Đạo diễn Lê Hoàng: Cần hướng đi đúng

Thứ Ba, 19/03/2013, 15:05
Đạo diễn Lê Hoàng với bút danh Lê Thị Liên Hoan là cộng tác viên thường trực của chuyên đề ANTG CT và GT. Tháng nào tôi cũng hai lần nhận bài của anh cho trang 32 ở chuyên mục thường kỳ “Mua vui cũng được một vài trống canh”.

Bản thân tôi cũng đã không chỉ một lần trò chuyện với anh để viết những bài báo khá dài của mình. Nhưng tôi vẫn có cảm giác, dường như tôi vẫn chưa hiểu được bao nhiêu những suy nghĩ của vị đạo diễn điện ảnh nhưng thực ra chủ yếu lại hành nghề ký giả này. Và chính vì thế những ghi chép của tôi từ các cuộc trò chuyện với anh cứ kéo dài ra bất tận và ở mỗi một thời điểm dường như lại toát lên một thông điệp mới.

Tôi nhớ, cách đây vài ba năm, ngồi với tôi ở một quán ăn trên vỉa hè gần Nhà thờ Đức Bà thành phố Hồ Chí Minh, Lê Hoàng đã khẳng định một câu xanh rờn: “Thật ra mà nói một cách công bằng thì nó như thế này: Nền văn nghệ Việt Nam nhìn chung theo tôi là yếu. Chẳng hạn như sân khấu, điện ảnh, văn học, ca nhạc, v.v. của chúng ta là yếu...”.

- Hồng Thanh Quang: Anh có bi quan quá không?

- Đạo diễn Lê Hoàng: Không, tôi không bi quan. Bởi vì điều đầu tiên nếu về mặt khoa học  mà nói, văn hóa nó đi đôi với nền kinh tế, mà nếu nền kinh tế không mạnh thì những cái đấy về nguyên tắc thường hay yếu. Tất nhiên nó có ngoại lệ, tôi hoàn toàn đồng ý là có ngoại lệ, ví như điện ảnh Iran chẳng hạn, thì đó là một điện ảnh rất là khác thường.

- Nó có một số tên tuổi mang tầm quốc tế…

- Tất nhiên nói về nền kinh tế Iran thì vẫn hơn ta rất là xa. Nhìn chung thì tôi cho rằng, nền văn nghệ của mình là yếu. Thú thực là như vậy, mà yếu ở đây là yếu về cả số lượng và chất lượng. Chẳng hạn như tỉ lệ nghệ sỹ của mình trên số dân, tỷ lệ nghệ sỹ giỏi trên số nghệ sỹ là luôn luôn thấp.

- Không phải là cao so với mức trung bình trên thế giới…

- Không phải là cao. Ví dụ như thế này, một cách rất cụ thể thôi, bây giờ làm một cái phim, ví dụ là phim về Lý Công Uẩn, thì ngay chuyện tìm ai đóng Lý Công Uẩn đã đủ khó, chưa vội nói chuyện tiền bạc. Nếu tìm một khuôn mặt mà mọi người đều công nhận ngay rằng đấy là Lý Công Uẩn thì chúng ta không có. Đúng không?

- Đúng rồi.

- Đi vào cái cụ thể mới thấy rằng, chúng ta đang rất thiếu nhiều thứ. Nếu chúng ta làm phim lịch sử về Quang Trung hay về Lý Công Uẩn, thì ngoài ông vua ra còn có tể tướng, còn có quần thần, nghĩa là còn có rất nhiều khuôn mặt mà nhìn nó phải có thần sắc của nhân vật. Nhưng hiện nay chúng ta đâu có  đủ, thậm chí là không có...

- Theo anh, đạo diễn, đó là một công việc, hay chỉ là một danh xưng?

- Đó là một công việc. Điều ấy chắc chắn. Tuy nhiên công việc này có thể học ở trường hoặc tự học.

- Anh nghĩ thế nào về hiện tượng đang phổ biến ở ta, có không ít đạo diễn trong nhiều năm không hề có điều kiện để bắt tay vào hành nghề?

- Điều ấy là bình thường. Ở Mỹ hàng năm có hàng trăm đạo diễn ra trường mà chỉ có vài người sau đó làm phim. Ở tất cả các quốc gia khác cũng vậy.

- Cá nhân anh có hài lòng với công việc đạo diễn của mình không? Vì sao?

