Cùng nhà thơ Trần Hòa Bình nói chuyện về thơ và tình yêu:

Đàn ông chúng ta đều giống nhau thôi!

Thứ Ba, 31/12/2013, 09:35
Cho tới khi bất ngờ tử nạn lúc 23 giờ ngày 16/8/2008 ở tuổi 53, Trần Hòa Bình vẫn không có chân trong Hội Nhà văn Việt Nam. Đơn giản là vì tới lúc đó tập bản thảo sách thơ của anh vẫn chưa được đưa tới bất cứ nhà in nào: Anh là người thơ viết không ít nhưng lại ngại ra sách, yêu cũng không ít nhưng cũng vẫn rất ngại “tục huyền”...
Thế nhưng danh vọng nhà thơ của anh thì không một ai trên đời này - tôi nghĩ như thế và cũng tin chắc là như thế - hoài nghi cả!

Đã có một thời, dù chênh nhau tới mấy tuổi (Trần Hòa Bình sinh năm 1956, còn tôi sinh năm 1962) nhưng hai chúng tôi đã là những người bạn vong niên thân thiết và bình đẳng. Thậm chí có thể nói tôi rất hay “bắt nạt” Trần Hòa Bình (tính tôi vốn đành hanh trong quan hệ với những người yêu quý mình). Trần Hòa Bình luôn luôn nhường nhịn tôi trong mọi chuyện, thậm chí đôi khi có cô sinh viên nào của anh thích tôi hơn thì anh cũng chỉ cười hiền lành và ... “OK”...

Cả hai chúng tôi đều là những người say mê làm thơ, làm báo và có lẽ chúng tôi luôn cảm thấy gần gụi với nhau cũng là vì thế. Trần Hòa Bình ngoài chức phận giảng viên ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì đã nhiều năm liền đi “cày cuốc” ở ấn phẩm Gia đình Việt Nam của Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình (giờ ở tờ báo này còn một sinh viên “ruột” của anh là nhà báo Hồ Minh Chiến đang giữ cương vị Phó Tổng biên tập)... Tôi thì lúc trẻ cũng cộng tác với vô số các cơ quan báo chí khác nhau, tự mình lầm lụi tích trữ kinh nghiệm để dần trưởng thành lên. Đôi lúc cần bài hay, chúng tôi đã phải tự xây dựng những cuộc phỏng vấn lẫn nhau về tình yêu để cho nội dung các ấn phẩm mà mình liên quan thêm phong phú. Có những cuộc trò chuyện đã được in, có những cuộc chỉ mới được in một phần. Và cũng có cuộc vì những lý do khách quan chưa được in... Tuy nhiên, bản thảo thì tôi vẫn giữ.

Cuối năm, tình cờ đọc lại loạt bài ghi những cuộc trò chuyện cũ với nhà thơ Trần Hòa Bình, thấy nội dung cũng thú vị, xin giới thiệu cùng bạn đọc...

Tình cờ thơ hay

- Hồng Thanh Quang: Nói thật là ngay từ khi còn là một trung úy trẻ thì tôi đã rất thích bài “Thêm một” của anh. Giờ tôi vẫn thuộc lòng nó như… chính thơ của mình vậy. Anh còn nhớ mình đã viết “Thêm một” trong hoàn cảnh nào không? Một may mắn giời cho?

- Nhà thơ Trần Hòa Bình: Đúng thế, “giời cho”. Hồi đó, đang dạy ở Đại học Sư phạm. Một buổi sáng mùa thu, hết giờ dạy ra về, nhẹ nhàng thảnh thơi lắm, thì tự nhiên một chiếc lá vàng rơi xuống chạm đúng vào đầu mình. Tôi ngẩng lên nhìn và thấy trên cao vòm cây xà cừ xao xác. Tự dưng, từ đường tơ kẽ tóc của mình cũng cảm nhận được sự chuyển đổi của thời tiết, cái thời khắc giao mùa… Thế là trong đầu vang lên câu thơ đầu tiên: “Thêm một chiếc lá rụng, Thế là thành mùa thu...”. Dọc đường đi, trong khoảng 15 phút gì đó, câu chữ cứ nối nhau xuất hiện thành bài... Làm xong rồi, tôi vẫn chưa tin rằng bài thơ sẽ được mọi người thích vì tôi cho rằng nó cũng bình thường thôi. Đến một một đêm thơ nào đó của sinh viên, tôi đọc bài thơ này và thấy mọi người vỗ tay ghê quá. Lúc đó tôi mới nghĩ, hóa ra bài thơ này cũng hay! Rồi mọi người khuyến khích tôi gửi đi đăng báo...

