất vả. Cộng thêm vào đó là bao nhiêu áp lực khác.

PV: Tôi nghĩ, thời nào làm điện ảnh ở Việt Nam cũng lắm khó khăn phức tạp, cũng đầy áp lực chứ!

ĐD VĐ: Nhưng đó là thời mà tôi vừa lập gia đình, vợ lại là người cùng ngành, con nhỏ… Tóm lại là "đói" nên phải bươn chải để kiếm sống. Thời ấy, làm phim nhựa  cũng chả có gì. Tôi còn nhớ, mình vừa rời Quảng Trị ra sau khi làm phim "Cỏ lau" thì ngay lập tức phải phi xe máy đi quay đám cưới để kiếm tiền nuôi vợ con…

PV: Giờ mọi sự dễ chịu hơn?

ĐD VĐ: So với 15 năm trước thì bây giờ giới nghệ sĩ chúng tôi đã sống được bằng nghề và sống tương đối đàng hoàng.--PageBreak--

PV: Theo anh, có phải mâu thuẫn chăng, ngày xưa chúng ta rất khó khăn về công việc về phương tiện nhưng tác động của phim Việt Nam đối với người Việt Nam có vẻ như lớn hơn bây giờ, khi mà các điều kiện vật chất, các điều kiện xã hội đã tốt hơn trước rất nhiều?

ĐD VĐ: Vấn đề này tồn tại không chỉ ở nước ta mà ở cả nhiều nước khác trên thế giới: Những đạo diễn chuyên nghiệp cần phải biết cách cạnh tranh với truyền hình, "gã khổng lồ" có sức thu hút công chúng cực kỳ mạnh mẽ. Tôi nghĩ là suốt ngần ấy năm, mặc dù truyền hình không ngừng phát triển như vậy nhưng điện ảnh vẫn "sống sót" đấy thôi, vẫn đi theo con đường riêng của nó.

Cách đây khoảng 3 năm thì có thể nói là điện ảnh của chúng ta mất khán giả, không có ảnh hưởng sâu rộng. Nhưng tới thời điểm này, theo tôi, đang có dấu hiệu gia tăng ảnh hưởng của điện ảnh tới xã hội.

Nhờ số lượng các rạp chiếu phim với những tiện nghi hiện đại đang tăng lên, nhờ việc các thành phần kinh tế khác nhau đang tăng cường tham gia vào điện ảnh, đầu tư từ nước ngoài cho công nghiệp điện ảnh cũng tăng lên…

Tôi nhớ là, trong thời hoàng kim nhất của điện ảnh Việt Nam, chúng ta đã có trên trăm rạp chiếu phim và 2 nghìn đội chiếu bóng lưu động. Ở vào thời điểm sa sút, chúng ta còn 50 rạp và chỉ ở trong Quân đội mới có các đội chiếu phim lưu động. Thế nhưng, chỉ có trong vòng 3 năm nữa thôi, số rạp ở ta sẽ tăng lên trên 100 và các cụm rạp sẽ phát triển tương đối nhanh. Chúng ta có khoảng 200, 300 rạp, cụm rạp, số ghế ngồi tăng lên.

Và với cách xem phim nhiều tiện nghi như bây giờ thì tôi nghĩ, mọi người không ngồi im được ở trong nhà mà càng ngày càng bị quyến rũ bởi môi trường xem phim hấp dẫn.

Nếu anh từng đến xem phim ở cụm rạp như Mega Star thì anh sẽ thấy rằng, xem những bộ phim "tấn" nó khác với xem phim truyền hình như thế nào! Trong những điều kiện như thế, tôi nghĩ là sẽ có những cựa quậy đáng kể trong điện ảnh...