- Có những phim tôi hài lòng và có những phim không. Vì tôi biết rằng không bao giờ có thể làm lại được chúng.

- Anh còn nhớ tâm trạng của mình khi bộ phim mới nhất của anh ra mắt khán giả và, nói một cách nhẹ nhàng, không nhận được sự hưởng ứng như mong đợi từ phía khán giả và các nhà chuyên môn?

- Anh đã xem phim ấy chưa? Tôi mong rằng anh hãy xem. Nó hoàn toàn không giống những điều một số người nói. Khi nào có điều kiện tôi sẽ giải thích vì sao. Phim ấy đã chiếu cho khán giả đâu mà nói rằng khán giả có ý kiến?

- Anh lý giải sao về chuyện này?

- Bây giờ không phải là lúc lý giải.

- Anh có phải là người dễ tự ái không khi nghe ai đó đánh giá không tích cực về mình?

- Tôi không phải thánh. Tôi không hy vọng lúc nào người ta cũng tung hô. Nhưng tôi cũng đủ trí tuệ để hiểu đâu là đúng, đâu là sai.

- Bí quyết để anh rèn luyện bản lĩnh đó của anh?

- Tôi đọc rất nhiều và tôi xem cũng rất nhiều. Tôi có một nền tri thức đủ để xem xét các vấn đề tương đối toàn diện.

- Nếu có thể nói thật, anh đánh giá thế nào về hiện trạng nền điện ảnh của chúng ta hôm nay?

- Điện ảnh của chúng ta nếu xét về số lượng phim, số lượng rạp, số lượng đạo diễn diễn viên, cũng như số lượng những người có kiến thức điện ảnh thì cực kỳ nhỏ bé. Nhỏ hơn cả Thái Lan mà Thái Lan thì gần như không có tên trên bản đồ điện ảnh thế giới (hơi giống bóng đá).

- Theo anh, những lý do nào khiến chúng ta lâm vào tình cảnh như thế?

- Vì chúng ta không có một hướng đi đúng.

- Tôi không phải là người muốn giải thiêng quá khứ nhưng quả thực, đôi lúc tôi rất phân vân khi nghĩ về ảnh hưởng quốc tế của những tác phẩm điện ảnh Việt Nam từng được giải thưởng ở các cuộc liên hoan phim quốc tế, chủ yếu ở Liên Xô và các nước Đông Âu… Anh có thể nói gì về điều này?

- Những tác phẩm đó có giá trị trong hoàn cảnh đó. Điều  ấy chắc chắn. Nhưng nó có giá trị trong hoàn cảnh sau này nữa hay không thì có lẽ cần phải một độ lùi thời gian khá dài nữa mới nên phát biểu.

- Trong những ranh giới có thể của xã giao, anh nhận xét thế nào về những “trưởng lão” trong làng đạo diễn điện ảnh Việt Nam? Ai là người mà theo anh có thể làm hình mẫu mà ta không ngần ngại soi vào và học tập? Nói chung, liệu có thể nói gì về cái gọi là trường phái đạo diễn điện ảnh Việt hay không? Và liệu có nó hay không?

- Tôi kính trọng các trưởng lão đó như trẻ con kính trọng người lớn tuổi một cách chân thành. Nhưng có lẽ chưa ai đủ sức đại diện cho một trường phái vì trường phái có thể khác với giải thưởng hoặc với danh hiệu. Nếu có một người mang dấu ấn riêng đậm nét mà tôi nhớ thì đó là đạo diễn phim tài liệu Trần Văn Thủy. Tiếc rằng bây giờ ông không làm phim nữa. 

- Trong thế hệ những đạo diễn ở thế hệ của anh, anh có ấn tượng với những ai? Vì sao?

- Tôi nhớ mãi các phim Canh bạc của Lưu Trọng Ninh. Những người thợ xẻ của Vương Đức, và hết. Đấy là những phim gây ấn tượng rất mạnh.

- Anh nhận xét thế nào về phong cách đạo diễn của những Đỗ Minh Tuấn, Lưu Trọng Ninh, Vương Đức, Thanh Vân, Nhuệ Giang, Nguyễn Quang Dũng?…

- Tôi không phải là giám khảo.

- Về làn sóng một số đạo diễn Việt kiều về làm phim ở trong nước, anh có nhận xét gì? Cái hay và cái chưa hay trong ảnh hưởng từ cách làm phim của họ đối với công chúng?