- Tờ báo nào đăng bài thơ này đầu tiên?

- Trên tờ Người Hà Nội!

- Tờ “Người Hà Nội” ngày xưa không như bây giờ...

- Tôi nhớ, hồi đó biên tập thơ là anh Tô Hà...

- Anh Tô Hà là người rất mê thơ, rất có trách nhiệm với thơ. Hình như chính anh ấy đã có sáng kiến làm tập “Những câu thơ trong trí nhớ”, tuyển chọn các câu thơ mà anh ấy cho là hay.

- Anh Tô Hà hay chăm chút các tác giả trẻ lắm. Anh ấy có công lớn trong việc cắt bớt hai câu thơ cuối của Thêm một và nhờ thế, cái kết của bài thơ trở nên mênh mang hơn. Lúc đầu khi bị cắt bớt thơ, mình cũng “cú” lắm nhưng rồi nghĩ kỹ, mới thấy anh Tô Hà cắt thế là rất đúng.

- Tôi cũng rất biết ơn anh Tô Hà vì anh ấy đã... không đăng thơ tôi.

- ?

- Đúng là như vậy. Hồi đó, tôi mới đi học ở Liên Xô về, mang một tập thơ sáng tác dày cộp tới “Người Hà Nội”. Anh Tô Hà nhận và hẹn vài ngày sau trở lại. Khi tôi tới lại, anh ấy tiếp đón niềm nở lắm và dành gần hết buổi sáng để phân tích một số bài thơ của tôi mà anh ấy cho là khá nhất tập, nói nhiều lắm và kết luận một câu xanh rờn rằng, thơ viết thế này thì chưa đăng được đâu! Lúc đó, tôi cũng buồn lắm, lẳng lặng nhận bản thảo và về... Sau này, khi trưởng thành hơn, tôi mới hiểu rằng, anh Tô Hà đã nói rất đúng về một số bài thơ đầu tay của tôi - đó là những bài thơ chưa đạt chất lượng để công bố. Không có sự nghiêm khắc như của anh Tô Hà, có lẽ tôi đã chủ quan và tự mãn... Tôi biết, gần đây, có một số bạn văn chương hồi tưởng lại anh Tô Hà ở góc độ này hay góc độ khác. Có thể đấy cũng là sự thật nhưng có lẽ chỉ là một phần sự thật thôi. Tựu trung lại, anh Tô Hà là một người tốt và nghiêm túc trong nghề, ít ra thì tôi có cảm nhận như thế về anh ấy. Anh Tô Hà đã mất, có lẽ không nên chỉ nhớ những gì từng là không nên không phải...

- Đúng rồi. Anh Tô Hà là một người biên tập giỏi. Vì thế trang thơ của Người Hà Nội hồi đó rất có uy tín.

- Tôi từng viết những câu thơ sau: “Tôi xin cảm ơn các bà dì ghẻ đời tôi...”. Tôi nghĩ, trong đời gặp một vài bà dì ghẻ cũng hay lắm chứ, cô Tấm phải “cảm ơn” bà dì ghẻ vì không có bà chắc gì cô đã được làm hoàng hậu và lưu danh thiên sử (cười)...

- Tôi chợt nhớ ra ý này, có lẽ chúng ta cần phải cảm ơn cả hai phái, cả những người từng nghiệt ngã với chúng ta lẫn những người từng gia ân cho chúng ta. Bố tôi là người thầy rất nghiệt ngã của tôi, “cụ” rèn tôi ghê gớm lắm. Nhưng cũng chính vì thế mà tôi mới được trưởng thành. Nói thật, tôi rất buồn vì hiện giờ ít những người thầy như thế.

- Thầy giáo bây giờ dễ tính quá ư?

