Danh thần triều Lý Tô Hiến Thành: Hiếu trung nhân nghĩa

Thứ Sáu, 30/12/2011, 11:00
“Có tài mà cậy chi tài”, không phải một bậc đa mưu túc trí nào cũng được sinh ra phụng thời và có vua hiền để theo. Thế nhưng, một trí giả chân chính thì dù thời thế nhiễu nhương đến mấy vẫn giữ nguyên được đạo lý mình tin để cống hiến nhiều nhất cho nghiệp quốc gia chung. Danh thần Tô Hiến Thành thời Lý là một bậc như thế.

Võ công an quốc

Không có tài liệu nói về năm sinh chính xác của Tô Hiến Thành nhưng trên cơ sở những gì đã được ghi chép lại trong sách sử, có thể đoán được rằng ông sinh ra vào đầu thế kỷ XII. Quê ông ở làng Hạ Mỗ, nay là xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thuộc thủ đô Hà Nội.

Tới những năm 40 của thế kỷ XII, Tô Hiến Thành có lẽ đã phải ở tuổi gần nhi lập vì lúc ấy ông đã là một võ tướng có danh vọng tương đối. Khi ấy, do có một người họ hàng là vợ của Đỗ Anh Vũ, người nắm quyền bính rất lớn trong giai đoạn này, nên có lẽ Tô Hiến Thành cũng đã có được những điều kiện thuận lợi nhất định để thi thố tài năng.

Và thời cơ dành cho ông đã tới năm 1140, khi kẻ loạn nghịch Thân Lợi, nguyên là một thầy bói, đã tự xưng là con trai của vua Lý Nhân Tông (1066-1127, vị vua thứ tư của triều Lý) “tụ tập những kẻ vong mạng, chiêu mộ thổ binh” (như sách Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục - KĐVSTGCM đã mô tả) dấy binh làm loạn cả vùng Thái Nguyên.

Thân Lợi đã tự xưng là Bình vương với hơn nghìn quân rất biết cách phao tin khuếch trương thanh thế, làm náo loạn cả một vùng, khiến “người các khe động dọc biên giới khiếp sợ, không dám chống lại” (Đại Việt sử ký Toàn thư). Quan Gián nghị Đại phu Lưu Vũ Xứng được lệnh đi dẹp nhưng đã bị thảm bại. Thừa thắng xông lên, Thân Lợi đã đánh phá được cả phủ Phú Lương và chuẩn bị thẳng tiến xuống kinh thành Thăng Long…

Lúc đó, vua Lý Anh Tông (sinh năm 1136, vị vua thứ sáu của nhà Lý), vừa mới lên ngôi được hơn hai năm (năm 1138) nên mọi việc triều chính đều phải trông cậy hết ở Cung điện lệnh chi nội ngoại sư Đỗ Anh Vũ. Và nuốn nói gì thì nói, là một võ tướng rất tài năng, tháng 4/1141, Đỗ Anh Vũ đã tạo được bước ngoặt trong cuộc chiến, đánh tan quân Thân Lợi, buộc y phải bỏ lính chạy lấy thân. Và cuộc truy lùng tiếp theo do Thái phó Tô Hiến Thành phụng mệnh vua tổ chức đã bắt được Thân Lợi rồi cho đóng cũi chở về kinh thành Thăng Long. Đồng bọn của Thân Lợi cũng bị bắt dễ đến hàng nghìn người. Sách KĐVSTGCM kể tiếp:

Minh họa Lê Trí Dũng.

“Nhà vua ngự điện Kim Khánh, tra hỏi, đã đem chém 20 kẻ đồng mưu và tha cho những người bị ức hiếp mà phải theo. Đến đây, Tô Hiến Thành nói với nhà vua rằng: “Đảng Thân Lợi nổi loạn, giết nhiều quan quân, bệ hạ chỉ hành hình có 20 người, thực có lòng nhân đức. Nhưng, xưa kia, vua Nghiêu, vua Thuấn truyền nối trong vòng hơn trăm năm, thế mà số người bị tội chết và tội lưu chỉ có 4 tên đầu sỏ gian ác; ngày nay phát lưu đến hàng hơn trăm người, có phải là bản tâm bệ hạ đâu? Tôi xin tha tội cho chúng, để mọi người được thấm nhuần ơn vua, thì lòng nhân đức của bệ hạ không khác gì Nghiêu Thuấn”… Nhà vua y theo lời, xuống chiếu…”.

