Đại tướng Raul Castro: Kiên định và nhạy bén

Thứ Ba, 26/09/2006, 09:00

Là một người mácxít kiên định nhưng nhạy bén với thời cuộc, Đại tướng Raul Castro không xa lạ với tư duy kinh tế thị trường. Chính ông là người đã gắn bó tên tuổi của mình với việc Cuba trong vòng 15 năm gần đây đã tạo nên được những thăng tiến đầy hiệu quả trong không gian kinh tế thị trường quốc tế.

Ngày 31/7, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã tạm giao quyền lãnh đạo cao nhất trong Đảng, Nhà nước, Chính phủ và quân đội trên "hòn đảo Tự do" cho người em trai của mình, Đại tướng Raul Castro, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Hai tuần sau đó, trong chương trình thời sự trưa 13/8 (sinh nhật của Chủ tịch Fidel Castro), Đài Truyền hình Trung ương Cuba đã giới thiệu hình ảnh Đại tướng Raul Castro trong lễ đón tiếp Tổng thống Venezuela Hugo Chavez tại sân bay quốc tế Jose Marti của thủ đô La Habana. Đây là lần đầu tiên Đại tướng Raul Castro xuất hiện trước công chúng trên cương vị Quyền Chủ tịch Nhà nước Cuba.

Tâm đầu ý hợp

Người nông dân Tây Ban Nha Angel Castro di cư sang Cuba vào đầu thế kỷ  XX. Thông minh, quyết đoán, lại cần cù lao động, ông đã nhanh chóng ăn nên làm ra trên vùng đất mới và lấy người phụ nữ nông dân Cuba Lina Ruz Gonsales làm vợ. Họ có với nhau 7 người con, trong đó có ba anh em trai là  Ramon, Fidel và Raul, còn bốn người con gái là Angela (chị cả), Juanita, Emma và Agustina...

Sở thích của ba người con trai trong gia tộc Castro được xác định từ khá sớm. Ông Ramon (hiện ở độ tuổi 85) rất yêu nghề nông và theo truyền thống Tây Ban Nha, đã nối nghiệp cha lo việc đồng áng. Dù tuổi cao nhưng ông Ramon cho tới hôm nay vẫn quan tâm tới ngành chăn nuôi gia súc của "hòn đảo Tự do".

Chàng trai Raul tới tuổi gần trưởng thành đã được người cha cho vào học ở trường trung học bán quân sự tư thục. Fidel từ nhỏ đã theo học trường Belen của các tu sĩ dòng Tên. Về sau, khi đã trở thành sinh viên luật của Trường Đại học Tổng hợp La Habana, Fidel đã thuyết phục cha mẹ mình đồng ý cho người em Raul cũng vào học ở đó. Theo nhiều nhà nghiên cứu, chính môi trường gần gụi ấy đã giúp cho Fidel và Raul càng ngày càng trở nên tâm đầu ý hợp trong những khát khao cách mạng. Và hai anh em đã trở thành đồng chí với nhau từ lúc nào chẳng rõ.

Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, khi mới bắt tay vào xây dựng những nền móng đầu tiên của phong trào cách mạng Cuba, Fidel trước hết trông cậy vào sự ủng hộ trước sau như một của em trai mình. Hai người cùng nhau lựa chọn những ứng cử viên cho đoàn quân cách mạng, dạy họ cách thức hoạt động bí mật và truyền bá học vấn quân sự cho họ. Rồi tới ngày 26/7/1953, tất cả cùng tham gia cuộc tấn công trại lính Moncada nhưng đã bị thất bại.

Cùng nhau trải qua những ngày gian khó trong tù ngục của kẻ thù, cả hai anh em đã không hề nao chí lớn. Không những thế, chỉ 6 năm sau đó, họ đã biết rút kinh nghiệm từ chiến bại để làm nên chiến thắng vang dội trên "hòn đảo Tự do". Sau hai năm ở tù, họ đã thoát sang Mexico và ở đó, đã lại bắt tay vào chuẩn bị đoàn quân cách mạng để trở về giải phóng Tổ quốc khỏi ách cai trị của nhà độc tài tay sai ngoại bang Batista.

Cũng chính ở Mexico, hai anh em nhà Castro đã gặp gỡ và lôi cuốn vào phong trào cách mạng của vị bác sĩ trẻ người Argentina, Ernesto Che Guevara lừng lẫy. Người đã có mắt xanh "anh hùng đoán giữa trần ai" đối với Che Guevara là Raul Castro.

Sau này, Raul nhớ lại: "Tôi có cảm giác là anh ấy khác hẳn những người khác, ít ra thì anh ấy cũng biết cách diễn đạt tốt hơn tất cả, hơn thế nữa, anh ấy lại là người luôn tư duy theo cách của mình...". Khi đó, Ernesto Che Guevara vẫn mang nặng trong mình những kinh nghiệm thất bại của cuộc khởi nghĩa tả khuynh xảy ra tại Guatemala và đang nung nấu thêm một lần dấn thân vào cuộc đấu tranh vì một tương lai mới cho Mỹ latinh.

Chuyến đi đầy nguy hiểm trên con tàu Granma tháng 12/1956 đã thắt chặt thêm liên minh ba thủ lĩnh nòng cốt và tâm đầu ý hợp của cách mạng Cuba Fidel Castro, Raul Castro, Che Guevara, - yếu tố tối quan trọng dẫn tới thắng lợi hoàn toàn tháng giêng năm 1959 trên "hòn đảo Tự do". Đó đã là những biểu tượng lớn lao của một thời sôi nổi tả khuynh của vùng đất nồng nàn và đắm đuối nhất châu Mỹ. Thực tế cho thấy, Raul Castro đã luôn là người đồng chí sát cánh hàng đầu của Chủ tịch Fidel Castro, toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp chung của cách mạng.