- Đạo diễn Việt kiều thường có phong cách làm phim rất chuyên nghiệp. Nhưng họ hay sùng bái lối kể chuyện của phương Tây (kể ra điều ấy cũng chẳng có gì là khuyết điểm). Cho đến giờ phút này, thú thực là tôi chưa thấy ai Việt kiều hơn người Việt Nam trong nước.

- Liệu chúng ta có thể lạc quan với triển vọng gần của điện ảnh Việt Nam? Cái thiếu lớn nhất để điện ảnh Việt Nam bứt phá là gì, tư tưởng, phong cách nghệ thuật hay công nghệ?

- Cái thiếu lớn nhất của chúng ta là tư tưởng. Cái thiếu thứ hai của chúng ta là tư tưởng. Cái thiếu thứ ba của chúng ta cũng là tư tưởng.

- Theo cảm nhận của anh, một người tương đối bi quan thì triển vọng đối với điện ảnh Việt Nam?

- Không, tôi không bi quan đâu.

- Chỉ có cái nhìn thực tế thôi?

- Tôi không phải là người bi quan. Tôi cho rằng, điện ảnh Việt Nam nó sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế Việt Nam, nếu nền kinh tế Việt Nam lên thì nó lên.

- Chúng ta không thiếu những tài năng, chúng ta thiếu những điều kiện?

- Không!

- Hay thế nào, tôi chưa hiểu câu nói của anh.

- Chúng ta thiếu tài năng chứ.

- Nhưng tài năng rất ít khi, hầu như không mấy khi tỷ lệ thuận với nền kinh tế. Kinh tế chỉ là điều kiện để tài năng bộc lộ.

- Chúng ta thiếu tài năng, nhưng được cái may là nền kinh tế nó có thể kéo nền văn hóa theo, mặc dù sự kéo theo của nó gián tiếp. Ví dụ sự bùng nổ của phim truyền hình thực sự là gì, anh biết không? Sự bùng nổ của phim truyền hình Việt Nam là nó nhờ bùng nổ của quảng cáo đó thôi. Chính quảng cáo nó đẻ ra phim chứ không phải ngược lại. Nền kinh tế đùng một cái nó phát triển và nó phát triển bất ngờ. Tất nhiên so với thế giới thì chưa là cái gì nhưng so với mình là đột biến. Và các sản phẩm đều phải quảng cáo và nó cần có một lý do để xuất hiện trên truyền hình. Cho nên chính nó mới sinh ra phim truyền hình. Phim truyền hình Việt Nam xuất hiện không phải là công lao của những người làm phim, mà là công lao của những người làm bột Knor, rồi của rượu, của bia, của nước giải khát… Bởi vì họ muốn có một cái cớ để sản phẩm của họ cài vào và họ đã tài trợ cho phim truyền hình. Phim truyền hình Việt Nam hiện nay trừ một số phim của Hà Nội là của Nhà nước thì không kể, còn gần như toàn bộ, nhất là những phim xã hội hóa có được trên màn ảnh là nhờ vào quảng cáo,  là do nền kinh tế đẻ ra. Anh có tin rằng nền kinh tế nó đẻ ra nền văn hóa không? Có đấy.

- Đồng nghĩa phim truyền hình với cả giá trị văn hóa thì thực ra có điều gì đó nó hơi khiên cưỡng. Nền kinh tế nó có thể nảy sinh ra một văn hóa tiêu dùng nhưng chưa chắc nó nảy sinh ra những tiêu chí văn hóa mà chúng ta cần.

- Đúng. Nó chỉ gần như một điều kiện thuận lợi. Nhưng đối với nền văn hóa phổ thông thì việc nền kinh tế bùng nổ là rất có lợi…

- Nhưng nếu tư duy theo cách của anh thì suy cho cùng, chúng ta phải làm thế nào để có thể cải thiện được tình hình?

- Việc đầu tiên tôi nghĩ thế này. Theo tôi, văn nghệ sĩ cũng như doanh nhân, đầu tiên phải xác định vị trí của mình trong dân tộc mình, thứ hai là vị trí của mình trên thế giới. Vị trí đó, theo tôi biết, hiện nay là rất nhỏ bé. Những cái gì dân tộc biết là những nét văn hóa truyền thống như xem tivi, hay đọc báo, đúng không, còn bây giờ hỏi bất cứ một người nào bảo này anh đã xem cuốn sách này chưa? Anh đã xem bộ phim này chưa? thì câu trả lời gần như là không. Chúng ta ít có những tác phẩm văn học nghệ thuật mới xuất hiện mà khiến cho mọi người nếu chưa đọc và chưa xem thì cảm thấy cấn cá, cảm thấy bị thiệt thòi… Đúng không nào?