Có lẽ ngay từ giai đoạn đó, Tô Hiến Thành đã luôn cố gắng hành xử một cách trung thực và tử tế nhất nên ông đã hầu như không bị liên lụy gì khi Đỗ Anh Vũ liên tục vướng vào những khúc mắc suy vi, tới mức có lúc đã phải đi làm tá điền cày ruộng công. Không những thế, dưới thời vua Lý Anh Tông, Tô Hiến Thành còn rất nhiều lần được tin cậy cho đi phò tá vua trong các chiến dịch dẹp loạn các nơi và mở mang bờ cõi thêm về phía Tây Bắc...

Mùa hạ năm 1159, khi Ngưu Hống và Ai Lao làm phản, Tô Hiến Thành đã được sai đi dẹp loạn, “bắt được người và trâu ngựa voi, vàng bạc châu báu rất nhiều” (ĐVSKTT). Cũng nhờ chiến công này mà ông đã được phong làm Thái úy. Tháng 2/1160, Tô Hiến Thành cùng với Phi Công Tín lại được tin cậy giao cho nhiệm vụ tăng cường binh lực, sung thêm người mạnh khỏe vào quân ngũ “chọn các tướng hiệu, người nào thông thạo binh pháp, am ường võ nghệ thì chia cho cai quản”.

Tháng 11/1161, Tô Hiến Thành lại được sai làm Đô tướng “đem hai vạn quân đi tuần các nơi ven biển tây nam để giữ yên miền biên giới”. Cũng chính nhờ chiến dịch tiễu phạt Chiêm Thành thành công mùa thu năm 1167 do Tô Hiến Thành chỉ huy mà  tới mùa đông năm này, Chiêm vương đã phải sai sứ dâng trân châu và sản vật địa phương để xin hòa…

Không thể không đánh giá cao những đóng góp của Tô Hiến Thành vào những thành tựu không nhỏ mà nước ta đã đạt được dưới thời vua Lý Anh Tông, đến mức triều Tống năm 1164 cũng buộc phải công nhận Đại Việt ta là một quốc gia…

Cương trực vô tư

Tới năm 1175, Tô Hiến Thành đã trở thành một vị quan rất trọng yếu trong triều đình. Vua Lý Anh Tông gia phong tước vương cho ông và đưa vào chức Nhập nội kiểm hiệu Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự, tức là chức Tể tướng, quan đứng đầu triều. Chính trên cương vị này, tài năng và đức độ của Tô Hiến Thành lại càng tỏa sáng.

Tháng 4/1175, vua Lý Anh Tông giở bệnh. Tô Hiến Thành được tin cậy  giao giúp Thái tử Long Cán (lúc này mới ba tuổi) tạm quyền coi giữ chính sự. Tháng 7/1175, nhà vua qua đời, để lại di chiếu cho Tô Hiến Thành làm Phụ chính. Lúc này, hậu cung của cố vương rất rối. Chiêu Linh Thái hậu, chính thất của vua Lý Anh Tông, tìm đủ mọi cách để con trai mình, Lý Long Sưởng, được lên ngôi (khi vua Lý Anh Tông còn sống, Long Sưởng đã có giai đoạn được lập làm Thái tử nhưng do mắc tội thông dâm với cung phi của vua cha nên đã bị truất bỏ thành dân thường). Chính Chiêu Linh Thái hậu đã đem một mâm vàng tới đút lót cho vợ của Tô Hiến Thành là Lữ thị để nhờ bà này thuyết phục chồng không theo di chiếu.