PV: Tuy nhiên, theo tôi, hiện nay, các tiện nghi trong các rạp chủ yếu làm tăng khán giả cho các bộ phim ngoại nhập…

ĐD VĐ: Không còn con đường nào khác là chúng ta phải bắt tay nhau để nâng cao chất lượng cho phim nội. Chúng tôi hiện đang cộng tác với Công ty Điện ảnh Thiên Ngân, để làm bộ phim "Rừng đen" mà tôi làm đạo diễn. Phim này vốn có tên gốc là "Người vớt củi", được quay bằng phim Kodak 200 rất "xịn", sẽ được in tráng ở nước ngoài và sẽ đạt tiêu chuẩn kỹ thuật ở tầm khu vực, chúng tôi cứ khiêm tốn đặt ra như vậy. Và đó sẽ là phim có thể chiếu được trong những cụm rạp hiện đại, có thể cạnh tranh được với một số loại phim nước ngoài…

Mà cũng không cứ phim của tôi, bộ phim "Trái tim bé bỏng" của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng thế, cũng đạt tiêu chuẩn khu vực luôn. Để có thể chiếu ở các chợ phim Hồng Kông hay Thái Lan…

PV: Thực sự là trong giai đoạn hiện nay ở ta xuất hiện những nỗ lực đầu tiên để có thể tiếp cận với thị trường phim khu vực và ngày càng nhân rộng ra?

ĐD VĐ: Không có con đường nào khác!

PV: Ngoài phim của Nguyễn Thanh Vân và của anh, còn những bộ phim nào nữa đi theo hướng này?

ĐD VĐ: Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng đang chuẩn bị làm một phim rất hiện đại về đề tài thanh niên nhé. Phim còn chưa bấm máy vì phải chờ đầu tư thêm nhưng nếu làm thì cũng sẽ làm theo những tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất có thể có.

Rồi đạo diễn Vinh Sơn trong miền Nam cũng đã được một quỹ của Pháp và Thụy Sĩ đầu tư cho. Chúng tôi làm phim với ngân sách khoảng 2 tỉ đồng, còn Vinh Sơn sẽ làm với ngân sách lên tới 5 tỉ đồng. Về sự hay dở của phim thì còn chưa biết nhưng về mặt công nghệ kỹ thuật, thì đó sẽ là phim đạt tiêu chuẩn châu Âu; phim sẽ được quay và thu tiếng đồng bộ, tiếng Huế! Và sẽ được làm hậu kỳ ở châu Âu.

Không biết anh đã xem phim "Dòng máu anh hùng" chưa, chứ đó là một bộ phim làm cũng xuất sắc lắm. Kinh phí của nó cũng xấp xỉ 2 triệu USD. Một bộ phim có thể nói đạt tiêu chuẩn quốc tế về mọi chuyện và có thể cạnh tranh trên thế giới nữa.

PV: Tức là trong lúc chờ những kiệt tác điện ảnh mới thì chúng ta cần phải làm những việc cụ thể như cải thiện những yếu tố kỹ thuật… Tất nhiên, thành công của một bộ phim không chỉ là ở những yếu tố kỹ thuật mà còn cần có một số yếu tố quan trọng khác nữa. Và trong lúc chờ đợi vun vén cho những yếu tố như vậy thì chúng ta nên dồn những điều kiện thuận lợi nhất cho các đạo diễn hàng đầu… Anh có nghĩ rằng, việc anh được giao làm bộ phim "Rừng đen" có liên quan gì đến vị trí Phó Giám đốc nghệ thuật Hãng Phim truyện Việt Nam mà anh đang giữ không?

ĐD VĐ: Có chứ. Trước hết, tôi là một người thạo thông tin. Thứ hai, tôi là một người rất nhiều năm tháng đóng góp cho điện ảnh. Với vị trí đấy, với những thông tin mà tôi nắm, thì sự lựa chọn của tôi sẽ được tốt hơn. Cũng phải nói rằng, với cương vị mà tôi đang giữ ở Hãng Phim truyện Việt Nam, tôi đã phải làm việc gấp đôi so với các đạo diễn thông thường.

Là một người làm phim chuyên nghiệp, tôi còn phải ngồi họp ở những cuộc họp mà các đạo diễn khác không bao giờ phải họp; tôi phải giải quyết các vấn đề khác mà các đạo diễn khác không quan tâm…

Trong bối cảnh đó thì việc mà Hãng Phim và những đơn vị điện ảnh tư nhân họ chú ý đến tôi nhiều hơn thì cũng không có gì là không có lý.--PageBreak--

PV: Ngày trước, nghệ sĩ thường được hình dung như những người thụ động, chờ vận may tới mới lóe sáng tài năng. Còn bây giờ, trong cơ chế hiện nay, một người nghệ sĩ đích thực là phải biết tìm kiếm vận hội, cơ hội để phát lộ năng lực, tài năng? Tức là nghệ sĩ cũng không nên quá "con nai vàng ngơ ngác" mà phải liên tục cập nhật thông tin để khỏi bỏ lỡ cơ hội nhiều khi là có một không hai đối với mình? Anh nghĩ thế nào?

