Đạo diễn Phillip Noyce: Hết sợ là yêu

Thứ Ba, 21/12/2010, 16:05
Phillip Noyce không chỉ là đạo diễn điện ảnh nổi tiếng thế giới mà còn là một con người từng trải và mẫn cảm. Trước khi chia tay, Phillip nói thật cảm động với tôi: "Khi chúng tôi vừa đặt chân xuống sân bay Nội Bài người đầu tiên vợ chồng tôi gặp và đón tiếp chúng tôi ở đó là chị! Khi chúng tôi rời Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất thì cũng chính chị là người đưa tiễn chúng tôi. Dù chị không nói gì nhưng tôi biết mọi việc làm tốt đẹp cho gia đình tôi ở Việt Nam có bàn tay của chị".

Chao ôi, Phillip đã khen hơi quá lời, thực ra tên tuổi ông, những bộ phim nổi tiếng của ông như "Cái chết được báo trước", "Hàng rào chắn thỏ", "Người Mỹ trầm lặng", "Salf" (tên phim khi chiếu ở Việt Nam là "Nữ điệp viên") và nhiều bộ phim nổi tiếng khác... đã khiến ông xứng đáng được như thế.

Xứng đáng được các khán giả - những người hâm mộ ông ở Việt Nam quí mến chứ đâu phải riêng tôi. Đặc biệt lần sang Việt Nam này, Phillip được rất nhiều "đại gia" do yêu mến ngưỡng mộ nên đã quan tâm săn sóc. Ví như ở Hà Nội có vợ chồng TGĐ TCty FPT, vợ chồng TGĐ TCty Hàng không VN và nhiều bạn bè thân thiết khác của người viết bài này cũng húm vào giúp đỡ...

Đỗ Hải Yến tặng Phillip Noyce đĩa phim "Chơi vơi" vì ông nói muốn xem những phim gần đây mà cô tham gia. Ảnh: Thoại Hà.

Ở TP.HCM có Công ty CP Lan Anh Media đã phối hợp với Hội Điện ảnh Việt Nam cùng tổ chức, đã lo giúp việc ăn ở (khách sạn Caravel) và phương tiện đi lại cho gia đình Phillip, bố trí hội trường cho lớp học ngay tại Khu biệt thự Lan Anh nổi tiếng tiện nghi.

Lan Anh Media còn mở một galadiner rất sang trọng đón chào Phillip nữa. Thật sự là Phillip cảm động nhưng ông cũng rất tế nhị khi nói  rằng: "Vâng, thật quí khi có thêm bạn mới nhưng bạn cũ lại có những cái quí khác. Chúng ta là những người bạn cũ quen biết nhau đã 15 năm nay...".

Vâng, đó là năm 1995 - lần đầu tiên Phillip Noyce cùng người vợ đầu là nhà sản xuất phim người Mỹ đến Việt Nam với tư cách khách du lịch. Ông và vợ đến thăm Hãng Phim truyện Việt Nam. Giám đốc hãng khi ấy là NSND - đạo diễn Hải Ninh. Đạo diễn Hải Ninh là người  mến khách và rất quí trọng nghệ sĩ. Hễ có khách quốc tế đến thăm hãng là thể nào ông cũng mời các nghệ sĩ lên tiếp cùng. Hôm ấy tôi cũng được mời lên gặp gỡ vợ chồng Phillip. Ngồi trò chuyện trong phòng khách của Giám đốc hãng vào mùa thu tiết trời mát mẻ mà mồ hôi mồ kê trên mặt ông nhễ nhại, lưng và ngực áo ướt đầm đìa.

Tôi hỏi ông: "Hà Nội có nóng đâu, sao ông toát hết cả mồ hôi như vậy?". Ông trả lời: "Quả thật là tôi sợ". Trong lòng ông lúc ấy luôn thường trực một nỗi sợ người Việt Nam sẽ căm ghét người Mỹ (mặc dù ông gốc Australia) vì đã gây ra bao đau khổ cho người Việt Nam.

