Nhà toán học thiên tài Nga Grigori Perelman:

Danh lợi không màng

Thứ Năm, 06/10/2011, 16:25
Suốt cả tháng 9/2011, các nhà toán học thuộc Phân viện Saint Peterburg của  Viện Toán học mang tên V.. Steklov (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) đã mất rất nhiều công sức nhưng vẫn không làm sao liên lạc được với nhà toán học thiên tài Grigori Perelman.

Số là Perelman đã được đề cử làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhưng người ta không có cách gì để hỏi xem anh có đồng ý với đề nghị này hay không. Bao nhiêu cú điện thoại gọi tới nhà anh đều không có lời đáp.

Một mình một kiểu

Grigori Perelman sinh này 13/6/1966 tại Leningrad trong một gia đình người Do Thái. Cha anh là kỹ sư điện và đã di cư sang Israel từ năm 1993. Mẹ anh, bà Liubov Leybovna, đã ở lại Saint Peterburg và từng dạy toán trong các trường cao đẳng kỹ thuật. Chính người mẹ rất mê kéo violon này đã truyền cho cậu con trai độc nhất Grigori tình yêu đối với nhạc cổ điển.

Grigori học ở trường ngoại ô cho tới năm lớp 9. Tuy nhiên, ngay từ khi còn học ở lớp 5, cậu đã tham gia nhóm các nhà toán học trẻ tuổi ở cung thiếu nhi thành phố dưới sự chỉ đạo của PGS Sergei Rukshin thuộc Trường Đại học Sư phạm quốc gia Nga mang tên Gersen, người có rất nhiều học trò đoạt giải tại các kỳ thi toán quốc tế.

Năm 1982, Grigori trong thành phần đội tuyển học sinh Xôviết đã giành được huy chương vàng tại kỳ thi toán quốc tế được tổ chức tại Budapest (Hungary) khi đạt điểm tối đa nhờ giải đúng một cách hoàn hảo toàn bộ các bài tập. Perelman đã tốt nghiệp Trường Toán Lý số 239 của thành phố Leningrad. Khi đó, cậu học sinh trung học này đã chơi bóng bàn rất khá, thường xuyên tham gia các tiết học nhạc và có một phong cách diễn thuyết chuẩn mực và hấp dẫn. Tuy nhiên, cậu không được huy chương vàng khi thi tốt nghiệp vì không được điểm ưu về môn… thể dục.

Nhờ sớm bộc lộ những năng khiếu toán học thiên phú dồi dào nên Perelman đã được nhận vào Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Leningrad, không phải thi.  Trong thời gian học đại học, Perelman đã liên tục chiến thắng trong các kỳ thi sinh viên giỏi toán ở trường, của thành phố cũng như ở cấp liên bang. Anh đã luôn đạt được điểm tối đa và được nhận học bổng mang tên Lênin.

Tốt nghiệp xuất sắc đại học, Perelman làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của Viện sĩ A. Aleksandrov thuộc Phân viện Leningrad của Viện Toán học mang tên V. Steklov.  Năm 1990, sau khi bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ, Perelman được giữ lại tại cơ quan này.

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Perelman sang Mỹ làm việc ở một số trường đại học. Anh đã khiến nhiều đồng nghiệp phải kinh ngạc với nếp sống khắc kỷ của mình, khi những đồ ăn ưa thích chính của anh chỉ là bánh mì, sữa tươi và pho mát. Năm 1996, anh trở lại thành phố quê hương, lúc này đã lấy lại tên Saint Peterburg và lại vào làm ở Phân viện của Viện Toán học mang tên V. Steklov.

Tháng 12/2005, Perelman xin nghỉ việc và theo dư luận là vì không được lãnh đạo Phân viện nhìn nhận đúng khả năng. Từ đó, anh hoàn toàn cắt đứt mọi mối quan hệ với các bạn đồng nghiệp cũ…

Toán học vị toán học

Năm 2002, Perelman đã công bố nghiên cứu về lời giải cho một trong những trường hợp của giả thuyết hình học hóa của William Thurston mà từ đó có thể giải mã giả thuyết Poincaré (được nhà toán học người Pháp Henri Poincaré đề ra từ năm 1904 và từng được xem là một trong những bài toán chưa có lời giải quan trọng hóc búa nhất trong lịch sử toán học thế giới).

