Đạo diễn, NSƯT Xuân Huyền: “Đừng tiếc con cá mất!”

Thứ Ba, 10/01/2006, 08:52

Đạo diễn Xuân Huyền tâm sự với phóng viên ANTGCT: “Theo tôi, các đạo diễn trẻ còn có thể làm hơn những người đi trước. Anh Giang có một câu nói rất hay, chúng ta đôi khi ca ngợi các cụ như thể đó là con cá mất. Thực ra, càng về sau càng hay”.

Làng sân khấu từ cả chục năm nay đã nhắc tới ba cái tên khét tiếng “Giang – Hùng - Huyền” như bộ ba đạo diễn hàng đầu, làm mưa làm gió cả ở các đoàn kịch Thủ đô lẫn ở hàng tỉnh. Nhiều năm gần đây, NSND Doãn Hoàng Giang, NSƯT Lê Hùng và NSƯT Xuân Huyền luôn luôn thay nhau giữ kỷ lục các tác phẩm tham gia các hội diễn sân khấu cấp Trung ương và cấp địa phương. Đó là cái giống nhau lớn nhất và có lẽ là duy nhất giữa bộ ba này. Về nghệ thuật và cả trong đời sống, ba người rất khác nhau.

Ít được gặp Xuân Huyền, nhưng bao giờ tiếp xúc với anh tôi cũng có cảm giác như đấy mới thực là người quen cũ và gần gụi của mình. Và vì thế, hay tin gia đình anh có chuyện không vui, tôi đã cố công tìm cách liên lạc với anh để mong có một dịp “hầu chuyện” người đạo diễn mà mình quý mến. Anh hẹn tôi tới quán nước sinh viên nằm trong khuôn viên khu văn công Mai Dịch, cạnh Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, nơi anh đang làm giảng viên. Anh phân bua: “Mình định mời bạn về nhà, nhưng nhà có người ốm, thôi anh em mình ngồi đây cho tiện. Thực ra mình bây giờ cũng chẳng có thời gian để tiếp xúc với báo chí đâu, nhưng vì là bạn nên mình gật đầu thôi...”.

Phóng viên (PV): Xin được chia sẻ với anh về chuyện chị nhà bị ốm. Người ta bảo anh đang lo lắng cho sức khỏe của vợ mình đến mức không còn tâm trí đâu để tiếp tục dựng vở kịch mà anh rất tâm đắc cho Nhà hát Tuổi trẻ?

Đạo diễn Xuân Huyền (ĐD XH): Tôi dựng “Tiếng chuông chùa” được 4 màn rồi. Thích lắm. Nhưng giờ cứ ở nhà thôi, vợ mình ốm như thế, mình đi làm việc suốt ngày sao đành! Tôi nghĩ, chúng ta đều giống nhau thôi, mình làm nghệ thuật, đầu óc mà vướng víu chuyện này chuyện nọ thì không thể tập trung làm tốt được. Đây lại là vợ mình... Bảo tôi không nghĩ sao được! Tôi rất biết lý luận nói gì nhưng tình cảm con người bao giờ cũng vẫn là tình cảm.

PV: Ngay cả đối với những điều mà mình biết rằng đó là định mệnh, cần phải chấp nhận nhưng mình vẫn cứ phải nghĩ, vẫn không thể rũ bỏ đi để mà lao đầu vào nghệ thuật?

ĐD XH: Đúng vậy. Không thể đâu!

PV: Anh tự đánh giá về mình thế nào, anh là người sống nặng về đời thực hay nặng về nghệ thuật?

ĐD XH: Tôi muốn sống thế nào cho mọi sự trở nên tốt hơn, bất kể đó là trong đời thực hay trong nghệ thuật.