Nhưng ông cũng không ngờ là mình được đón tiếp lịch sự như thế. Sau hôm gặp chung đó ông biết tôi là người viết kịch bản phim nên muốn có cuộc trò chuyện riêng với tôi hôm sau. Ông muốn biết các nhà điện ảnh Việt Nam quan tâm đến vấn đề gì? Nếu ông muốn làm phim ở Việt Nam thì có khó khăn gì không?

Mặc dầu việc người nước ngoài vào Việt Nam làm phim những năm ấy quả là còn rất khó khăn, phải xem xét rất kỹ nội dung kịch bản và nhân thân đạo diễn - nhất lại là đạo diễn đến từ Mỹ nhưng tôi cũng động viên ông rằng: "Đất nước tôi chuyện nào ra chuyện ấy, ông chỉ là một đạo diễn phim, không can dự vào cuộc chiến, có gì mà phải lo. Khi nào có dịp ông cứ trở lại Việt Nam làm phim".

Phải nói thêm rằng người chuyển ngữ trong mọi cuộc trò chuyện của tôi với Phillip hôm đó và cả những năm sau này là chị Trần Anh Hoa khi ấy vừa đi học đạo diễn tại Ấn Độ về. Mấy năm sau  chị lấy chồng là nhà quay phim người Mỹ có tên là Richard Conor (Richard là một trong ba người đã quay bộ phim "Đừng đốt" của đạo diễn Đặng Nhật Minh).

Cứ nghĩ mình trò chuyện có tính "ngoại giao" hơi tuyên truyền một chút vậy mà 5 năm sau Phillip quay lại Việt Nam thật với dự án phim "Người Mỹ trầm lặng". Dù dự án này làm với Hãng phim Giải phóng nhưng ông vẫn gửi kịch bản nhờ tôi đọc góp ý xem kịch bản viết thế có đúng tâm lý của phụ nữ Việt Nam không? Nhất là nhân vật Phượng.

Thật sự kịch bản khi đó viết Phượng chẳng khác gì một cô gái thực dụng, thấy nhà báo Pháp già cỗi (do Michael Cain đóng) nên bỏ, nhảy luôn sang mê cậu nhà báo Mỹ (sự thực là một điệp viên CIA) trẻ đẹp và giàu có. Dù trong thực tế cuộc sống có như vậy nhưng tôi vẫn cảm thấy có gì đó chưa ổn. Trong bữa cơm ở nhà hàng Vạn Xuân do Phillip mời cốt để nghe tôi nói cảm nhận về kịch bản này.

Bữa cơm hôm đó có Trần Anh Hoa phiên dịch và đạo diễn Vương Đức. Tôi đã nói với Phillip: "Phụ nữ Á Đông nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng thời ấy không hoàn toàn giống như Phượng. Đa số họ đã yêu ai sâu sắc là đều mong muốn tiến tới hôn nhân. Cần phải nghĩ ra một nguyên nhân nào đó để gây khó khăn trong quan hệ không thể tiến tới hôn nhân được của Phượng với nhà báo Pháp này.

Để sau đó Phượng mới lấy nhà báo Mỹ - một thanh niên trẻ chưa vợ. Phillip hiểu ra và đã sửa thêm chi tiết do vợ của nhà báo Pháp kiên quyết không chịu ly hôn (vì theo đạo Thiên chúa) nên dù hai người có yêu nhau đến mấy thì ông buộc lòng vẫn phải để Phượng lấy nhà báo Mỹ. Trần Anh Hoa cũng thích thú với chi tiết đó. Thật sự chi tiết nhỏ vậy thôi nhưng đã làm vị thế của nhân vật Phượng "đứng đắn” và có lý hẳn lên trong phim.

