Đánh đường tìm hoa

Thứ Sáu, 14/03/2014, 14:54
Đình Vũ ngoài đời, áo sơ mi kẻ, quần âu gọn gàng, ban ngày là nhân viên Đại sứ quán Australia, tối về sau giờ công sở lại thành thầy giáo tiếng Anh, chỉ cung cách đi đứng khoan thai nói năng sẽ sàng còn có vẻ liên quan đến anh chàng lụng thụng áo dài khăn đóng, mắt đỏ hoe bật khóc trong buổi trình làng đĩa CD quan họ cổ, thậm chí cực kỳ cổ “La rằng”, bên những nghệ nhân ẩn mình nổi tiếng đương thời.

Cái duyên ngày thường, cả cái tình lỡ nặng mang với quan họ đã kết nối cậu giai Hà Nội cùng anh Hai Tự Lẫm, chị Hai Minh Phức, chị Hai Lệ Ngải, thêm nhà thơ 8X Nguyễn Quang Hưng, nhạc sỹ Quang Long để thành canh hát có một không hai, càng khó lặp lại…

1. “Đừng nói không liên quan”, Vũ tủm tỉm cười đính chính. Phong thái của một cá nhân theo nghề sư phạm tương đồng, chẳng khác là bao so với nết ăn nếp ở mà mỗi người quan họ vẫn bảo nhau giữ gìn. Người quan họ không thể tóc tai bù xù áo quần xộc xệch, không nói to, không ồn ào ầm ĩ giữa đám đông, cũng khó lòng như nhạc nhẹ nghe lời đề nghị là đứng lên cầm đàn khuấy động cuộc vui. Ở cơ quan sứ quán, nhiều đồng nghiệp thừa biết Đình Vũ vị thế liền anh, nhưng chả mấy khi có cơ hội được đích thân nghe Vũ hát. “Đâu phải mình khó tính, mà quan họ không thể hát một mình, phải có đôi, lại phải có quần áo, phải hát ngồi, rồi phải… nhiều những trình thức quy định mà người thường dễ gì cảm thông, thấu hiểu”. Nay, cả những lúc tỉnh táo tinh thông nhất, Vũ cũng lắc đầu chả nhớ quan họ ám vào mình tự khi nào.

Không dân Bắc Ninh cũng chẳng mảy may liên quan đến hội Lim, làng Ngang Nội, Lũng Giang, Đào Xá… dẫu người quan họ ở những nơi đó luôn nhẵn mặt anh chàng nguyên là sinh viên sư phạm tiếng Anh. Có quãng thời gian, đất quan họ ra lệ, phải là người Bắc Ninh, phải có gốc quan họ mới được học và chính danh thi hát. Đình Vũ ăn dầm ở dề tại Đào Xá, người nơi đó mến cậu chàng chân chất, nhận làm cư dân của mình để dễ bề kết bạn đi thi. Cho tới ngày quan họ thành di sản, vượt qua khỏi ranh giới quốc gia, càng không còn bó gọn trong phạm vi vùng miền địa phương nhỏ hẹp, Đình Vũ nhận giải nhất một cuộc thi tài, cũng chính người quan họ mới hể hả khoe: Cậu này không phải dân ở đây, cậu này bên Hà Nội. Cứ thế, thích rồi mê, rồi theo, lặng lẽ và tỉ mẩn, nghe đâu có thầy giỏi là Vũ “đánh đường tìm hoa”, mò mẫm đến, trước thấm cách đứng cách đi cách ngồi cách nói, sau mới được trao truyền câu hát.

