Cựu lãnh đạo Liên bang Xô Viết Mikhail Gorbachev: Giấu mình cầu lợi

Thứ Năm, 06/09/2012, 15:45
Từ năm 1991, mỗi khi tháng 8 tới, trong lòng không ít các công dân thuộc các nước cộng hòa từng nằm trong thành phần Liên bang Xô viết lại nhói lên những ký ức không vui về cuộc chính biến từng xảy ra và thất bại vào thời điểm đó, bước ngoặt định mệnh dẫn tới tan rã siêu cường từng chiếm tới một phần sáu địa cầu. Và nhân vật mà đại bộ phận công chúng ở không gian SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập, một hình thức liên minh nhưng không mấy chặt chẽ từ những gì còn lại của Liên Xô cũ) đều nhớ tới với một sự ác cảm khó giấu là Mikhail Gorbachev, vị Tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của “đế chế Xô viết”.

Cho tới nay, nhiều người vẫn không thể hiểu nổi, tại sao một chính trị gia đã vươn lên tới đỉnh cao quyền lực trong Điện Kremli và trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô như Gorbachev lại góp tay vào một cách tàn khốc để xóa bỏ thể chế cộng sản ở Moskva? Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, Gorbachev trong suốt cuộc đời làm chính trị của mình luôn luôn tìm mọi cách che giấu gương mặt thật và hành động một cách giả dối chỉ để được thăng tiến trên hoạn lộ.

Gorbachev và Khruschev

Trong lịch sử siêu cường Xô viết đã có hai thủ lĩnh của Đảng Cộng sản Liên Xô bị buộc phải rời khỏi ghế của mình không phải theo cách tự nguyện. Trước Gorbachev là Nikita Khrushchev (1894-1971), từng giữ cương vị Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô trong giai đoạn từ tháng 9/1953 tới tháng 10/1964. Có lẽ cũng chính vì thế nên giới nghiên cứu lịch sử Nga hay so sánh Gorbachev với Khushchev.

Nhìn nhận một cách công bằng, trong sự nghiệp của hai nhân vật này có không ít những nét tương đồng: cả hai đều là những nhà lãnh đạo đưa ra những biện pháp mang tính thay đổi căn bản so với những người tiền nhiệm, cả hai khi ở trên vị trí cao nhất trong bộ máy lãnh đạo đều “qua cầu rút ván” và lớn tiếng phê phán các bậc tiền bối. Khrushchev khởi xướng cuộc cải cách được gọi bằng tên một tác phẩm của nhà văn lớn Ilya Erenburg Ottepel (Mùa tuyết tan), còn Gorbachev được coi là người bấm nút thực hiện perestroika (cải tổ). Khrushchev đã giương ngọn cờ chống tệ nạn “sùng bái cá nhân”, còn Gorbachev nhấn vào tinh thần “công khai”. Khrushchev đưa ra khẩu hiệu: “Đuổi kịp và vượt lên”, còn Gorbachev - “Tăng tốc”!

Ngay cả trong việc hai nhà lãnh đạo này bị gạt ra rìa cũng có những chi tiết giống nhau. Khrushchev đã bị chính các đồng chí của mình buộc phải nhường vị trí cho Leonid Brezhnev “vì lý do sức khỏe” để che giấu những mâu thuẫn nội bộ trong Đảng Cộng sản Liên Xô lúc đó. Lý do này cũng đã được sử dụng trong tháng 8/1991 để Ủy ban về tình trạng khẩn cấp của những  người làm chính biến (gồm toàn lãnh đạo cấp cao trong Điện Kremli) lý giải việc họ đứng ra nắm chính quyền trong lúc Gorbachev đang cùng gia đình đi nghỉ hè ở Foros bên bờ Biển Đen. Có điều, khác với Khrushchev, sau khi bị tấn công như thế, Gorbachev vẫn quay lại được Điện Kremli khi chính biến thất bại nhưng cũng chỉ trụ lại ở đó được thêm một thời gian ngắn ngủi. Tới tháng 12/1991, Liên bang Xô viết bị phá vỡ thành nhiều mảnh và dĩ nhiên Gorbachev cũng bị mất hết các chức vụ.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói nói rằng, bất chấp những chi tiết ít nhiều tương đồng như thế, về bản chất, Khrushchev và Gorbachev vẫn có những khác biệt mang tính nguyên tắc. Các hoạt động của Khrushchev khi ông này làm chủ Điện Kremli đã không dẫn tới tan rã những cội gốc của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Trong khi đó, đường lối chính trị mà Gorbachev thi hành chỉ trong một thời gian ngắn đã làm thay đổi hoàn toàn chế độ chính trị khiến Liên Xô sa chân vào một cuộc khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng, đến mức rốt cuộc không thể thoát khỏi vực thẳm và bị tan rã. Các quyết định của Khrushchev phần nhiều trông rất ngẫu hứng, tiện đâu làm đó và vì thế về sau bị gọi là chủ nghĩa duy ý chí. Nếu nghiên cứu một cách kỹ lưỡng những biện pháp cải tổ mà chính quyền do Gorbachev đứng đầu thực hiện, có thể thấy, và sau chúng một kế hoạch thay đổi to lớn đã được suy tính khá kỹ trong đời sống xã hội, trong kinh tế, trong lĩnh vực các quan hệ với phương Tây…