- Hoặc dễ tính quá, cho qua hết mọi chuyện, hoặc nghiệt ngã quá, không quan tâm tới những góc khuất của học trò... Tôi xin tiết lộ chuyện này: Hồi thi vào đại học, môn văn, bài thi của tôi đã được cho những 10,5 điểm. Vì sao? Đơn giản là nội dung tôi làm theo đề bài rất ngắn gọn, chỉ khoảng hai trang thôi, phần  còn lại tôi viết: “Em xin phép nhận xét về đề bài” và tôi phân tích những cái mà tôi thấy là không hay trong đề bài... Lúc đó, tôi chỉ là thằng học trò tỉnh lẻ trên Sơn Tây...  Phải nói rằng các thầy hồi đó rất trung thực, đọc bài thi “phê” cả đề bài như thế nhưng vẫn không ghét mà lại cho điểm vượt khung. Tôi đỗ đại học khối C với 28,5 là cũng “oách” đấy chứ... Rồi bao nhiêu năm trôi qua, năm ngoái, tôi đang ngồi tiếp mấy nhà báo trẻ ở nhà, bỗng chuông điện thoại réo lên. Tôi nhấc máy: “Alô, Trần Hoà Bình phải không?”- “Dạ, vâng ạ! Bác hỏi gì ạ?”. Đầu dây bên kia: “Tôi là Dung đây, Hoàng Dung đây!”. Thì ra, đó là Giáo sư Hoàng Dung. Ông thầy khả kính vẫn theo dõi công việc của thằng học trò bé xíu là Trần Hòa Bình. Thầy bảo, tôi vẫn hay đọc cái mục “Tầm Thư” của anh, anh còn giữ bản thảo không, tôi có một học trò ở Nhà xuất bản Phụ nữ, nếu anh muốn anh có thể mang tới để in thành sách, tôi đã nói để cô ấy đồng ý rồi... Và chuyện tiếp theo: Thầy Hoàng Dung ở tuổi ngấp nghé 90 cho tới hôm nay vẫn giữ bài thi vào đại học được 10,5 điểm của tôi và muốn tặng lại tôi làm quà! Thầy bảo, hôm rồi thầy dọn lại tư liệu để tặng cho Đại học Sư phạm, tình cờ tìm thấy bài thi đó nên muốn trao cho tôi... Nói thật, nghe vậy mà tôi cứ muốn rớt nước mắt. Các thầy đối xử với trò như thế thì thực là đáng kính trọng và cảm động! Tự dưng mình cảm thấy có lỗi với ông nhiều quá, mình đâu có đến thăm được thầy mà thầy vẫn nhớ tới mình, vẫn nhớ tới thằng học trò dám cả gan phê phán đề thi mà các thầy đã ra! Liệu bây giờ có bao nhiêu người thầy như thế nữa? Tôi tin là ít lắm!

Dao sắc không gọt được chuôi

- Hồng Thanh Quang: Anh từ nhiều năm nay phụ trách mục “Gỡ rối tơ lòng” với bút danh Tầm Thư. Anh có cho rằng anh hiểu hết mọi góc độ của đời sống tình cảm con người không?

- Nhà thơ Trần Hòa Bình: Tôi nghĩ là khó ai có thể nói thế. Như đi vào rừng rậm, làm việc này càng lâu càng thấy nó mênh mông và rối lẫn.

- Biết nhiều quá hoá hoang mang?

- Có lẽ thế.

- Anh có nghĩ rằng, chính cái việc “Tầm Thư” của anh làm cho đời tư của anh không được suôn sẻ như cái lẽ đời phải như thế?

- Hoàn toàn đúng!

- Anh có nghĩ rằng đó là sự trả giá cho nghề nghiệp không?

- Các cụ đã có câu: Dao sắc thì không gọt được chuôi... Tôi nghĩ, đó là số phận!

Sống để tìm yêu

- Nhà thơ Trần Hòa Bình: Thưa anh, người đọc biết và hâm mộ Hồng Thanh Quang, chứ ít ai biết tên thật của anh là Đặng Hồng Quang. Tôi đã đọc “Một thuở trời Nga” của anh, trong đó anh có viết về mối tình học trò của mình, có nhắc đến một người tên là Thanh, nên tôi đoán già đoán non rằng: Người con gái đó đã trở thành một phần trong bút danh của anh?