Đi theo lối của mình

PV: Anh làm đạo diễn, trong một lĩnh vực thực ra là tính phù hoa rất cao, nhưng khác với nhiều đồng nghiệp, vẫn giữ được mình để không bị cuốn theo những trò vui hội chợ.  Nhưng từng ấy năm trong nghề, anh có cảm giác là anh cũng bị “lây nhiễm” các thói thường của làng sân khấu không?

ĐD XH: Tôi nghĩ chẳng có ảnh hưởng gì cả. Nói cho cùng, tôi lớn lên được Đảng cho đi học đến nơi đến chốn. Giờ hành nghề thì mình phải tự nhắc mình là luôn luôn cần giữ nhân cách, giữ cái nền nếp cũ của nhà mình. Nói thực, mới hôm kia thôi cũng có người bảo tôi: Anh phải thay đổi đi! Ơ hay, tại sao lại phải thay đổi? Tôi lúc nào chả vẫn là tôi!

Đạo diễn Xuân Huyền: "Tôi muốn sống thế nào cho mọi thứ trở nên tốt hơn".

PV: Đến tuổi này thì thay đổi cũng là muộn. Mà xin lỗi, anh năm nay bao nhiêu tuổi rồi?

ĐD XH: Tôi 65 tuổi rồi! Thay đổi mà làm gì!

PV: Liệu anh có cảm thấy hài lòng với tất cả những gì mà anh đã làm được, đã đạt được trong cuộc đời này không?

ĐD XH: Tôi rất hài lòng, vì tôi nghĩ, tôi luôn đi theo con đường của tôi mà được những ngần ấy thì là tốt quá rồi còn gì.

PV: Con đường của anh đã bắt đầu như thế nào? Anh có nhớ lại được không, thời trẻ ấy mà!

ĐD XH: Tôi thoát ly từ năm 16 tuổi. Rời quê hương là vào làm nghệ thuật.

PV: Anh quê ở đâu? Nghe giọng xứ Nghệ thì hình như anh quê ở Thanh Chương, hay như mọi người vẫn nói đùa, “Thanh Chuong Xi-ti”?

ĐD XH: Đúng, “Thanh Chuong Xi-ti”. Thoát ly rồi, đầu tiên tôi học ca kịch, sau tôi về Đoàn tuồng Liên khu V... Hồi đó, tôi ham học lắm, học tất cả các bộ môn nghệ thuật dân tộc, từ tuồng tới chèo, rồi cải lương, rồi ca kịch... Tất cả... Rồi tôi được cử đi học ở Hà Nội, rồi sang Liên Xô học về sân khấu...

PV: Vào năm nào vậy hả anh?

ĐD XH: Tôi học ở Việt Nam từ năm 1969 đến năm 1971. Rồi đi học tại Liên Xô tới năm 1977... Sau đó, tôi còn đi học ở Tiệp Khắc hai năm nữa...

PV: Anh có cảm giác rằng, anh chịu ảnh hưởng của nền sân khấu Xôviết trong giai đoạn ấy không?

ĐD XH: Tôi học ở Kiev. Tôi rất mê sân khấu Nga... Nhưng tôi đi học ở nước ngoài là để có được phương pháp khoa học để nhìn vào nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Tôi làm theo cách của mình...--PageBreak--

PV: Theo những điều mình coi là đúng, bất chấp thiên hạ có thể nói điều gì?

ĐD XH: Tôi nói thật với anh, tôi vẫn nghĩ rằng, mình làm điều thánh thiện mà có khi khán giả người ta vẫn còn chưa hướng tới mình, chứ còn nếu mình làm nghệ thuật một cách ba lăng nhăng thì trách gì công chúng?! Tất nhiên, nếu mình đã làm nghiêm túc rồi mà vẫn chưa được chấp nhận thì đấy là việc của xã hội...

