Đạo diễn, NSƯT Thanh Vân: “Tôi đã học được rất nhiều ở cha”

Thứ Hai, 05/02/2007, 11:00

Khi được hỏi về ảnh hưởng của người cha đối với con đường sáng tạo nghệ thuật của mình, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân tâm sự: “Như mưa dầm thấm lâu, tôi đã học được rất nhiều ở người cha suốt đời nồng nhiệt với điện ảnh, thành thật với điện ảnh và hết mình với điện ảnh”.

Anh là một trong số rất ít những đạo diễn điện ảnh trẻ về tuổi đời, tuổi nghề nhưng đã gặt hái khá nhiều thành công. Sinh năm con hổ (Nhâm Dần-1962), năm 1992 mới được làm phim đầu tay, đến nay quá nửa phim do anh đạo diễn đã được ghi dấu son trong nền điện ảnh của nước nhà. Những bộ phim “Cây bạch đàn vô danh”, “Người đàn bà mộng du”, “Đời cát” không chỉ đạt giải cao trong nước và quốc tế mà còn thu hút được đông đảo khán giả nhiều lứa tuổi đã làm nên một tên tuổi đạo diễn điện ảnh Nguyễn Thanh Vân.

Nhưng có lẽ ít người biết rằng NSƯT Nguyễn Thanh Vân là con trai thứ hai của NSND Hải Ninh, một trong những bậc trưởng lão trong nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, đạo diễn những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng một thời, như “Người chiến sĩ trẻ”, “Rừng O Thắm”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Mối tình đầu”...

NSND Hải Ninh đã cống hiến cả cuộc đời mình cho điện ảnh. Một lần trò chuyện với chúng tôi, ông đã tự bạch một cách hình ảnh rằng: Suốt thời thơ ấu ông như một cậu bé lưu lạc trong sự huyền diệu của thế giới điện ảnh với niềm đam mê kỳ lạ. Thuở ấy cả thị xã Thanh Hóa quê của Hải Ninh chỉ có duy nhất một cái rạp chiếu bóng cạnh vườn hoa. Mỗi lần biết người ta mang phim về chiếu, cậu bé Hải Ninh phải cố đến xem bằng được. Nhưng chủ yếu là đứng xem những hình ảnh chập chờn, thấp thoáng qua khe cửa rạp chứ không khi nào có tiền mua vé vào.

Mãi đến trước ngày lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp, cậu mới được xem trọn vẹn một bộ phim ở vùng tự do. Nhưng để được xem bộ phim “Cậu bé Vanhia” của điện ảnh Liên Xô (cũ), Hải Ninh đã phải cuốc bộ 20 cây số, xem xong phim về đến nhà thì mặt trời ngày mới cũng đã lên...

Sẵn niềm đam mê ấy, duyên may đã đưa Hải Ninh đến với điện ảnh. Thời gian trong quân ngũ, anh được đơn vị cho tham gia một khóa học văn hóa, chủ yếu là hai môn Văn và Sử. Tốt nghiệp khóa học này, Hải Ninh được chọn đi học đạo diễn điện ảnh.

Cùng với tài năng, yếu tố hết mình với điện ảnh đã giúp đạo diễn Hải Ninh có được thành công ngay ở bộ phim đầu tay: “Người chiến sĩ trẻ”. Bộ phim không chỉ khắc họa một cách chân thực và sinh động hình ảnh Anh hùng Cù Chính Lan với chiến công diệt xe tăng địch trên đường số 6 mà còn được giới điện ảnh đánh giá là một sự mở đường cho dòng phim sử thi đầy chất thơ của Hải Ninh. Trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất, phim “Người chiến sĩ trẻ” đã được trao giải Bông sen vàng.

Về bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, gần đây NSND Hải Ninh bật mí như sau: Từ khi đặt bút viết chữ đầu tiên cho đến khi hoàn thành tác phẩm, đoàn làm phim đã phải vượt qua những chặng đường dài nửa đất nước, làm trong 7 năm dưới bom đạn của kẻ thù. Giai đoạn cuối cùng, những ngày hòa âm, bộ phim vẫn phải thực hiện trên một chiếc ô tô hòa âm của Hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khê, trong tiếng bom rung trời chuyển đất và tiếng gầm thét của pháo đài bay B52 của giặc Mỹ đánh phá thủ đô Hà Nội.

Khi chiếu bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” ở Nhật Bản, đạo diễn Sotoji Kimura - người có công chuyển ngữ bộ phim sang tiếng Nhật đã nói: “Chúng tôi kinh ngạc về sự ra đời của bộ phim, đặc biệt là quy mô hoành tráng và tính khái quát của nó. Thông thường, một bộ phim có độ dài và quy mô như vậy, ngay cả các nước có nền điện ảnh phát triển cũng phải để sau chiến tranh mới có thể thực hiện được. Nhưng ở đây, các nhà điện ảnh Việt Nam lại có thể thực hiện được trong một hoàn cảnh chiến tranh ác liệt...”.

“Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” dự thi ở Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva, dư luận báo chí thế giới cũng tỏ ra ngạc nhiên về hoàn cảnh ra đời, giá trị nội dung và trình độ nghệ thuật của bộ phim. Nhờ vậy, bộ phim không những được trao giải tại Liên hoan phim mà còn được nhận giải thưởng của Hội đồng Hòa bình thế giới.

