Đạo diễn Việt Linh: An nhiên như mùa

Thứ Ba, 25/02/2014, 10:20

Ở cái tuổi ngoài sáu mươi, người ta có thể cho mình quyền chấp nhận những cuộc ngơi nghỉ. Hoặc lựa chọn một nơi chốn neo giữ phần đời còn lại. Người ta có quyền kể, tự hào và bằng lòng trước những mùa quả bội thu đã gặt hái. Hoặc giả ném cái nhìn phán xét đến những cái cây còn non, xanh. Nhưng, Việt Linh đứng ngoài vòng xoáy đó. Tự tại, trẻ trung, và thiết thực. Chị vẫn tất bật đi-về, vẫn tỉ mẩn ngồi đan, những nốt len thương khó, cho “chiếc áo” một đời đắm say: Điện ảnh.

1. 17 tuổi, vào chiến khu, Việt Linh đến với điện ảnh. Chẳng phải một phút ngẫu hứng hay bất chợt. Đam mê ấy, phần được truyền, thấm từ ba chị - nhà biên kịch Việt Tân, phần khả năng thiên bẩm, phần được tôi luyện trong vai trò dựng phim, biên kịch và biên tập. Ngọn lửa điện ảnh cứ thế dung dưỡng cháy trong tim óc chị. Để mười năm sau đó, Việt Linh sẵn sàng cho một cuộc “thiên di”.

Lúc đầu, chị được Hãng phim Giải phóng cử đi học lớp biên kịch tại Liên Xô. Sau, biết trường có cả khóa học đạo diễn, chị liều đăng ký thi thử. Bằng kinh nghiệm sống, sự quyết đoán và nhiệt huyết với nghề, Việt Linh tự tin bước vào cuộc thử thách. Vòng thi vấn đáp, trước câu hỏi đầy nghi ngại: “Là phụ nữ mà cô muốn làm đạo diễn, có phi lý không?” của vị giáo sư người Nga, chị chín chắn hồi đáp: “Tôi năm nay 27 tuổi. Ở độ tuổi này, phụ nữ nước tôi có lý nhất là lập gia đình, sinh con cái. Tôi đã gác lại mọi thứ sang tới đây, thì không còn gì vô lý cả”.

Mùa đông, vị giám khảo chính mở hộp cù là sao vàng của Hà Nội trong tay, xoa mũi, bâng quơ hỏi: “Tôi rất thích thứ kem nóng này, cô có biết nó làm từ nguyên liệu nào không?”. “Thưa, tôi không biết, không theo dõi lĩnh vực này” - chị thản nhiên, thành thật. Kết quả, sau mấy vòng thi chị được chọn vào khoa Đạo diễn. Chính vị giáo sư nổi tiếng không mặn mà sinh viên nữ đã vui lòng nhận cô gái vóc dáng nhỏ nhắn, có đôi mắt cương nghị ấy vào khoa Đạo diễn - Trường Đại học Điện ảnh Liên bang Xôviết (VGIK) thay vì một nam đồng hương của chị. Sau này, thầy cho biết đã chọn chị vì thú vị về cách trả lời thẳng thắn, chủ động, tập trung. Ông đã không lầm. Và sau 5 năm học ông đã ghi nhận trong tấm bằng tốt nghiệp loại ưu của cô học trò câu nói: “Đủ khả năng làm đạo diễn, không cần qua vị trí trợ lý”.

Đạo diễn Việt Linh và đồng đạo diễn Phạm Hoàng Nam làm việc trên mô hình sân khấu Thiên Thiên.

Chị về nước, Hãng phim Giải phóng vì câu nói đó rất vui khi miền Nam có nữ đạo diễn điện ảnh đầu tiên. Hãng giao ngay cho chị thực hiện bộ phim Nơi bình yên chim hót. Việt Linh bảo đó không phải là điều hay, bởi thời điểm đó, chị vẫn chưa quen với môi trường, phương thức làm phim trong nước. Chưa nói cái mác du học, nữ nhi cũng tạo nên những ánh nhìn nghi hoặc. Nhưng cuối cùng chị đã chinh phục được những cá nhân khó tính nhất trong đoàn phim bằng thái độ khiêm cung, kiến thức và tâm huyết. Cứ thế, những đứa con tinh thần của chị lần lượt ra đời, từ tốn mà chắc nịch: Phiên tòa cần chánh án, Gánh xiếc rong, Dấu ấn của quỷ, Chung cư, Mê Thảo - thời vang bóng.  Phim nào của chị cũng để lại dấu ấn với người xem trong và ngoài nước, có đời sống lâu dài.