PV: Muốn nghiêm túc thì trước hết phải có bản lĩnh văn hóa để dị ứng với những cái ba lăng nhăng, chứ không phải thấy người ta đi “đào khoai” ba lăng nhăng thì mình cũng “vác mai” theo... Tôi rất muốn hỏi anh một điều đơn giản: trong tâm thế hiện nay của xã hội, những người yêu sân khấu như anh vẫn mê mải với nghề? Để làm gì vậy? Vì chúng ta không còn việc gì khác để làm chăng?

ĐD XH: Tôi làm sân khấu, bởi đó là nghiệp của tôi. Ở đời, mỗi người mỗi nghiệp. Nhưng làm việc gì cũng phải giữ chữ tín. Người ta kinh doanh người ta cũng phải giữ uy tín với khách hàng. Mình làm nghệ thuật thì mình lại càng phải giữ danh dự nghề nghiệp. Đôi khi không mới lại là có!

Tiền, quyền, tài

PV: Trong số những nhà viết kịch Việt Nam hiện đại, anh có tìm thấy những tác giả hợp với mình không?

ĐD XH: Tôi thấy chúng ta có những tác giả viết kịch rất giỏi, như anh Sĩ Hanh, anh Tất Đạt, rồi anh Kính Dân, anh Hoài Giao... Toàn những “cây đa, cây đề” của sân khấu đấy chứ.

PV: Anh tâm đắc điều gì nhất trong kịch bản của họ?

ĐD XH: Tôi lấy thí dụ như kịch của anh Kính Dân, một người viết về chủ đề lịch sử rất giỏi. Tôi đã từng dựng của anh ấy khá nhiều, nào là “Ngô Quyền”, “Triệu Trinh Nương”...

PV: Đấy là những vở kịch xuất hiện trong những năm 1970 hay 1980?

ĐD XH: Những năm 70.

PV: Chỉ nghe tên thôi cũng hiểu đó là những kịch bản tràn đầy tinh thần yêu nước. Và một khi đó là những kịch bản hay như anh nói thì tại sao chúng ta không dựng lại với dàn diễn viên mới, với thủ pháp mới và cách cảm nhận mới cho gần với khán giả hôm nay? Tôi nói như vậy vì tôi vẫn quan niệm rằng, một nền sân khấu đích thực không bao giờ ta thán về chuyện thiếu kịch bản hay mà vấn đề của sân khấu chỉ là thiếu đạo diễn và diễn viên giỏi. Kịch bản hay là kịch bản có thể tồn tại ở nhiều thời, nếu gặp được đạo diễn giỏi. Anh có tin rằng vấn đề của sân khấu chúng ta hiện nay là thiếu đạo diễn giỏi không? Tại sao mà trong khi chúng ta đã có một kho tàng những kịch bản, như anh nói là chất lượng cao, đủ những vấn đề để cho bất cứ thời nào cũng phải tin theo “chân, thiện, mỹ”, thì trên sàn diễn vẫn ít có những vở đúng tầm với kho kịch bản như thế? Ai cấm các anh làm việc này?!

ĐD XH: Không ai cấm ngăn cả, nhưng mình chỉ là một thằng nghệ sĩ thôi, mình không phải là người nắm quyền quản lý. Muốn làm thì phải được phép, phải có “mắt xanh” của người quản lý, của ông A, ông B, ông C nào đó nữa...

PV: Phải chăng vấn đề là ở chỗ, trong nghệ thuật chúng ta vẫn thiếu những người điều hành thực sự có tâm, có tầm xứng đáng với thành tựu và tiềm năng đã có?

ĐD XH: Đúng thế!

PV: Đấy có thể cũng là một lý do. Nhưng tôi vẫn không hiểu là, tại sao các nghệ sĩ lại không biểu lộ một tinh thần chủ động hơn? Tại sao chúng ta không đứng ra bảo vệ ý tưởng của mình? Hay nguyên do ở đây chính là do thái độ yếm thế của một số nghệ sĩ? Tại sao chúng ta không đóng vai trò chủ động trên chính sàn diễn của mình?