Cũng may gia đình biết và chấp nhận, lấy vợ rồi vợ cũng không nhỏ to cấm cản gì, Đình Vũ càng có điều kiện tung tăng, thỏa chí tang bồng. Lang thang mãi cũng biết tên liền chị Minh Phức, Lệ Ngải, liền anh Tự Lẫm, những cao thủ ít xuất đầu lộ diện, ít truyền thông để ý đã chuyển về sinh sống tại thành phố Bắc Ninh. Vũ rụt rè ra mắt, lâu rất lâu mới được nhận làm trò, và lâu, lâu hơn nữa mới thuyết phục nổi các thầy dụng công cho mình câu hát ngoài họ ra nào còn mấy ai hay: “Các thầy theo dõi, thử thách chán mới truyền bài bản cổ, chứ không thì cứ Còn duyên, Cây trúc xinh… họ dạy. Mà nhiều người học quan họ, cũng chỉ cần đến Còn duyên, Cây trúc xinh là đã thấy đủ để xênh xang hát hội hát thuyền, xưng danh lấy tiếng”. Âu là do “duyên phận phải chiều, tơ hồng vấn vít chỉ điều xe xăn”, cặp đôi chồng vợ Tự Lẫm - Minh Phức cùng người chị em họ hàng Lệ Ngải - con gái yêu của nghệ nhân đầu đàn Nguyễn Đức Sôi làng Ngang Nội - đã ghi danh, góp mặt trong Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc trước cả ngày thành lập, lúc tuổi 20 chưa kịp chạm vào môi mắt. Vừa người nhà nước hát theo kế hoạch đóng thùng, vừa khôn ngoan tới không thiếu một làng quan họ nào, vật nài học bằng được câu hát tủ của mỗi nơi, những bí kíp không có dị bản mà người quan họ thường hãnh diện trình thiên hạ, và tuyệt đối giữ gìn, cha truyền con nối ít chịu mở lời dạy lại cho người làng bên, anh Hai Lẫm, chị Hai Ngải chị Hai Phức kịp cất nhắc cho mình một bồ những làn điệu đã gần như thất truyền lưu lạc. 19 tuổi, Lệ Ngải theo chân Đoàn Văn công xung kích Hà Bắc vào tận Trường Sơn, ngay tại nơi mưa bom bão đạn sống chết mong manh tấc gang đã có cơ duyên hát cho nhà thơ Phạm Tiến Duật khi ấy tên tuổi đang nổi như cồn nghe. Câu quan họ dùng dằng “Người ở đừng về” cất lên ở một thiếu nữ nhựa sống căng tràn không chỉ truyền lửa cho những người lính trên đường ra trận mà còn thôi thúc trái tim nhà thơ vốn được bộ đội Trường Sơn coi như tài sản quốc gia, để lúc trở về Hà Nội, Lệ Ngải đã đọc được bài thơ Phạm Tiến Duật viết tặng mình trên báo: “Em là cây Ngải đắng, Mọc trên triền núi vắng, Góp vị thuốc cho đời, Tiếng em hát người ơi, Người thân nhau mãi mãi…”.

Cùng lứa, cùng thời, cùng quê và cùng thiên hướng, Vũ Tự Lẫm giống Lệ Ngải vào đời những tưởng suôn sẻ khi từ năm 1974 đã được biết đến là hiện thân của anh Hai Chi sánh đôi cùng chị Hai Nết Như Quỳnh trong bộ phim đình đám Đến hẹn lại lên. Hay cũng bởi tại “duyên nổi phận bèo, Tránh sao cho khỏi nước triều đầy vơi”, số trời ứng vào chữ “lênh đênh”, gặp thời quan họ chưa được tung hô, cả Tự Lẫm, Minh Phức, Lệ Ngải sắt son một lòng, quyết không cải biên, không ngả nón xin tiền, áo khăn thở dài xếp gọn dưới đáy rương hòm, nguyện một lời: “Giời đã định nhân duyên tại số, Con người ta hồ dễ lúc hôm mai, Người khuyên tôi chỉ bấy nhiêu nhời, Chị Hai ơi, Chị Ba ơi ngồi xuống đây cho tôi dặn một nhời, Dặn rồi sẽ thưa, Giữa đường cất gánh tương tư, Tơ loan chắp mối tơ thừa mặc ai”… “Cầm lòng vậy, bằng lòng vậy”… giữ trọn cốt cách chân truyền của người quan họ, các liền anh liền chị qua tuổi 60 nhẫn nại chờ tới ngày “tứ hải giao tình, tuy rằng bốn biển như sinh một nhà” gặp đúng đà tri âm tri kỷ đầu xanh tuổi trẻ, chung tay làm nên đĩa nhạc trĩu nặng ân tình với tâm nguyện: “Mình không hát thì không còn ai biết mà hát được nữa”, lại trong điều kiện tự cấp tự túc, những người tham gia eo hẹp tiền bạc, kiệm cần kinh phí.