- Đúng. Không có những cái mà chúng ta không xem thì chúng ta cảm thấy thiếu.

- Chúng ta thiếu những tác phẩm như thế. Nói cách khác, cụ thể anh là Hồng Thanh Quang và anh không hề nói rằng năm vừa rồi tôi chả xem phim Việt Nam nào cả mà lại cảm thấy ngượng. Và anh vẫn là một trí thức!

- Không có một bộ phim nào, không có một cuốn sách nội địa nào mình cảm thấy... nếu không đọc.

- Mà mình cảm thấy ngượng...

- Mà mình cảm thấy xấu hổ…

- Mà mình cảm thấy, khi mình nói ra mình phải ngập ngừng, vì điều đó chứng tỏ mình, thứ nhất là quá lạc hậu, thứ hai là quá thờ ơ, và thứ ba là mình quá dốt, thứ tư là mình quá thiếu tìm hiểu… Không, không có điều đó. Anh có thể sống ung dung, anh vẫn là Hồng Thanh Quang, anh có thể bảo năm vừa rồi tôi chả đọc cuốn nào, tôi chả xem cái gì, lâu lắm rồi tôi không đi xem sân khấu. Người ta có thể hỏi, năm vừa rồi anh không đi xem kịch à, anh có thể trả lời một cách vui vẻ: ừ, không!

- Rất nhiều người như thế.

- Và đó là những trí thức, khoan nói tới anh em xích lô, xe ôm. Rất nhiều trí thức đều có thể nói như thế.

- Rất đáng báo động!

- Đúng! Khi người trí thức không hề nói rằng, trong năm vừa rồi, tôi ngượng vì đã không đi xem một cái gì…

- Ngày nào người ta cũng có thể ngồi nhậu với nhau mấy tiếng đồng hồ…

- Nhưng tôi tin rằng ở nước ngoài ai người ta cũng có một cái gì đó trong năm mà người ta nghĩ rằng nếu người ta không xem, người ta cho đó là điều rất kỳ. Nền văn nghệ của người ta phải sản xuất ra những cái mà cảm thấy là, thôi thì không phải ai cũng hiểu, nhưng chuyện không xem nó là điều bứt rứt. Và tác phẩm ấy, nó có thể là điện ảnh, có thể là sân khấu, có thể là văn học, không có quy định là cần có bao nhiêu tác phẩm như thế nhưng một nền văn học nghệ thuật chân chính cần phải có những tác phẩm như thế.

- Thực ra chúng ta cũng có những tác phẩm như thế nhưng chưa nhiều...

- Anh cứ làm một cuộc thí nghiệm thế này cho tôi. Anh vào một lớp sinh viên Đại học Tổng hợp Văn, anh bảo các em kể cho nghe tên những tác phẩm được giải thưởng mà họ đã đọc, tôi đố anh mỗi em kể được bao nhiêu?

- Ngay cả người chuyên nghiệp như chúng ta cũng không đọc hết những tác phẩm mới được giải thưởng…

- Thôi thì bọn mình già rồi nói làm gì, bọn trẻ nó háo hức, đã vào học Tổng hợp Văn thì nó phải nghiên cứu, đúng không? Tôi hỏi anh, liệu các em sinh viên ấy có thể kể ra là năm ngoái cái nào được giải thưởng của Hội Nhà văn, năm kia cái nào không? Không có, không nhớ, là vì những tác phẩm ấy không đủ sức mạnh. Tôi hỏi anh, bây giờ kêu một người ở ngoài đường hỏi có nhớ lần trước giải Bông Sen Vàng phim Việt Nam trao cho phim nào không, họ mà nhớ thì tôi chết luôn (cười).

- Rất khó nhớ!

- Giải Cánh Diều Vàng mà họ cũng không nhớ. Nền văn nghệ chúng ta hiện nay, nói một cách khác, có rất ít tác phẩm có dấu ấn.