ĐD XH: Tôi thường nói với anh em thế này này, muốn làm sân khấu theo ý mình thì phải, một là có tiền, hai là có quyền, ba là phải có tài... Phải có đủ ba cái ấy kết hợp với nhau thì mới làm được sân khấu theo đúng nghĩa của nó.

PV: Thông thường, anh nhận xét về anh như thế nào: anh có tài không? có quyền không? có tiền không?

ĐD XH: Tôi có tài... Tôi nói thật, không chỉ sân khấu đâu, ngay cả thể thao, nếu không có sự trợ giúp của Nhà nước thì đố có mà đạt được kỷ lục này hay kỷ lục nọ...

PV: Tôi vẫn nghĩ là, trên thế giới này hiếm có Nhà nước nào như Việt Nam lại ưu ái các nghệ sĩ như thế...

ĐD XH: Đúng, về tổng thể Nhà nước ưu ái nghệ thuật. Nhưng đôi khi những người điều hành phía dưới, khi có ghế ngồi rồi thì lại dát, không dám làm việc gì cả... Vì họ sợ cho vị trí đang giữ của mình...

PV: Đôi khi thế?

ĐD XH: Không phải đôi khi thế, mà là như thế bây giờ là phổ biến! Ai cũng kêu kịch bản không có, nhưng thực ra kịch bản rất nhiều. Có điều, người có trách nhiệm lắm khi không dám quyết cho dựng kịch bản thực sự hay... Vì lý do này hay lý do khác...

PV: Tại sao như vậy?

ĐD XH: Tại vì họ đã “móc ngoặc” với nhau rồi, để có lợi riêng với nhau!--PageBreak--

PV: Xuân Huyền đã có cuộc “móc ngoặc” nào với ai chưa mà anh luôn có tên trong danh sách những đạo diễn có tần suất làm việc cao nhất nước hiện nay?

ĐD XH: Tôi cũng có “móc ngoặc”, nhưng “móc ngoặc” để làm cái hay... Thí dụ như vở “Cát bụi” vừa rồi, làm cho Nhà hát Kịch Hà Nội... Đó là kịch bản bình thường ít ai dám nhận, nhưng tôi dám nhận và đã làm được. Nhưng tôi cũng chỉ “móc ngoặc” có lần ấy thôi...

PV: Với mỗi một nhà hát chỉ “móc ngoặc” một lần?!

ĐD XH (cười)...

“Tôi mới là ăn khách”

PV: Anh nghĩ như thế nào về những đạo diễn khác, có vẻ như ăn khách hơn anh? Nói “ăn khách” ở đây tức là lúc nào họ cũng xuất hiện trên những trang tạp chí màu mè nhất, một cách ồn ào nhất, với những lời tuyên bố động trời và lộng ngôn nhất? Anh quá biết, nghề nghệ sĩ, không kể cả nước ta và cả thế giới cũng thế, đó là một nghề đầy nữ tính, hết sức phù phiếm và thường phải tuân theo những quy tắc lắm khi oái oăm của ngành kinh doanh nghệ thuật. Tuy nhiên, nếu ta là một đạo diễn có tài mà ta lại lụy thương trường quá thì có sợ tới một lúc nào đó, dù có thể tỉnh trí rồi nhưng ta vẫn không thể nào trở lại được với con đường đích thực. Và như vậy, ta chẳng thể nào “đắc đạo”?

ĐD XH: Tôi nghĩ, tôi vẫn làm nghệ thuật một cách chân chính và tôi vẫn ăn khách như thường thôi... Vấn đề là ở chỗ, tôi không thích những sự quá ồn ào. Lắm người muốn mời tôi, tôi không nhận; nhiều nhà báo đề nghị phỏng vấn tôi, tôi cũng từ chối...

PV: Chúng ta lại quay về điều mà chúng ta đã nói, là một nghệ sĩ chân chính phải biết nói không trong nhiều trường hợp?