Về sau, lời giải của Perelman đã được kiểm tra toàn diện bởi ít nhất là ba nhóm các nhà toán học. Và như tất cả đều biết, Perelman đã  khiến cho Hội Liên hiệp Toán học quốc tế (IMU) cảm thấy hơi sượng sùng khi không buồn đến nhận Huy chương Fields danh giá mà IMU đã quyết định trao cho anh tháng 8/2006.  Anh cũng từ chối 15 nghìn đô la Canada kèm theo huy chương này.

Perelman đã làm lơ khi Viện Toán học Clay ở bang Massachusetts ngày 18/3/2010 tuyên bố rằng, anh hội đủ điều kiện để nhận giải Thiên niên kỷ đầu tiên trị giá 1 triệu USD nhờ chứng minh cho giả thuyết Poincaré của anh. Mặc dù cuộc sống vật chất của Perelman không lấy gì làm dư dả nhưng anh đã từ chối nhận 1 triệu USD đó và không có mặt tại hội nghị Paris, nơi dự định sẽ trao giải thưởng này.

Và ngày 1/7/2010, Perelman ra tuyên bố chính thức lý giải hành động không giống ai đó của mình: "Tôi từ chối. Quý vị nên biết là tôi có nhiều lý do cả về hướng này lẫn hướng khác. Vì thế tôi mới phân vân lâu như vậy. Nếu nói một cách ngắn gọn, thì nguyên nhân chính, đó là sự không đồng tình của tôi đối với cộng đồng toán học có tổ chức. Tôi không thích những quyết định của họ, tôi cho những quyết định của họ là không công bằng. Tôi cho rằng đóng góp vào lời giải này của nhà toán học Mỹ Hamilton cũng không kém gì so với tôi…".

Rốt cuộc là số tiền 1 triệu USD đó đã được thưởng động viên cho những tài năng toán học khác. Tháng 5/2010, Thủ tướng Nga Vladimir Putin  trong cuộc họp chung tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã lấy Perelman làm gương cho các nhà khoa học khác. Sau khi nghe những lời "tố khổ" của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga Yuri Osipov, Thủ tướng Putin đã nhắc tới tên nhà toán học "đơn thương độc mã" người Nga tự mình làm nên một phát minh mang tầm thế giới, không những không xin kinh phí của nhà nước mà còn từ chối nhận tiền người ta mang tới thưởng.

Perelman cũng đã dửng dưng với những đề nghị xã hội hấp dẫn khác. Perelman cũng không quan tâm tới lời mời tham gia dự án xây dựng trung tâm công nghệ cao Skokovo do chính Tổng thống Nga Dmtri Medvedev chủ xướng. Cựu Chủ tịch Thượng viện Nga Sergey Mironov khi còn đương chức cũng từng kêu gọi Perelman tham gia thảo luận chương trình hiện đại hóa hệ thống giáo dục và khoa học ở Nga nhưng đã không nhận được bất cứ câu trả lời nào.

Mẹ một con, con một mẹ

Perelman hiện nay đang sống ẩn cư cùng mẹ 73 tuổi ở vùng ngoại ô Kupchino của thành phố Saint Peterburg. Gia cảnh của họ rất tùng tiệm. Vì Perelman hiện không đi làm ở đâu nên cả hai sống chỉ dựa vào tiền lương hưu của bà mẹ. Perelman thỉnh thoảng lắm mới đi dạy toán thêm cho ai đó.

Báo chí Nga cho biết, Perelman có một căn hộ riêng nhưng anh chỉ tới đó để lấy các hóa đơn cần thanh toán. Những người sống cạnh gia đình Perelman đều nhận xét anh là người con hiếu thảo và người hàng xóm tử tế. Nhà toán học vĩ đại đều đặn đi siêu thị và rất chăm chỉ giúp mẹ làm các công việc trong nhà. Anh cũng rất quan tâm tới sức khỏe của mẹ và đã nhiều lần nài nỉ mẹ đi vào bệnh viện khám nhưng bà đã không chịu làm thế vì sợ, ở tuổi "cổ lai hi" này, vào nằm bệnh viện rồi không biết sẽ kết thúc ra sao.

Tuy nhiên, cuối cùng thì bà cũng phải vào viện để phẫu thuật vì bị cườm thủy tinh thể cả hai mắt. Oái oăm thay, ca phẫu thuật này có giá rất cao (gần 150 nghìn rúp) mà gia đình bà thì lại không có nhiều tiền. Hay tin này, lãnh đạo bệnh viện mắt đã quyết định tiến hành ca phẫu thuật cho người mẹ của nhà toán học vĩ đại hoàn toàn miễn phí.