- Rất ít tác phẩm có dấu ấn hay là cách chúng ta đưa những tác phẩm ấy đến với công chúng nó bị khiếm khuyết? Bởi vì thật ra, bất kể chuyện gì, ngay cả những tài năng cũng cần phải có “mắt xanh” phát hiện. Hay chúng ta thiếu một công nghệ như vậy, bởi vì ngay cả những cái rất nhiều người biết trong văn hóa phương Tây, Mỹ cũng không phải là hay lắm, nhưng tất cả đều biết, họ làm cách nào đó cho tất cả đều quan tâm đến. Tại sao chúng ta không làm thế? Chúng ta thiếu một cái gì đấy trong việc đưa tác phẩm của mình, thành quả của mình đến với công chúng trong xã hội đang bị chi phối bởi rất nhiều các thứ gây tò mò hơn, đơn giản hơn, dễ chịu hơn văn học nghệ thuật?

- Theo tôi thì đầu tiên như thế này, cái nền truyền thông Việt Nam cũng yếu. Tính theo gần 100 triệu dân thì tỉ lệ báo chí, kênh truyền hình… chúng ta khá hơn rất nhiều so với hồi trước, nhưng so với các nước trên thế giới, chúng ta vẫn là yếu. Không những yếu, nó còn bị một tình trạng là cái sự bất bình đẳng thông tin giữa nông thôn và thành thị quá cao. Phần lớn báo chí là ở thành phố mà thôi.... Công tác tuyên truyền, cổ động của chúng ta đã ít lại thiên lệch, không phân phối đồng đều. Cái câu “tác phẩm của tôi hay, nhưng mà lỗi là lỗi các anh không tuyên truyền” thì cái câu đó thứ nhất về lý thuyết cũng có lúc đúng chứ không phải không, nhưng trên thực tế cái điều đó rất nguy hiểm, câu đó rất hay dùng để ngụy biện bởi thực ra sức lan tỏa của tác phẩm tự nó rất mạnh.

- Chẳng hạn như một cô gái đẹp không nhất thiết cứ phải đến tham gia cuộc thi hoa hậu mới được người ta chiêm ngưỡng…

- Đúng thế...

- Hay là sự ra đời của tác phẩm văn học nó cần cả một tâm thế xã hội nào đấy nữa?

- Cái đấy thì cũng có thể. Tôi không quá rành về văn học…

- Nói chung văn học nghệ thuật để phát triển còn cần một tâm thế xã hội nào đó nữa. Và chúng ta cảm giác bây giờ tâm thế xã hội không thuận lợi lắm cho việc sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung. Đó có là một luận điểm đáng được nghiên cứu không, thưa anh?

- Cái đó thì tôi không tin. Thật ra mà nói, không có xã hội nào bảo, đúng lúc này là lúc hợp với văn học nghệ thuật. Bây giờ thật ra mà nói, anh gọi một nhà văn bất cứ nước nào đến, ông nhà văn ấy sẽ không bao giờ bảo, không, tôi đang sống trong một môi trường vô cùng thuận lợi cho việc phổ biến tác phẩm của tôi! Tôi nghĩ nhà văn Mỹ cũng không nói vậy, mà nhà văn Trung Quốc cũng không nói thế. Bản chất của các nhà văn là luôn luôn cảm thấy mình bị đối xử không công bằng...

- Mình bị bạc đãi, mình bị hắt hủi?

- Tất cả các nhà văn từ có tài hay không có tài đều nghĩ rằng, đáng lẽ mình phải được hơn cơ. Đấy là cái bệnh muôn đời của nghệ sỹ.

- Phải chấp nhận thôi.

- Đương nhiên phải chấp nhận thôi. Đứng về mặt lịch sử chúng ta nghĩ thế này, so với bây giờ sự quảng bá một tác phẩm khác hơn cách đây 10 năm rất nhiều, nhưng các ông nghệ sĩ bây giờ có khi còn kêu hơn cách đây 10 năm.

- So với thời Thơ Mới thì sự ưu ái đối với thơ bây giờ lớn hơn rất nhiều nhưng bây giờ lại kêu là khó nổi tiếng hơn cả…

- Phương tiện để phổ biến lại nhiều hơn rất nhiều. Bây giờ có cả Internet, các ông tự tung lên. Thế mà bây giờ các ông còn kêu hơn ngày xưa.

- Tung ra dễ hơn nhưng để người ta để ý mình lại khó hơn.