ĐD XH: Bạn là người làm thơ, có phải bài nào bạn cũng công bố đâu?! Có bài mình muốn đăng nhưng người ta không đăng cho mình. Có bài người ta thích đăng thì mình lại xin, thôi, đừng đăng... Tôi làm sân khấu cũng vậy thôi...

PV: Anh có bao giờ bị sức ép từ những thói thường của đồng nghiệp không, thí dụ như sự đố kỵ?

ĐD XH: Không. Không ai đố kỵ tôi cả, tôi cũng không đố kỵ ai... Tôi biết, người ta rất khen chúng tôi, anh Hùng, anh Giang và tôi... Họ bảo, các ông không bao giờ nói xấu lẫn nhau. Tôi không bao giờ nói xấu anh Giang, anh Giang không bao giờ nói xấu tôi, cũng không bao giờ nói xấu anh Hùng... Tại vì sao? Tại vì chúng tôi có những mặt mạnh riêng mà không ai khác có cả.

PV: Và vì thế các anh trân trọng nhau.

ĐD XH: Đúng vậy.

PV: Đến mức đôi khi người này thấy người kia vô tình để hở “gót chân Asin” thì lại gần che chắn cho họ. Cần phải thông cảm với tài năng, vì tài năng nào cũng thế, thường là có tật... Xin phép được hỏi tiếp, theo anh, đâu là thế mạnh nhất của anh Doãn Hoàng Giang?

ĐD XH: Anh Giang là một người rất tài năng.

PV: Tài năng ở mức độ bản năng hay là gì?

ĐD XH: Anh Giang rất có năng khiếu trong nghề, năng khiếu lớn.

PV: Anh Giang trở thành đạo diễn từ chính nghề diễn viên và hiếm có đạo diễn nào ở ta lại hiểu nghề diễn viên như thế. Thường là thủ pháp sân khấu của anh Giang xuất hiện trên cơ sở thực nghiệm. Nhưng có lẽ vì thế nên khi đã tìm ra được một thủ pháp hay rồi thì anh Giang dễ bị lặp lại?

ĐD XH: Đúng như thế. Có hội diễn, khi tập trung các đoàn lại với nhau thì mới thấy, cả năm đoàn mời anh ấy về dựng thì anh ấy đều dựng gần gần như nhau.

PV: Tôi có thể nói sai, vì tôi là người “ngoại đạo”, nhưng tôi vẫn có cảm giác như anh Lê Hùng cũng là người được học hành nhiều, chịu khó lăn lộn... Một số người cho rằng Lê Hùng hay đưa thủ pháp mới nhưng theo tôi, có những cái tưởng như mới của anh Lê Hùng thực ra lại là “cũ người”, nước ngoài người ta làm chán rồi. Tất nhiên, một tài năng khi lặp lại người khác thì cũng lặp lại một cách rất tài năng... Đấy cũng là cái khác giữa Doãn Hoàng Giang và Lê Hùng. Doãn Hoàng Giang phải tự lăn lộn để tìm ra thủ pháp của mình, nhưng tự làm như thế thì số lượng không bao giờ được nhiều cả. Còn Lê Hùng xem ra thủ pháp có thể nhiều hơn, nhưng có cảm giác như nhiều cái được “trích dẫn” từ giáo trình này, giáo trình nọ...

ĐD XH: Tôi rất tán thành nhận xét của anh. Lê Hùng về tính tổng thể thì yếu lắm. Anh ấy chỉ mạnh về chi tiết thôi... Vở nào của anh cũng luôn luôn có một ông ngớ ngẩn, một thằng điên điên khùng khùng ra làm trò...

PV: Tôi muốn nói một điều, hình như so với anh Giang và anh Hùng thì anh có vẻ như không ăn khách bằng? Anh không có phong cách “siêu sao pop” như hai anh kia? Và vì thế, người đời ít biết về Xuân Huyền hơn về Doãn Hoàng Giang hay Lê Hùng?