ĐD VĐ: Đúng thế, không chỉ những người làm điện ảnh mà làm nghề nào cũng phải như vậy. Nói thật, điện ảnh là một nghề cực nhọc lắm, mỗi khi làm xong một bộ phim là đạo diễn gần như bị kiệt sức, cả về mặt tinh thần lẫn thể xác. Gần như lại trở về số 0. Và anh ta cần vài ba năm đề phục hồi, để nạp năng lượng, tri thức mới…

PV: Trong xã hội hiện đại, người nghệ sĩ không thể chỉ tự vỗ ngực là tôi có tài đây; nếu anh không tìm kiếm được cơ hội để thể hiện tài năng của mình thì không thể coi anh là người có tài được?

ĐD VĐ: Tất nhiên, vấn đề tài năng cần được đánh giá  theo rất nhiều yếu tố. Nhưng đơn giản nhất là, người nghệ sĩ chuyên nghiệp không thể được đánh giá là tài năng nếu anh không có tác phẩm.

PV: Đấy là nhìn từ một góc độ. Nhưng nhìn từ một góc độ khác, với cương vị là người quản lý thì cần phải làm sao để những người tiềm ẩn tài năng có thể có điều kiện hay cơ hội thi thố năng lực. Liệu chúng ta có thể làm gì để không uổng phí những tiềm ẩn tài năng điện ảnh, thưa anh?

ĐD VĐ: Cái này thì tôi cũng có chút ít kinh nghiệm, bởi vì ngoài việc tham gia công tác quản lý, tôi còn tham gia làm rất nhiều loại phim, kể cả những phim tài liệu thông thường hay phim quảng cáo, phim truyền hình. Nói chung, cái gì cũng từng làm.

Tôi còn đi dạy học; tôi đảm nhận hai bộ môn ở Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh: Môn thứ nhất là đạo diễn, môn thứ hai là diễn viên. Thỉnh thoảng, tôi còn tới Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia dạy cho lớp biên kịch. Ngoài ra, tôi cũng là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Điện ảnh Việt Nam…

Với tất cả những công việc đã và đang làm, thì tôi có thể khẳng định một điều là: Nếu như ở đâu đấy loé lên một mầm mống tài năng nào đó thì bao giờ cũng được phát hiện ra, chứ không sợ bị thui chột đi đâu.

Chúng ta đều hiểu rằng, điện ảnh là một lĩnh vực tập hợp rất nhiều công nghệ khác nhau, ngành nghề khác nhau, chuyên môn khác nhau. Có thể coi nó như một cái lò bát quái. Và tất cả những ai đã được trải nghiệm trong ngành điện ảnh thì chỉ có một  trong hai tình trạng: Hoặc sẽ bị thiêu cháy, hoặc sẽ thành Tôn Ngộ Không! Không có con đường thứ ba!

PV: Như vậy là anh tự đánh giá anh là Tôn Ngộ Không rồi, đúng không? (cười)

ĐD VĐ: Tức là trong cái lò luyện ấy, mọi sự diễn ra dữ dội, rất nhanh. Và vấn đề là ở chỗ: Anh sống được bao nhiêu lâu? Anh là Tôn Ngộ Không được bao nhiêu năm? Và anh được tiếp tục không bị đốt cháy hay không? Tôi nghĩ, làm điện ảnh thì những chuyện như thế ai cũng phải cọ xát. Và nếu muốn làm điện ảnh thực sự thì anh phải tìm ra những nơi sóng gió, những nơi trung tâm như Hà Nội và TP HCM chẳng hạn. Tức là những nơi có lửa để thử vàng!