- Hồng Thanh Quang: Đúng vậy. Khi tôi bước chân vào lính và có bài thơ đầu tiên đăng trên báo tường, mấy anh bạn tôi được giao nhiệm vụ làm tờ báo tường đó, hay biết về mối tình học trò của tôi, đã điền tên tác giả vào bài thơ ấy là Hồng Thanh, nửa như muốn làm đẹp lòng tôi, nửa như muốn trêu tôi (là đàn ông, yêu mà  không được yêu đáp lại là cả một sự hổ thẹn, chứ vinh dự gì!)... Hồi trẻ, tôi rất thích cải lương (!) nên thấy bút danh đó cũng hay hay và đã sử dụng nó cho bài thơ đầu tiên đăng trên báo Văn nghệ năm 1981, bài Gửi bạn, viết từ thành phố Ulyanovsk, nơi tôi du học.  Về sau, tôi thấy bút danh đó dễ trùng với những người khác, nên đã thêm tên mình vào thành Hồng Thanh Quang.  Lúc đó, tôi cứ nghĩ rằng ở Việt Nam không thể nào có họ Hồng được nên sẽ không ai trùng tên với bút danh này của mình. Lâu dần hóa quen với bút danh ấy. Nói chung, ngay từ khi mới vào nghề viết, một trong những điều tôi sợ nhất là trùng tên với người khác và viết giống như người khác. 18 tuổi, mặc dù cực thích thơ Xuân Diệu nhưng tôi đã viết: “Tôi không muốn làm Xuân Diệu thứ hai/ Mà muốn làm Hồng Thanh Quang thứ nhất...”.

- Một lời thơ mà có lẽ chúng ta đều biết: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở...”. Sau này, người bạn già của tôi nói: Tình yêu nếu đã lỡ “động chạm” vào nhau, ít khi còn đẹp nữa, thậm chí trở thành bi kịch. Người con gái - mối tình đầu của anh, khi anh đứng trước mặt là “hồn xiêu phách lạc”, và chưa một lần nắm tay người ấy, chỉ để chiêm ngưỡng, bởi nếu “phàm phu” thì cái đẹp tan biến đi. Có phải chính vì lẽ đó mà anh mãi mãi giữ được tình cảm vô cùng tốt đẹp với Thanh và coi chị ấy là biểu tượng của nữ tính?

- Hồ Dzếnh đã viết về điều này quá hay rồi: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở/ Đời mất vui khi chót vẹn câu thề...”. Nói vậy thôi nhưng thực sự không phải lúc nào “con cá mất cũng là con cá to” đâu. Cá nhân tôi vẫn nghĩ rằng, có vẫn hơn không. Nói một cách công bằng, Thanh là một hình tượng tập trung mọi điều tốt đẹp mà một cậu bé  Hà Nội có thể hình dung được về phụ nữ. Nói thật là cho tới hôm nay, tôi vẫn không rõ trong đời thường, Thanh là người thực sự như thế nào. Tôi chỉ biết là đời tư của Thanh cũng không nhàn nhã gì... Và vì vậy, quả thực là tôi rất thương Thanh. Và rất tôn trọng, vì ít ra nhờ Thanh, tôi mới được có những ký ức hoa niên trong trẻo và thân ái đến như vậy.

Tôi vẫn luôn cố gắng sống sao để nếu hôm nay không vui vẻ lắm thì vẫn giữ nguyên được cảm xúc tốt đẹp với những gì tử tế đã có. Nếu hôm nay chúng ta chia tay với nhau thì điều đó hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta đã sai lầm khi đến cùng nhau, yêu nhau và mang lại cho nhau hạnh phúc, dẫu chỉ trong một hữu hạn thời gian. Cách đây khoảng một năm, cũng vào mùa hè, tôi đã viết bốn câu thơ như sau:

Điều tốt thì đã tốt,
Điều vui thì đã vui...
Thất vọng giờ cũng vậy,
Chia tay cho khỏi xui...”.

Nguyên tắc của tôi là, không báng bổ quá khứ dù hiện tại có là thế nào đi chăng nữa.

- Và cả những câu thơ tình rất hay, trong trẻo của anh nữa: “Mẹ nghĩ thế nào mà gọi em là Thanh/ Để tôi cảm, tôi đằm trong âm điệu/ Mọi thứ quanh em đều thành tuyệt diệu/ Trong ánh mắt tôi nhìn và nét bút tôi đưa”?