ĐD XH: Tôi chưa tán thành cách đặt câu hỏi như thế. Vở gì mà tôi chưa ăn khách bằng? Anh Giang chưa có cái gì ăn khách cả... Nói về sự ăn khách thì tôi mới là người ăn khách...--PageBreak--

PV: Anh Lê Hùng ở sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ rất ăn khách... Ấy là người ta bảo thế...

ĐD XH: Đâu có! Anh Hùng không có vở dài nào ăn khách ở Nhà hát Tuổi trẻ... “Macbeth” hay “Lôi Vũ” hay “Hamlet” đâu phải là những vở ăn khách...

PV: Còn anh?

ĐD XH: “Bến bờ xa lắc” rất “kinh khủng” nhé. “Người yêu tôi là hoa hậu” cũng kinh khủng nhé! Rồi là “Nhà có 3 chị em gái”, rồi “Lời thề thứ 9”... Có tờ báo cho rằng tôi là người cuối cùng của chính kịch là có lý lắm... Vừa rồi vở “Cát bụi” ở Nhà hát Kịch Hà Nội cũng ăn khách. Rồi vở “Vòng đời” cũng kinh khủng lắm. Những vở ấy, người ta thu hàng tỷ đồng tiền bán vé đấy!

PV: Hay nhỉ! Thế hóa ra là dư luận nhầm, đôi khi chúng ta cứ tưởng những ai xuất hiện nhiều hơn trên các tạp chí màu mè thì là người nổi tiếng và tài năng hơn... Đâu phải cái gì lấp lánh cũng là vàng... Xin được hỏi tiếp anh, anh có ấn tượng với diễn viên nào nhất trong lứa nghệ sĩ đang sung sức hiện nay?

ĐD XH: Tôi cũng có một số lần các đoàn ở miền Nam mời vào dàn dựng, nhưng tôi không nhận, vì thấy mình không hợp chất. Do đó tôi không thể nói gì về các diễn viên ở phía Nam. Còn ở phía Bắc, tôi thấy ở tỉnh nào cũng có những diễn viên tài năng. Tiếc là họ không có kịch bản hay để họ làm. Hay nói đúng hơn, lãnh đạo nhiều đoàn không nhận những kịch bản hay để dàn dựng.

PV: Theo anh có phải là một lối thoát không, nếu ở Trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội mà anh đang làm giảng viên, chúng ta sẽ dựng lên một nhà hát nào đấy tập trung những tinh hoa nghệ thuật từ các tỉnh về để dàn dựng các kịch bản hay?

ĐD XH: Tốt quá!

PV: Tại sao anh không nghĩ đến chuyện ấy? Trong cách hình dung của tôi, anh rất có khả năng làm một người chỉ đạo nghệ thuật cho nhà hát ấy?

ĐD XH: Tôi sẵn sàng về làm “tôi tớ” cho nhà hát ấy, nếu có người quản lý xứng đáng cầm chịch ở đó.

PV: Chính anh cũng có thể là người cầm chịch. Tại sao anh không nghĩ đến chuyện đó?

ĐD XH: Không, chả ai đứng ra thành lập một nhà hát như thế đâu.

PV: Tại sao anh không đứng ra để trình bày một ý tưởng là như thế?

ĐD XH: Không ai nghe cả.

PV: Anh đã thử bao giờ chưa?

ĐD XH: Tôi đã thử rất nhiều rồi.

PV: Đó là điều thật đáng tiếc, đúng không anh?

ĐD XH: Có một điều tôi muốn nói, giờ rất khó làm, một khi các ông thầy có nhiều người còn kém hơn cả học trò.

PV: Anh phải chịu trách nhiệm về nhận xét của anh. Tôi không nghĩ là tất cả đều như thế...

ĐD XH: Tôi lại cho rằng đa số là như thế.