PV: Tức là theo tôi hiểu, theo đánh giá của đạo diễn Vương Đức, một khi đã làm nghề điện ảnh, nghề đạo diễn điện ảnh, thì tự mình phải thấy trước và coi các sự phức tạp khó khăn là chuyện tất nhiên. Và nếu lăn lộn trong lò bát quái đó rồi mà không thành Tôn Ngộ Không được thì anh cứ tự trách anh trước tiên và rời khỏi nghề. Chứ không bao giờ lại than thở, tại sao lò bát quái lại nóng như thế. Rõ ràng điện ảnh không phải là nơi dành cho những người yếu bóng vía, ủy mị, những người quá giàu cảm xúc và thiếu những hành động kiên quyết…

ĐD VĐ (tủm tỉm cười):...

PV: Chắc chắn anh đã có nhiều dịp nhìn gần các đồng nghiệp của mình. Anh có ấn tượng nhất với những ai? Liệu chúng ta có thể nói rằng, khi nào đó, chúng ta từng có một thế hệ "đạo diễn vàng" không? Hay là những người nói rằng các đạo diễn ngày trước hay hơn các đạo diễn bây giờ chỉ là do phải chịu ảnh hưởng từ những ấn tượng thời cuộc thôi. Trước đây, quan hệ, giao lưu của ta còn hạn hẹp, "ở nhà nhất mẹ nhì con"… Còn bây giờ, mở cửa, thế giới rộng lớn hơn nên ta cũng thấy rõ mình hơn…

ĐD VĐ: Tôi từng tham gia làm bộ  phim về lịch sử điện ảnh Việt Nam trong nửa thế kỷ, mảng phim truyện, nên tôi có dịp xem phim của các đạo diễn thế hệ gọi là "khai thiên lập địa" mở ra ngành điện ảnh nước nhà.

Và tôi cũng có nhiều dịp được xem phim của các đạo diễn trẻ. Theo tôi, nếu phân định rạch ròi thì cũng khó nhưng tựu trung, ở Việt Nam có thể phân chia các đạo diễn điện ảnh thành ba thế hệ.

Và thế hệ chúng tôi có lẽ là thế hệ thứ ba, thế hệ đầu tiên là thế hệ của những Phạm Kỳ Nam, Phạm Văn Khoa, Trần Vũ. Thế hệ tiếp theo là của Đặng Nhật Minh, Bạch Diệp… Bọn tôi là thế hệ thứ ba. Và hiện nay có thể ở nước ta đang hình thành thế hệ thứ tư với những đạo diễn như Bùi Thạc Chuyên…

PV: Thế đạo diễn Nguyễn Thanh Vân ở thế hệ thứ mấy?

ĐD VĐ: Vân cùng thế hệ với bọn tôi… So với các thế hệ khác thì thế hệ thứ ba được đào tạo tương đối bài bản. Nói về những thành tích dựa trên những thống kê về giải thưởng liên hoan trong và ngoài nước thì các thế hệ đều làm tốt sứ mạng của mình ở góc độ nào đấy và ai cũng đã làm, đã cố gắng tối đa và đóng góp được cái gì đấy cho nền điện ảnh Việt Nam.

Thế nhưng, tôi vẫn nghĩ rằng, bao giờ tương lai cũng phụ thuộc vào thế hệ trẻ. Phải nói rằng nghề của chúng tôi là một trong những nghề khó nhất thế giới, nó cần rất nhiều phẩm chất cá nhân, cần rất nhiều yếu tố khách quan của xã hội, của đất nước.

Và bao giờ tôi cũng tin vào thế hệ trẻ vì bao giờ thì sức sáng tạo của những người trẻ cũng mãnh liệt nhất và nếu chúng ta dành được tất cả các điều kiện đang có cho những đạo diễn trẻ để họ có sức sáng tạo tốt nhất thì lúc đấy, điện ảnh của chúng ta sẽ phát sáng.

PV: Đấy là niềm tin của anh phải không?

ĐD VĐ: Chắc chắn. Tôi có nhiều dịp tiếp xúc với các em học nghề điện ảnh ở nước ngoài về. Rất nhiều em trẻ, đẹp, tài hoa, ngoại ngữ tốt… Họ còn mạnh hơn thế hệ của tôi, mà tôi đã được học ở Nga hẳn hoi đấy chứ, đó là một trường phái điện ảnh mạnh của thế giới… 

PV: Bây giờ tôi xin hỏi cụ thể nhé. Trong cách cảm nhận của anh, đạo diễn Hải Ninh hiện lên như thế nào?