Đã hơn 10 năm nhưng tháng 3 sắp tới, Liên hoan phim phụ nữ Creteil và Trường Đại học Đông Phương học ở Paris sẽ chiếu lại Chung cưMê Thảo - thời vang bóng của chị trong các chương trình giao lưu văn hóa Pháp - Việt. Có cảm giác điện ảnh với Việt Linh là cuộc dạo chơi, an nhiên trên con đường đầy gấm hoa, rực rỡ sắc màu, nhưng không chỉ thế, chông gai, đá nhọn đã cứa vào chân chị những vết xước khó lành. Nên, sau Mê Thảo - thời vang bóng, Việt Linh chọn cách đi bên lề điện ảnh, chuyển năng lượng tràn trề trong mình sang những trang viết.

2.  Viết, với chị, như là cuộc đối thoại, sẻ chia với cuộc đời. Viết, với đôi mắt ưa quan sát, với tâm hồn mẫn cảm, nhiều suy tư, như cuộc nhân duyên không hẹn trước. Cứ thế đến, ở lại bầu bạn rồi thành tri kỷ.

Việt Linh viết gì? Kịch bản phim, biên tập, dịch sách điện ảnh và viết báo. Tôi đặc biệt thích cách kể những câu chuyện của Việt Linh trên báo. Những câu chuyện đời thường, những câu chuyện gần như vụn vặt. Chuyện một anh nuôi gà đá, chuyện nuôi một con chó, chuyện một cậu sinh viên đến tìm chị, chờ mãi không dám hỏi thăm rồi lủi thủi ra về với hai cái chân sưng vì muỗi đốt, chuyện phim ảnh, chuyện của quá khứ, của hiện tại, chuyện ở xứ ta, xứ Tây,… của mình và của người. Những câu chuyện quen thuộc thường ngày, qua góc nhìn của chị - người phụ nữ chưa bao giờ chịu cho đầu óc ngơi nghỉ - như một lát cắt được làm nổi, ngồn ngộn sức sống và giàu liên tưởng. Chính cái ngồn ngộn ấy đánh thức đời sống tưởng chừng ngủ quên trong ta hoặc có đôi khi, vì bận rộn, vì hững hờ hoặc vì… lười, ta bỏ quên, đâu đó.

Những gì Việt Linh viết, những dự án Việt Linh thực hiện, càng soi rõ tính cách chị, trong phim ảnh và trong đời thường. Từ tốn, đau đáu, quyết liệt, nhiều ý niệm nhưng không phí thời gian của người xem. Với Việt Linh, có cảm giác như thời gian chưa bao giờ đủ để chị vẫy vùng, hiện thực hóa các dự định. Có quá nhiều ấp ủ, quá nhiều người cần gặp chị cũng như chị cần gặp. Lâu trước, chị âm thầm thực hiện tủ sách điện ảnh để các bạn trẻ yêu điện ảnh có thêm tư liệu tiếp cận với nghề. Rồi hăng hái gặp gỡ họ, truyền đam mê và giữ lửa, lắng nghe và chia sẻ. Chân thành, nhiệt tâm và gần gũi. Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi biết Việt Linh có rất nhiều bạn yêu quý chị. Và hơn phân nửa trong số đó là những người trẻ, rất trẻ. Phải chăng, đó là lý do vì sao Việt Linh lúc nào cũng trẻ trung, tươi mới?