Từ góc độ đó, khó có thể nghĩ rằng Gorbachev đã hoàn toàn bị động với thời cuộc và vô tình để Liên Xô rơi vào vòng xoáy định mệnh dẫn tới tan rã. Đúng logic hơn là phải cho rằng, dầu sao thì Gorbachev cũng đã thực hiện một kịch bản cụ thể nào đó, dù rằng, kịch bản này tới một thời điểm nhất định đã không lường trước được hết những được mất thiệt hơn của chính ông ta. Tức là đến trước thời điểm mà ông ta “ngộ” ra được rằng, nếu tự nguyện bàn giao lại chính quyền, hy sinh đất nước thì ông ta sẽ có triển vọng giữ được những lợi ích cá nhân của mình.

Chỉ cầu lợi và thăng tiến

Gorbachev là một sản phẩm mang thuần tính Xô viết với một lý lịch của một nhà quản lý điển hình. Ông ta xuất thân từ một gia đình nông dân, thời trẻ từng lái máy cày, rồi đi học ở Đại học Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU). Tiếp theo, Gorbachev lập nghiệp chính trị từ công tác đoàn rồi chuyển sang công tác đảng, lần lượt làm Bí thư Thành đoàn, rồi Bí thư Khu đoàn, rồi Bí thư Khu ủy, Ủy viên Hội đồng Xô viết tối cao, Ủy viên BCH TW Đảng và cuối cùng là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô.

Tới giai đoạn này trên hoạn lộ của mình, ở Gorbachev đã nảy sinh tư tưởng cải cách? Cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát về chuyện này.  Có thể, cội nguồn của “tư duy mới” đã bắt nguồn trong tình bạn với nhà tư tưởng tương lai của cải tổ Aleksandr Yakovlev  từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, khi Yakovlev đang là đại sứ Liên Xô ở Canada? Cũng có thể mối quan tâm tới cải cách ở Gorbachev đã nảy sinh trước đó rất lâu? Các tư liệu cho thấy, trong giảng đường MGU từ đầu những năm 50, chàng sinh viên Mikhail kết thân với anh bạn đồng môn tới từ Tiệp Khắc Zdenek Mlynarzh, người về sau đã trở thành nhà tư tưởng của “mùa xuân Prague” (sự kiện chính trị diễn  ra ở Tiệp Khắc từ ngày 5/1 tới 20/8/1968, dẫn tới việc Moskva phải đưa các đơn vị quân đội vào “dẹp loạn”).

Theo TS Aleksandr Ostrovsky, tác giả công trình nghiên cứu Ai dựng nên Gorbachev?, thực ra không phải Gorbachev mà chính là Yuri Andropov (sinh năm 1914, từng là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô trong giai đoạn từ 12/11/1982 cho tới khi qua đời ngày 9/2/1984) mới là người nghĩ tới việc phải bắt đầu công cuộc cải tổ.