- Nếu chỉ căn cứ vào độ kêu la của các ông văn nghệ sĩ mà đánh giá xã hội thì tôi nghĩ là coi chừng oan cho xã hội. Xã hội nước nào cũng thế, thời nào cũng thế, không có xã hội nào thao thức, nó chỉ chờ các ông ra để đọc ngấu nghiến rồi sau đó nó bình, mà xã hội nào cũng lo việc cơm áo gạo tiền của nó, tác phẩm nào có đánh động người ta mới gọi nhau quan tâm tới.

- Nhìn sang các thể loại nghệ thuật khác, có ý kiến cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần tỉnh táo và thực tế hơn để chấp nhận vị thế “ngoại ô” của mình trong bản đồ nghệ thuật thế giới. Nói cho cùng, những nước láng giềng của chúng ta trong khu vực Đông Nam Á cũng đâu có những thành tựu nghệ thuật gì lớn so với thế giới, nhưng xem ra, họ không quá bức xúc, không quá to tiếng như chúng ta… Anh nghĩ gì về ý kiến này?

- Tôi không tin họ không quá bức xúc. Tôi đã đi một số liên hoan phim quốc tế và gặp một số đạo diễn Thái Lan, Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản... và tôi thấy họ khao khát và mạnh mẽ chả thua gì chúng ta, nếu không nói là có phần hơn. Ví dụ như rất nhiều người trong họ tự bỏ tiền ra làm phim, còn mình thì không như thế. Tôi cũng không đồng ý khi anh nói rằng, chúng ta đang to tiếng. Chúng ta phần lớn nói thầm.

- Anh là một gương mặt rất quen thuộc trong thế giới showbiz. Sự tham gia quá sâu và quá thường xuyên đó có lợi và có hại thế nào đối với anh?

- Lợi là tôi đạt được nhiều cảm xúc, còn cái hại thì chắc chắn nhiều người sẽ bảo như thế nhàm chán. Thôi thì tùy. Chỉ lưu ý một điều: nhiều công việc của tôi hôm nay diễn ra công khai và được truyền hình trực tiếp. Nếu tôi sai lầm sẽ có hàng triệu ý kiến ngay lập tức.

- Anh nghĩ thế nào về ý kiến: người hay đưa ra những ý tưởng hay ho lắm khi lại là người rất kém trong việc biến những ý tưởng đó thành hiện thực. Anh có thấy nhận xét đó vận vào mình không, ít ra là trong lĩnh vực chuyên môn của anh là điện ảnh?

- Hiện thực nào? Hiện thực của ai? Hiện thực trên giấy hay hiện thực trong đầu?

- Theo anh, “vụng múa chê đất lệch” có phải là căn bệnh kinh niên của làng nghệ thuật chúng ta hay không?

- Không. Căn bệnh kinh niên của nghệ thuật chúng ta là lẫn lộn giữa các chuẩn mực.

- Có ý kiến cho rằng, người quản lý văn nghệ không nhất thiết phải là nghệ sĩ mà phải là người am tường nghệ thuật quản lý. Anh nghĩ thế nào?

- Nghệ sĩ không nên làm quản lý. Nghệ sĩ chỉ nên tham gia sáng tác hoặc đánh giá tác phẩm.

- Thực tế  cho thấy, đôi khi nghệ sĩ ngồi vào vị trí quản lý thì không những không phát huy được phẩm hạnh nghệ thuật của mình mà còn bộc lộ những sở đoản tư duy, trở nên rất vô độ trong những khát vọng tôn vinh cá nhân mình… Anh có đồng ý với ý kiến này không?

- Vô cùng đồng ý. Hãy trao cho nghệ sĩ quyền sáng tác. Cẩn thận khi trao cho họ quyền lực.

- Nhìn vào thực tế, thực ra trong làng điện ảnh của chúng ta ít khi xảy ra những chuyện gièm pha nhau công khai, mặc dù có lẽ cũng như bất cứ lĩnh vực hoạt động nghệ thuật nào của chúng ta hiện nay, điện ảnh cũng là nơi tập trung những va đập không nhỏ trong quyền lợi từ những chính sách “phung phí của chùa”. Anh nghĩ thế nào?

- Điện ảnh Việt Nam quá nhỏ thành ra gần như một gia đình. Gia đình thường áp dụng chính sách đóng cửa nói khẽ với nhau. Điều ấy cũng dễ hiểu.