PV: Thôi được, anh thử nói xem, kém hơn ở điểm nào? Ở khía cạnh nào?

ĐD XH: Ở nghề nghiệp.

PV: Bản năng thiên phú? Hay học vấn?

ĐD XH: Tất tần tật!

PV: Đó là NSƯT Xuân Huyền nói điều đó?

ĐD XH: Chứ còn sao nữa!

PV: Tại sao chúng ta không thể cải thiện được tình hình như vậy?

ĐD XH: Ai cải thiện, họ có biết được đâu.

PV: Chúng ta sẵn sàng công bố những điều anh nói.

ĐD XH: Có những người không làm được thì lại cho về làm thầy. Anh cứ về kiểm tra, nếu tôi nói sai thì tôi xin tự cắt cổ tôi!

PV: Tôi không muốn đi sâu vào chuyện này. Nhưng tôi cứ cấn cá, với tâm trạng như vậy của anh, anh có thể làm sao yên ổn được khi hành nghề?

ĐD XH: Không, tôi lại có cách nghĩ là, những chuyện như thế là tất nhiên, mình phải chấp nhận để mình làm nghề.

PV: Anh đã được giáo dục để bước qua những thứ chưa hay mà làm những việc gì đó khả dĩ hơn? Từ trước tới nay, quan điểm sống của anh vẫn như vậy?

ĐD XH: Vâng, vẫn vậy. Và năm nay, anh thử xem tôi làm ba vở nghệ thuật dân tộc cực kỳ hay.

PV: Đó là vở gì hả anh?

ĐD XH: Đó là vở “Lý Công Uẩn” cho Nhà hát chèo Hà Nội, rồi vở “Lý Thường Kiệt”... Rồi vở “Chuyện người xưa” cho Đoàn chèo của Tổng cục Hậu cần....

PV: Tức là ba vở đều hướng tới dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sắp tới đây!

ĐD XH: Có lẽ thế! Vừa rồi đi hội diễn, cả ba vở đều được đánh giá rất là cao!

PV: Một số người cứ chê việc tổ chức các hội diễn chỉ là để “chia tiền” này nọ v.v... Trong điều kiện cụ thể của nền sân khấu chúng ta, nếu không có các hội diễn, những nghệ sĩ có tâm có tài như anh chẳng hạn chắc rất khó khăn để cho ra đời những tác phẩm ưng ý của mình?

ĐD XH: Đúng thế. Nói ra sự thật thì đau lòng lắm!...

Tin ở lớp trẻ

PV: Chúng ta sống bao giờ cũng phải lạc quan, nhưng cũng có nhiều điều gây suy tư lắm anh ạ. Nhìn vào sân khấu chẳng hạn, mặc dù tôi rất yêu quý và kính trọng Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng và Xuân Huyền nhưng nếu, nói như cách của Huy Cận, “tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người” thì buồn quá, đáng lo quá...

ĐD XH: Đáng lo thật!--PageBreak--

PV: Anh dạy ở Trường Sân khấu Điện ảnh, khoa Đạo diễn. Chắc chắn là anh có đông học trò. Hậu sinh thời nào cũng khả úy. Thường là như vậy. Anh có nghĩ rằng các anh nên “pát xê” bớt cho sinh viên của mình làm không?

ĐD XH: Lãnh đạo các đoàn không nghe. Họ chỉ muốn mình hoặc Lê Hùng hoặc Doãn Hoàng Giang làm mới yên tâm.

PV: Tại sao các anh không đứng ra đảm bảo cho học trò? Nói một cách rành rẽ: Tôi, Xuân Huyền, tôi đảm bảo là anh A hay chị B dựng tốt, có khi còn hơn cả tôi!?

ĐD XH: Tôi có lần phát biểu trên truyền hình, hãy để 2 năm tới cho các đạo diễn trẻ, bọn tôi với anh Giang đứng ngoài hết... Hãy để anh em trẻ người ta làm, Nhà nước phải tạo điều kiện cho họ làm!