"Người Mỹ trầm lặng" là bộ phim quá lớn, quá đồ sộ... Mỗi người Việt Nam tham gia với đoàn phim nước ngoài ở nhiều công đoạn và nhiều lĩnh vực khác nhau đều có đóng góp không nhỏ cho thành công của bộ phim này. Khi ấy hai vợ chồng Hoa và Richard làm trợ lý cho Phillip, Ngô Quang Hải và Đỗ Hải Yến là diễn viên trong phim.

Tất cả  đều rất trẻ trung. Hải Yến và Ngô Quang Hải lúc đó đang yêu nhau nên lúc nào cũng ríu rít líu lo. Trần Anh Hoa vẫn đùa rằng: "Chị chả phải nhà ngoại giao, càng chẳng phải "nhà chính trị", cũng không là cán bộ ở Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam mà sao lại đề cao phụ nữ, đề cao "tính dân tộc" thế!!! Như vậy là chị cũng đóng góp chất xám cho phim đấy nhưng không thấy chị đòi hỏi gì hay nói đến một đồng thù lao nào dù biết Hollywood mang tiền tấn sang Việt Nam để làm phim này". Ôi, em ơi nếu ở đời cái gì cũng "qui ra thóc" thế thì còn gì để nói nữa. Có những việc ta làm tốt cho người  mà ta không để ý nhưng người lại lưu tâm thì đó chính là cái "lãi" của ta. Trong cuộc sống nhiều khi không tính trước được điều gì.

 Phải vậy chăng mà khi tôi thay mặt Hội Điện ảnh Việt Nam mời ông lưu lại thêm ít ngày sau khi ông làm Trưởng BGK LHPQTVN lần thứ nhất để trao đổi nghiệp vụ với các nhà điện ảnh và sinh viên điện ảnh Việt Nam ông đã nhận lời ngay mà không một chút lưỡng lự hay đòi hỏi một chút thù lao nào mặc dù ông rất bận.

Thư ông viết thật cảm động: "Tôi không nghĩ mình sẽ được nhận thù lao thay vì món quà được gặp lại chị và các bạn Việt Nam". Và, nhẽ ra ông dành 10 ngày cho giảng dạy (một công việc ông cũng rất yêu thích) nhưng vì như đã nói ở trên, ông bận làm phim ở Australia nên chỉ ở được có 5 ngày thôi (2 ngày ở Hà Nội, một ngày di chuyển và 2 ngày ở TP.HCM).

Trong lúc ở Việt Nam ông cũng bận túi bụi vì chấm phim và giảng dạy thì cũng ít ai biết được (nếu Vuyo - vợ ông, không nói) rằng đêm nào ông cũng ngồi làm việc cùng nhà dựng phim của mình. Anh này bay từ Australia sang cũng ở khách sạn Melia để cùng ông lo cho bộ phim đang làm dở. Rồi những cuộc điện đàm với các "siêu sao" ở Hollywood để thuyết phục họ tham gia dự án mới cùng ông (Phillip cho biết ở Hollywood nếu có siêu sao nhận lời đóng phim là ắt có nhà sản xuất chi tiền).

Có khi ông dậy làm việc từ 4 giờ sáng để kịp 8 giờ đi chấm phim. Nhiều bữa tiệc trưa của LHP khoản đãi nhưng ông không dự mà bỏ về khách sạn ăn tạm cái gì đó để ngồi tranh thủ làm việc. Thảo nào đôi mắt ông luôn ngầu đỏ vì thiếu ngủ nhưng lòng nhiệt tình, sự tận tụy, say mê của ông trong các buổi thuyết trình không vì thế mà giảm sút.

Suốt gần bốn ngày giảng dạy, Phillip dường như đã rút hết ruột gan mình, rút hết mọi kinh nghiệm của mình để chia sẻ với các nhà điện ảnh Việt Nam đương đại và các nhà điện ảnh Việt Nam tương lai. Hôm nào cũng khoảng hơn một trăm người dự mà không có ai bỏ về. Trưa lắm rồi hoặc chiều muộn lắm rồi mà mọi người vẫn vây quanh ông để trao đổi, hỏi han  hoặc xin được chụp ảnh và xin chữ ký.