2.10 câu La rằng tối cổ trong đĩa quan họ vừa được lặng lẽ tung ra ẩn chứa sự hãnh diện ngấm ngầm của cả một đời sống chết với nghề, bảo thủ với thời cuộc, kiên định với chính mình mà nghệ sỹ Tự Lẫm, Minh Phức, Lệ Ngải đã âm thầm sống, nhẫn nhịn chịu đựng và cả cao ngạo trước sau vẹn tròn, không để văn hóa quan họ bị lấm lem vấy bẩn bởi bất cứ xu hướng thị hiếu nào. Phải là cơ may trời cho nên cậu giai trẻ Đình Vũ mới được chọn làm học trò, thành đệ tử “họp mặt một nhà”, để các nghệ nhân truyền dạy câu La rằng đã phần nhiều thất truyền mất mát. Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long và nhà thơ Nguyễn Quang Hưng xấc bấc xang bang, lo ngày một ngày hai rồi đây quan họ (thật) sẽ không còn hiện hữu bằng những cơ thể sống, mà chỉ vấn vương quyến luyến trong tâm tưởng những người lỡ một lần được biết đến, nên săm sắn vun vén, cậy nhờ chỗ này sắp đặt chỗ kia để cuối cùng ngay trước mùa hội Lim Giáp Ngọ, 10 câu quan họ La rằng hoàn toàn mộc, không micro, không nhạc đệm đã đến tận tay người có tình, có lòng với quan họ. Không làm thì ai làm, nếu một mai họ, những nghệ sỹ kia trăm tuổi, còn ai hát được và biết được câu La rằng nguyên gốc ra sao, chả là nỗi oan trời bể của quan họ lẫn thiệt thòi khó bề định lượng với cả người có duyên, nỗi niềm ấy đã thôi thúc, giục giã các chàng trai trẻ thực hiện ý định cho bằng được.

Đình Vũ sau những phút giây rơi nước mắt tủi mừng vì được hát cùng các thầy, sau cảm giác nhẹ lòng vì đã hoàn tất thêm một cái gạch đầu dòng, lại trở về nhịp sống thường ngày nghiêm ngắn đạo mạo của một thầy giáo tiếng Anh và nhân viên sứ quán. Biết cái giá của mình để không dễ nhận lời đi hát, hoặc ngại lai vãng tới những chốn quan họ ồn ào náo nhiệt tạp âm, Vũ chỉ góp mặt ở những canh hát tạo dựng được không gian quan họ. Vẫn gần các thầy để học và để đợi, vì biết họ còn âm thầm giữ nhiều câu độc đắc hơn, hi hữu hơn và mối lo tuyệt chủng cũng bội phần lớn hơn nhiều. Đình Vũ luôn hy vọng mình tiếp tục là người được lựa chọn, được tin yêu gửi gắm. Y như lời hát “Nửa đêm sương gội đầu cành, Ngọn đèn soi xuống trướng huỳnh hắt hiu, Sinh đà tựa gối thiu thiu, Nửa chiều như tỉnh nửa chiều như mê, Cánh sen chưa đặng giấc hòe, Bóng giăng đã xế hoa lê lại gần, Bâng khuâng đỉnh núi non thần, Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng, Có khi thoảng vắng đêm trường, Vị hoa tôi phải đánh đường tìm hoa, Bây giờ họp mặt một nhà”...

Nỗi niềm cay đắng của những liền anh liền chị Tự Lẫm, Minh Phức, Lệ Ngải dần nguôi ngoai, những tháng năm khó khăn “duyên nổi phận bèo” nhất cũng đã qua, cái tình thủy chung căn cốt của người quan họ cuối cùng cũng được quan họ đáp đền. Được người đương thời rành rẽ tỏ tường, sẽ đến một ngày những giận dỗi lẫy hờn vì từng bị bạc đãi không còn hằn dấu trong tâm khảm, những nghệ nhân một đời đau đáu dằn vặt vì quan họ cổ lại khởi lòng chấm Đình Vũ cho câu hát, ví như Hừ la hiện chỉ còn riêng mình họ nắm giữ như báu vật chưa có cơ hội quăng mình ra đời sống...

Ngô Hương Sen
.
.