Vững tay chèo lái

Các nhà quan sát am tường tình hình Cuba trong những thập niên gần đây đều nhất trí nhận định rằng, Fidel Castro và Raul Castro trong suốt chặng đường xây dựng xã hội mới trên "hòn đảo Tự do" đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Cả hai đều là những thủ lĩnh theo cách riêng của mình và đều là những nhà quản lý tài ba.

Chủ tịch Fidel Castro là nhà tư tưởng, nhà ngoại giao, nhà hùng biện, biểu tượng của cách mạng Cuba. Đại tướng Raul Castro trên cương vị nhân vật thứ hai của bộ máy quyền lực thực tế, đã đóng vai trò đầu tàu của cả hệ thống chính trị, "kiểm soát viên trưởng" của nước cộng hòa, coi sóc tất cả các lĩnh vực an ninh và vũ trang, Trưởng ban Tổ chức của Đảng và Nhà nước. Ngay từ "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" của cách mạng Cuba, Raul Castro đã được giữ toàn quyền tối đa trong cả những lĩnh vực nhạy cảm nhất. Và ông luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Là một người mácxít kiên định nhưng nhạy bén với thời cuộc, Đại tướng Raul Castro không xa lạ với tư duy kinh tế thị trường. Chính ông là người đã gắn bó tên tuổi của mình với việc Cuba trong vòng 15 năm gần đây đã tạo nên được những thăng tiến đầy hiệu quả trong không gian kinh tế thị trường quốc tế.

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, trong điều kiện Cuba bị phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, thi hành những biện pháp cấm vận hà khắc và khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới lâm vào khủng hoảng, chính bước nhảy vọt ngoạn mục đó đã giúp "hòn đảo Tự do" thoát khỏi vực thẳm phá sản tưởng như khó tránh nổi. Hàng loạt những đạo luật kinh tế được đưa ra trong giai đoạn 1992-1996 đã tạo nên quá trình phi tập trung hóa trong mọi nấc thang của nền kinh tế, huy động được tiềm năng của mọi miền, mọi cấp. Trên "hòn đảo Tự do" đã xuất hiện những khu vực nông nghiệp và công nghiệp mới, những khu vực kinh tế tự do, các thị trường tư nhân và quốc doanh... Hoạt động kinh tế tư nhân đã được nhận những cú hích đầy hiệu quả và trưởng thành nhanh chóng. Hình thức sở hữu trong nông nghiệp cũng đã thay đổi: Nhà nước chỉ còn nắm 33% diện tích đất canh tác. 403 hiệp hội quốc tế đã được thành lập, thêm phần thúc đẩy nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào Cuba (tới nay đã có khoảng 50 quốc gia đầu tư vào đây với số vốn lên tới hơn 7 tỉ USD).--PageBreak--

Việc thành lập tại nhiều quốc gia trên thế giới những liên doanh Haviota được coi như những thắng lợi thương mại không nhỏ của cá nhân Đại tướng Raul Castro... Mô hình kinh tế thị trường của Cuba dưới bàn tay xây dựng của ông không bị lôi cuốn theo con đường tư bản hóa mà vẫn giữ được tinh cốt nhân văn của những giá trị xã hội chủ nghĩa. Trong hệ thống xã hội chủ nghĩa quốc tế trước đây, chính Raul Castro đã đóng vai trò tối quan trọng trong việc thiết lập các mối quan hệ tốt đẹp giữa "hòn đảo Tự do" với các nước anh em. Ông đã biết tranh thủ sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của cả hệ thống để xây dựng được một lực lượng vũ trang vừa thiện chiến vừa có ý thức giác ngộ giai cấp cao và có tính kỷ luật tốt. Uy tín gần như tuyệt đối của ông đối với nhân dân Cuba và cả trên trường quốc tế là lý giải dễ hiểu nhất về vai trò hiện nay của ông, trong bối cảnh Chủ tịch Fidel Castro đang dưỡng bệnh.

Đời thường dễ mến

Năm nay, Đại tướng Raul đã bước sang tuổi 75 (Chủ tịch Fidel Castro vừa tròn bát thập vào ngày 13/8/2006 và ông dự định sẽ kỷ niệm sinh nhật của mình vào tháng chạp tới, sau khi bình phục). Đại tướng Raul Castro có 4 người con và 8 người cháu. Cuộc sống thường nhật của ông với người thân mặc dù không được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng nhìn chung, tất cả đều biết rõ rằng trong mọi tình huống, ông luôn luôn là người có tính thân thiện và nhân hậu trong đời thường, mặc dù là một nhà quản lý cứng rắn và kiên quyết.

Đại tướng Raul Castro cũng là người ít nói, cư xử khiêm nhường. Ông nhiều khi tự lái xe hơi và đi ra phố không cần tới đội cảnh vệ. Ông thường có phản ứng rất nhanh với mọi sự việc diễn ra xung quanh, cả trong lĩnh vực tinh thần lẫn thể chất - đây là một nhà quân sự bẩm sinh và thường xuyên "văn ôn võ luyện". Ông từ trẻ đã mê đọc sách và đọc rất nhiều loại sách khác nhau. Những người ở gần ông đều thích thú với khiếu hài hước tinh tế của Đại tướng và sau lưng ông hay gọi ông là "kỹ sư tâm hồn".

Theo tạp chí Nga "Ogoniok" số ra trong tuần từ ngày 7 tới 13/8/2006, ông thích uống nước trà pha theo kiểu Nga và món mỡ muối vốn luôn luôn đi kèm với rượu vodka. Ông bỏ thuốc lá từ lâu, thậm chí không mấy khi đụng tới xì gà, đặc sản nổi tiếng thế giới của "hòn đảo Tự do"...

.
.