- Khi trẻ người ta nghĩ về tình yêu, người yêu như vậy đấy... Ca dao từng có câu: “Yêu nhau củ ấu cũng tròn...”. Tình yêu thực sự có sức mạnh kỳ diệu, có thể biến cải mọi thứ thành một cơn mơ bất tận... Nhưng cũng trớ trêu thế này, có những người ta thấy vô cùng gần gụi với ta trong những mộng tưởng của ta, nhưng họ lại hóa ra cực kỳ xa lạ với ta khi tiếp xúc trong đời thực. Đôi khi tôi có cảm giác như mọi tình yêu của tôi đã sinh ra trước hết trong trí tưởng tượng của tôi từ lâu lắm rồi và tôi thường “gán” hình ảnh ý trung nhân tưởng tượng ấy cho những người con gái mà tôi gặp và thấy rằng họ có nét gì hao hao như cơn mơ của tôi... Rốt cuộc là tôi thường hay bị thất vọng hoặc chí ít là cảm thấy ngỡ ngàng... Đáng đời!

- Bây giờ, anh có tin phần đông bạn trẻ cho rằng, tình yêu của anh là “cổ lỗ sĩ”, khi họ nói: Yêu là tận hưởng, là sống gấp, là... Anh nhận xét thế nào?

- Tôi nghĩ, thời nào cũng có những người thực dụng trong tình yêu và thời nào cũng có những thi sĩ trong tình yêu, từ “thi sĩ” ở đây không phải hiểu theo nghĩa là có viết thơ đâu, mà theo nhân sinh quan tình yêu. Người có kết cấu tâm hồn thi sĩ bẩm sinh thường tìm thấy trong tình yêu nguồn cảm hứng sáng tạo. Tất nhiên, tôi cũng có biết những nhà thơ là tác giả của những câu thơ mơ mộng được truyền tụng nhưng đồng thời cũng là những kẻ cực kỳ “ngấu nghiến”  trong quan hệ nam nữ...

- Nhiều nhà thơ, nghệ sĩ khi được hỏi, ai là thần tượng của mình, đa phần câu trả lời là: Mẹ. Nhưng anh lại nói đó là: Diễn viên Sophia Marceau. Vì sao, anh lại thần tượng diễn viên này?

- Đối với tôi, mẹ tôi còn hơn mọi thần tượng - đó là khuôn mẫu của đức hy sinh, tận tụy, cam chịu và nhân ái. Còn hình mẫu người phụ nữ, như một đối tượng của cảm xúc lãng mạn lứa đôi mà tôi thích nhất là Sophia Marceau. Vì sao ư? Giá mà tôi lý giải được! Tôi chỉ có thể nói rằng, sau khi xem khá nhiều phim có Sophia Marceau đóng, cả khi cô ở tuổi vị thành niên lẫn lúc cô đã trở thành thiếu phụ, không hiểu từ lúc nào mà tôi lại hay mơ thấy cô - trong nữ diễn viên này vừa có sự ngây thơ rất phụ nữ vừa có sự đắm đuối từng trải rất hồn nhiên. Thậm chí có những giấc mơ giống hệt như những câu chuyện xảy ra trong đời thực, với những tình tiết và chi tiết không thể nào bịa đặt được. Nói có vẻ buồn cười, nhưng dù đã nhiều năm trôi qua rồi, cho tới hôm nay tôi vẫn còn nhớ tới nụ hôn mà cô dành cho tôi trong một giấc mơ, trong buổi đưa tiễn ở sân bay có rất nhiều hoa lưu ly - hình như chưa bao giờ, chưa có người phụ nữ nào lại có thể khiến tôi cảm thấy một nụ hôn vô tiền khoáng hậu như thế!

- Thưa anh Quang, anh nổi tiếng là người hào hoa và đào hoa nữa. Điều này, tôi cũng tin như vậy. Nhưng, có điều tôi chưa biết, mỗi mối tình đã qua, hoặc không bao giờ qua, có phải đều tạo trong anh những cảm xúc, để rồi bật lên những câu thơ tuyệt hay như: “Tôi đã yêu đã yêu như chết là hạnh phúc/ Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em/ Người đàn bà giấu đêm vào tóc/ Còn điều chi em mải miết đi tìm...”. Phú Quang đã phổ “Khúc mùa thu” của anh, những câu thơ trên của anh, tôi biết có nhiều người nghe xong đã khóc!