Theo thông tin do chính cựu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, Ủy viên BCT Nikolai Ryzhkov tiết lộ, tháng 11/1982, ông Andropov đã lập ra Ban Kinh tế trực thuộc BCH TW Đảng và đưa chính ông Ryzhkov lên làm Trưởng ban với nhiệm vụ chuẩn bị để chuyển sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần. Cũng với mục đích này mà ông Andropov còn lập ra thêm một nhóm công tác đặc biệt để chuẩn bị cải cách kinh tế mà trong thành phần có cả Gorbachev. Nhóm công tác này không có định vị chính thức và trong thực tế thì do Ủy viên BCT Gorbachev lãnh đạo. Nhờ chức trách này mà Gorbachev bỗng nhiên lại có vị thế cao hơn cả Bí thư Trung ương Đảng Ryzhkov.

Tới mùa xuân năm 1985, luận điểm cải cách kinh tế đã được chuẩn bị xong. Theo đó, chỉ cần duy trì sở hữu nhà nước 50% tài sản. Phần còn lại sẽ là khu vực kinh tế tư nhân. Tới năm 1986, Gorbachev đã công khai phát biểu về việc từ bỏ cơ chế lập kế hoạch và trao cho các đơn vị sản xuất toàn quyền tự định đoạt các hoạt động của mình.

Tháng 12/1984, Gorbachev sang thăm “hòn đảo sương mù” và tại đó, đã có một cuộc gặp quan trọng với nữ Thủ tướng Anh khi đó là “bà đầm thép” Margaret Thatcher. Đây gần như là lần ra mắt để “xác định mặt hàng”. Trong thời gian Gorbachev lưu trú tại London đã xảy ra một việc rất cần được quan tâm: ông ta không tới viếng mộ Karl Marx dẫu rằng hoạt động này đã được ghi trong kế hoạch. Về sau, Gorbachev biện minh là vì thiếu thời gian(?!). Tuy nhiên, ông ta lại tìm ra đủ thời gian để tới thăm xưởng may Gieves and Hawkes chuyên phục vụ cho hoàng gia Anh để đặt cho mình một số bộ đồ xịn. Ngay cả phu nhân của Gorbachev, bà Raisa, cũng không có thời gian để ghé viếng mộ Marx(?!). TS Ostrovsky cho rằng, đó là một hành động cố ý mang tính biểu tượng.

Liệu điều đó có mang ý nghĩa rằng ngay từ trước khi bắt đầu perestroika, Gorbachev trong sâu thẳm lòng mình đã li khai với chủ nghĩa Marx? Không dễ đoán mò tâm trạng của người khác nhưng nếu xét theo các hành động của Gorbachev trong giai đoạn đó thì có thể thấy, ông ta chỉ luôn luôn nghĩ tới việc thăng tiến trên hoạn lộ và khi một bộ phận ban lãnh đạo Xô viết cùng với Andropov bắt tay vào thực hiện đường lối cải cách thì Gorbachev đã gia nhập một cách không hề do dự. Gorbachev đã luôn luôn làm theo mệnh lệnh của cấp trên một cách vô điều kiện dù đó là mệnh lệnh gì đi chăng nữa. Và ông ta luôn tìm mọi cách để làm đẹp lòng thượng cấp.

TS Ostrovsky trong cuốn sách của mình đã công bố một số trích đoạn từ biên bản một cuộc họp chi bộ ở Khoa Luật MGU năm 1953. Trong đó, khi Stalin đã qua đời, anh sinh viên trẻ Mikhail lớn tiếng phê phán một số giảng viên và bạn đồng môn đã không nghiên cứu trước tác của lãnh tụ sâu sắc như cần thiết. Tuy nhiên, khi Khrushchev lên cầm quyền, Gorbachev lại tỏ ra rất nhiệt tình ủng hộ đường lối cải cách của ông này. Rồi sau đó, khi Khrushchev bị loại bỏ, Gorbachev ở Khu ủy Stavropol đã lại rất tự tin phê phán các chính sách của ông này. Đúng là kỳ nhông!

Theo TS Ostrovsky, tất cả những câu chuyện vừa kể chứng tỏ một điều rằng, Gorbachev là một kẻ cơ hội bậc nhất. Liệu ông ta đã bao giờ có quan điểm riêng trong một vấn đề nào đó không? Rất khó nói vì cho tới hôm nay, khi đã ngoại bát thập, ông ta vẫn tiếp tục che giấu bộ mặt thật của mình

Nguyễn Trung Tín
.
.