- Có những văn nghệ sĩ lúc nào cũng hô  hào tự do tuyệt đối trong sáng tác nhưng đồng thời lại rất nhanh chân nhanh tay trong việc chụp giựt những tài trợ công. Anh nghĩ thế nào về hiện tượng này?

- Suy cho cùng thì đấy là những nhà buôn nghệ thuật. Tôi rất kinh ngạc khi hễ thấy một dự án làm phim vài chục tỷ là thấy có tranh chấp. Những ai hay tranh chấp thì thật ra giới điện ảnh thuộc lòng.

- Với trí thông minh sắc sảo của anh, liệu anh có thể giúp tôi lý giải được là tại sao trong làng văn nước ta hiện nay, những hiện tượng “cạn tàu ráo máng”, lắm khi rất thô bạo và sống sượng, của cả những tác giả có tiếng và có chức vụ khi nói về nhau lại phổ biến như thế? Tại sao một số nhà thơ, nhà văn thành danh hẳn hoi  lại không biết xấu hổ khi xuất hiện với vai trò Chí Phèo?  Có nguyên nhân chủ quan gì? Và có những nguyên nhân khách quan gì? Phải chăng nghệ thuật bất lực trong chức năng giáo dục của nó và chữ nghĩa không thể  nào cải tạo được bản chất của con người?

- Nguyên nhân là chủ nghĩa thực dụng đã chiếm một vai trò quá lớn trong cuộc sống. Thực dụng bao giờ cũng đi với cơ hội. Lênin có nói: “Bọn cơ hội là kẻ thù nguy hiểm nhất của chủ nghĩa xã hội”. Tôi tin Lênin.

- Nghệ sỹ nào thì cũng hay tư duy cực đoan, anh có cảm giác anh đôi khi tư duy cực đoan không?

- Tôi là người rất cực đoan, nhưng mà sự cực đoan của tôi, tôi nghĩ rằng nó luôn trên cơ sở…

- Trên dữ liệu thực tế?

- Đúng vậy! Ví dụ như tôi đã đi rất nhiều nơi trên thế giới, tôi đã được khá nhiều giải quốc tế đàng hoàng, rõ ràng. Khi có những dữ liệu đó, thì có hai thái độ, một là sẽ mê mải với cái quốc tế đó, hai là cảm thấy rằng thế là hết.

- Stop, dừng lại?

- Tôi thì tôi ở loại stop, còn ai mê mải thì tôi cũng OK, tôn trọng thôi. Tôi chỉ nhắc một điều thế này, tôi đã từng nói rõ trên Chuyên đề ANTGCT đấy, mê mải cũng được nhưng hãy nhớ là mê mải bằng tiền ai nhé, mê mải bằng tiền anh? OK! Của bố anh? OK! Mê mải bằng tiền nhà nước thì đôi khi là bậy đấy.

- Đúng rồi!

- Chính Trương Nghệ Mưu đã nói rồi: Tất cả những người lấy tiền của người khác để làm thử nghiệm cho mình trong nghệ thuật là vô đạo đức.

- Không lương thiện!

- Trương Nghệ Mưu là người rất văn minh. Người ta đưa cho ông tiền, người ta bảo ông làm phim Anh hùng, làm phim Hoàng Kim Giáp để ra tiền, ông sẽ làm ra tiền, thiên hạ chửi nhưng ông đã làm ra tiền. Còn khi nào ông nhận tiền để nói về nền văn hóa, bản sắc Trung Quốc thì ông sẽ làm chuyện khác. Nghĩa là một người đạo diễn thì phải có tính khoa học như vậy, anh biết anh nhận tiền của ai và làm cái gì.

- Và phải làm đúng cam kết.

- Nếu bây giờ anh nhận một kịch bản của phim Việt Nam, lấy tiền của nhân dân Việt Nam, và mục đích của người ta là làm cái phim này cho nhân dân Việt Nam xem, anh làm ra cái mà nhân dân Việt Nam không xem, anh mang ra quốc tế được vài cái giải, xong anh về anh bảo, ai không xem thì là người ấy bậy nhá, chứ thật ra phim tôi vẫn khá. Cái đấy là không đúng! Mà hiện nay sự lầm lẫn như vậy là rất nhiều. Hay là anh làm ra một cái phim, nhân dân không xem, xong rồi anh được một giải quốc tế nào đó, anh quay lại anh mắng là các anh kém trình độ, muốn xem phim tôi là phải học (?!). Thế là bậy!

H.T.Q.
.
.