- Tôi cảm thấy buồn cười khi ai đó nói rằng tôi đào hoa. Thực sự tôi vẫn thích cảnh cô độc hơn. Có điều, với tôi, phụ nữ bao giờ cũng gợi nên những cảm giác xót xa. Họ quá tốt nên quá khổ và tôi lúc nào cũng có cảm giác như tôi mắc nợ họ vì bản chất của tôi giống như của một cơn gió. Mà người phụ nữ nào yêu tôi cũng muốn giữ tôi lại, bất động. Thành ra tôi khổ và họ cũng khổ. Tất nhiên, bây giờ với tư cách ông bố của hai đứa con, tôi không và sẽ không làm gì để ảnh hưởng tiêu cực tới gia đình mà tôi đang có. Quả thực, tâm hồn tôi, trái tim tôi chẳng bao giờ yên bình cả nhưng tôi biết kìm nén để thực hiện mọi nghĩa vụ đời thường của mình. Chỉ khi nào ngồi một mình trước máy tính, tôi mới cảm thấy sức nóng hầm hập của trái tim mình, nóng cả trong những cơn mơ... Tôi nghĩ rằng, vợ tôi phải là người cực kỳ bản lĩnh mới sống được với tôi như hiện nay. Cô ấy lúc cáu lên cũng từng nói, nếu anh mà không ở được với em thì có “ma” ở được với anh!

Tôi muốn nói thêm rằng, khi tôi làm cho vợ tôi đau thì tôi còn cảm thấy lòng mình đau hơn thế. Về bản chất mà nói, lúc nào tôi cũng muốn làm cho vợ tôi hài lòng, nhưng trong đời thực, tôi lại làm cho cô ấy khổ sở nhiều hơn tất cả. Thành ra, tôi lúc nào trước cô ấy cũng là người có lỗi.

- Nếu tình yêu nào của anh cũng mãnh liệt, tha thiết như tình đầu, có lẽ, với những ai là “người đến sau”, họ sẽ rất buồn?

- Rasul Gamzatov từng viết: Yêu như lần đầu tiên, viết như lần sau cuối. Còn khi người ta yêu nhau thực sự, người ta sẽ không thấy có ai ở phía trước và đằng sau cả. Tình yêu là hiện tại, tới tận cùng, không ngoái đầu lại đằng sau cũng không vươn lên nhìn về đằng trước. Tự kiểm điểm lại, sống với ai, tôi cũng hết lòng, như chưa từng có và sẽ không bao giờ có một chuyện gì khác nữa... Vậy có gì mà buồn?

- Tình yêu, có gì mà ghê gớm thế, thưa nhà thơ?  Người đọc có thể cảm thấy, mỗi mối tình đã qua đều gây cho anh những đau khổ, tan nát, và cố nhiên là cả những giây phút thăng hoa, tuyệt vời nữa. Anh thấy, độc giả nghĩ vậy có đúng không?

- Dồn mọi ý nghĩa của đời mình vào tình yêu là cách làm của trẻ con. Nhưng nếu không có tình yêu thì mọi hoạt động của chúng ta trở nên vô nghĩa. Tôi là kẻ “mỏng da” nên nhạy cảm với mọi mất mát, mọi bạc bẽo, mọi thất vọng... Hình như trời phú cho tôi xu hướng tư duy mọi điều trong đời sống tình cảm theo một cấp số nhân nào đấy nên tôi thường nhìn thấy mọi chuyện dưới những gam màu chói chang hơn những người khác. Một người anh đã nhiều lần khuyên tôi đừng “cả nghĩ”, nhưng đó đã là bản chất của tôi rồi.

- “Cả nghĩ” như thế nào, thưa anh?

- Tôi xin trả lời câu này bằng một bài thơ nhé. Bài thơ như sau:

Thương vay khóc mướn mà chi
Một khi em đã xuân thì bán rong
Chữ yêu có cũng bằng không
Hoa ngâu cứ rụng vào trong bão bùng
Anh nhìn bến cũ rưng rưng
Nhớ đôi môi đã hôn từng ý thơ
Lục bình trôi tím cơn mơ
Trái tim lở cả hai bờ vân vi
Thương vay khóc mướn mà chi
Em đi trăng khuyết cả khi sắp rằm
Đã mang thân phận con tằm
Ủ bao kén vẫn căm căm rét lòng...”.