Mới đây, Perelman đã bị vướng vào một vụ tai tiếng, hoàn toàn mang tính sinh hoạt đời thường. Do tự sửa đường ống nước trong phòng vệ sinh bị tắc, anh đã làm nước lênh láng chảy xuống các căn hộ của hàng xóm ở tầng dưới trong mấy giờ liền. Tuy nhiên, hàng xóm đã không nổi giận và không kiện anh ra tòa. Có điều, các nhà báo đã tới rất nhanh và đưa câu chuyện này lên các phương tiện thông tin đại chúng. Nghèo nhưng khái tính, khi ban hành chính quận đề nghị được tiến hành sửa chữa miễn phí căn hộ của anh, Perelman đã từ chối.

Trông bên ngoài, Perelman có vẻ như nhếch nhác nhưng anh lại rất được các cô gái mê. Theo lời kể của hàng xóm, sau khi có thông tin về việc Perelman có thể được nhận 1 triệu USD, cửa vào nhà anh thường xuyên có các cô gái, cả tóc vàng lẫn tóc đen tới thăm.

Họ để lại cho anh những mẩu thư và các bó hoa cùng với ảnh và số điện thoại của họ, mong được nhà toán học thiên tài để mắt tới. Có cảm giác như các mỹ nữ đang tham gia một cuộc thi để giành lấy giải thưởng lớn là Perelman! Tuy nhiên, theo một số phương tiện thông tin đại chúng Nga, ngay từ thời sinh viên, Perelman đã có lời thề ở vậy suốt đời để toàn tâm toàn ý phụng sự toán học.

Theo lời của Phân viện trưởng Sergei Kislyakov, Perelman thực ra là một người "rất thiện chí, thậm chí còn cởi mở ở một mức độ nào đấy nhưng lại có xu hướng hướng nội quá lớn. Và anh cũng nhạy cảm quá. Đôi khi anh nhìn thấy những sự vi phạm các nguyên tắc đạo đức ở những việc mà thực ra không hề có như thế".

Danh hiệu mà chi

Đối với bất cứ một nhà khoa học nào, việc được đề cử làm Viện sĩ Hàn lâm là một vinh dự lớn. Nhưng để được hưởng vinh dự này, cần phải hoàn thành một số thủ tục hành chính nhất định. Các ứng cử viên phải trình ra một số lượng không nhỏ các tài liệu để tham gia vào quá trình bầu chọn.

Trả lời câu hỏi, liệu nhà toán học vĩ đại có đồng ý thu thập đủ hồ sơ cá nhân để tham gia bầu chọn vào Viện Hàn lâm Khoa học Nga hay không, ông Kislaykov cho rằng, quy trình bầu chọn đã định sẽ không thay đổi chỉ vì một cá nhân nào đó: "Đó là một thủ tục phức tạp, đã được ghi trong điều lệ của Viện Hàn lâm Khoa học. Tất nhiên là có thể thay đổi quy trình này nhưng nếu vậy thì lại phải thay đổi cả điều lệ. Mà đó là một quá trình hết sức lâu dài. Không thể tiến hành quá trình này chỉ vì một cá nhân".

Cũng theo ông Kislaykov, ngoài Perelman, phân viện Toán Saint Peterburg còn  đề cử một loạt các nhà khoa học khác nữa làm ứng cử viên Viện sĩ. Danh sách đầy đủ các ứng cử viên đó sẽ được công bố sau ngày 4/10/2011, khi Viện Hàn lâm Khoa học kết thúc tiếp nhận hồ sơ tham gia bầu chọn Viện sĩ.

Ông Kislaykov nói: "Không phải ai được đề cử cũng trở thành Viện sĩ.  Thông thường số ứng cử viên đông gấp 10 lần số người có thể được bầu chọn. Quá trình bầu chọn diễn ra theo nhiều vòng và cuối cùng sẽ kết thúc bằng một cuộc bỏ phiếu chung của các Viện sĩ". Cuộc bỏ phiếu chung này sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.

Cùng được đề cử với Perelman đợt này còn có nhà toán học Stanislav Smirnov, người cũng được trao giải thưởng Fields năm 2010, hiện đang làm việc tại Trường Đại học Tổng hợp Geneva, Thụy Sĩ.

Cũng phải nói thêm rằng, năm 2007, báo Anh The Daily Telegraph đã công bố danh sách "100 thiên tài đang còn sống", trong đó Perelman được xếp ở vị trí thứ 9

Trần Thanh Tịnh
.
.