PV: Tại sao điều đó không xảy ra?

ĐD XH: Vì ai để ý đến lời tôi nói... Tôi không có quyền!

PV: Hay là vì những ông thầy lúc nào cũng tràn đầy cảm hứng sáng tạo, học trò không còn chỗ mà chen chân vào?!

ĐD XH: Không phải vậy, bọn tôi cũng sẵn sàng, nhưng các đoàn họ có chấp nhận đâu! Bộ VH-TT phải có chủ trương thì bên dưới họ mới làm theo.

PV: Tôi tin rằng, Bộ VH-TT không có ý gì chống lại những việc như thế cả...

ĐD XH: Không chống lại, đúng rồi. Nhưng khi một đơn vị nghệ thuật nhận được 100-200 triệu để làm một vở đi hội diễn thì lãnh đạo họ muốn “chắc ăn”, mời người có thương hiệu. Vì kết quả hội diễn ảnh hưởng rất sát sườn tới công danh, sự nghiệp tiếp theo của lãnh đạo. Trong trường hợp này, không ai muốn mạo hiểm...

PV: Có lẽ là vì đôi khi chúng ta cứ chạy theo chủ nghĩa thành tích quá, nên nghệ thuật khó đổi mới và phát triển?

ĐD XH: Đấy, đấy!

PV: Vậy theo anh, có cách gì để phá bỏ hiện trạng đó?

ĐD XH: Bây giờ, mình phải có quy định làm sao để hai năm phải xuất hiện một đạo diễn trẻ và có tài.

PV: Và phải có những cuộc thi cho các đạo diễn trẻ đua sức cùng nhau để biết ai là ai. Tôi xin nói thật, chúng ta hiện nay hay nghĩ rằng “trẻ” tức là còn non. Tuy nhiên, như lịch sử cho thấy, thường những gì ta làm khi còn trẻ, còn chưa được ai công nhận mới là những thứ hay ho, tài năng nhất. Xin được hỏi thật anh, anh có mơ ước đến một lúc nào đó, gọi ai đấy là  “đạo diễn già” tức là đã kém tài rồi? Làm thế nào chúng ta có thể tạo ra tình huống như thế?

ĐD XH: Phải cho các đạo diễn trẻ bắt tay vào dựng vở thực sự thì ta mới biết ai tài, ai không tài...

PV: Một năm, lớp đạo diễn trẻ mà anh đào tạo có được bao nhiêu người?

ĐD XH: 16-17 người, kiểu như Lan Hương, Anh Tú, Lê Khanh.

PV: Anh đánh giá về họ như thế nào?

ĐD XH: Theo tôi, bây giờ họ đã thành đạo diễn thực thụ rồi.

PV: Họ có thể thay thế thế hệ các anh chưa? Họ có quyền hy vọng rằng họ có thể thay thế các anh một cách xứng đáng chưa?

ĐD XH: Theo tôi, họ còn có thể làm hơn những người đi trước. Anh Giang có một câu nói rất hay, chúng ta đôi khi ca ngợi các cụ như thể đó là con cá mất. Thực ra, càng về sau càng hay. Đừng tiếc con cá mất!

PV: Quan trọng là phải nhìn đúng tầm hiện tại và tương lai?

ĐD XH: Tổ tiên rất hào hùng, nhưng thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau cũng hay lắm chứ... Nói chung là đừng tiếc con cá mất, phải biết nhìn tương lai...

PV: Xin được hỏi anh một câu cuối cùng, nếu bây giờ anh có thể thực hiện được một điều ước, anh sẽ ước gì?

ĐD XH: Nói thực, tôi chỉ ước một điều thôi: làm sao để nhà tôi lành bệnh!

PV: Tôi cũng xin chúc anh điều này. Và xin cảm ơn anh!

.
.