Mỗi buổi giảng, Phillip đều đổi một ít tiền Việt để trả tiền sách hay trả tiền vé xem phim cho học viên nào tối hôm trước đi mua sách hoặc đi xem phim để hôm sau phân tích trên lớp. Học viên nào tỏ ra nhanh nhẹn, thông minh kể nội dung bộ phim mình định làm chỉ trong 2 phút mà mạch lạc rõ ràng sẽ được ông thưởng. Phần thưởng là những đĩa DVD phim của ông hoặc quyển sách dày cộp viết về ông có nhan đề "Phillip Noyce - con đường trở lại Hollywood".

Những năm trước, mỗi lần qua Mỹ để dự lớp tập huấn ở Trường Điện ảnh USC (năm 2004) hay sang quay một số cảnh của phim "Đừng đốt" (năm 2007) ông đều mời tôi và một vài nhà điện ảnh VN tới nhà riêng chơi, ăn cơm cùng ông và các bạn bè đồng nghiệp của ông ở ngôi nhà trên đồi Beverley Hill - nơi các đạo diễn, diễn viên nổi tiếng của Hollywood sống và sau đó cử trợ lý đưa chúng tôi đi thăm trường quay của Hãng Colombia.

Lần sang học ở USC nghe nói ông đang ly thân với vợ cũ - nhà sản xuất phim Mỹ sang Việt Nam cùng ông ngày nào. Họ có với nhau một con gái năm nay cũng khoảng 26-27 tuổi. Lần sang làm phim "Đừng đốt" thì thấy ông đã lấy Vuyo rồi và cô đang có nghén (cậu Luvyo bây giờ) nên mệt nằm trên gác. Phillip gặp và lấy Vuyo trong chuyến làm bộ phim "Catch a fire" của ông ở Nam Phi. Cô năm nay mới 28 tuổi nghe nói là người mẫu nổi tiếng của Nam Phi.

Còn Phillip 60 - cùng tuổi Canh Dần với người viết bài này. Ông  đùa rằng mình sinh năm "tiger" nên vất vả! (Ôi tưởng phụ nữ ở bên ta sinh năm này mới vất vả hóa ra ở bên Tây họ cũng quan niệm như vậy). Ngôi nhà ở Beverley Hill ông đã dành cho vợ cũ và con gái. Bây giờ có gia đình mới, lại sắp có 2 con nhỏ nên càng phải làm phim nhiều hơn để còn kiếm tiền mua nhà, gây dựng cho vợ mới và các con. Phillip tâm sự như vậy.

Ở tuổi 60 phải gây dựng lại từ đầu khiến Phillip không giấu vẻ mệt mỏi nhưng cạnh đó cũng thấy niềm vui, hạnh phúc lấp lánh trong đôi mắt ông mỗi khi nhìn thấy vợ bụng bầu và đứa con trai nhỏ ríu rít ở bên cạnh. Đôi lúc thấy ông thở dài than: "Ở tuổi này rồi đầu óc tuy vẫn minh mẫn đấy nhưng đôi lúc đã cảm thấy chân tay rời rã rồi!". "Phillip cứ yên tâm, sau này về già  Vuyo còn trẻ, có sức khỏe sẽ chăm sóc cho" - tôi động viên. Phillip khẽ thở dài lúc lắc đầu.

Tôi cũng thấy, dù trẻ vậy nhưng Vuyo cũng rất yêu và nể trọng ông. Hy vọng đây cũng là bến đỗ cuối cùng  bình yên trong cuộc đời vị đạo diễn lừng danh này. Hy vọng gia đình nhỏ này sẽ đốt lên những ngọn lửa cho ông có nhiều cảm hứng để sáng tạo ra được những bộ phim hay mới...                                         

Hà Nội - TP. HCM cuối tháng 10/2010    

Nguyễn Thị Hồng Ngát
.
.