- Anh là nhà thơ, nhà báo và dĩ nhiên phải là người đàn ông bình thường. Đã bình thường thì hẳn phải có những phút giây “phũ phàng” với người mình yêu? Sau đó, anh nghĩ gì!

- Mẹ tôi ngày xưa vẫn bảo rằng tôi lành nhưng cục tính. Từ bé đã thế. Thực sự là tôi vẫn cảm thấy lạ là  tại sao phụ nữ lại “ưu ái” tôi và luôn luôn tha thứ cho tôi những sự cục cằn khi nổi cáu. Những khi ấy, mọi người phụ nữ đều “không thèm chấp” tôi... Bình thường, nói một cách khiêm nhường, tôi rất thích chiều người khác và rất hết lòng với những ai mình tin yêu.

- Tài tử Ngọc Bảo, một người cũng nổi tiếng đa tình, trước đây, ông có trả lời trước công chúng rằng, mỗi lần trót “lỡ dại”, ông về thường hát cho bà Ngọc Bảo một bài hát, thay cho một lời xin lỗi. Anh thì sao?

- Tôi nghĩ rằng trong thời hiện đại không thể kiếm được một người phụ nữ thứ hai như phu nhân của cố tài tử Ngọc Bảo. Nếu bạn tin rằng vợ bạn cũng giống như vợ chú Ngọc Bảo thì bạn hãy làm theo cách của ông. Tôi không nghĩ là tôi có thể học theo được tấm gương đó...

- Một câu hỏi rất cũ, người phụ nữ có tiêu chí gì sẽ làm anh rung động, say mê?

- Tôi cũng không biết nữa. Tôi vẫn cho rằng, nếu ta biết được ta yêu vì điều gì thì ta có thể dễ dàng từ bỏ tình yêu ấy. Thực ra, tôi nghĩ rằng, yêu nhau là duyên số, có “nợ” với nhau kiếp trước nên kiếp này mới có chuyện “dan díu” cùng nhau. Bởi lẽ, tình yêu vừa là niềm vui vừa là sự phiền toái khủng khiếp, mất công mất việc, mất ăn mất ngủ, mất luôn cả nhịp sống bình thường... Có một điều làm tôi rất xót xa là, thường những người phụ nữ yêu tôi đều là người có tính cách mạnh, thẳng thắn, dũng cảm, cả tin và nhân từ. Thành ra đời họ hay lận đận, cả khi có tôi lẫn khi không có tôi nữa...

- Còn khi đến với anh, những người phụ nữ ấy sẽ thấy điểm gì thú vị ở anh vậy? Nổi tiếng, điển trai hay... Tôi đoán, thể nào anh cũng trả lời, cậu phải hỏi “người ta” chứ? Nhưng, tôi biết tìm ở đâu, khi mà số lượng “người ta” của anh quá nhiều...

- Anh lại võ đoán rồi! Tôi chỉ có một vợ và hai con, không hơn cũng không kém. Tôi không phủ nhận là có những phụ nữ thích tôi nhưng từ trạng thái tình cảm ấy đến một chuyện gì nghiêm túc hơn lắm lúc cũng xa như là tới sao Hỏa vậy. Được yêu không khó, nhưng cảm nhận rằng mình cũng đang yêu là chuyện hoàn toàn không đơn giản. Tôi không nghĩ rằng tôi lại có điều gì đó đặc biệt hơn những người đàn ông khác. Đàn ông chúng ta tất cả đều giống nhau thôi... Cũng chính vì thế nên tôi đã từng phải làm bài thơ tạ lỗi với vợ. Đó là bài Bái vợ:

Mấy thứ lăng nhăng đều vướng cả,
Lệ làng, rất khó được dung tha.
Nhưng em lòng rộng như giời ấy,
Cuối cùng mọi sự vẫn nương ta.

Em lo con bé, thương chồng dại,
Thật thà mê đắm, lắm ngu ngơ.
Cho ta gửi nhé, muôn nghìn vái,
Vợ mà như mẹ của nhà thơ…”.

- Cảm ơn anh!

- Ta phải cảm ơn nhau thôi…

H.T.Q.
.
.