ĐD VĐ: Tôi là thế hệ đi sau…

PV: Anh cứ nói theo quan điểm của chính mình, không có gì phải ngại đâu!

ĐD VĐ: Trong tất cả những phim của đạo diễn Hải Ninh, tôi thích nhất bộ phim đầu tay của ông, rất ít người xem: phim "Người chiến sỹ trẻ". Và bộ phim thứ hai là "Mối tình đầu".--PageBreak--

PV: Tôi cũng rất thích phim "Mối tình đầu". Sau năm 1975, bộ phim ấy đã gây nên một cơn sốt thực sự ở Hà Nội. Tôi đặc biệt bị ấn tượng bởi nữ diễn viên Như Quỳnh và anh Thế Anh.

ĐD VĐ: Và cả chị Trà Giang nữa.

PV: Với phim "Người chiến sỹ trẻ", anh thích ở điểm gì?

ĐD VĐ: Phim đó có sự trong sáng, hồn nhiên, cái sự thoải mái của một người làm nghề đích thực, nó không bị gò ép. Ở một thời kỳ rất dễ bị gò ép, căng cứng, rất dễ bị lôi cuốn theo định hướng tuyên truyền mà làm được một tác phẩm điện ảnh như "Người chiến sĩ trẻ" là không dễ.

PV: Có lẽ trong "Mối tình đầu", cái nổi trội là cách xử lý mới của chủ đề hippy, ma tuý, lúc đó còn rất xa lạ với công chúng miền Bắc chăng?

ĐD VĐ: Trong "Mối tình đầu", đạo diễn đã xử lý thành công hai vấn đề rất khó, hai sự lựa chọn rất khó: đầu tiên đề tài kịch bản. Đạo diễn Hải Ninh đã có một sự lựa chọn đề tài rất tốt. Và ông cũng đã chọn được diễn viên rất tốt, toàn những gương mặt hàng đầu của chúng ta lúc ấy: Trà Giang, Thế Anh, Như Quỳnh… Chỉ thiếu có Lâm Tới thôi…

PV: Anh có cảm nhận như thế nào về đạo diễn Đặng Nhật Minh?

ĐD VĐ: Đạo diễn Đặng Nhật Minh là người tôi nói là tôi luôn luôn phải học tập ở chỗ: anh kiên nhẫn sửa chữa kịch bản đến cùng. Ví dụ như với kịch bản phim về Đặng Thuỳ Trâm hiện nay. Tôi biết là 6 lần anh sửa chữa, âm thầm sửa chữa, trao đổi với bạn bè, trao đổi với đồng nghiệp, gửi email nước ngoài, âm thầm và cực kỳ kĩ lưỡng...

Rất nhiều người thích "Bao giờ cho đến tháng 10" của anh Minh nhưng tôi lại thích "Thương nhớ đồng quê" của anh ấy hơn.

PV: Phim đó nó xót xa hơn. Có tính thiên khải lớn…

ĐD VĐ: Đấy là một bộ phim tính hoàn chỉnh của nó rất là cao, tính nghệ thuật cũng rất là cao. Đó là một trong những bộ phim để đời của anh ấy…

PV: Còn về đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, một trong những "phản biện" gay gắt nhất của anh Đặng Nhật Minh thì anh có nhận xét gì?

ĐD VĐ: Trong các bộ phim của Đỗ Minh Tuấn, tôi thích nhất phim gần đây nhất là phim "Vua bãi rác".

PV: Vì sao?

ĐD VĐ: Cũng vì hai yếu tố quan trọng nhất, một là yếu tố kịch bản; hai là yếu tố diễn viên.

PV: Ngoài ba đạo diễn tôi vừa nói, anh còn ấn tượng đối với ai không?

ĐD VĐ: Một người mà rất ít được dư luận nhắc tới nhưng tôi rất quý trọng bởi cuộc sống và công việc của ông, đó là đạo diễn Trần Vũ!

PV: "Đến hẹn lại lên"!