Ngót hai mươi năm, chị không nhớ mình đã bay bao nhiêu chuyến giữa Việt Nam và Pháp, nung nấu bao nhiêu suy nghĩ. Nhưng chắc chắn, lúc chị đáp máy bay về Việt Nam, chưa khi nào là một chuyến hồi hương, hoài niệm đơn thuần. Những ấp ủ được chuẩn bị kỹ càng là hành trang chị mang theo. Và đã làm là làm đến nơi đến chốn, dứt khoát, quyết liệt. Cho nên, dự án nào của chị cũng được đông đảo bạn bè, báo giới và công chúng quan tâm, hưởng ứng. Như bạn bè chị thường đùa: “Già mà vẫn hot!”.

3. Lần trở về này, từ những “cơ duyên hạnh ngộ”, Việt Linh quyết định dựng Thiên Thiên - vở kịch chị vẫn nói vui: “phù hợp với khán giả từ 15 đến 90 tuổi”. Vở khởi nguồn từ nhân vật cùng tên trong truyện ngắn Hạnh phúc là cùng của Vũ Hồi Nguyên. Cộng với ấn tượng về một người “chuyên” lắng nghe tâm tư của người khác, với nhân vật “tôi” đầy tinh tế trong truyện ngắn Xoa của Tăng Song Nam, Việt Linh đã thổi thêm vào đó tính tư tưởng, tinh thần nghệ sĩ - công dân, làm nên một vở kịch mang dấu ấn riêng. Đã có không ít bài viết về Thiên Thiên, vì như tôi đã nói, Việt Linh luôn là cái tên có độ “hot”. Ở đây, xin được kể một câu chuyện khác.

Đầu tư cho Thiên Thiên, Việt Linh dốc túi và đi mượn hơn nửa tỉ đồng cho vở kịch trước mắt chỉ có ba suất diễn (14,15,16/2) ở nhà hát Thành phố, gần như chị không còn tiền để mua vé tặng người thân. Song, chị vẫn khước từ những đề nghị đầu tư để được trọn vẹn là mình, thoát khỏi mọi ràng buộc, tự do làm những điều chị hình dung, mong muốn. Chị nói, chị làm vì khó có được một kịch bản nào khiến chị thật sự đắm đuối như Thiên Thiên. Ở đó không có nhiều nhân vật liên đới nhưng vẽ được bức tranh xã hội đa màu. Có nỗi cám cảnh trí thức, nỗi tái tê thân phận phụ nữ, có những giá trị con người tự tước đoạt hoặc bị tước đoạt, có cái nhìn vừa khinh bỉ vừa vị tha trước sự rách nát của lương tâm, có nỗi khát khao hơi ấm cốt nhục...

Con gái chị đề nghị mua vé máy bay để hai bố con về xem vở kịch đầu tay của chị, nhưng Việt Linh từ chối vì vé máy bay rất đắt. Con gái chị - cô bé đã từng hồn nhiên nói: “Con yêu mẹ như mẹ yêu phim của mẹ” cách đây 10 năm - sau khi viết cho chị bức e-mail tiếng Việt đầy lỗi chính tả, đại ý: “Nếu con và ba không ở bên mẹ vào thời khắc quan trọng ấy, chúng ta không phải là một gia đình”, đã quyết định mua vé về nước. Chị nói, đọc những dòng con viết, mắt chị nhòe đi, xúc động, ân hận. Chị cảm thấy mình bé nhỏ trước tình yêu và suy nghĩ trưởng thành của con.

Hỏi Việt Linh có nghĩ đến việc dừng những cuộc đi về tốn kém và có thấy buồn trong cuộc “tạm cư hờ hững”, như chị nói ở xứ người? Chị cười: “Nơi chốn không quan trọng, quan trọng là cách mình hướng về nơi đó như thế nào”. Cuộc sống vẫn diễn ra, như những gì nó vốn có, không tuần tự, không lặp lại, nhưng bản chất của tình yêu thì không bao giờ thay đổi. Trên con đường ấy, Việt Linh vẫn miệt mài đi-về (hay chỉ là về?), vẫn tỉ mẩn ngồi đan giữa hai cõi: gia đình và nghệ thuật. Và dẫu ở đâu, làm gì, người ta vẫn thấy một Việt Linh nồng nàn thuở nào của điện ảnh. Chỉ là, cách biểu hiện có khác đi mà thôi

Hoàng Dung
.
.