Năm 1979, khi cậu học sinh giỏi văn Nguyễn Thanh Vân của Trường Lý Thường Kiệt, Hà Nội tốt nghiệp phổ thông trung học, người cha của anh, đạo diễn Hải Ninh đã nổi tiếng trong giới điện ảnh. Vậy mà nghe bạn bè, Thanh Vân lại nộp đơn thi vào Đại học Kiến trúc. Nhưng có lẽ là duyên nghiệp, khi Thanh Vân là sinh viên năm thứ tư, Trường Sân khấu - Điện ảnh chiêu sinh khóa mới. Thanh Vân tạm gác những trang đồ án kiến trúc sang một bên và nộp đơn xin thi vào Trường Sân khấu - Điện ảnh.

Thay bằng tấm bằng Kiến trúc sư, sau 9 năm khoác áo sinh viên, năm 1988 Thanh Vân đã có vốn kiến thức điện ảnh ban đầu để bước tiếp con đường của người cha. Tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh, Nguyễn Thanh Vân về nhận công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam. Sáu năm sau anh được giao đạo diễn phim truyện đầu tay: “Truyện tình trong ngõ hẻm”. Và tận đến lúc ấy anh mới thấu hiểu được con đường mà người cha đã chọn không hề lung linh như trên màn bạc mà là chuỗi những năm tháng đầy gian khổ, hiểm nguy.--PageBreak--

Thanh Vân nhớ lại: Vào một mùa hè, đoàn làm phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” thực hiện một số cảnh quay tại vùng biển Hải Hậu, Nam Định, cậu học trò 10 tuổi Thanh Vân được nghỉ hè, không có người trông bị bố Hải Ninh “xách cổ” đi cùng. Hàng ngày Thanh Vân cũng ra trường quay, nhưng là đứng lẫn trong đám trẻ con trong vùng xem các cô chú diễn. Còn tối đến, bố thường sai Thanh Vân đến từng nhà trọ của các cô các bác quay phim, họa sĩ, diễn viên mời mọi người đến họp.

Trong trí nhớ non nớt của cậu bé Thanh Vân ngày ấy, sao mà đoàn làm phim “họp” nhiều thế! Thuở ấy, Thanh Vân đâu biết rằng, để thực hiện vài chục cảnh quay trong số hàng trăm cảnh của cả bộ phim từ Nam Định đến tận dòng sông Bến Hải Vĩ tuyến 17, cha cậu cùng đoàn làm phim đã phải họp bàn, trăn trở từng chi tiết, từng cảnh quay suốt hai năm. Còn trước đó ông và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã phải bỏ ra 5 năm ròng lặn lội vào miền Trung, chủ yếu đi bằng xe đạp để lấy tài liệu, gặp các nhân chứng từ bờ Nam ra hỏi chuyện và xây dựng kịch bản...

Có một sự trùng hợp khá lý thú, tiếp nối thành công của người cha gần 30 năm sau, Thanh Vân cũng được bước lên bục vinh quang tại một số Liên hoan phim quốc tế. Phim “Đời cát” của anh lần lượt đoạt giải phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương, giải đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế tại Amiens (Pháp) lần thứ 20.

Nhưng để có được “Đời cát” thành công như vậy, kể từ khi đọc được truyện ngắn “Ba người trên sân ga” của Hữu Phương đăng trên tuần báo Văn nghệ vào năm 1993, Thanh Vân đã nghiền ngẫm việc chuyển thể tác phẩm này sang điện ảnh suốt 3 năm. Đến năm 1996, gặp được Nguyễn Quang Lập - nhà văn có vốn sống miền ở Trung gió cát phong phú, hai anh em mới bắt tay vào xây dựng kịch bản.

Có được bản thảo kịch bản ưng ý sau nhiều lần bàn thảo và chỉnh sửa, khi đưa vào sản xuất, Thanh Vân vẫn tiếp tục lao tâm khổ tứ và rất kỳ công với việc chọn diễn viên, chọn bối cảnh, tìm người viết nhạc...

Như vậy, tính từ năm 1993 khi bắt đầu tìm được đề tài, đến năm 1999 ra mắt khán giả trong nước và quốc tế, “Đời cát” của Thanh Vân cũng có khoảng thời gian 7 năm chuẩn bị rất công phu và chu đáo như tác phẩm “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” của cha anh.

Trước “Đời cát”, phim “Cây bạch đàn vô danh”, Nguyễn Thanh Vân cũng đã giành được giải Bông sen bạc của Liên hoan phim quốc gia lần thứ 11, giải B của Hội Điện ảnh Việt Nam, giải Ngọn đuốc đồng tại Liên hoan quốc tế Bình Nhưỡng. Sau “Đời cát”, phim “Người đàn bà mộng du”, kịch bản Nguyễn Quang Thiều, do Thanh Vân đạo diễn cũng được Liên hoan phim quốc gia lần thứ 14 trao giải đạo diễn xuất sắc nhất, giải Cánh diều vàng của Hội điện ảnh Việt Nam (2004), giải đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 49.

Trong đời một nghệ sĩ, không phải ai cũng có được một bản tổng sắp nhiều giải cao trong nước và quốc tế như đạo diễn trẻ Nguyễn Thanh Vân. Điều ấy khẳng định anh là một người có tài năng. Nhưng cao hơn tài năng là tính nghiêm túc trong việc xây dựng một tác phẩm nghệ thuật.

Một đời cống hiến cho điện ảnh Việt Nam, cha anh, NSND Hải Ninh đã có 8 trong số 12 bộ phim truyện nhựa, 1 trong 3 bộ phim tài liệu giành được các giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Nguyễn Thanh Vân chưa có được nhiều giải thưởng như người cha nhưng bằng tài năng, bằng phẩm chất chân chính của người nghệ sĩ, hy vọng rằng trong tương lai đạo diễn trẻ Nguyễn Thanh Vân sẽ còn có nhiều đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà

Nguyễn Xuân Hải
.
.