ĐD VĐ: Đúng. Trần Vũ còn là đạo diễn của những phim như "Chim vành khuyên", "Anh và em", "Chuyến xe bão táp"... Nếu phải nói tới người được các giải Bông sen vàng nhiều nhất ở Việt Nam thì phải nhớ đó là đạo diễn Trần Vũ. Ông cũng từng được các giải thưởng quốc tế nhưng chỉ tính riêng Bông sen vàng không thôi thì ông đã đứng số 1 rồi.

PV: Những bộ phim ấy đều từng là những điểm sáng chói của điện ảnh Việt Nam trong quá khứ. Anh thích gì trong phong cách làm phim của đạo diễn Trần Vũ?

ĐD VĐ: Phong cách làm phim của đạo diễn Trần Vũ đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ, ảnh hưởng đến cả thế hệ thứ hai. Trong phim "Chim vành khuyên" hay "Đến hẹn lại lên", đó là phong cách trữ tình đặc biệt, rất là lãng mạn, rất là Á Đông của người Việt Nam mình, khác hẳn với các phim nước ngoài.

PV: Tức là khi xem bộ phim ấy, người ta không chỉ hiểu biết về số phận mà còn hiểu biết thêm về phong thái tâm hồn Việt Nam, văn hoá Việt Nam… Thế anh có thể nói về Lê Hoàng, một đạo diễn hiện nay rất là tung hoành trên nhiều mặt trận? Hầu như bộ phim nào của Lê Hoàng cũng được PR  rộng rãi. Và anh ấy cũng là người viết báo  rất xuất sắc. Anh có thể nói gì về Lê Hoàng?

ĐD VĐ: Ở Lê Hoàng thì tôi thích nhất phim "Lưỡi dao". Theo tôi, phim đó là phim mà anh ta làm hoàn chỉnh nhất, hay nhất. Bộ phim thứ hai mà tôi thích ở Lê Hoàng là "Ai xuôi vạn lý". "Ai xuôi vạn lý" có thành tích nghệ thuật ở quốc tế tốt hơn, nhưng tôi thích "Lưỡi dao" hơn vì tính hoàn chỉnh cao của nó.

Lê Hoàng về sau, nói như cách bọn tôi vẫn nói là "buông súng" đi theo hướng phim thị trường. Tôi luôn luôn tôn trọng lao động nghệ thuật trong điện ảnh dù cho anh chiếu cho bất cứ tầng lớp khán giả nào.

Nhưng ở một góc độ, tôi rất tiếc cho Lê Hoàng… Không biết Lê Hoàng có trở lại với những phim như "Lưỡi dao" hay "Ai xuôi vạn lý" hay không...

PV: Tôi nghĩ, Lê Hoàng muốn mang tiếng nói điện ảnh của mình ra đông đảo khán giả. Liệu có phải bao giờ trong cái sự ham muốn mang nghệ thuật tới đông đảo khán giả cũng tất yếu dẫn tới một sự tự hủy hoại cái tinh thần nghệ thuật khởi nguyên ở trong mình? Tôi cũng biết là, mặc dù các xuất phẩm của Hollywood rất ăn khách nhưng không ít những nhà làm phim có hạng ở châu Âu lại dị ứng với chúng. Giới trí thức tinh hoa thường vẫn hướng tới những gì khác với phim "Titanic"… Anh nghĩ như thế nào?

ĐD VĐ: Tôi nghĩ, đất nước mình đang phát triển rất nhanh, khán giả hay dư luận xã hội hay dư luận nhà chuyên môn còn thay đổi rất nhiều. Chúng ta không nên vội khẳng định điều gì quá. Tôi quan niệm rằng, mỗi một đạo diễn khi bắt tay vào làm phim thì đều biết rõ con đường mà mình đã chọn sẽ dẫn tới đâu.

Chúng ta đều biết anh Lê Hoàng là con người sắc sảo ở nhiều lĩnh vực chứ không chỉ ở điện ảnh. Một người, như chúng tôi vẫn thường nói, "thừa khôn thiếu dại". Anh ấy sẽ tự biết điều chỉnh làm sao có lợi nhất cho cá nhân và cho công việc của anh ấy.

Điện ảnh như tín ngưỡng ấy, ai tin điều gì thì cứ vẫn sẽ tin điều đó. Không ai bắt ép người khác thay đổi được tín ngưỡng đâu.

PV: Xin cảm ơn đạo diễn Vương Đức

.
.