Thế nhưng, Tô Hiến Thành đã nhất mực trung trinh và  hào sảng tuyên bố với thân quyến: “Ta là đại thần, nhận mệnh lệnh để lại của tiên đế, phò giúp ấu chúa, nếu nay nhận của lót mà làm việc phế lập thì còn mặt mũ nào trông thấy tiên đế ở dưới suối vàng?”.

Ông cũng khẳng khái nói với Chiêu Linh Thái hậu: “Làm điều bất nghĩa mà được giàu sang, có lẽ nào hạng trung thần nghĩa sĩ lại vui lòng mà làm được, huống chi lời tiên đế hãy còn văng vẳng bên tai!”…

Chính nhờ thái độ nhất quán và trung nghĩa như vậy của Tể tướng Tô Hiến Thành mà việc lên ngôi của Thái tử Long Cán mới thông đồng bén giọt và triều Lý mới có vị vua thứ bảy là Lý Cao Tông… Chiêu Linh Thái hậu và con bà là Long Sưởng rốt cuộc cũng phải chấp nhận mọi sự đã rồi và dần dà từ bỏ mưu đồ quậy phá…

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, trong trường hợp này, Tô Hiến Thành đã không được giời ưu ái vì những hành động tốt đẹp của ông đã không mang lại cho nước Việt ta một minh quân. Lớn lên, khi nắm thực quyền trong tay, Lý Cao Tông đã “chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi lên như ong, đói kém liền năm” (ĐVSKTT) khiến cơ nghiệp nhà Lý từ đó bắt đầu suy vi. Tuy nhiên, đây lại là một câu chuyện khác và cũng khó có thể đổ hết lỗi cho Tô Hiến Thành được…

Tấm lòng son của Tô Hiến Thành cho tới phút lâm chung vẫn không thay đổi. Và những gì ông đã làm cho nhà Lý ngay cả khi đã gần đất xa trời rồi sẽ được muôn đời ca tụng. Năm 1179, Tô Hiến Thành bị ốm ngày một nặng.  Lúc này nhà vua mới lên 6 tuổi nên nhất nhất nghe theo lời mẹ mình là Thái hậu họ Đỗ. ĐVSKTT kể:

“Khi Tô Hiến Thành nằm bệnh, Tham trì chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu bên cạnh. Gián nghị Đại phu Trần Trung Tá vì bận việc không lúc nào rỗi để tới thăm hỏi. Đến khi ông bệnh nặng, thái hậu thân đến thăm, hỏi rằng, nếu có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay ông?”. Hiến Thành trả lời: “Trung Tá có thể thay được”. Thái hậu nói: “Tán Đường hàng ngày hầu thuốc thang, sao không thấy ông nhắc đến?”. Hiến Thành trả lời: “Vì bệ hạ hỏi người nào có thể thay thần nên thần nói đến Trung Tá, còn như hỏi người hầu dưỡng thì phi Tán Đường còn ai nữa?” Thái hậu khen là trung nhưng cũng không dùng lời ấy…”.

Vì vua còn bé nên Thái hậu đã tùy ý đưa em trai mình là Đỗ An Di lên làm phụ chính… Ông cậu vua này thực chất không có tài, cũng không sáng đức, nên rốt cuộc cũng chẳng giúp được gì đáng kể cho triều đình.

Sử thần Ngô Sĩ Liên về sau bình: “Tô Hiến Thành nhận việc ký thác con côi, hết lòng trung thành, khéo xử trí khi biến cố, tuy bị gió lay sóng đập nhưng vẫn đứng vững như cột đá giữa dòng, khiến trên yên dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa. Huống chi cho tới lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không vì ơn riêng, Thái hậu không dùng lời nói của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy”.

Vua Lý Cao Tông mất năm 1210, khi mới 38 tuổi. Di sản chính trị mà ông để lại cho con cháu chỉ là một tình hình ngày càng rối ren, lòng dân oán hận, trung thần chán nản… Mầm mống nhà Lý mất nước vào tay họ khác cũng từ đó mà lớn lên

Lưu Hùng Văn
.
.